top of page
Tìm kiếm

"Tuổi dậy thì" ở thú cưng: Phải làm gì khi cún trở nên ngỗ nghịch, khó bảo?

Mới hôm trước vẫn là chú cún con bé bỏng và rụt rè, hôm sau chúng đã cư xử như một "thiếu niên" ngỗ nghịch. Nhiều người nuôi cún nhận ra sự thay đổi hoàn toàn về thể chất, tâm trạng và hành vi trên nhưng không phải ai cũng biết và hiểu về giai đoạn dậy thì này của "người bạn bốn chân".


Đây là giai đoạn phát triển, hoàn thiện các bộ phận và chức năng sinh sản ở thú cưng, điển hình như việc cún cái bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, cún đực có nhu cầu gần gũi với đồng loại. Đôi khi chúng "nổi loạn" không cần lý do và mong chờ sự quan tâm, chiều chuộng nhiều hơn của chủ.


Chó cũng trải qua "tuổi dậy thì"


"Tuổi dậy thì" ở thú cưng: Phải làm gì khi cún trở nên ngỗ nghịch, khó bảo?

Thực chất, không có mốc thời gian nào là quy chuẩn chung cho giai đoạn dậy thì. Một số nghiên cứu cho rằng tám tháng tuổi là thời điểm cún bắt đầu thay đổi. Song, dậy thì sớm hay muộn còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, giống, giới tính, kích thước, sức khỏe và thậm chí là… tâm tính (1).


Giống chó nhỏ thường dậy thì sớm hơn so với những loài có kích thước lớn. Một số con đực có những biến chuyển về hành vi khi được 10-12 tháng tuổi. Sức khỏe cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thời gian dậy thì ở cún. Hệ lụy từ các bệnh dẫn tới mất cân bằng nội môi, chẳng hạn như nhiễm Giardia (nhiễm trùng đường ruột do loại ký sinh trùng đơn bào cùng tên gây ra) cũng làm chậm tiến trình trên (2).


Khi dậy thì, "lịch trình" hằng ngày của cún dường như "tất bật" hơn thường lệ rất nhiều. Bạn có thể nhận biết thông qua một số hành động liên tục như sau:

  • Bứt dây xích.

  • Gây gổ với những con chó khác.

  • Nhảy chồm lên, thường dùng hai chân trước để chạm vào người chủ.

  • Cắn phá, cào cấu đồ đạc trong nhà.

  • Né tránh, bỏ chạy khi được gọi.

  • Liên tục vẫy đuôi không ngừng.

  • Rơi vào trạng thái "sáng nắng, chiều mưa".


"Tuổi dậy thì" ở thú cưng: Phải làm gì khi cún trở nên ngỗ nghịch, khó bảo?

Sở dĩ cún rơi vào trạng thái bất kham là vì khi não bộ tái tổ chức, năng lượng và cảm xúc của chúng cũng thay đổi theo nội tiết tố đang luân chuyển trong máu. Những thay đổi ào ạt từ bên trong cho đến bên ngoài khiến anh bạn lắm lông này không kịp tiếp nhận. Thế giới rộng lớn, tràn ngập nhiều hương vị, niềm vui là những thứ chúng muốn khám phá. Nếu không được đáp ứng nhu cầu, chúng sẽ trở nên cáu kỉnh, bức bối cũng như hành xử thất thường.


Nghiên cứu năm 2020 do tiến sĩ Lucy Asher từ Đại học Newcastle (Anh) thực hiện đã cho thấy cún con khi dậy thì có xu hướng phớt lờ các mệnh lệnh do người chăm sóc đưa ra và trở nên khó huấn luyện hơn, đặc biệt là khi chúng trên tám tháng tuổi. Hành vi này được nhận thấy rõ rệt đối với những chú chó cảm thấy không an toàn, không gắn bó với chủ (3).

Thậm chí, mối quan hệ tồi tệ giữa chủ và cún cưng còn có thể khiến chúng dậy thì sớm. Điều này cũng giống như các thanh thiếu niên bước vào giai đoạn dậy thì sớm nếu họ không được sống trong mối quan hệ mật thiết với cha mẹ, theo một nghiên cứu vào năm 2020 chỉ ra (4).


Phải làm gì khi cún trở nên ngỗ nghịch, khó bảo?


"Tuổi dậy thì" ở thú cưng: Phải làm gì khi cún trở nên ngỗ nghịch, khó bảo?

Cũng trong nghiên cứu nhắc đến ở trên, tiến sĩ Asher chia sẻ: "Điều quan trọng là chủ nhân không nên xa lánh hay trừng phạt chú chó vì tội không vâng lời trong giai đoạn này. Việc này chỉ làm cho hành vi của chúng trở nên mất kiểm soát hơn, giống như ở tuổi dậy thì ở con người".


LeLa Journal tổng hợp một số phương pháp bổ ích để giúp bạn ứng biến trong giai đoạn cún trở nên ngỗ nghịch, khó bảo.


1. "Giải thích" cho cún những thứ đang xảy ra


Người nuôi cần kiên trì giao tiếp với cún bằng những cụm từ quen thuộc, chẳng hạn như: "kiên nhẫn nào", "được rồi", "làm tốt lắm", "giỏi ghê"... Nếu cần thiết, bạn có thể dành thời gian để huấn luyện chúng bình tĩnh hơn bằng phương pháp giáo dục "quen nhờn". Phương pháp này tương tự với hình thức Procedural Learning, tức là cho cún trải nghiệm một loạt hành động lặp đi lặp lại để tạo thói quen, đồng thời giúp cún thích nghi với thế giới mới đầy sinh động (5).


2. Viết nhật ký theo dõi sự thay đổi của cún


Ghi chép lại những thay đổi về sinh lý và thể trạng của thú cưng sẽ giúp bạn nắm bắt được tiến trình dậy thì của chúng. Chẳng hạn như từ tháng thứ bảy trở đi, răng của chó con sẽ được hoàn thiện. Chúng thường cảm thấy ngứa ngáy, muốn cắn xé một số đồ dùng trong gia đình. Hãy ghi nhớ điều này để sắp xếp không gian sống và vật dụng trong nhà sao cho phù hợp.


"Tuổi dậy thì" ở thú cưng: Phải làm gì khi cún trở nên ngỗ nghịch, khó bảo?

3. Tạo cho chúng một hình mẫu


Chó là loài dễ bắt chước các tập tính từ đồng loại. Bạn có thể giáo dục hành vi của chúng bằng cách cho chúng xem, học hỏi từ những chú cún ngoan, được huấn luyện tốt. Bạn có thể thưởng đồ chơi hoặc thức ăn mỗi khi chó nghe lệnh và làm đúng.


4. Lập kế hoạch vui chơi và hỗ trợ khi cần thiết


Vào thời điểm dậy thì, mức testosterone ở chó đực cao hơn 5-7 lần so với lúc chúng trưởng thành. Chúng ham thích khám phá và bắt đầu đánh dấu lãnh thổ. Nếu chú cún có hành động quá khích vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn có thể liên hệ chuyên gia để nhận được lời khuyên (6).

Người huấn luyện chó và nhà nghiên cứu hành vi Carolyn Menteith mô tả "tuổi dậy thì" là thời điểm mà "các hormone của chó chạy trước não", nên điều quan trọng, cốt lõi và tiên quyết là chủ nhân phải kiên trì để giải mã thái độ của cún. Dù sử dụng cách huấn luyện, chăm sóc nào, hãy nhớ rằng cún chỉ mới trải qua những bỡ ngỡ đầu đời. Chăm sóc cún bằng sự yêu thương và thông cảm, sau khi qua giai đoạn dậy thì, "người bạn bốn chân" sẽ gắn bó mật thiết với bạn nhiều hơn (7).

Comentários


bottom of page