Thật khó để kết luận liệu phong cách Đông dương (Indochine) là một trào lưu nhất thời hay xu thế lâu bền, vì dường như cứ thi thoảng thì nó lại... "on trend". Tại Việt Nam, ít có phong cách nào trường tồn và phổ biến đến thế. Hãy cùng LeLa Journal đến với dự án nhà tại Quảng Nam để bỏ túi ngay bí kíp "decor" nhà Indochine nhé.
"Indochine" là từ chỉ vùng Đông dương từng được đặt dưới quyền cai trị của thực dân Pháp, trong đó có Việt Nam. Do đó, phong cách kiến trúc, nội thất Đông dương (Indochine) cũng được "thổi hồn" trực tiếp từ kiến trúc Pháp, nhưng theo thời gian, đã được tinh chỉnh sao cho hợp với khí hậu và bối cảnh Á Đông, đặc biệt là tại Việt Nam.
Dự án "Sen Home" tại Quảng Nam có diện tích xây dựng 250m². Chỉ với những "cái nhìn đầu tiên", người xem dễ nhận thấy chất Indochine rõ rệt ở hành lang rộng được lát gạch bông.
Khi đem phong cách kiến trúc sang Việt Nam, người Pháp đã gặp phải khí hậu nhiệt đới gay gắt. Từ đó, mỗi ngôi nhà Indochine cần có hành lang rộng, cốt để "che chắn" cho gia chủ ở gian nhà chính bên trong.
Hành lang mái vòm, tông màu vàng, vật liệu đá mài, phào chỉ nhẹ... được tô điểm với một vài món đồ màu đậm nhưng vẫn dịu mắt. Với lợi thế trần cao và cửa sổ rộng, tổng thể không gian sẽ có mức tương phản màu sắc, ánh sáng vừa phải.
Là một ngôi nhà Indochine tại miền Trung, Sen Home sử dụng nội thất bằng vật liệu tự nhiên, thôn quê nhưng lại có tuổi thọ bền lâu, như là đá mài, gạch gốm nung thủ công, gạch bông, gỗ tự nhiên, mây, tre... Những điểm đặc trưng đó "khắc họa" được nét sống chậm, nhẹ nhàng của gia chủ giữa khung cảnh miền quê thanh bình.
Đó cũng là chất "tình" của một ngôi nhà Quảng Nam.
Một mặt, cái khó của phong cách Indochine là vừa "phô trương" được vẻ giàu có của giới tư sản (với ý định kiến trúc Pháp ban đầu) nhưng cũng vừa "e ấp" giữa khung cảnh trù phú của thành thị xen lẫn làng quê ở Việt Nam.
Một mặt khác, tính kết hợp của phong cách này cho phép mỗi gia chủ được sáng tạo trong cách thể hiện cái tôi cá nhân.
Nếu phải so sánh, có thể nói mỗi "tư gia" mang phong cách Đông dương (Indochine) lại giống một con chim công - tuy muôn màu, muôn vẻ nhưng vẫn có tính độc bản, không lẫn vào đâu được.
Hy vọng những phân tích trên đây sẽ có ích cho độc giả của LeLa Journal trong việc cân nhắc phong cách thiết kế phù hợp cho ngôi nhà yêu thích.
Thông tin về đơn vị thiết kế nội thất BOW.Atelier KTS chủ trì: Võ Đình Huỳnh Đơn vị thi công: Thợ địa phương Nhiếp ảnh: d i n h R |
Comments