top of page
Tìm kiếm

Vì sao người nuôi chó thích mua cổ phiếu hơn người nuôi mèo?

Những tưởng không liên quan gì đến nhau, nhưng thực tế việc nuôi thú cưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định mua sắm, đầu tư.



Ở Việt Nam, thống kê trong năm 2021 ghi nhận cả nước có hơn 5 triệu hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn cả nước trên 7,5 triệu con, thông tin từ Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam (1).

Theo số liệu năm 2021, hơn một nửa dân số ở Châu Á (59%) sở hữu thú cưng. Số lượng chủ sở hữu thú cưng tại các quốc gia cũng có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó, Hồng Kông có 16% dân số nuôi chó, còn ở Thái Lan con số này lên đến 47%. Philippines chiếm tỷ lệ cao nhất với 67% dân số (2).


Không chỉ là vật nuôi trong nhà, thú cưng cũng được xem như một thành viên của gia đình. Chính vì vậy, chúng góp phần tác động vào quyết định mua sắm và đầu tư của nhiều người.


Mua nhà, sắm xe vì thú cưng


Khảo sát của SunTrust Mortgage vào năm 2017 đã tiết lộ kết quả bất ngờ: một phần ba người Mỹ (ở độ tuổi 18 - 36) quyết định mua căn nhà đầu tiên vì cần thêm không gian cho thú cưng. Trong rất nhiều yếu tố thúc đẩy việc mua nhà, thú cưng là nguyên nhân phổ biến đứng thứ ba (chiếm 33%), thậm chí còn xếp trên cả lý do kết hôn (25%) và sinh con (19%). (3)

Đối với người nuôi chó, việc thuê nhà mang đến nhiều phiền phức. Họ có thể làm phiền lòng những người thuê khác vì tiếng sủa của thú cưng. Hơn nữa, chẳng dễ kiếm những chủ trọ sẵn lòng cho khách mang vật nuôi vào ở cùng, hoặc nếu có thì giá thuê cũng đắt đỏ hơn so với thông thường.



Bên cạnh nhà ở, việc sở hữu thú cưng còn đòi hỏi người nuôi phải có một chiếc xe phù hợp để chở chúng theo cùng. Những mẫu xe SUV với khoảng cách rộng giữa các khoang ghế rất thích hợp chở những chú chó có kích thước lớn. Chiếc Chrysler Pacifica còn tích hợp chiếc máy hút bụi trên xe giúp thu dọn lông rụng.


Chiều theo nhu cầu khách hàng, hãng Tesla cho ra đời chức năng "Dog Mode" trên Model Y với dòng chữ "Chủ nhân của tôi sẽ quay lại sớm" chạy trên màn hình cảm ứng và ghi chú thêm nhiệt độ bên trong xe. Nhờ vậy, người qua đường sẽ không quá lo lắng cho chó, mèo khi chúng đang ở trên xe một mình.


Không dừng lại ở đó, nhu cầu dành thời gian tận hưởng, giải trí cùng thú cưng cũng đang dần thay đổi ngành du lịch. Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn đã đạt chứng nhận thân thiện với thú cưng nhờ cung cấp thêm các thực phẩm hữu cơ hoặc túi phân hủy sinh học đựng chất thải chó mèo. Các dịch vụ của họ giúp khách du lịch có trải nghiệm đẹp khi mang theo thú cưng.


Ngoài ra, một trong những khoản chi phí chiếm phần lớn chi tiêu của người sở hữu thú cưng là đến từ dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho vật nuôi - lên đến 11% tiền lương hàng tháng của họ. Có khá nhiều khoản phải chi trả thường xuyên từ thuốc men, chích ngừa đến dịch vụ, thực phẩm dành riêng cho động vật. Năm 2020, hơn 3,45 triệu bảo hiểm y tế tư nhân dành cho động vật đã được bán ra ở Mỹ (3).



Nuôi chó chọn mạo hiểm, nuôi mèo thích an toàn?


Mới đây, một nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Nam Carolina đã thực hiện cuộc thử nghiệm về quyết định đầu tư của những người nuôi thú cưng (4). Họ giải thích một vài định nghĩa căn bản về cổ phiếu và quỹ tương hỗ cho những người nuôi chó mèo, nhấn mạnh vào mức độ rủi ro của hai hình thức đầu tư (cổ phiếu thường có tỷ suất sinh lợi và rủi ro cao hơn các quỹ tương hỗ). Sau đó, các tác giả yêu cầu hai nhóm đưa ra lựa chọn công cụ tài chính và mức độ đầu tư đối với chúng.


Kết quả cho thấy, số lượng người nuôi chó lựa chọn mua cổ phiếu nhiều hơn người nuôi mèo. Nghiên cứu tiết lộ người nuôi mèo thường có xu hướng chọn những hình thức đầu tư mang tính an toàn, phòng ngừa rủi ro, trong khi người nuôi chó bị thu hút bởi những thứ hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao.


"Người nuôi mèo có xu hướng tiêu dùng thận trọng hơn so với những người nuôi chó" - Giáo sư Xiaojing Yang đi đến kết luận.


Theo kiến giải từ giáo sư Yang, hành vi người tiêu dùng thường dựa trên hai động lực trái ngược nhau: mục tiêu thăng tiến (promotion focus) và mục tiêu phòng ngừa (prevention focus). Mục tiêu thăng tiến đại diện cho sự háo hức, không ngần ngại rủi ro và ưu tiên tối đa hóa lợi nhuận. Trong khi đó, mục tiêu phòng ngừa tập trung vào những quyết định thận trọng, kiểm soát nguy cơ và ưu tiên giảm thiểu tổn thất.


Loài chó có nhiều đặc tính liên quan đến mục tiêu thăng tiến bởi sự cởi mở và khả năng thích nghi linh hoạt của chúng. Còn những chú mèo thường có xu hướng gắn với mục tiêu phòng ngừa bởi lối sống cảnh giác và né tránh những loài động vật ăn thịt khác.


Đi sâu hơn, các nhà khoa học trong nhóm giáo sư Xiaojing Yang đã tiến hành thêm một cuộc nghiên cứu liên quan đến sản phẩm dành cho thú cưng. Những người tham gia được xem hai phiên bản quảng cáo của kem đánh răng và nói về quảng cáo họ thích.


Quảng cáo đầu tiên tập trung vào mục tiêu thăng tiến: "Sản phẩm của chúng tôi giúp chó/mèo của bạn làm mát hơi thở và tăng cường men răng!". Trong khi quảng cáo thứ hai tập trung vào mục tiêu phòng ngừa: "Sản phẩm của chúng tôi giúp chó/mèo của bạn ngăn ngừa viêm nướu và sự tích tụ mảng bám!". Kết quả, những người có mối quan hệ gắn kết với loài chó sẽ có xu hướng quan tâm đến quảng cáo đầu tiên hơn.



Ảnh hưởng của thú cưng đến quyết định của con người sẽ khác nhau ở từng khu vực. Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây khác, vật nuôi được xem như bạn bè hoặc thành viên gia đình. Nhưng ở một số quốc gia khác, nơi có cấu trúc xã hội phân cấp thứ bậc hơn, người dân có xu hướng xem vật nuôi là tài sản. Do đó, quyết định chi tiêu và mua sắm của họ sẽ rất khác nhau.


Câu hỏi đặt ra là tại sao những thứ liên quan đến thú cưng lại có ảnh hưởng lớn đối với chúng ta? Các nhà nghiên cứu cho rằng vì vật nuôi hiện diện ở khắp nơi trong đời sống nên chúng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức con người, từ đó tác động đến quá trình ra quyết định và theo đuổi mục tiêu của chúng ta. Cho dù bạn không nuôi bất cứ con vật nào thì chúng vẫn sẽ tác động đến bạn khi bạn quan sát mọi người tương tác với thú cưng.

Comments


bottom of page