top of page
Tìm kiếm

Góc khuất tâm lý con người: Trung bình mỗi người nắm giữ bao nhiêu bí mật?

Ai cũng mang ít nhất một bí mật, hoặc thậm chí là... 13 bí mật (1). Cái cũ từ quá khứ, cái mới biết hôm nay và có thể là cả những chuyện bí mật mà chúng ta đang chờ được biết vào ngày mai. Đó có thể là chuyện tình cảm đơn phương dành cho một người, việc lén vượt đèn đỏ, nói dối với bố mẹ, những khoản "quỹ đen"... Nếu là những bí mật nho nhỏ vô hại thì không sao, nhưng nếu đó là những bí mật lớn và đang gặm nhấm bạn thì nguy cơ gây hại là rất lớn.


"Trong đời ai cũng có những chương bí mật mà họ hy vọng chúng không bao giờ được biết tới" - Agatha Christie - tác giả trinh thám nổi tiếng thế giới (2).


Michael Slepian, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia chia sẻ rằng nghiên cứu của ông đã cho thấy 97% trong số chúng ta đang nắm giữ một bí mật nào đó và trung bình mỗi người giữ khoảng 13 bí mật cùng lúc (1).


38 loại bí mật phổ biến có thể kể đến là sở thích, ham muốn, vấn đề xung quanh các mối quan hệ, tình dục, lừa dối, ngoại tình và làm mất lòng tin của người khác... (1).



Giữ bí mật đang "gặm nhấm" sức khỏe bạn


Khi chúng ta cố bảo vệ bí mật thì gần như ngay lập tức, não bộ sẽ tự tưởng tượng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra nếu như vô tình khiến cho bí mật bị lộ ra ngoài. Khi đó, chúng ta dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi bởi lúc nào cũng phải "bày mưu tính kế" sao cho bí mật được "đào sâu chôn chặt" mãi mãi. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác hại của bí mật vốn không đến từ áp lực phải che giấu, mà là từ việc bạn phải chung sống và suy nghĩ về nó (3).


Hãy hình dung về việc bạn đang nói dối đối tác về một cuộc thương thảo và các điều kiện đi kèm. Ban đầu, đó chỉ là những lời nói dối nho nhỏ về việc dự án chậm tiến độ, nhưng dần dần, bạn phải nói dối nhiều hơn để che giấu đi bí mật là công ty đang gặp vấn đề về tài chính và bộ phận luật yếu kém cũng không thể đưa ra được chiến lược phù hợp cho dự án này. Cuối cùng, chính bạn cũng không thể nhớ hết những lời nói dối của mình mà phải lưu tất cả vào một... file excel để tiện ghi nhớ xem bạn đã nói dối điều gì vào thời điểm nào.


Nếu bạn không nói đúng sự thật, bạn luôn phải cố ghi nhớ thông tin giả. Việc nhắc đi nhắc lại một bí mật trong tâm trí, hết lần này đến lần khác sẽ khiến bạn mệt mỏi.

Giáo sư Michael Slepian cũng nói thêm rằng: "Điều khó khăn khi có một bí mật không phải là chuyện chúng ta phải che giấu nó, mà là chúng ta phải sống chung với nó trong chính suy nghĩ của mình" (4).


Không dừng lại ở đó, việc liên tục phải nghĩ về những bí mật và lời nói dối không chỉ khiến bản thân bạn mất đi cảm giác vui vẻ, mà còn làm tăng sự lo lắng và nguy cơ mắc các chứng liên quan tới tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm... (3).


Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc giữ bí mật có thể ảnh hưởng xấu tới chúng ta, bao gồm làm tăng đáng kể hormone gây căng thẳng, tác động đến huyết áp, gián đoạn giấc ngủ, gây rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí làm tăng những cơn đau mãn tính... (5).



Vậy chúng ta nên làm gì với bí mật?


Một bài bình duyệt vào năm 2022 của Christine Q. Nguyen và Giáo sư Michael L. Slepian đã cho thấy rằng việc tiết lộ bí mật là một hình thức tự bạch (self-disclosure) và rất khác biệt so với những hình thức bộc bạch bản thân khác trong xã hội. Bên cạnh đó, chia sẻ hay giữ bí mật là một quyết định phức tạp, bởi lợi ích mà nó mang lại, bao gồm sự hỗ trợ xã hội và góc nhìn mới mẻ mà chúng ta nhận được sau khi chia sẻ (6).


"Chôn kín" bí mật hay "trút bầu" tâm sự?


Có những bí mật mà sau khi chia sẻ, bạn gần như không nhận được sự hỗ trợ và góc nhìn nào, hoặc tệ hơn là phải hứng chịu chỉ trích và phải trả giá vì nó.


Đây là những trường hợp mà bạn cần cân nhắc tiếp tục giữ bí mật hoặc tìm người phù hợp để chia sẻ (7).

Trong trường hợp mà thu nhập của bạn nhiều gấp 3-4 lần thu nhập của anh, chị, em trong đại gia đình và việc bạn chia sẻ về thu nhập có thể khiến gia đình nổ ra các cuộc tranh cãi lẫn sự tị nạnh, bạn có thể cân nhắc giữ bí mật về thu nhập của bản thân, hoặc là nói dối nếu cần thiết.



Ngoài ra, nghiên cứu đăng trên tạp chí Sage Journals tiết lộ rằng khi một người tâm sự bí mật với bên thứ ba thì điều đó không làm giảm tần suất mà họ phải che giấu bí mật với những người khác, mà thay vào đó, nó làm giảm tần suất tâm trí của họ nghĩ đến chúng (8). Đây là tiền đề cho một cuộc sống lành mạnh hơn (7).


Điều này cũng hỗ trợ rất tốt trong việc giảm thiểu tác hại của những bí mật. Đặc biệt, nếu lựa đúng người thì dù đó là người lạ, chúng ta cũng có thể tâm sự cùng người lạ để... giảm gánh nặng với những bí mật đã quá quen với bạn mỗi ngày.

Kết luận từ các nghiên cứu đã cho thấy rằng những người giãi bày tâm sự, bí mật cho người khác thường có xu hướng trở nên lành mạnh hơn là những người luôn giữ bí mật cho bản thân (9), (10), (11).


Giáo sư Michael Slepian cũng cho biết rằng: "Chia sẻ câu chuyện với người mà bạn tin tưởng sẽ hiệu quả vì mọi người có thể mang đến một quan điểm độc đáo, sự hỗ trợ hoặc lời khuyên về mặt cảm xúc". Ngay cả khi không nhận được lời khuyên mà chỉ được lắng nghe thì điều đó cũng có thể giúp bạn có cái nhìn khác về vấn đề của mình và tiến lên phía trước (4).


Tiết lộ một bí mật có thể mang lại cảm giác sảng khoái và nhẹ nhõm (12). Khi tâm sự với người đáng tin cậy, bạn sẽ có cảm giác an tâm và được bảo vệ. Ngoài ra, bạn có thể nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần như những lời khuyên hữu ích hoặc hướng đi khác phù hợp hơn.


Điều đó sẽ khiến cho bạn cảm thấy tự tin hơn và sẽ giảm đi cảm giác tội lỗi - nếu bí mật đang cất giữ có tác động tiêu cực.

Ví dụ, bạn biết hai người đồng nghiệp của mình đang yêu nhau nhưng một trong hai người lại "thay lòng" và đang tán tỉnh thêm người khác. Bạn lâm vào tình thế khó xử vì đây vốn không phải chuyện của bạn. Khi đó, bạn có thể tâm sự với những người mà bạn tin tưởng để có thể giải tỏa và tìm được những góc nhìn tích cực hơn.


Như vậy, để đưa ra quyết định giữ kín hay chôn giấu bí mật, chúng ta cần cân nhắc kỹ tới ảnh hưởng của bí mật đó, những người có liên quan, lợi ích khi chia sẻ và đặc biệt là người mà chúng ta chia sẻ.


Comments


bottom of page