top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảJason Aquila

Trái cây cho cún cưng: Không phải loại nào cũng tốt

Nghiên cứu về thú cưng cho biết trái cây và tinh bột nói chung đóng góp từ 3% đến 10% tổng lượng dinh dưỡng mà loài chó cần hấp thụ (1).


Trái cây cho cún

Nghiên cứu về động vật hoang cũng đồng ý với dữ liệu nêu trên. Phân tích chất thải của loài sói cho thấy chúng thường ăn trái cây hoặc cỏ xanh để bổ sung dưỡng chất không thể tìm thấy trong thịt (2). Vì lẽ đó, LeLa Journal khuyên bạn nên cho chó ăn trái cây ít nhất 1 lần/tuần.


Tùy vào giống chó mà khẩu phần trái cây sẽ thay đổi. Những giống chó nhỏ như Chihuahua chỉ cần một muỗng xoài là đủ, trong khi, giống chó lớn như Becgie (Sheperd/Berger) có thể ăn một trái xoài trong mỗi lần ăn.


Tuy là món tráng miệng tốt cho sức khỏe con người nhưng không phải loại trái cây nào cũng phù hợp với hệ tiêu hóa đặc thù của loài chó. Để giúp đôc giả có một thực đơn phù hợp cho cún cưng của mình, LeLa Journal liệt kê những trái cây cho cún bạn nên và không nên sử dụng.


Trái cây cho cún ăn và các lưu ý quan trọng


Táo: Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất, bao gồm vitamin A và đặc biệt là vitamin C khó tìm thấy trong các loại thực phẩm phổ biến dành cho chó. Cún cưng có thể ăn táo còn vỏ, nhưng bạn nhớ bỏ hạt táo để tránh trường hợp khó tiêu hoặc mắc kẹt hạt trong cổ. Chó có thể ăn táo từ 2 đến 3 lần/tuần.


Chuối: Chó có thể ăn chuối để bổ sung vitamin và khoáng chất như kali, đồng và biotin hỗ trợ cho sự phát triển của da và móng. Nhưng lượng đường khá cao trong chuối khiến chó dễ thừa cân nên bạn chỉ cần cho nó ăn chuối từ 1 đến 2 lần/tuần và hạn chế cho chó đang thừa cân ăn chuối.


Trái cây cho cún

Trái việt quất (blueberry): Việt quất là loại trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa, ít calories và đường, hỗ trợ dinh dưỡng tốt cho đa số động vật, bao gồm chó. Bạn có thể cho cún cưng ăn việt quất hằng ngày để bổ sung vitamin C, K và magie.


Dưa lưới: Chứa nhiều vitamins và khoáng chất bổ dưỡng cho động vật nói chung và là nguồn cung cấp chất lỏng có thể thay thế cho nước. Tuy nhiên, do dưa lưới có lượng đường cao hơn các loại dưa khác, nên bạn hãy hạn chế cho chó mắc bệnh tiểu đường ăn. Những chú chó khỏe mạnh có thể ăn dưa lưới từ 2 đến 3 lần/tuần. Cũng cần lưu ý rằng chó không thể tiêu hóa vỏ dưa và hạt dưa, vì vậy bạn cần loại bỏ chúng.


Phúc bồn tử/quả mâm xôi (raspberry): Đây là nguồn cung cấp vitamin C và chất chống oxy hóa giúp chó giảm rủi ro mắc bệnh ung thư và các căn bệnh về tim. Tuy nhiên, do phúc bồn tử có độ chua cao nên không phải chú cún nào cũng yêu thích món tráng miệng này. Nếu chó của bạn thích ăn loại quả mọng này, hãy cho chúng dùng từ 3 đến 4 lần/tuần, nhưng không nên cho ăn quá nhiều vì bao tử của chó không quen xử lý trái cây có độ axit cao.


Dưa leo: Chó có thể ăn dưa leo để bổ sung vitamin K, C, B1 và biotin hỗ trợ cho sự phát triển của da và móng. Do dưa leo không chứa nhiều đường nên bạn có thể cho chó ăn hằng ngày nếu chúng cảm thấy ưa thích.


Xoài: Loại trái cây này cũng phù hợp làm thực phẩm cho chó. Tuy nhiên, nếu chó mắc bệnh tiểu đường, việc dùng loại trái cây này quá nhiều có thể khiến nó tăng đường huyết. Bạn cũng không nên cho chó gặm hạt xoài vì có chứa một lượng nhỏ cyanide mà cơ thể chó không thể chịu đựng. Những giống chó lớn như Bulldog hoặc Becgie sẽ tìm cách nuốt cả hột xoài, dẫn đến nguy cơ mắc nghẹn. Bao tử chó cũng không thể tiêu hóa hạt xoài, dẫn đến khó tiêu. Một chú chó khỏe mạnh có thể ăn xoài từ 2 đến 3 lần/tuần.


Cam và quýt: Chó có thể ăn cam để bổ sung vitamin C. Nhưng vì cam có độ chua cao nên bạn chỉ nên cho chó ăn từ 2 đến 3 lần/tuần để hạn chế chứng khó tiêu. Chó không thể tiêu hóa vỏ và hạt cam, vì thế cần loại bỏ chúng trước khi cho chó ăn.


Đào: Chó có thể ăn trái đào để bổ sung vitamin A giúp tăng sức đề kháng và bảo vệ thị lực. Cũng như nhiều loại trái cây khác, bạn cần loại bỏ hạt đào vì có chứa lượng nhỏ cyanide mà cơ thể động vật không thể chịu đựng. Tùy vào giống đào mà lượng đường sẽ khác nhau, nhưng nguyên tắc chung là nên cho chó ăn những loại đào ít đường. Chó không mắc bệnh tiểu đường có thể ăn đào từ 2 đến 3 lần/tuần.


Lê: Chó có thể ăn lê để bổ sung vitamin C, K, và khoáng chất như đồng và kali. Do đa số các giống lê đều chứa nhiều đường, nên bạn hãy hạn chế tần suất cho ăn từ 2 đến 3 lần/tuần.


Dứa (thơm): Dứa là món trái cây tốt cho con người và thú cưng. Tuy nhiên đây là loại trái cây có hàm lượng calories cao, vì vậy nếu chó đang thừa cân, bạn không nên cho chúng ăn dứa. Thêm vào đó, nếu chó mắc bệnh tiểu đường, hãy hạn chế cho ăn dứa vì có nguy cơ tăng đường huyết. Một chú chó khỏe mạnh có thể ăn dứa từ 2 đến 3 lần/tuần.


Dâu tây: Dâu tây là món trái cây ít calories, ít đường, giàu vitamin và khoáng chất mà chó có thể hấp thụ tốt. Bạn có thể cho chó ăn dâu tây từ 4 đến 5 lần/tuần.


Trái cây cho cún

Dưa hấu: Đây là món trái cây ít đường, ít calories và giàu chất chống oxy hóa mà một vài loài chó rất thích ăn. Dưa hấu cũng chứa nhiều chất lỏng hỗ trợ thay thế nước. Bạn có thể cho chó ăn dưa hấu từ 4 đến 5 lần/tuần.


Đu đủ: Đây là món trái cây bổ dưỡng cho con người và nhiều loại động vật bao gồm chó. Đu đủ chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin A, C, folate và kali hỗ trợ hiệu quả cho hệ miễn dịch, đồng thời giúp cơ bắp hồi phục nhanh chóng. Nếu bạn yêu thích vận động cùng cún cưng, đu đủ sẽ là món trái cây hoàn hảo. Bạn có thể cho chó ăn đu đủ từ 4 đến 5 lần/tuần.


Sầu riêng: Đây là món trái cây bổ dưỡng mà chó có thể ăn nhưng cần có chừng mực vì sầu riêng chứa nhiều đường và nhiều calories, có khả năng gây thừa cân. Bạn cũng cần nhớ loại bỏ hạt sầu riêng vì có chứa lượng nhỏ cyanide mà cơ thể chó không thể chịu đựng. Chó có thể ăn sầu riêng từ 2 đến 3 tuần/lần.


Nhãn: Tuy chó có thể ăn nhãn nhưng loại trái cây này không mang lại nhiều dưỡng chất cho chó. Trước khi cho ăn, bạn cũng cần tách thịt nhãn ra khỏi hạt, vì trong hạt nhãn có chứa cyanide độc hại cho chó và có nguy cơ khiến nó mắc nghẹn.


Mận: Tuy mận không mang lại nhiều dưỡng chất nhưng chó vẫn có thể ăn loại trái cây này. Trong hạt mận cũng chứa cyanide, vì thế, bạn cần loại bỏ hạt trước khi cho chó ăn.


Mít: Mít là món tráng miệng tốt cho sức khỏe con người và cún cưng. Mít chứa nhiều vitamin A, C, riboflavin (vitamin B2) và magie rất bổ dưỡng, tuy nhiên chó chỉ nên ăn mít từ 2 đến 3 lần/tuần do lượng calories và đường khá cao có thể gây thừa cân.


Bưởi: Tương tự như cam, bưởi là món trái cây chứa nhiều vitamin C mà chó có thể hấp thụ. Bạn cũng cần lưu ý bỏ hạt bưởi vì cơ thể chó không chịu được lượng cyanide trong hạt. Chó có thể ăn bưởi từ 4 đến 5 lần/tuần.


Me: Chó có thể ăn me không còn hạt. Tuy nhiên, đây không phải là loại trái cây có nhiều dưỡng chất cần thiết cho chúng.


Vú sữa: Chó có thể ăn vú sữa không còn hạt. Tuy nhiên, lượng đường cao trong vú sữa có thể khiến chó dễ thừa cân, đồng thời, sáp vú sữa khó tiêu hóa nên chó cần hạn chế ăn món này.


Trái cây cho cún

Những loại trái cây không nên cho chó ăn


Trái bơ: Chó không thể ăn trái bơ vì trong bơ chứa persin có thể gây ngộ độc khiến chó ói mửa hoặc tiêu chảy.


Cherry: Trong cherry có chứa một lượng cyanide nhỏ mà cơ thể động vật như chó không thể chịu được.


Nho: Nho có khả năng làm suy yếu thận của chó.


Cà chua: Cà chua chứa solanine có thể gây rối loạn tiêu hóa, ói mửa và tiêu chảy ở chó.


Lựu: Hạt lựu có chứa cyanide độc hại cho chó.


Khế: Chó không nên ăn khế vì độ chua cao


Chanh dây: Chó không nên ăn chanh dây vì có độ chua cao và vì hạt chanh dây có chứa cyanide độc hại cho chúng.

Comments


bottom of page