Mèo được cho là có liên quan đến việc bái vật (fetish) của con người từ thời xa xưa (1). Chúng ta thường được nghe về thuyết mèo 9 mạng (2), vậy thực hư ra sao và làm sao để những "con sen" có thể giúp gia tăng tuổi thọ cho "boss mèo"?
Mèo chung sống với loài người ở khu vực Cận Đông từ thời kỳ đồ đá mới, khoảng 10.000 năm trước (3). Khi con người bắt đầu trồng trọt và dự trữ thức ăn, thì chuột - con mồi của mèo - cũng sản sinh với tốc độ chóng mặt. Mối quan hệ giữa con người và mèo bắt đầu trở nên gắn bó. Chúng được con người nuôi dưỡng và từng bước tiến vào đời sống xã hội của con người.
Bài đồng dao "chín mạng" và món quà bất tử của mèo
Tồn tại nhiều truyền thuyết về các thần nữ có hình dạng đầu mèo, đánh dấu tiến trình gắn liền với thế giới tâm linh đầy ma mị của con vật này.
Mafdet - nữ thần tượng trưng cho hòa bình và công lý được xem là thần mèo đầu tiên trong lịch sử Ai Cập cổ đại (4). Theo ghi chép của các văn thư cổ, bà đã giết chết một con mãng xà bằng móng vuốt của mình. Kể từ đấy, người Ai Cập bắt đầu sùng bái và cho rằng mèo chính là sứ giả của hai cõi âm dương. Họ tin rằng chỉ có Pharaoh mới có quyền nuôi dưỡng và tiếp xúc với linh vật cao quý đó (5).
Không biết từ lúc nào, bài đồng dao về chín mạng sống của mèo xuất hiện. "A cat has nine lives. For three he plays, for three he strays, and for the last three he stays" (tạm dịch: "Một con mèo có chín mạng. Ba mạng sống để vui chơi, ba mạng để rong ruổi, ba mạng để trú lại trần gian mãi mãi").
Các nước châu Á khác cũng truyền tai những điển tích tương tự. Tại các nước Tây Á, họ cho rằng thần mặt trời Atum-Ra, vị thần sáng tạo ra thế giới, đã đến thăm cơ ngơi của mình trong hình dạng một con mèo (6). Ngài đã ban sự sống cho bốn vị thần, những vị thần này lần lượt sinh ra bốn vị thần khác (được gọi chung là Ennead) và tiếp tục cai trị thế giới. Bastet - con gái rượu của thần Ra và Sekhmet, chị em của nàng cũng là hai nữ thần đầu mèo. Nói chung, người Ai Cập cho rằng thần Mặt Trời (trong hình thù một con mèo ma mị) đã gián tiếp để mèo sở hữu tất cả chín kiếp sống gộp trong một hình hài.
Tuy nhiên, đây chỉ là khởi điểm của câu chuyện. Sự giao thoa của các nền văn hóa đã lan tỏa "tín ngưỡng về mèo" đến khắp nơi. Mèo đi đến đâu, huyền thoại về nhiều kiếp sống sinh ra đến đó (7). Tại Bắc Âu, Freyja - nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và ngày mùa bội thu đã bay về trời trên cỗ xe được hai con mèo lớn dẫn dắt. Để ghi nhớ công ơn, chúa tể của chín thế giới đã trao cho con vật món quà là tuổi thọ.
Số 9 và chuyện mèo "đánh lừa thần chết" thế nào?
Có lẽ tự cổ chí kim, số chín đã được xem là gắn liền với sự hoàn hảo.
Đối với người Hy Lạp cổ đại, con số này đại diện cho sự kỳ diệu và liên kết với thần linh. Điển hình như việc họ tin rằng phải mất chín ngày để rơi từ thiên đường xuống Trái đất. Người Ấn Độ cổ xưa cũng mang số chín vào truyền thuyết về Phật giáo, khi Đức Phật sinh ra có chín con rồng phun nước, gọi là Cửu Long Phún Thủy. Thiên Chúa giáo cũng có Cửu Phẩm Thiên Thần, được chia thành ba cấp. Ở Trung Quốc, chín là biểu tượng của sự viên mãn và tròn đầy, tiếp tục phát triển lên chứ không chững lại như số mười.
Trong văn hóa Trung Quốc, mèo được coi là con vật biểu tượng của may mắn và tuổi thọ. Số chín cũng được coi là một con số may mắn, thường được liên kết với khái niệm luân hồi. Đặc biệt, chữ Hán về "mèo" là "māo" (猫), đồng âm với từ "kéo dài tuổi thọ" là "máo" (耄).
Tháng 09/2021, mạng xã hội lan truyền video về con mèo rơi khỏi khán đài từ trên cao của một sân vận động bóng đá tại Miami (Florida, Hoa Kỳ) nhưng may mắn là không có bất cứ tổn hại nào về sức khỏe (8). Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đã công nhận Flossie, sinh sống ở đông nam London nước Anh, là con mèo sống lâu nhất thế giới (9). Flossie sinh vào cuối năm 1995, hiện sắp đón sinh nhật lần thứ 28. Nếu quy ra tuổi của con người, Flossie khoảng 120 tuổi.
Không phải con mèo nào cũng sống thọ như Flossie và khoa học cũng chưa có bằng chứng nào chứng minh được rằng mèo có 9 mạng.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy mèo sở hữu một số "bí thuật" mà khoa học đã giải đáp được, cụ thể như sau:
1. Phản xạ điều chỉnh
Mèo dễ dàng thoát khỏi những cú ngã nguy hiểm mỗi khi chúng gặp nạn nhờ vào "phản xạ điều chỉnh" (10). Đây là phản xạ giữ thăng bằng giúp "boss" có thể tiếp đất bằng chân mỗi khi rơi, nhờ vào việc nhanh nhẹn chuyển mình đồng bộ, từ xương cho đến các khớp cơ, đuôi và dây chằng một cách linh hoạt. Nếu cùng bị nhốt vào một không gian bí bách, mèo thường có khả năng tẩu thoát cao hơn những loài động vật khác bằng cách dùng ria mép để xác định không gian trước mặt có phù hợp với kích thước hay không, rồi nhanh chóng đưa ra quyết định vặn mình "bỏ trốn".
Vì lẽ đó, bộ ria là "tài sản" quý giá của mèo, dẫn tới việc nhiều "con sen" vì quá yêu thương mèo nên đã chăm chỉ thu thập những sợi ria rụng tự nhiên của mèo rồi... sưu tầm chúng (11).
2. Tiếng kêu có khả năng chữa lành
Khi mèo nằm, thường là trong lúc nghỉ ngơi, chúng thường phát ra tiếng khò khè (12). Nhóm nghiên cứu tại đại học California phát hiện rằng mèo rung cổ họng là để tạo ra âm thanh ''gru gru'' có tần số trung bình 25 - 150 Hz giúp giảm căng thẳng. Loại sóng âm này còn có tác dụng giúp xương và cơ của chúng hồi phục nhanh hơn sau chấn thương bằng cách kích thích các mô tế bào tái sinh nhanh chóng.
3. Đặc điểm hình thái
Khi tìm hiểu về sự tiến hóa của nhiều loài động vật, không khó để chúng ta nhận thấy chúng đã thay đổi rất khác so với trước. Ví dụ, tổ tiên của cá voi được coi là động vật sống trên cạn chứ không phải ở đại dương. Tổ tiên của ngựa hoang trông giống như họ hàng của loài cáo.
Riêng đối với mèo, dù quay trở lại 50 triệu năm trước, chúng ta vẫn có thể nhận ra. Mèo được sinh ra với các kiểu hình thích nghi với hoàn cảnh sống và thường chỉ sinh hoạt trong nhà nên ít phải biến đổi hay gặp trắc trở trong việc duy trì nòi giống… (13). Hay nói cách khác, là mèo tới ở với con người chúng ta, chứ chúng vốn không bị thuần hóa.
Đặc biệt, trong lịch sử loài mèo, từng có một thời kỳ đen tối khi vào thời Trung cổ, mèo từng bị xem là "đồng bọn" của phù thủy. Nhiều thế kỷ sau đó, Giáo Hoàng Gregory IX đã tố giác mèo đen vì tội tà giáo trong Sắc lệnh Giáo Hoàng năm 1233 – Vox in Rama, và ra lệnh tiêu diệt mèo hàng loạt (14). Điều này được cho là một trong những nguyên nhân của sự bùng phát dịch hạch từ chuột – cơn ác mộng khủng khiếp đã tàn phá nước Anh.
Hơn nữa, trong diễn trình liên tục phát triển của khoa học, một số boss mèo đã có đóng góp quan trọng, chẳng hạn như con mèo trong thí nghiệm cái hộp của Edward Thorndike đã giúp ông đề ra những định luật quan trọng trong Tâm lý học Hành vi (15); con mèo Asya của Yuri Knorozov đã "truyền ý tưởng" để ông giải mật mã Maya và thậm chí là đã được đứng tên đồng tác giả trong bài nghiên cứu của ông (16); và tất nhiên, chúng ta không thể không nhắc tới con mèo của Schrödinger như một ví dụ tiêu biểu về truyền thuyết "đánh lừa thần chết" của mèo.
Vì vậy, khách quan mà nói thì việc ưu ái boss mèo hơn, có chăng cũng mang lại lợi ích cho chúng ta.
Làm thế nào để "gia cố" cho mèo thêm một mạng?
Có thể khẳng định rằng mèo là loài vật có sức sống tốt, nhưng dù sở hữu tuổi thọ khá cao và cuộc sống được xem là "an nhàn", mèo vẫn chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố sống. Có hai yếu tố mà chúng ta cần lưu ý như sau:
1. Xây dựng môi trường sống an toàn
Mèo nhà, nếu được chăm sóc kỹ càng, sẽ tránh được các rủi ro liên quan tới chống chọi với kẻ thù, săn bắt, tai nạn giao thông và thậm chí là ký sinh trùng. Chủ nuôi có thể chăm chút cho boss của mình bằng cách khử trùng vật dụng sinh hoạt, mua thêm đồ chơi, lên lịch tiêm phòng...
...hoặc chu đáo hơn là đánh răng cho mèo và xếp lịch đưa tới bác sĩ thú y để kiểm tra sức khỏe định kỳ.
2. Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Mèo nổi tiếng là loài "kén cá chọn pate" vì chúng nhanh no, nhưng nếu chỉ ăn bình thường thì lại khó đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cần thiết. Thực đơn của mèo nên bao gồm đa dạng các món ăn. Thức ăn đóng hộp như pate, các loại hạt, sữa… chỉ nên chiếm khẩu phần vừa phải trong bữa ăn để tránh gây nên tình trạng béo phì (19).
Comments