top of page
Tìm kiếm

Các phương pháp "kiểm soát dân số" ở thú cưng

Nếu đợi đến lúc thú cưng "vỡ kế hoạch" rồi mới tìm hiểu các phương án phòng, tránh thai thì chúng ta không khác nào "mất bò mới lo làm chuồng". Vì vậy, chuyện kế hoạch hóa cho chó, mèo cần được chuẩn bị kỹ càng từ sớm.



Kiểm soát sinh sản ở thú cưng là khi con người sử dụng các biện pháp y khoa can thiệp vào hoạt động giao phối của thú cưng, hay chính xác hơn là tác động tới sự kết hợp giữa tinh trùng và nang trứng (1). Nhiều người thường cho rằng chỉ có triệt sản – phương thức loại bỏ hoàn toàn khả năng duy trì nòi giống – là phương pháp duy nhất giúp kiểm soát việc sinh sản ở thú cưng. Thực tế, chúng ta có thể cân nhắc nhiều phương thức đình sản khác.



Nối tiếp bài trước về chủ đề Bác sĩ thú y Như Ý: Quan sát và "lắng nghe" động vật để chăm lo chữa trị đúng cách; trong bài này, LeLa Journal giới thiệu một số phương thức để chủ nuôi kiểm soát việc sinh sản ở thú cưng, cũng như cách chăm sóc hậu phẫu. Để xác định phương án phù hợp nhất cho thú cưng, các bạn hãy tham khảo kỹ ý kiến chuyên gia và bác sĩ thú y.



Vì sao chủ nuôi nên giúp chó mèo tránh thai?


Đây là vấn đề khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu bởi tính đa chiều (2). Dù xem xét dưới góc độ nào thì nhìn chung, việc can thiệp có mục đích vào "tiến trình nhân giống" được xem là giúp ích ở nhiều phương phương diện, như là giúp chủ nuôi hiểu rõ về tình trạng sức khỏe, mối quan hệ của thú cưng để có hướng chăm sóc thích hợp với hoàn cảnh thực tế (3).


Trong một số trường hợp đặc biệt, các phương pháp đình sản cũng giúp hạn chế tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở những giống chó, mèo có kích cỡ bé hoặc không đủ điều kiện để sinh sản. Nguy cơ mắc bệnh lý như ung thư vú, viêm tử cung tích mủ (pyometra), Brucellosis - bệnh truyền nhiễm gây viêm cơ quan sinh dục ở chó… cũng được giảm thiểu nếu có áp dụng phương pháp đình sản phù hợp (4), (5).


Tuy nhiên, người nuôi phải đánh giá dựa trên kiến thức chuyên môn của chuyên gia về sự khác biệt sinh học ở từng giới tính, loài và giống (6).

Một con mèo khỏe mạnh có thể động dục lần đầu vào khoảng 4-6 tháng tuổi. Cơ thể mèo khi này trông vẫn non nớt và nhỏ bé, nhưng thực tế, nó đã đủ khả năng trở thành "phụ huynh" của 9-16 đứa con mỗi năm. Đối với chó, trước 6-9 tháng tuổi là giai đoạn tốt để chủ nuôi tính kế sách điều chỉnh dân số.


Nhìn chung, tác động trước kỳ động dục đầu tiên vẫn là lý tưởng nhất (7).


Các biện pháp kiểm soát sinh đẻ ở chó, mèo


1. Phẫu thuật

Triệt sản là biện pháp phổ biến. Bác sĩ thú ý sẽ tiến hành cắt bỏ tinh hoàn của con đực hoặc buồng trứng hoặc tử cung của con cái, nhằm ngăn chặn ham muốn tình dục, khả năng thụ thai và sinh sản (8). Càng lớn tuổi, chó và mèo sẽ càng khó triệt sản vì chức năng và các bộ phận dần phát triển hoàn chỉnh và phức tạp.


Ưu điểm của kỹ thuật này là hiệu quả cao, ít gây biến chứng. Thông thường, cún sẽ mất khoảng 7-10 ngày để hồi phục hoàn toàn, mèo mất dành dưới 1 tuần để ổn định sau tiểu phẫu (9), (10) .Nhược điểm lớn nhất là tốn kém và đòi hỏi người nuôi phải chăm sóc, cũng như nguy cơ khiến vật nuôi trở nên béo phì (11), (12), (13).


Tuy nhiên, việc triệt sản không làm biến đổi tính cách chó, mèo theo hướng tiêu cực. Các hiện tượng thường thấy như cún trở nên "đằm thắm", mèo không còn tè bậy… là do sự tiêu biến của steroid - hormone gây tình trạng "gây hấn" mỗi khi căng thẳng vì động dục (14), (15), (16).


2. Dùng thuốc

Thuốc tránh thai cho chó mèo được phát triển dưới nhiều dạng thức như viên, dung dịch, tiêm hoặc que cấy. Ưu điểm của phương án này là tinh gọn, tiết kiệm, hạn chế động chạm dao kéo và không phải tốn công chăm sóc. Nhược điểm của việc sử dụng thuốc cũng có thể phát sinh tùy từng trường hợp.


Bên cạnh công dụng điều trị ung thư và suy nhược cơ thể ở người, thuốc Megestrol Acetate được sử dụng để chế tạo thuốc tránh thai cho vật nuôi giống cái kể từ năm 1974 tại Hoa Kỳ (17). Sau khi kết thúc kỳ động dục thứ nhất, cún và mèo cái có thể sử dụng thuốc để trì hoãn thêm 4-6 tháng trước khi kỳ thứ hai bắt đầu. Megestrol không phù hợp với kế hoạch đình sản dài hạn bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây phì đại tuyến vú, ung thư, thay đổi tâm sinh lý… (18).


Bên cạnh đó, Zeuterin (Zinc Fluconate và L-Arginine), thuốc tiêm trực tiếp vào tinh hoàn, là loại thuốc duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) tại Hoa Kỳ chấp thuận để tiêm trên chó và mèo trong 3-10 tháng tuổi, nhằm làm teo tinh hoàn, giảm lượng testoseron và ham muốn (19). Tuy nhiên, loại thuốc này có thể khiến thú nhỏ đau đớn, kháng cự, ám ảnh hoặc suy giảm sức khỏe toàn diện.


Nhìn chung, khi sử dụng thuốc để đình sản cho thú cưng, chúng ta cần lưu ý rằng các phương pháp đều ít hoặc không có bằng chứng và nghiên cứu cụ thể về độ an toàn.

Thuốc tránh thai không có tác dụng tuyệt đối nên thú nuôi vẫn có thể mang thai sau đó. Trong trường hợp thai lưu trong bụng mẹ hay hoại tử cơ quan khác, thú cưng vẫn phải thực hiện phẫu thuật. Chủ nuôi không nên tự ý quyết định phương pháp này cho cún mà không có ý kiến chuyên gia, càng không nên thực hiện trong kỳ kinh nguyệt của chó, mèo để tránh xuất huyết kéo dài.


3. Các biện pháp khác

Chúng ta có thể cho thú cưng đeo... "đai trinh tiết", bỉm hoặc đơn giản là theo dõi đối tượng "hẹn hò" của thú cưng. Kế hoạch tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh trong mùa động dục cũng mang lại hiệu quả phần nào.


Hiện tại, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Đại học Y Harvard tại Hoa Kỳ đã hợp tác trong công trình nghiên cứu về phương pháp ngừa thai lâu dài cho mèo cái dựa trên liệu pháp gen. Khám phá mang tính đột phá này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho những người nuôi thú cưng một giải pháp thay thế cho việc triệt sản (20).


Chăm sóc thú cưng trước và sau khi đình sản


1. Trước khi tiểu phẫu

Nếu có thực hiện bất kỳ phương pháp tiểu phẫu hay can thiệp y tế nào, chúng ta cần đưa cho thú cưng kiểm tra sức khỏe toàn diện để đảm bảo rằng các bé khỏe mạnh, không mang thai và không trong kỳ kinh nguyệt (21). Bạn cần bổ sung chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế cho chó mèo vận động quá mức. Trước khi lên bàn mổ, chó mèo phải nhịn ăn 3-4 tiếng để tránh bị tuột đường huyết (22).


2. Sau khi tiểu phẫu

Trong 24 giờ đầu sau khi mổ, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường như sưng, chảy dịch, phù nề, sốt cao, tiêu chảy, chủ nuôi cần liên hệ ngay với bác sĩ thú y. Theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn có thể dùng khăn sạch để vệ sinh quanh vết thương hoặc phần mềm của thú cưng.


Trong vài tuần đầu, vật nuôi cần được nghỉ ngơi tại nơi yên tĩnh, sạch sẽ, tách biệt với các tác nhân gây kích động, phiền lòng. Nếu được, bạn nên mua cho em bé chiếc vòng chống liếm để tránh nhiễm trùng vết mổ. Thời khóa biểu cá nhân liên quan đến ăn uống, vệ sinh và vận động cũng phải thay đổi sao cho phù hợp.


Đặc biệt, không chỉ là thời khóa biểu của thú cưng, bạn cũng cần điều chỉnh lịch trình của mình đôi chút. Hãy cố gắng sắp xếp người chăm sóc cho thú cưng. Trên thực tế, một số chủ nuôi chọn "tranh thủ" dành ngày nghỉ phép cho dịp này. Mục đích là để họ vừa được ở nhà chăm sóc và ôm ấp thú cưng, vừa được nghỉ ngơi sau những ngày làm việc bận rộn.

Komentáře


bottom of page