top of page
Tìm kiếm

Ham muốn tình dục: Nam giới hay nữ giới có nhu cầu cao hơn?

Có một sự thật là nam giới có tần suất "quay tay" nhiều hơn nữ giới (1), nhưng cũng tồn tại một sự thật khác là ham muốn tình dục của nữ giới biến đổi phức tạp hơn nhiều (2). Từ trước đến nay, dù còn nhiều cấm kỵ khi nhắc đến tình dục như một nhu cầu bản năng của con người, nhưng nếu phải "xếp hạng" thì liệu nam giới hay nữ giới mới thực sự có nhiều ham muốn tình dục hơn?



Có nhiều người cho rằng đàn ông có nhiều ham muốn tình dục hơn.

Lý do thường thấy của "giai thoại" này là nồng độ testosterone trong cơ thể nam giới. Cụ thể, đàn ông dễ "cương" hơn, dẫu chỉ từ một kích thích nhỏ nhất và có vẻ luôn trong trạng thái sẵn sàng làm tình. Trong khi đó, nữ giới phải "có tâm trạng" mới có thể "nổi hứng" và nghĩ đến chuyện chăn gối.


Chưa dừng ở đó, giai thoại này còn trích dẫn nhiều nghiên cứu về hormone sinh lý để dẫn chứng cho việc đàn ông tìm đến tình dục dễ dàng như "bật một công tắc", còn ở nữ giới thì việc đó lại khó khăn. Chính vì vậy, trong suốt nhiều năm, xã hội đã tin vào điều này đến độ nó gần như trở thành một sự thật hiển nhiên.


Nhưng sự thật thì không phải thế.

Càng mở rộng nghiên cứu về tính dục và giới, các học giả hiện đại không còn đơn thuần phân chia nhị nguyên – nam hoặc nữ – khi nói về ham muốn tính dục nữ.


Tiến sĩ trị liệu hôn nhân và gia đình kiêm tác giả của tựa sách bán chạy Not Always in the Mood: The New Science of Men, Sex, and Relationships, Sarah Hunter Murray, chia sẻ rằng: "Ý niệm cho rằng đàn ông có thôi thúc tình dục (sex drive) cao hơn nữ giới đã bị khái quát hóa quá mức và không đúng thực tế".


Điều gì ảnh hưởng đến (sự bày tỏ) ham muốn của chúng ta?



Các nhà nghiên cứu cho rằng: quy định của xã hội, văn hóa và niềm tin tôn giáo tác động đến ham muốn, dục năng và cách chúng ta nhận thức về tính dục một cách mạnh mẽ, không thua gì các yếu tố sinh học. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của là mức độ cởi mở của các diễn ngôn về tình dục, xét trong nhiều không gian và bối cảnh. Theo đó, đàn ông có xu hướng bàn bạc công khai chuyện ham muốn và tình dục. Trong khi nữ giới phải kín kẽ hơn, thậm chí không được phép nhắc đến vì như vậy là "thiếu đoan trang".


Chẳng hạn, xã hội "cho phép" và dần quen với việc đàn ông thoải mái ngồi quán bia, rượu công khai "khoe" chuyện chăn gối hay lịch sử tình trường, nhưng phụ nữ thì cần phải tụ tập nhóm nhỏ tại gia để tán gẫu. Thậm chí, nhiều người phụ nữ đang trò chuyện nơi công cộng mà đổi sang chủ đề tình dục thì ngay lập tức phải hạ giọng.


1. Liệu đàn ông thật sự "trong đầu lúc nào cũng chỉ có tình dục"?



Trong hai bài nghiên cứu trải dài từ 2003 và 2006 của mình, Terri. D. Fisher và cộng sự đã xem xét tác động của các quy chuẩn xã hội (social norm) lên cách nam và nữ báo cáo về hành vi tình dục của mình (3), (4). Theo những gì thu thập được từ khảo sát trên nhóm đối tượng là sinh viên chưa kết hôn, Fisher chia đối tượng nghiên cứu thành ba nhóm:

  • Nhóm được thông báo rằng kết quả khảo sát về hành vi tình dục của họ (xem phim khiêu dâm, thủ dâm, thái độ đối với các hình thức tình dục ngẫu hứng, số lượng bạn tình, tuổi quan hệ lần đầu...) sẽ "bị" trợ lý nghiên cứu xem qua.

  • Nhóm được đeo thiết bị phát hiện nói dối khi thực hiện khảo sát.

  • Nhóm đối chứng, không dùng máy phát hiện nói dối và kết quả khảo sát của họ cũng được giữ kín.


Kết quả cho thấy rằng:

  • Khi biết có người sẽ xem báo cáo của mình và đặc biệt, người đó lại là nữ, khách thể nam giới có xu hướng phóng đại và khoa trương về số lượng bạn tình, cũng như tỏ ra mình là người "giàu kinh nghiệm" giường chiếu. Hành vi tương tự có thể được quan sát khi khách thể nam gặp trợ lý nghiên cứu nữ và được hỏi ý kiến về sự cởi mở, từng trải trong đời sống tình dục, tức là khách thể nam có xu hướng đánh giá cao kinh nghiệm của bản thân trước trợ lý nghiên cứu nữ. Tuy nhiên, hành vi này ít xuất hiện khi trợ lý nghiên cứu là nam.

  • Những hành vị tình dục tự thân (thủ dâm, xem phim khiêu dâm...) phổ biến ở cả hai giới và không có sự khác biệt lớn về mặt dữ liệu. Sự khác biệt về giới tính trong việc thực hiện các hành vi tình dục tự thân này chỉ tồn tại khi cá nhân bị đặt vào tình huống bị đe dọa (exposure threat condition), như ở nhóm đeo thiết bị phát hiện nói dối. Theo Roger Tourangeau và Tom W. Smith, trong những tình huống "bị đe dọa" như thế, các cá nhân cố tình báo cáo sai sự thật (5).

  • Khi báo cáo một cách ẩn danh, thái độ về tình dục và kết quả báo cáo hành vi tình dục của cả hai giới không bị thổi phồng và không có sự khác biệt về giới tính.


2. Lý do đằng sau "giai thoại" về nhu cầu của nam giới



Trong một công trình nghiên cứu công bố vào năm 1999 của mình, Tiến sĩ McConaghy đã chia sẻ rằng: "Sự thiếu thành thực trong việc báo cáo số lượng bạn tình ở nam giới và nữ giới là một trong những ví dụ rắc rối nhất liên quan đến thiên kiến (bias) và độ tin cậy của những lời tự báo cáo" (6).


Qua kết quả nghiên cứu trên, Tiến sĩ Fisher và nhiều học giả khác ủng hộ giả thuyết rằng nam giới có xu hướng "thổi phồng" sự thật về kinh nghiệm và trải nghiệm tình dục của mình, nhất là trong bối cảnh tính nam (mà xã hội quy định) của họ bị đe dọa, nhằm khôi phục và duy trì hiện trạng (status-quo) (7).


Cũng có thể, sự cởi mở quá mức ở nam giới trong chuyện tình dục là vì tư tưởng nam quyền (hypermasculinity) và sự phân biệt giới tính trong xã hội. Có lẽ vì thế mà nam giới có xu hướng làm tròn hoặc kê khống số lượng bạn tình và trải nghiệm tình dục của mình, nhằm duy trì sự thống trị theo truyền thống về mặt tình dục.


Chẳng hạn, người nam từng quan hệ tình dục với 7 người có thể sẽ... làm tròn thành 10.

Sự khác biệt về giới khi nhắc về tình dục - đã được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh là quy gán sai lệch - và sự "chụp mũ" này phản ánh cách xã hội quy định về tình dục ở nam và nữ.


Thật khó để có thể kết luận về việc giới nào nghĩ về tình dục nhiều hơn. Chúng ta cũng không thể giải thích rõ ràng lý do tại sao niềm tin về giai thoại "nam giới nghĩ thoáng, nói thoáng và ham muốn tình dục hơn nữ giới" lại phổ biến đến vậy.


Tuy nhiên, các kết quả trên cho thấy rằng niềm tin đó không vững chắc, bởi đó là những gì xã hội quy định, không xuất phát từ bản chất sinh lý con người.

Liệu hai giới có ham muốn như nhau hay không?



Các nhà trị liệu tình dục và nghiên cứu về tình dục cho rằng có hai loại ham muốn: Ham muốn tự phát và ham muốn đáp ứng. Trong đó, ham muốn đáp ứng cần đến sự kích thích.


Vế thứ hai của giai thoại đặt ra ở đầu bài cho rằng nữ giới ít ham muốn hơn và họ chú trọng vào sự thân mật hơn tình dục. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khao khát tình dục ở nữ cũng biến động theo độ tuổi và cả hai giới không có sự khác nhau về sự biến thiên ham muốn tình dục (desire fluctuations) (8).


Điều này có thể được hiểu đơn giản là cả hai giới đều có khả năng "hứng thú" tự phát như nhau.

Trong bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Archives of Sexual Behavior, nhóm nghiên cứu của Emily A. Harris và cộng sự phát hiện rằng, trong khoảng ngắn hạn, không có sự khác biệt về mức độ ham muốn tình dục giữa nam và nữ (9). Ở mức độ trung bình, cả nam và nữ đều có sự biến thiên về mức độ ham muốn. Song, giả thuyết rằng nam giới ham muốn hơn nữ giới là không có căn cứ.


Bên cạnh đó, cũng cần phải hiểu rằng, ham muốn tình dục thay đổi dựa trên hứng thú, sự hấp dẫn ngoại hình của đối tác và tình trạng sức khỏe (mệt mỏi, căng thẳng...) chứ không liên quan đến giới tính.


Điều này cũng phủ nhận luôn giả định rằng ham muốn của nữ sâu sắc và nhạy cảm hơn đàn ông.

Do đó, việc một người nữ từ chối hay đồng ý quan hệ tình dục không nói lên được rằng tình cảm của cô ấy ít hay nhiều, cô ấy có nhu cầu cao hay thấp... Những kết luận nhanh chóng đó cũng chỉ là những "sự chụp mũ" của xã hội lên nữ giới.


Bên cạnh đó, tương tự như giai đoạn tiền mãn kinh ở nữ, nam giới cũng giảm dần ham muốn khi lớn tuổi. Càng về già, nam giới càng dễ mắc chứng rối loạn cương dương và dễ bị xuất tinh sớm hơn. Cụ thể, khoảng 8% nam giới trong độ tuổi 20 mắc rối loạn cương dương; con số tăng lên 11% vào năm 30 tuổi (10). Trong khi đó, khoảng 20% nam giới trong độ tuổi 18 - 59 mắc chứng xuất tinh sớm (11). Những trải nghiệm này có thể khiến nam giới gặp nhiều áp lực, từ đó dẫn đến sự tự ti và giảm ham muốn.


Tóm lại, có những "niềm tin" của con người về tình dục thực chất chỉ là giai thoại hoang đường, được truyền tai trong khoảng thời gian dài. Phần lớn hành vi tình dục của chúng ta bị quy định bởi xã hội - điều này càng khiến những "giai thoại" được củng cố. Tuy nhiên, khoa học hiện đại vẫn đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu và cập nhật thêm nhiều thông tin chính xác về nhu cầu tình dục chính đáng của con người.

1 commentaire


Informative post

J'aime
bottom of page