top of page
Tìm kiếm

Độc lạ động vật: "Chiến thuật ngủ" để thích nghi với hoàn cảnh khó khăn

Bất kể hoàn cảnh sống "éo le" không có "giường êm nệm ấm", cá heo, rái cá, chim, ngựa, hươu cao cổ... vẫn chợp mắt một cách dễ dàng và đều đặn đi ngủ mỗi ngày. Kiểu ngủ của chúng đa dạng và linh hoạt tùy theo hoàn cảnh, chẳng hạn có loài ngủ đứng, có loài trôi bồng bềnh trên mặt nước, một số khác lại ngủ theo cách nửa tỉnh nửa mê...



Một bên não ngủ, một bên não thức


Cá heo sở hữu cả hai bán cầu não giống như con người, nhưng nếu chúng ta để toàn bộ cơ thể và não bộ nghỉ ngơi khi ngủ, cá heo lại "tắt" một nửa bộ não (và một bên mắt phía bán cầu não đối diện) theo đúng nghĩa đen, nghĩa là vừa chìm vào giấc ngủ sâu và vừa có thể tỉnh táo trong cùng lúc. Điều này cho phép cá heo cảnh giác với môi trường xung quanh, những kẻ săn mồi và cả con người trong khi ngủ. Sau khoảng hai giờ, hai bên bán cầu não sẽ đổi vị trí "canh gác" cho nhau.


"Về cơ bản, cá heo luôn cảnh giác 24 giờ một ngày trong suốt cuộc đời của chúng" - Jerome Siegel, bác sĩ tâm thần tại Đại học California, Los Angeles chia sẻ (1).


Các loài động vật có vú như cá heo dành cả đời trên biển, làm sao chúng có thể ngủ mà không bị chết đuối? Chế độ ngủ "nửa tỉnh nửa mê" này sẽ giúp cá heo nhận biết khi nào nên ngoi lên mặt nước để hít thở không khí. Bởi mỗi lần ngủ, cá heo thường ngủ rất sâu, người ta ví chúng giống như những khúc gỗ trôi trên mặt nước. Giai đoạn này được gọi là giấc ngủ sóng chậm không bán cầu - trạng thái ngủ sâu mà giấc ngủ REM hoặc chuyển động mắt nhanh không xảy ra.


Khá kỳ lạ là dù cá heo rất thông minh, chúng không trải qua giấc ngủ REM như con người. Đối với chúng ta, REM là trạng thái ngủ não hoạt động tích cực nhất, hơi thở trở nên nhanh hơn và các cơ sẽ bị tê liệt tạm thời. REM đặc biệt quan trọng với khả năng học tập, ghi nhớ và quá trình phát triển não bộ khỏe mạnh. Tuy vậy, cá heo có lẽ không bao giờ có giấc ngủ REM vì nếu cơ thể chúng tê liệt giống các loài động vật trên cạn, cá heo sẽ chìm xuống đáy đại dương và chết đuối.


Ngoài cá heo, một số loài khác như chim, hải cẩu và cá voi đều có khả năng ngủ với nửa bán cầu não.


Đứng ngủ nhưng không... ngã


Ai trong chúng ta cũng thích nằm xuống để ngủ, vì sao một số động vật như ngựa, voi và hươu cao cổ lại chọn ngủ đứng? Những loài vốn có thân hình to lớn, chậm chạp thường tận dụng cách ngủ không giống ai này để chạy trốn khỏi kẻ thù một cách nhanh chóng. Vì nếu nằm xuống, chúng sẽ mất thời gian lâu hơn để đứng dậy. Ngủ đứng cho phép động vật ứng biến ngay lập tức khi bị kẻ săn mồi đánh thức.


Ngựa là một ví dụ điển hình cho kiểu ngủ này. Cơ thể ngựa sở hữu một số đặc điểm sinh lý đặc biệt (cấu trúc gân, dây chằng có thể giữ ổn định cho các khớp vai, đầu gối và mắt cá chân), giúp chúng đứng vững trên móng guốc trong khi ngủ mà không bị căng thẳng ở cơ bắp.


Dù có khả năng ngủ đứng, ngựa vẫn cần nằm xuống để phục hồi sức khỏe tốt hơn. "Ngựa không thực sự trải qua giai đoạn REM đầy đủ khi ngủ đứng. Ngủ như vậy có thể giúp đạt được giấc ngủ sóng chậm hoặc ngủ sâu, không mơ mộng, nhưng chúng cần ít nhất 25 phút ngủ REM mỗi ngày để phát triển lành mạnh" - Sarah Matlock, giảng viên cao cấp về hành vi của ngựa tại Đại học bang Colorado nhận định (2).


Chính vì vậy ngựa cần nằm xuống nghỉ ngơi, nếu không chúng sẽ thiếu ngủ và có nguy cơ bị ngã. Ngủ đứng vốn là cơ chế thích nghi để tránh những loài động vật săn mồi, nên ngựa cần cảm thấy thoải mái và an toàn trước khi sẵn sàng nằm ngủ. Thông thường trong các quần thể ngựa hoang, nếu nhiều chú ngựa cùng nằm xuống để ngủ REM một lúc, sẽ luôn có ít nhất một con ngựa đứng yên để "theo dõi" tình hình xung quanh.


Ngủ cũng cần "thông minh"



Không chỉ lúc thức, ngay cả khi ngủ loài rái cá cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và tình yêu của mình với đồng loại. Chúng ta thường thấy rái cá biển nằm trôi nổi trên mặt nước một cách thanh thản, đây là lúc chúng tụ tập thành đàn và nghỉ ngơi dưỡng sức. Để ngăn các thành viên trong gia đình lạc mất nhau, rái cá tạo ra chiếc bè khoảng 2 đến 100 con bằng cách nắm tay nhau trong khi ngủ. Đối với rái cá con còn quá nhỏ nên không thể nắm tay, rái cá mẹ sẽ đặt con trên người mình để giữ cho chúng an toàn.


Đây được xem là một chiến thuật sinh tồn thông minh trong tự nhiên của rái cá và là cách để thúc đẩy mối quan hệ xã hội, đảm bảo không một cá nhân nào bị cô lập hoặc tách khỏi nhóm.

Một kỹ thuật ngủ thông minh khác ở loài rái cá là quấn mình trong tảo bẹ. Điều đó giúp chúng ở yên một chỗ và không trôi đi ngay cả khi có bão. Rái cá dùng loại tảo lớn màu nâu này để làm "chốt an toàn", giống như một mỏ neo để bám vào khi ngủ. Tảo bẹ khổng lồ - vốn là thức ăn và nơi trú ẩn của nhiều loài động vật biển - thường phát triển rất nhanh. Vì vậy, rái cá luôn có thể nương nhờ vào tảo bẹ để tránh trôi dạt theo dòng nước chảy mạnh.


Vùi đầu vào chăn, chờ ngày Xuân đến



Một số loài tìm cách sống sót qua những tháng mùa đông lạnh giá bằng việc "ngủ vùi cho đến mùa xuân". Quá trình ngủ đông này giúp chúng tiết kiệm năng lượng trong điều kiện khắc nghiệt. Tỷ lệ trao đổi chất của động vật sẽ thấp hơn, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể cũng giảm xuống.


Loài chim ruồi họng xanh (blue-throated hummingbird) có thể giảm nhịp tim từ 1.200 xuống mức thấp nhất là 50 trong thời gian ngủ đông. Loài vượn cáo lùn (dwarf lemur) cũng giảm nhịp tim từ 300 xuống 6 nhịp mỗi phút. Nghĩa là thay vì mỗi giây đều thở như thông thường, chúng có thể ngừng thở trong 10 phút. Hoạt động não bộ lúc này dường như không có tín hiệu.


"Hầu hết các chức năng sinh lý đều bị chậm lại hoặc ngừng hoàn toàn" - Marina Blanco, nghiên cứu sinh tại trung tâm Duke Lemur cho biết (3).

Ngủ đông còn giúp một số loài đối phó với tình trạng thiếu lương thực. Chẳng hạn, thú lông nhím (echidna) ở Úc thường ngủ đông sau các đám cháy để đợi nguồn thức ăn khôi phục trở lại. Đây thậm chí là cách loài vật tự bảo vệ chính mình khỏi yếu tố nguy hiểm. Bởi khi ngủ đông, chúng không có mùi, không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào, nằm bất động như tượng, do đó kẻ săn mồi sẽ khó phát hiện.

Comments


bottom of page