top of page
Tìm kiếm

Gen Z và văn hóa Y2K: 3 tuần hoài niệm để tìm tới hạnh phúc hiện tại

Nền văn hóa đại chúng trong những năm qua đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của làn sóng "hoài niệm", với sự hồi sinh đầy ngoạn mục của hàng loạt xu hướng mang dấu ấn của thập niên 1990 và đầu những năm 2000 (Y2K). Lý do đằng sau làn sóng này là gì và làm sao "tận dụng" nó để làm phong phú cho đời sống tinh thần của chúng ta ở hiện tại?



Nối tiếp bài viết trước với tựa đề Vì sao hoài niệm có thể giúp chúng ta lạc quan hơn trong cuộc sống?, trong bài viết lần này, LeLa Journal phân tích những lý giải mang tính khoa học đằng sau việc nhiều bạn trẻ "đu trend" hoài niệm và mốc thời gian để "tối ưu hóa" việc này.



Khi thế hệ trẻ ưa tìm về cái cũ


Niềm hứng thú của giới trẻ trong việc "lội ngược dòng thời gian" được thể hiện rất rõ trong các sản phẩm văn hóa phổ biến thời gian gần đây. Ở lĩnh vực điện ảnh, có thể thấy được điều này qua sự trở lại của một loạt các phim kinh điển như The Lion King, Scream hay trong năm nay là BarbieSuper Mario.


Hai bộ phim về đồ chơi và trò chơi gắn liền với tuổi thơ của cả một thế hệ đã đạt doanh thu bùng nổ ở phòng vé với Barbie hơn 1,4 tỷ đô và Super Mario hơn 1,3 tỷ đô (1), (2).

Ngành giải trí toàn cầu cũng đang chứng kiến sự lên ngôi của những nghệ sĩ Gen Z với phong cách cá nhân mang đậm dấu ấn của những năm 2000 với dây thả, ren, áo cánh rộng, váy dài... (3), (4), (5), (6). Các đại diện có thể kể đến như Olivia Rodrigo hay NewJeans (7).


Hình ảnh hai nữ ca sĩ Olivia Rodrigo và Hyein (của NewJeans) mặc những bộ trang phục theo phong cách Y2K (hai hình bên trái), có nhiều điểm tương đồng với trang phục của hai nữ diễn viên Jessica Alba và Lucy Liu trước đây (hai hình bên phải)


Đặc biệt, ở mảng thời trang, phong cách Y2K ("Year 2000" nghĩa là "năm 2000") đã trở thành xu hướng chủ đạo chiếm lĩnh tủ quần áo của giới trẻ trong suốt mấy năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (3), (4), (5), (7).


Nhóm nhạc NewJeans xuất hiện trong một sự kiện, như thể stylist của nhóm vừa "xuyên không" từ Y2K về. (Nguồn: allkpop.com)
Nhóm nhạc NewJeans xuất hiện trong một sự kiện, như thể stylist của nhóm vừa "xuyên không" từ Y2K về (Nguồn: allkpop.com)

Hoài niệm vốn là một cảm xúc tự nhiên của con người, nhưng với các bạn trẻ ngày nay, nguyên nhân khiến những dấu ấn văn hóa thời đại trước trở nên có sức hút không chỉ đơn giản như vậy.

Vậy đâu là những lý do khiến văn hóa "hoài niệm"được ưa chuộng bởi Gen Z, thế hệ vốn luôn gắn liền với sự năng động và đi đầu trong việc đổi mới?



Gen Z, COVID-19 và những năm tháng bị "đánh cắp"


Theo lời Giáo sư Tâm lý học Krystine Batcho tại Cao đẳng Le Moyne ở Syracuse (New York, Hoa Kỳ) trong khi nhiều lý thuyết gia cho rằng tuổi già là lúc con người có nhiều hoài niệm thì dữ liệu lại cho thấy thực tế tuổi mới trưởng thành mới chính là thời điểm nỗi nhớ "lên ngôi" (khoảng những năm 20 - 30 tuổi) (8).


Đây là thời điểm mà hầu hết chúng ta bắt đầu tìm kiếm sự độc lập trong cuộc sống cũng như khám phá căn tính của bản thân (8).

Những năm đầu của tuổi trưởng thành là giai đoạn chuyển tiếp then chốt của cuộc đời, và bởi vậy, đây cũng là thời kỳ bấp bênh nhất trong cuộc sống của nhiều người. Những trải nghiệm gắn liền với tuổi trẻ, dù tích cực hay tiêu cực, đều góp phần giúp ta trưởng thành hơn về tư duy, cảm xúc và định hình cái "tôi" của mình.


Chúng ta như đứng trước một ngưỡng cửa, với một chân đã bước vào xã hội của người trưởng thành nhưng một chân vẫn chưa rời khỏi thế giới cũ vốn quen thuộc suốt thời thơ ấu. Tương lai có vẻ vừa hứa hẹn, vừa ẩn chứa không ít những rủi ro. So với đó, quá khứ đã qua trở nên thật đơn giản, thân quen và có trật tự.


Hoài niệm là một phần không thể thiếu của tuổi trưởng thành. Nhưng với Gen Z hiện nay, dường như còn có nhiều lý do hơn để cảm thấy nuối tiếc về quá khứ. Trong một video quảng cáo của Đức đạt 17 triệu lượt xem (9), khi được cậu con tuổi teen hỏi về điều ước Giáng Sinh, người mẹ đã ước sao cho con trai mình có lại được những năm tháng trẻ thơ bị đánh mất vì COVID-19.


Đây có lẽ cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người. Do đại dịch toàn cầu, thế hệ trẻ ngày nay đã bị tước đi thật nhiều cơ hội để trải nghiệm, từ những kỷ niệm với trường lớp, những chuyến đi khám phá, đến những mối quan hệ lỡ dở…


Thiếu đi những cơ hội để "lớn lên" đó, không khó để hiểu vì sao Gen Z lại cảm thấy bất an về tương lai và khao khát tìm về với quá khứ.


Hoài niệm để "thoát ly" thực tại với muôn vàn áp lực


Đại dịch có thể đã qua đi, nhưng một thế giới "hậu COVID" cũng chẳng mấy dịu dàng với thế hệ trẻ. Gen Z bước vào tuổi trưởng thành khi nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ về một thời kỳ suy thoái kéo dài.


Thị trường lao động ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với những sinh viên mới ra trường – những lao động trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và dễ dàng bị thay thế bởi AI - "lực lượng lao động mới" được tạo ra bởi công nghệ. Tại Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị đã lên tới 21,3% vào tháng 6 năm nay, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 4 năm (10).


Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, Gen Z – thế hệ đầu tiên lớn lên cùng với Internet và mạng xã hội - còn phải đối mặt với không ít những áp lực khác nảy sinh từ thời đại kỹ thuật số.

Những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới ảo đến sức khỏe tinh thần không còn là điều xa lạ, nhưng nhận thức được điều đó không có nghĩa ta có thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của nó. Khi mà một lượng lớn thông tin ta tiếp nhận hàng ngày là những hình ảnh đẹp đẽ, hoàn hảo về cuộc sống của người khác, thật khó để cảm thấy hài lòng với những gì bản thân đang có và không bị cuốn vào áp lực phải tiêu xài thật nhiều để "bằng bạn bằng bè".


Không dừng lại ở đó, sự phát triển chóng mặt của công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng dấy lên không ít lo ngại về việc nhiều ngành nghề sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong tương lai. So với các thế hệ đi trước, Gen Z nhanh nhạy hơn hẳn trong việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ vào đời sống. Tuy nhiên, ẩn đằng sau sự nhạy bén đó chính là nhận thức rằng bản thân sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không kịp thời thay đổi.


Trước một viễn cảnh chẳng mấy sáng sủa của nền kinh tế cùng với áp lực phải không ngừng học hỏi cái mới, Gen Z tìm thấy cảm giác an toàn từ những xu hướng trong quá khứ – khoảng thời gian mọi thứ dường như chậm rãi và dễ thở hơn.


Có thể nói quá khứ chính là cái "kén" an toàn của Gen Z.


Sống trong quá khứ để tìm niềm an ủi cho sự cô đơn


Khi mà sự phát triển của công nghệ khiến việc kết nối trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết thì thực tế đáng ngạc nhiên là mối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội dường như lại trở nên ngày một xa cách. Bất kể là mua sắm, học tập, làm việc, hẹn hò... giờ đây con người gần như thực hiện được mọi việc mà không thông qua tiếp xúc trực tiếp với người khác.


Tuy nhiên, dù có tiện lợi đến đâu, các tương tác ảo vẫn không thể thay thế được nhu cầu kết nối về cảm xúc trong thế giới thực của con người. Một người có thể có hàng trăm lượt thích cho mỗi bài đăng trên mạng xã hội, nhưng vẫn không có ai mà họ cảm thấy thực sự thân thiết hay một mối quan hệ đủ an toàn để được là chính mình.


Việc có quá nhiều những lựa chọn truyền thông và giải trí còn dẫn đến sự chia rẽ của văn hóa đại chúng, khiến cho việc tìm thấy một người thực sự "hợp cạ" ngoài đời trở nên khó khăn hơn.

Kết quả là, con người đang ngày càng trở nên cô đơn và chật vật trong việc tạo dựng các mối quan hệ có ý nghĩa, đặc biệt là với Gen Z – thế hệ phụ thuộc nhiều nhất vào công nghệ. Theo kết quả một cuộc khảo sát trên 10.000 nhân sự tại Hoa Kỳ, có đến hơn 70% Gen Z cho biết họ cảm thấy lạc lõng trong không gian công việc và không có ai thực sự hiểu mình (11).


Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, khi phải đối mặt với nỗi cô đơn và sự thiếu vắng cảm thức về cộng đồng, con người có xu hướng tìm kiếm niềm an ủi bằng cách hướng về quá khứ (12), (13). Cụ thể là vào năm 2020, một nghiên cứu tổng hợp về hoài niệm đã cho thấy rõ khía cạnh nhận thức xã hội và gia tăng động lực cho con người (12).


Đặc biệt, với những người cô đơn, sự hoài niệm có thể giúp "phục hồi" những ý nghĩa trong cuộc sống (13). Kết quả này khá đồng nhất với những lý do liên quan tới đại dịch COVID-19 mà LeLa Journal đã lý giải ở trên.


Hơn nữa, các kết quả còn cho thấy việc hoài niệm về quá khứ có thể hỗ trợ cuộc sống của chúng ta, không chỉ ở hiện tại mà còn là ở tương lai (12). Thông qua việc hoài niệm ở hiện tại, bạn cũng có thể được gia tăng cảm giác tự tin hay hiệu quả khi tương tác xã hội (14), (15); với tương lai, bạn cũng sẽ xây dựng được bức tranh toàn cảnh tích cực hơn (16), (17).


Như vậy, sự trở lại của những trào lưu thời trang, âm nhạc hay phim ảnh từng phổ biến trước đây là cầu nối giúp Gen Z "sống lại" một khoảng thời gian êm đềm, vắng bóng những vấn đề của một xã hội kỹ thuật số. Đồng thời, thông qua việc chia sẻ những ký ức chung, ta có thể cảm nhận được kết nối mạnh mẽ hơn với những người xung quanh, từ đó giảm bớt cảm giác cô đơn và mất phương hướng trong cuộc sống.


Có lẽ làn sóng "hoài niệm" của Gen Z trong một loạt các lĩnh vực đời sống không đơn thuần chỉ là một trào lưu giải trí nhất thời. Tìm về với quá khứ là một xu hướng tâm lý tự nhiên khi phải đối mặt với cảm giác bất an, áp lực và cô đơn – những cảm xúc vốn gắn liền với thế hệ trẻ, đặc biệt là trong thời đại ngày nay.


Trên thực tế, một số nhà tâm lý học đã thử áp dụng việc hoài niệm như một biện pháp trị liệu tâm lý nhằm giúp nâng cao mức độ hạnh phúc và đạt được kết quả khả quan (18).

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy rằng chỉ trong ba tuần, các khách thể có suy ngẫm hoài niệm sẽ đạt được chỉ số an lạc cao hơn. Sau sáu tuần và sau một tháng theo dõi, tác động tích cực của việc hoài niệm chỉ còn thấy ở những người vốn có thiên hướng hoài niệm. Tuy nhiên, vào lúc đó, việc hoài niệm thường đi kèm với chỉ số an lạc thấp. Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận được rằng để đạt được kết quả khả quan nhất, chúng ta chỉ nên suy ngẫm hoài niệm trong tối đa 3 tuần (18).


Nếu vậy thì bạn hãy nhanh tay vào Spotify, Apple Music, Youtube... để nghe một loạt các list nhạc Y2K trong ba tuần tới thôi nào.

Dù vậy, ta cần nhận thức được rằng, con người thường có xu hướng lý tưởng hóa và nhìn về quá khứ qua lăng kính màu hồng (và thực tế, Trái đất cổ đại có thể cũng từng được bao phủ bởi màu hồng, như nghiên cứu đã được LeLa Journal giới thiệu trong bài viết "Màu hồng từng thống trị thế giới ra sao?"). Như đã nhắc tới ở bài trước, hoài niệm chỉ có giá trị nếu ta có thể biến nó thành động lực để tìm ra hướng đi cho mình ở hiện tại và vươn tới tương lai. Chúng ta được các nhà khoa học khuyến khích tìm kiếm cảm giác an toàn và ổn định qua việc hoài niệm. Điều quan trọng là đừng để bản thân đắm chìm vào những gì đã qua để rồi cảm thấy chán nản, thất vọng với hiện tại.



Comments


bottom of page