top of page
Tìm kiếm

Nguyệt Nga - Nhà sáng lập Wave Books: "Muốn có độc giả thông minh, phải có đông nhà đầu tư làm sách"

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản, Nguyệt Nga từng là CEO Công ty CPVH Truyền thông Sống, đồng sáng lập dự án xuất bản công nghệ iPub.vn và giờ đây là nhà sáng lập Wave Books và quản lý Vibooks (hai thương hiệu của AZ Vietnam).


Câu chuyện làm sách giữa thị trường Việt Nam nhiều biến động, từ chiến lược tiếp cận tác giả, nội dung, đến cách xây dựng đội ngũ cân bằng và hiệu quả... đã được Nguyệt Nga mang đến bằng những góc nhìn đa chiều và trải nghiệm đặc thù của chị trong quá trình xây dựng Wave Books.


Câu chuyện làm sách giữa thị trường Việt Nam nhiều biến động, từ chiến lược tiếp cận tác giả, nội dung, đến cách xây dựng đội ngũ cân bằng và hiệu quả... đã được Nguyệt Nga mang đến bằng những góc nhìn đa chiều và trải nghiệm đặc thù của chị.

Kinh doanh sách cần rất nhiều dũng cảm


Thị trường sách Việt Nam hiện rất đa dạng nhờ sự phát triển của công nghệ, chúng ta không chỉ có sách giấy cầm tay, mà còn có sách điện tử (ebook), sách nói (audio book)... Là một nhà sáng lập công ty sách, chị tìm thấy những cơ hội gì cũng như phải đối mặt với những áp lực ra sao giữa bối cảnh cạnh tranh này?

Chúng ta đang bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của công nghệ 4.0 - khi mọi thứ dường như vội vã và đa sắc hơn. Cùng với đó, các kênh để học tập và giải trí cũng phong phú và hấp dẫn hơn. Vì thế tất cả chúng ta cần chuyển động để phù hợp với thời đại mới. Sách cũng không ngoại lệ. Sách đã không còn là sản phẩm bằng giấy, mà còn có cả ebook, audio book... Các nhà sách mới cũng xuất hiện nhiều hơn, thể loại sách đa dạng hơn, cùng với đó là hiện trạng sách lậu vẫn chưa từng hạ nhiệt cũng ít nhiều ảnh hưởng tới việc cạnh tranh kinh doanh sách hiện nay.


Đó là xu hướng tất yếu của thời đại. Nếu không có những thay đổi đó, sản phẩm sách giấy nói riêng và các sản phẩm khác nói chung sẽ không thể chuyển mình để khẳng định vị thế và bước lên tầm cao tốt hơn.


Chính vì xác định như vậy nên áp lực từ một người quản lý thương hiệu sách, với tôi, không đến từ các sản phẩm khác, hay nhà sách khác, hay sách lậu… mà là áp lực của sản phẩm do mình làm ra.

Liệu sản phẩm hôm nay có tốt hơn sản phẩm của ngày hôm qua hay không? Sản phẩm của Wave Books hôm nay có đáp ứng, phục vụ, đồng hành tốt nhất cho kỹ năng, tâm hồn người Việt trẻ trong 3 đến 5 năm nữa hay không? Đó cũng chính là thách thức và cơ hội cho bản thân tôi cũng như Wave Books. Bởi thiết nghĩ, nếu không có một không gian đông đảo những người sẵn sàng đầu tư cho sách, từ việc lập nhà sách mới cho tới sáng tạo, chuyển đổi số khiến sách đa dạng nhiều hình thức hơn, thì sao có nhiều thế hệ độc giả nhiều hơn, thông minh hơn?


Người đọc sẽ yêu cầu chúng tôi cao hơn, sản phẩm sách không những đảm bảo chất lượng về nội dung mà còn hình thức, cũng như phải xuất hiện đúng thời điểm đồng hành cùng người đọc tốt nhất có thể trên chặng đường trau dồi tri thức. Nếu chúng tôi làm tốt, nhất định chúng tôi sẽ có được sự ủng hộ của độc giả.


Từ đây, chị có lời khuyên nào cho những startup về sách để họ có chiến lược tốt và không bị ảo tưởng trong chuyện kinh doanh này?


Bất cứ một ngành hàng nào thì nguồn lợi nhuận cũng đến từ sản phẩm của chính ngành hàng đó, sách cũng vậy. Tuy nhiên sách khác với một số sản phẩm khác ở chỗ, đây không phải là mặt hàng thiết yếu, cho nên việc kinh doanh sách cần rất nhiều dũng cảm.


Tất nhiên nói rằng không sống được bằng nghề sách thì không đúng, bằng chứng là năm nào cũng có rất nhiều công ty sách mới xuất hiện, và có nhiều công ty sách vẫn ở trên thị trường 10, 15 năm với số nhân viên không ngừng tăng lên hàng năm như AZ Việt Nam, Alpha Books, Nhã Nam…


Mỗi người có một mục tiêu khác nhau, nếu sách là niềm đam mê thực sự thì cũng đừng ngại dấn thân. Tuy nhiên, kinh doanh chắc chắn không chỉ có màu hồng, mà còn vô số màu sắc khác, dĩ nhiên có cả màu thất bại. Có những cuốn sách in xong nhưng không bán được và cứ thế tồn kho năm này qua năm khác, xả hàng cũng chưa chắc có người mua vì đôi khi đã qua thời điểm mất rồi. Nhưng cũng có những cuốn ở trên bảng xếp hạng best-seller năm này qua năm khác.


Tôi nghĩ để có thể thành công được trong ngành sách cần 3 yếu tố: Lòng dũng cảm theo đuổi đam mê, lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị trường, chiến lược PR – Marketing tốt.

Câu chuyện làm sách giữa thị trường Việt Nam nhiều biến động, từ chiến lược tiếp cận tác giả, nội dung, đến cách xây dựng đội ngũ cân bằng và hiệu quả... đã được Nguyệt Nga mang đến bằng những góc nhìn đa chiều và trải nghiệm đặc thù của chị.

Cùng với việc xuất bản và phát hành dễ dàng hơn trước, các bạn trẻ cũng có nhiều cơ hội để trở thành tác giả sách. Chị có thể hướng dẫn các bước chuẩn bị để những cây bút tiềm năng nắm bắt cơ hội ra sách và tiếp cận các công ty làm sách?


Với tôi, “xuất bản” nghĩa là có một văn bản được xuất hiện ở đâu đó, ví dụ như mạng xã hội: Facebook, Blog… người đọc chính là bạn bè, hoặc bất cứ ai… Cũng chính vì thế mà nhiều cuốn sách, nhiều tác giả ra đời từ Facebook và họ thực sự nổi tiếng từ đó.


Mọi việc đều dễ dàng hơn, từ nguồn đọc, đến việc xuất bản và phát hành, khiến cho không gian xuất bản phong phú, rõ ràng hơn. Wave Books cũng được hưởng lợi từ đó khi có nhiều tác giả tìm đến để gửi gắm đứa con tinh thần của mình.


Có hai cách mà các bạn có thể gửi bản thảo tới Wave Books hay các thương hiệu làm sách phổ biến khác. Cách thức nhất, các bạn có thể gửi email. Chúng tôi nhận bản thảo với các thể loại chính: Kỹ năng, truyền cảm hứng, văn học, dành cho đối tượng độc giả từ 18 tuổi. Hoặc nếu các bạn chưa có bản thảo mà mới có ý tưởng, cũng đừng ngại email để chúng tôi có thể đưa ra những lời khuyên dựa trên kinh nghiệm của mình.


Ngoài ra, có một cách khác đó là hãy để những nhà làm sách như chúng tôi nhìn thấy bạn một cách rõ nhất, đó là hãy viết thật nhiều trên mạng xã hội, blog, học cách truyền thông thương hiệu cá nhân để có thêm độc giả. Chắc chắn, chúng tôi sẽ tìm thấy bạn và trở thành những người đồng hành cùng các bạn.

Một tác giả tiềm năng trong chiến lược của công ty sách là người như thế nào? Trong thời gian vừa qua, thương hiệu đã nhận được những “trái ngọt” nào cho chiến lược này?


Với chúng tôi, một tác giả tiềm năng trước hết là tác giả đó có ảnh hưởng tích cực nhất định tới xã hội nói chung hay giới trẻ nói riêng ở một lĩnh vực hay góc độ nào đó. Thứ hai là đúng với định hướng xuất bản/ thể loại/ chủ đề xuất bản của chúng tôi. Thứ ba là chất lượng bài viết, cần có giá trị nhân văn, mang lại ý nghĩa cho người đọc về mặt kỹ năng hoặc tư duy, cảm xúc. Cuối cùng, họ luôn có trái tim và nhân sinh quan rộng mở để đón nhận những ý kiến trái chiều, để có được một tác phẩm tốt nhất hướng tới độc giả.


Trong thời gian vừa qua, chúng tôi may mắn đã được nhiều tác giả tìm đến với những tác phẩm chất lượng, xếp top trên "Bảng xếp hạng sách bán chạy" của Tiki như: Chữ xưa còn một chút này, Hôm nay phải mở mang (Tác giả Thùy Dung); Mình phải sống như biển rộng sông dài (Xu)... Một số Facebooker có ảnh hưởng xã hội ở các lĩnh vực nhất định với những bài viết chất lượng, phù hợp định hướng xuất bản, có thể kể đến Tài lẻ đẻ ra tiền (Trang Cho),...


Không chỉ là mối quan hệ tác giả - nhà phát hành, chúng tôi còn là những người bạn, người đồng hành, bổ trợ cho nhau khi cần trong công việc… để cùng kết nối và tạo nên một cộng đồng văn minh hơn, cho ra đời những tác phẩm có giá trị hơn trong tương lai.



Khi chúng ta nhìn nhau bằng chính con người thật, thế giới sẽ hồn nhiên và bình an hơn


Từ khía cạnh lãnh đạo, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm chọn đúng người đúng việc, để tạo dựng một đội ngũ cân bằng, hài hòa nhưng vẫn đa dạng cá tính?


Chúng ta gặp nhau đôi khi không phải vì có ý định từ trước, mà nhiều lúc còn tùy chữ duyên. Duyên gặp gỡ, duyên gắn kết. Nên có lẽ với tôi, trong công việc trước hết cũng bắt đầu từ chữ này.


Ngoài chữ duyên ra, điều tiên quyết là cần chọn đúng người, giao đúng việc. Người lãnh đạo cần hiểu rõ nhân viên đang có khả năng nổi trội gì và có thể phát huy thêm gì? Có bạn giỏi câu chữ, nhưng có bạn lại giỏi thiết kế, có bạn giỏi giao tiếp, có bạn giỏi nghiên cứu… Vậy nên cần sắp xếp công việc và kết nối các bạn ra sao để họ có thể thực hiện tốt nhất khả năng một cách hạnh phúc. Đồng thời người lãnh đạo cần nhìn ra được hướng phát triển của nhân viên để phát huy tối ưu hiệu quả cũng như điều chỉnh những điểm chưa đạt để các bạn giỏi hơn, toàn diện hơn.


Thứ hai, mỗi người sẽ có một cá tính riêng, người hướng nội, người hướng ngoại, người thích cái này, người thích cái kia… Chính vì thế, người lãnh đạo cần có một mục tiêu chung để đưa ra cho các bạn, đểù bạn hướng nội hay hướng ngoại, thì bạn nào cũng cần cùng nhau thực hiện mục tiêu đó. Khi hiểu, các bạn sẽ dốc lòng để cùng nhau thực hiện.


Thứ ba, tổ chức các buổi hoạt động kết nối, ví dụ lâu lâu rủ nhau đi cà phê, đi ăn… hoặc tặng quà bất ngờ cho các bạn.


Cuối cùng, cần lựa chọn một trưởng nhóm giỏi. Trưởng nhóm đó có vai trò kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên, cũng như có thể khiến nhân viên hiểu hơn các ý tưởng của lãnh đạo và ngược lại. Có trưởng nhóm giỏi, sẽ có các nhân sự giỏi.


Được biết, chị còn quản lý nhân sự từ xa nữa, liệu có khó khăn hoặc dễ dàng gì hơn không thưa chị?


Tôi may mắn có được các trưởng nhóm giỏi. Chính vì thế mà việc lãnh đạo từ xa cũng dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy cũng không tránh được một vài khó khăn, ví dụ đôi khi nhắn tin, hoặc nói chuyện qua video, mọi người chưa thể hiểu rõ hết ý tưởng của mình, hoặc mình diễn đạt chưa đủ ý, dẫn tới có những chiến lược chưa được tối ưu hiệu quả. Nhưng qua đó, tôi cũng có thể điều chỉnh bản thân được tốt hơn, như biết lắng nghe hơn, biết kiên nhẫn hơn. Và đây cũng là cơ hội để các bạn được chủ động phát huy khả năng của mình một cách thoải mái nhất, vì “không gần Mặt trời” tức là không gần sếp nên không bị áp lực hay ngột ngạt quá.


Ngoài quản lý Wave Books từ xa, tôi còn quản lý trực tiếp các thương hiệu sách khác như Vibooks (sách Kỹ năng), Vitalis (sách Tâm lý, trinh thám), Vilove (sách Văn học, tâm hồn). Tuy vậy, tôi luôn thống nhất nguyên tắc quản lý/làm việc của mình là: 1) Khuyến khích tính chủ động và trao quyền cho các bạn ở việc mà các bạn làm tốt nhất; 2) Luôn có giải pháp và gợi ý khi các bạn cần; 3) Dù bất cứ điều gì xảy ra, người lãnh đạo luôn là người phải biết chịu trách nhiệm cao nhất; 4) Hướng mọi người tới mục tiêu chung; 5) Chỗ làm là chỗ phát triển chuyên môn và làm đẹp trái tim mình, để hạnh phúc hơn mỗi ngày.


Có người cho rằng làm nghề là để thành công, có người nghĩ là để có một vị thế tốt, còn một họa sĩ mà chúng tôi từng phỏng vấn thì anh cho rằng vẽ là nhu cầu sống, như ăn, uống… nên thật tự nhiên và thiết yếu. Còn chị Nguyệt Nga thì sao?


Với tôi, công việc không phải là thành danh hay thành công, mà thông qua đó, để khám phá bản thân, rèn giũa bản thân và giúp chính mình đẹp hơn. Đẹp hơn ở đây là gì? Là có thêm kiến thức, trải nghiệm, cũng như biết bản thân muốn gì, làm được gì một cách rõ ràng nhất. Đẹp hơn cũng có nghĩa là khi bản thân tạo ra và lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội. Khi chúng ta nhìn nhau bằng chính con người thật của mình, chứ không phải bất cứ chiếc áo địa vị tiền tài nào, thì chẳng phải thế giới sẽ hồn nhiên và bình an hơn sao?


Câu chuyện làm sách giữa thị trường Việt Nam nhiều biến động, từ chiến lược tiếp cận tác giả, nội dung, đến cách xây dựng đội ngũ cân bằng và hiệu quả... đã được Nguyệt Nga mang đến bằng những góc nhìn đa chiều và trải nghiệm đặc thù của chị.

Như vậy, hẳn là suốt 10 năm qua, chị đã gặt hái rất nhiều bài học quý từ quá trình làm sách?


Mỗi người chúng ta gặp đều là người thầy của chúng ta, và đều mang lại cho chúng ta một bài học nào đó. Có lẽ, bài học lớn nhất mà tôi học được trong quá trình làm sách 10 năm qua là bài học hiểu về chính mình, cũng như hiểu hơn về cuộc đời thông qua những cuốn sách và những lần làm việc với tác giả.


Với tôi, mỗi cuốn sách là một câu chuyện, hoàn toàn khác nhau, chính vì thế mà tôi chưa bao giờ thấy nhàm chán. Như gần đây, chúng tôi có xuất bản một cuốn sách Người kể chuyện tuổi trẻ (tác giả Vũ Hoàng Long). Đây là một tác giả mà đúng là “đi một vòng tròn lại tìm thấy nhau” đối với tôi. Tôi biết Long cách đây khoảng 7, 8 năm, lúc đó Long còn là sinh viên, rất háo hức hăm hở với Hà Nội và thích viết về Hà Nội. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau về ý tưởng, về công việc viết lách… nhưng lúc đó, tôi chưa thể xuất bản sách cho Long vì bút lực của Long chưa đủ với chúng tôi. Tôi đã khuyên nhủ và mong Long có thể kiên trì với đam mê này.


Bẵng đi một thời gian dài, Long tạo nên fanpage Người kể chuyện, viết báo nhiều, và ra sách… Lúc đó, tôi rất vui! Vì cậu bé năm nào giờ rất chững chạc, tự tin, văn phong đầy tính triết lý và sức trẻ. Chúng tôi lại ngồi lại với nhau một lần nữa và cuốn Người kể chuyện tuổi trẻ ra đời.


Có những điều nó đã trôi qua rồi, nhưng lại quay về và tạo nên những điều tuyệt diệu. Làm sách không chỉ là sự kiên trì, đam mê, mà còn cần biết chờ đợi. Chờ đợi vào những thế hệ viết, cứ thế thay nhau đắp bồi, tạo nên một không gian viết hữu ích, giàu tính nhân văn, cũng như góp phần thay đổi thế giới theo một cách riêng, như hiệu ứng cánh bướm vậy.

Chị có thể gợi ý vài tựa sách về chủ đề làm sách dành cho những ai quan tâm được không?


Như tôi biết thì hiện vẫn chưa có cuốn sách nào về chủ đề làm sách, nhưng các bạn có thể tìm hiểu các cuốn về viết lách như: Hôm nay phải mở mang (tác giả Thùy Dung); UX content (tác giả: Khúc Cẩm Huyên, Võ Lê Tú Anh).


Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Comments


bottom of page