top of page
Tìm kiếm

Mâu thuẫn giữa anh chị em: Làm sao khi "gà cùng một mẹ" cứ hoài đá nhau?

Giống như mối quan hệ với cha mẹ, tình cảm giữa các anh chị em trong gia đình là nền tảng để chúng ta hình thành tính cách và trưởng thành (1). Thế nhưng, không phải mối quan hệ máu mủ này lúc nào cũng êm ấm bởi đôi khi "gà cùng một mẹ cũng... hoài đá nhau".


Không phải ngẫu nhiên mà vụ án mạng đầu tiên trong lịch sử nhân loại (theo Kinh Thánh) lại xảy ra giữa hai anh em: Cain và Abel (2). Và càng không phải tình cờ, một trong những câu chuyện cảm động nhất về tình anh em trong Kinh Cựu Ước cũng là về hai anh em: Jacob và Esau (3). Mối quan hệ giữa anh chị em là mối quan hệ "vừa ghét vừa thương" và những mâu thuẫn thường kéo đến từ những hành vi trêu chọc lẫn nhau, tranh giành tình yêu (và cả tài sản) của cha mẹ (4).


Tác phẩm miêu tả Cain sát hại Abel của hoạ sĩ Frans Floris (1516-1570)

Anh em cãi nhau, sao đau đến thế?


Chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình Fiona Yassin chia sẻ rằng: "Sự thân thiết và gắn bó lâu năm của anh chị em chính là lý do khiến mâu thuẫn giữa họ có thể trở nên cực kỳ căng thẳng" (5).



Lớn lên kề cạnh họ chia sẻ với nhau cả quãng thời gian tuổi thơ, cùng trải qua những phút giây hạnh phúc lẫn chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã. Trong quá trình trưởng thành kéo dài nhiều năm, họ cùng nhau vui đùa, trò chuyện, chia sẻ những bí mật đầu đời, "bao che" tội lỗi cho nhau... từ đó, tạo nên sự gắn bó cực kỳ khăng khít. Nếu xảy ra mâu thuẫn, sự ràng buộc thiêng liêng tưởng chừng không thể phá vỡ của họ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.



Mâu thuẫn còn trở nên nảy lửa nếu một trong số họ tận dụng những thông tin nhạy cảm, điểm yếu của người kia để làm "vũ khí". Đó là lúc sự thân thiết biến thành phản bội. Căng thẳng càng leo thang khi cha mẹ bắt đầu "chia phe", thể hiện sự thiên vị dành cho đứa con cưng.


Giải quyết mâu thuẫn với anh chị em như thế nào?

Với quan niệm "một giọt máu đào hơn ao nước lã", chúng ta thường được khuyên rằng phải cố gắng gìn giữ mối quan hệ trong gia đình bằng mọi cách. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là sẽ được.


Kalley Hartman, Giám đốc phòng khám tâm lý Ocean Recovery (California, Mỹ) chia sẻ: "Các dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ có thể cứu vãn dựa vào việc chúng ta sẵn sàng giao tiếp, tương tác thường xuyên hơn (dù chỉ là những tương tác xã giao cơ bản), có những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng và giảm các hành vi tiêu cực".



Tuy nhiên, để đạt được những tín hiệu lành mạnh kể trên, trước hết chúng ta phải nỗ lực vượt qua xung đột bằng cách:

  • Đặt ranh giới: Thiết lập các nguyên tắc giao tiếp và cư xử mà tất cả anh chị em đều phải tuân thủ.

  • Trao đổi về những kỳ vọng: Thành thực chia sẻ những mong muốn, kỳ vọng về tình cảm gia đình trong tương lai.

  • Thực tâm lắng nghe: Đảm bảo mình thực sự lắng nghe và hiểu quan điểm của đối phương mà không phán xét hay cắt ngang.

  • Hướng đến các mục tiêu chung: Xác định các mục tiêu, giá trị hoặc sở thích chung có thể kéo gần khoảng cách trong mối quan hệ ruột thịt.

  • Xin lỗi khi cần thiết: Nếu phạm lỗi, hãy nhận trách nhiệm về hành động của mình và xin lỗi một cách chân thành.

  • Tham dự các buổi trị liệu: Trò chuyện với một chuyên gia trị liệu gia đình có thể giúp các thành viên trong nhà giải quyết mâu thuẫn và biết cách giao tiếp hiệu quả hơn.


Trong trường hợp mối quan hệ ruột thịt không thể cứu vãn, đâu là lựa chọn tốt nhất?


Mặc dù quyết định cắt đứt mối quan hệ với anh chị em ruột là một trong những hành động đau lòng và khó khăn nhất mà con người phải đưa ra nhưng đôi khi, sự chia cắt lại là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, cảm xúc, danh dự và nhân phẩm của bạn.


"Bạn không cần phải duy trì tình cảm anh chị em mãi mãi chỉ vì bạn lớn lên cùng họ. Nếu sự hiện diện của họ không tốt cho cảm xúc, tâm lý và thể chất của bạn thì tốt hơn là bạn nên tự tạo cho mình một gia đình, thay vì duy trì mối quan hệ anh chị em đã được định sẵn" - Tiến sĩ tâm lý học Heidi Horsley chia sẻ (5).






Comments


bottom of page