top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHạnh Nhân

Động vật có hạnh phúc hơn con người không?

Tác giả sách Justin Gregg sau nhiều năm giảng dạy về hành vi và nhận thức của động vật tại Đại học St. Francis Xavier (Nova Scotia, Canada), cho rằng: Vì không sở hữu trí thông minh như con người nên động vật luôn sống hết mình cho hiện tại, không lo lắng về ngày mai, không bận tâm việc người khác nghĩ gì. Cũng chính vì lẽ đó, ông vừa cho ra đời cuốn sách mang tên “Nếu triết gia Nietzsche là một con kỳ lân biển: Trí thông minh động vật tiết lộ điều gì về sự ngu ngốc của con người?” (1).


Ảnh: Damedeeso

Thông minh có phải là điều tốt?


Justin Gregg chia sẻ: “Một trong những điều đem tới thành công của con người có thể kể đến trí thông minh. Chúng ta có những khả năng mà động vật không thể theo kịp. Con người khoái đoán mò, tỏ ra là mình thông thái, cố gắng tìm hiểu xem người khác đang nghĩ gì còn động vật thì không làm điều đó. Chúng cũng chẳng quan tâm đến lý do tại sao mọi thứ lại xảy ra như thế".


Thông minh là một phẩm chất khó xác định, vì nó có liên quan đến việc thu thập thông tin hữu ích và sau đó lập kế hoạch hiện thực hóa tùy vào mỗi cá nhân khác nhau. Mặc dù vậy, các nhà khoa học ghi nhận những khác biệt lớn giữa trí thông minh của con người và động vật. Trong cuốn sách mới nhất, Justin Gregg viết: “Trí thông minh của con người không phải là một thứ đơn lẻ, nó là sự kết hợp của các kỹ năng nhận thức được hình thành trong quá trình tiến hóa. Sự kết hợp độc đáo của các kỹ năng nhận thức này khiến chúng ta trở nên khác biệt, và vì thế, cũng ít hạnh phúc hơn”. Ông ví dụ về việc con người sau khi nhận thức được hiện tại sẽ bắt đầu nghĩ đến tương lai, từ đó cuống cuồng sắp xếp và lập kế hoạch cho mọi thứ. “Rất nhiều niềm vui và điều tốt đẹp xuất hiện khi nghĩ về tương lai, nhưng song song đó cũng có những nỗi sợ hãi và lo lắng nếu chúng chúng chẳng may lệch đường ray", ông lý giải.


Xét về cơ bản, những kỹ năng nhận thức nền tảng của con người khá giống với những kỹ năng ở các loài khác. Tuy nhiên, các phiên bản nhận thức của con người phức tạp hơn và sự kết hợp các kỹ năng nhận thức đó đã tạo nên trí thông minh khác biệt cho con người. Gregg kết luận: “Chúng ta hiểu biết về nhân quả, về lý do tại sao mọi thứ xảy ra. Khi dung hòa những điều đó cùng với lý thuyết về tư duy và năng lực ngôn ngữ của con người, chúng ta sẽ làm được những việc phức tạp mà động vật không thể làm được, từ đó dẫn đến một cuộc sống phức tạp hơn”.


Tác giả Justin Gregg (Ảnh: Twitter nhân vật)

Động vật không đi tìm ý nghĩa cuộc sống


Cũng trong nghiên cứu, Gregg nói rằng động vật có nhận thức về cái chết của người khác, nhưng chúng không biết rằng bản thân chúng rồi cũng sẽ chết. Ông nói thêm rằng nỗi ám ảnh của con người về việc cố gắng tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống bắt nguồn từ kiến ​​thức này.


Động vật hầu như không truy tìm nguyên nhân ý nghĩa. Bởi vì chúng thiếu 'trí tuệ cái chết', tức là sự hiểu biết về cái chết không được đủ đầy, nên chúng không bị trói buộc và đau khổ bởi suy nghĩ về sinh ly tử biệt.

Tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cũng khiến người ta có những hành động không tốt với nhau. Vì theo ông, đám đông và xã hội có xu hướng coi trọng đạo đức khi họ nghĩ rằng họ đã tìm ra cách sống tốt nhất và văn minh nhất. Nếu cách sống đó khác với ý tưởng của một số người khác thì xung đột sẽ xảy ra.


Ông nói rằng cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo trong suốt lịch sử là một ví dụ mạnh mẽ cho thấy việc tìm kiếm ý nghĩa sống của chúng ta có thể mang tính hủy diệt. Ngược lại, sau tất cả, động vật không gây chiến vì những nguyên nhân sâu xa như thế.


Tuy nhiên, Gregg cũng nhấn mạnh: “Điều đó không có nghĩa là động vật sống trong một thiên đường yên bình. Bất kỳ loài nào, đặc biệt là động vật có vú, đều phải đối mặt với các loài khác và những mối quan hệ đó nói chung là đối kháng. Bạn là kẻ săn mồi hoặc là con mồi. Hòa bình, theo đúng nghĩa thì mọi người đều chung sống hòa thuận, nhưng điều đó lại không phải là một phần tất yếu của thế giới động vật và tiến hóa tự nhiên”.


Con người cũng là một loài hung bạo và chúng ta hòa nhập với những cuộc đấu tranh của tự nhiên. Gregg nói rằng con người thật giỏi trong việc "phá hoại" và tính cách bạo lực này có thể là do chúng ta tiến hóa từ loài tinh tinh. Chúng tấn công và giết các thành viên của các loài tinh tinh cạnh tranh để thể hiện sự thống trị xã hội. Từ nghiên cứu này, nhà nghiên cứu động vật học đã đặt ra một giả thuyết khá thú vị: "Tinh tinh khá phá phách, nhưng bonobo (tinh tinh lùn) thì không. Nếu chúng ta tiến hóa từ một loài khác, có lẽ chúng ta đã không phá hoại như vậy".


Tinh tinh lùn (Bonobo)

Hạnh phúc của con người và con gà giống nhau?


Giống như trí thông minh, hạnh phúc là một phẩm chất khó xác định, nhưng các nhà tâm lý học đã đưa ra một số định nghĩa có thể chấp nhận được. Gregg khẳng định: "Động vật cảm thấy một loại hạnh phúc ở mức độ thấp tương tự như cách chúng ta cảm nhận được niềm vui”.


Ông cũng đồng ý với việc khả năng đạt được trạng thái hạnh phúc ở mức độ cao bằng việc triết lý về ý nghĩa cuộc sống chắc chắn là có thật đối với con người. Nhưng thực tế, hầu hết thú vui của chúng ta đều đến từ những mục tiêu đơn giản như uống cốc nước chanh mát lạnh vào ngày nắng nóng. Cũng như hạnh phúc của động vật có thể liên quan đến cảm giác tương tự khi các nhu cầu hằng ngày của chúng được đáp ứng.


Justin Gregg đúc kết: “Hạnh phúc và niềm vui là điều thúc đẩy động vật làm bất cứ điều gì. Động vật bị đánh đố bởi cảm xúc. Chúng luôn cảm nhận được cảm xúc và đó là điều thúc đẩy hành vi. Trong cuốn sách, tôi nói những con gà là loài động vật vui vẻ. Gà và tôi có thể đạt được mức độ hạnh phúc tương tự bằng cách no căng bụng và ngủ ngon, an toàn và ấm áp, đơn giản chỉ là vậy thôi. Chúng ta càng lớn càng không cảm thấy vui vẻ lắm chỉ bởi vì chúng ta đã mong đợi quá nhiều. Suy nghĩ nhiều nhưng thực thi lại ít. Tưởng tượng vô vàn nhưng không sẵn sàng đón nhận khó khăn. Chúng ta khổ chỉ vì muốn sung sướng. Không biết hài lòng. Không biết tự thỏa mãn".


Tác giả Justin Gregg đọc cuốn sách mới nhất của ông bên cạnh các chú gà trong vườn nhà (Ảnh: Twitter nhân vật)

Comments


bottom of page