top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Vì sao chó hay "nhìn chằm chằm" vào bạn?

Bất kỳ chủ nhân của chú cún nào cũng quen thuộc với cảm giác “bị theo dõi”. Người ta nhận thấy chó dành rất nhiều thời gian để nhìn chằm chằm vào chủ nuôi với ánh mắt "thay lời muốn nói", nhưng vì sao lại vậy? Cún cưng đang cố gắng nói với chúng ta những gì?


Chó là loài động vật tinh nghịch và hay tò mò về thế giới xung quanh, biểu hiện qua các hành động như hú lên khi nghe thấy một số âm thanh nhất định, nghiêng đầu khi chủ nhân nói chuyện với chúng hoặc nhìn chằm chằm vào bạn lúc bạn đọc sách. Erin Askeland - Chuyên gia tư vấn hành vi về chó cho rằng, hầu như luôn có lý do nào đó khiến chó hành động như vậy, có thể chúng đang “suy nghĩ” điều gì đó trong đầu.


Đang muốn "xin xỏ"



Lý do đầu tiên bắt nguồn từ việc chó đang tìm kiếm thức ăn hoặc sự chú ý từ chủ nhân, muốn yêu cầu điều gì đó và cố gắng chờ đợi xem bạn có làm gì liên quan đến chúng không. Điều này thường xảy ra vào bữa tối, khi chó nhìn chúng ta khá lâu vì muốn xin thức ăn. Nếu bạn đã huấn luyện chó để chúng phản ứng với các tín hiệu bằng tay hoặc giọng nói, chó cũng có thể nhìn bạn liên tục để chờ đợi tín hiệu dắt đi chơi hoặc chờ một hiệu lệnh xem phải làm gì tiếp theo.


Một số chú chó có khả năng “bắt ép” người chủ làm thứ gì đó chúng muốn bằng cách nhìn chằm chằm và khiến chúng ta cảm thấy “có lỗi” nếu không đáp ứng. Nếu muốn chúng dừng lại, chủ nhân cần phải làm theo ý chúng (chẳng hạn như đưa đồ ăn), vô tình chó sẽ được củng cố rằng đây là hành động nên được lặp lại.


Một cách tốt hơn chính là dạy chú chó về những thứ bạn muốn nó thực hiện. Ví dụ, cho chó nhai xương trên giường của chúng khi bạn đang ăn hoặc rung chuông báo để chó biết đến giờ đi vệ sinh ngoài trời. Khi bạn thưởng cho chó về những thói quen mới này, chúng sẽ dần nhìn người chủ để tìm tín hiệu ra lệnh tiếp theo, thay vì buộc chúng ta phải làm theo ý chúng.


Cố gắng hiểu bạn


Chó cũng thường quan sát chủ nhân rất lâu để cố gắng đọc và hiểu ngôn ngữ cơ thể của họ, bởi đây là những dấu hiệu tốt để chúng biết chủ nhân đang cảm thấy gì (1). Chó sẽ thắc mắc liệu chủ nhân đang “buồn và cần được an ủi” hay đang “vui và sẵn sàng để chơi với chúng”. Loài chó và con người vốn có một mối quan hệ đặc biệt, chó có xu hướng gắn bó với chủ nhân một cách tự nhiên và do đó, chúng thường quan tâm đến những gì chủ làm.


Chuyên gia Askeland cho biết, chó rất yêu thích việc sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ (như ngôn ngữ cơ thể), không chỉ để thể hiện bản thân theo cách riêng của chúng mà còn vì muốn đọc vị người khác.


Ngoài việc “thấu hiểu”, chó có thể đơn thuần muốn bày tỏ tình yêu và tăng cường sự gắn kết, tin tưởng giữa chúng và bạn. Tương tự như con người thích nhìn những người họ yêu mến, loài chó rất thích nhìn chủ nhân để thể hiện tình cảm. Trên thực tế, việc trao đổi ánh mắt này giữa người và chó sẽ giải phóng oxytocin - một hormone tình yêu giúp giảm stress, đóng vai trò quan trọng trong việc gắn bó và tăng cảm giác yêu thương (2). Loại hormone này cũng được giải phóng khi chó mẹ cho con bú, vì vậy nó giúp củng cố thêm mối quan hệ của bạn với chó ở “mức độ gia đình”.


Nếu chú chó nhìn bạn với đôi mắt có vẻ hơi nheo lại trong tư thế thoải mái, vẫy đuôi hoặc tiến lại gần, đây là dấu hiệu chúng đang dành cho bạn cái nhìn đầy yêu thương. Hãy dành một chút thời gian để nhìn lại chú chó của mình.


Cho chủ nhân biết cảm giác của chúng


Nhìn chằm chằm cũng được xem là một cách thể hiện cảm xúc - cả tiêu cực và tích cực - của những chú chó, chúng muốn cho bạn biết chúng đang nghĩ gì. Thời xa xưa, việc nhìn không dời mắt bị tổ tiên loài chó cho là hành vi đe dọa và thô lỗ. Đây cũng là lý do chúng ta không nên nhìn chằm chằm vào các con chó lạ hoặc giữ chó đứng yên để nhìn vào mắt chúng.


Nếu chú chó nhìn bạn không chớp mắt với một tư thế cứng nhắc, hãy lùi lại và tránh giao tiếp bằng ánh mắt. Chó thường làm hành động này với người lạ, nhất là khi chúng nghĩ cần phải bảo vệ bạn. Tuy nhiên, nếu chó nhìn các thành viên trong gia đình bạn một cách hung hăng, nghiêm khắc như vậy, đây có thể là vấn đề về hành vi.


Các dấu hiệu cần để ý chính là:

  • Cúi thấp đầu.

  • Tư thế cứng nhắc.

  • Nhếch mép.

  • Tai vểnh về phía trước.

  • Đuôi hầu như không di chuyển hoặc cử động rất chậm.


Những chú chó hung dữ, thích bảo vệ tài nguyên (chiếm giữ bằng được những thứ chúng yêu thích) sẽ là mối nguy hiểm nếu chúng ta không biết cách xử trí. Hãy nói chuyện với bác sĩ thú y hoặc chuyên gia nghiên cứu hành vi động vật nếu ở trong trường hợp này.


Vì đây không phải là cách giao tiếp thoải mái và tự nhiên trong thế giới giữa chó với chó nên nếu chúng cảm thấy thoải mái khi nhìn thẳng vào mắt bạn, có thể chúng đã cảm thấy thực sự thoải mái khi ở bên bạn.


Đôi khi, việc nhìn chằm chằm ngẫu nhiên mà không có mục đích nào lại là dấu hiệu của sự suy giảm tinh thần hoặc hội chứng rối loạn chức năng nhận thức khi chó già đi (3). Căn bệnh này tương tự như Alzheimer ở người và có ảnh hưởng đến (4):

  • 22,5% chó lớn hơn 9 tuổi.

  • 28% chó ở độ tuổi 11-12.

  • 68% chó ở độ tuổi 15-16.


Những dấu hiệu bệnh bao gồm lang thang vô định, nhầm lẫn các hiệu lệnh cơ bản, mất phương hướng trong không gian quen thuộc, gặp tai nạn trong nhà. Nếu chú chó thường xuyên nhìn một cách vô hồn và có biểu hiện đờ đẫn, hãy đưa chúng đến bác sĩ để được kiểm tra.


Hãy để ý hơn về “những cái nhìn theo dõi” này và quan sát ngôn ngữ cơ thể của chó để hiểu chúng muốn gì. Phần lớn thời gian, nếu chó cưng thích nhìn bạn liên tục, đó là vì chúng đã xem bạn là người quan trọng và muốn trở thành một phần của bất cứ điều gì bạn làm.

Comments


bottom of page