top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Cơ thể bị kích ứng với mèo nhưng vẫn thích làm "con sen", phải làm sao?

Một số người cứ hễ ở gần mèo là sẽ xuất hiện các triệu chứng mẫn cảm hoặc dị ứng, điều này thật sự gây phiền toái khi họ là những “con sen” chân chính. Nếu như đây là lý do khiến bạn ngần ngại không dám chăm sóc những “em boss lắm lông” thì Lela Journal sẽ giới thiệu một số cách hiệu quả để giảm dị ứng mà không quá phụ thuộc vào thuốc.



Có phải lông mèo là nguyên nhân gây dị ứng?


Khác với điều mà mọi người vẫn thường nghĩ, lông không phải là nguyên nhân gây ra dị ứng. Thủ phạm của vấn đề này là một loại protein đặc biệt có tên gọi là Fel-d1. Protein Fel-d1 được mèo tiết ra liên tục ở dưới tuyến da và có thể tìm thấy ở trong lông, phân, nước bọt và nước tiểu của chúng (1).


Fel-d1 lan tỏa trong không khí và sau khi tiếp xúc với cơ thể người, chúng làm cho hệ thống miễn dịch của chúng ta xác định nhầm đây là chất gây hại và tạo ra kháng thể phòng ngừa. Điều này dẫn đến các phản ứng mà chúng ta vẫn hay thường gọi là dị ứng với mèo.


Dị ứng với mèo có nguy hiểm hay không?


Theo thống kê từ một nghiên cứu, có đến 20% dân số thế giới phản ứng với Fel-d1 từ nhẹ cho đến nặng, tuy nhiên rất hiếm khi dị ứng mèo gây nguy hiểm đến tính mạng (2).

Các triệu chứng thường gặp ở những người bị dị ứng với mèo bao gồm hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, mắt đỏ hoặc ngứa, chảy nước mắt. Một số các triệu chứng nặng và ít bắt gặp hơn như ho, tức ngực, khó thở và thở khò khè, phát ban hoặc nổi mề đay (3). Các triệu chứng dị ứng sẽ hết sau khi ngừng tiếp xúc với mèo nhưng nếu nó tiếp tục kéo dài thì tốt nhất chúng ta nên đi gặp bác sĩ.


Các mẹo hay để giảm triệu chứng dị ứng một cách tự nhiên


Sử dụng thuốc chống dị ứng là một cách rất hiệu quả tuy nhiên lại thường xuất hiện một số tác dụng phụ. Vậy nên nếu các “con sen” muốn làm điều này theo cách tự nhiên hơn thì có thể tham khảo một vài mẹo hay sau đây:


1. Triệt sản mèo đực: Triệt sản không trực tiếp khiến mèo giảm sản xuất chất gây dị ứng Fel d1, tuy nhiên, những con mèo đực thường có xu hướng đi vệ sinh lung tung để đánh dấu lãnh thổ, điều này có thể làm tăng lượng nước tiểu góp phần tạo ra chất gây dị ứng. Triệt sản có thể làm giảm hoặc loại bỏ hành vi này, đồng thời làm giảm lượng lông rụng trong nhà của mèo (4).


Mèo đực cũng sản xuất nhiều Fel-d1 hơn mèo cái (5), thế nên bạn cũng có thể cân nhắc việc chọn giới tính trước khi nuôi nếu biết bản thân mình bị dị ứng.



2. Tắm và chải lông cho mèo: Mèo nhà bạn có thể sẽ không thích giải pháp này. Tuy nhiên, tắm và chải lông thường xuyên làm giảm đáng kể lượng lông rụng của chúng trong nhà, qua đó giảm mức độ gây dị ứng cho gia chủ. Hãy đeo khẩu trang trước khi làm để giảm khả năng hít phải các hạt protein Fel-d1 trong không khí. Nếu không tự tin, bạn cũng có thể mang “boss” của mình đến gặp các tiệm chăm sóc thú cưng để thực hiện việc này.


3. Thay cát vệ sinh thường xuyên: Mèo thải ra Fel-d1 trong phân và nước tiểu, nên việc đặt khay vệ sinh ở bên ngoài hoặc ở một căn phòng thoáng đãng là cách tốt để giảm thiểu chất gây dị ứng trong không khí. Thay cát vệ sinh cho mèo thường xuyên cũng góp phần làm giảm điều này.


4. Sử dụng máy lọc không khí: Đây là một trong những cách hiệu quả nhất tuy có phần hơi tốn chi phí đầu tư ban đầu. Sử dụng máy lọc không khí với bộ lọc HEPA có thể giúp loại bỏ các chất gây dị ứng một cách an toàn và lâu dài. HEPA là viết tắt của từ “High efficiency particulate air filter”, một tiêu chuẩn về tỷ lệ hiệu quả trong việc lọc không khí được nghiên cứu từ những năm 1940. Các bộ lọc đạt tiêu chuẩn HEPA gọi tắt là bộ lọc HEPA có khả năng lọc được 99,95% các hạt có kích thước từ 0,3 µm (trong khi đó kích thước của Fel-d1 là từ 10 đến 100 µm).


Đầu tư một chút thời gian và tài chính để giải quyết chứng dị ứng với mèo là điều mà chúng ta có thể cân nhắc khi thực sự muốn làm bạn vài "em boss lắm lông" để nhận lại những niềm vui trong việc nuôi mèo. Ngay cả Sigmund Freud, cha đẻ của tâm lý học hiện đại, một người luôn bận rộn với công việc nhưng vẫn cho rằng ”thời gian dành cho mèo là không bao giờ lãng phí”.

Comments


bottom of page