top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảIen Dao

Học hoài vẫn giậm chân tại chỗ: 3 "nghịch lý vô tri" khi tiếp thu kiến thức

Bao nhiêu năm "mài đũng quần" trên ghế nhà trường là bấy nhiêu năm chúng ta gắn bó với hàng tá sách vở và những kỳ thi, gắn liền với muôn kiểu ôn tập để nhớ được càng nhiều kiến thức càng tốt. Vậy nhưng, có những quan điểm và suy nghĩ trong việc học đã được các nhà nghiên cứu hiện đại chứng minh bằng thực nghiệm là… sai bét. Hãy cùng LeLa Journal điểm qua 3 nghịch lý về phương pháp học tập mà chúng ta vẫn lầm tưởng nhé!



Nghịch lý 1: Phải nhớ như in mọi kiến thức mới đúng chuẩn "con nhà người ta"?


Chúng ta thường đổ lỗi cho "não cá vàng" khi càng cố tiếp thu kiến thức mới thì lại quên kiến thức cũ. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng lãng quên cũng là một "người bạn tốt" trong học tập (1). Nói cách khác, sự "nhớ nhớ quên quên" hay còn gọi là sự đãng trí thụ động, thực sự có ích cho việc ghi nhớ kiến thức về lâu dài.


Cơ chế này tương tự như một dạng "tập thể dục" cho não bộ: phải quên đi chút ít thì ta mới có động lực để đào sâu vào học liệu. Ngược lại, nếu cứ nhồi nhét để nhớ lâu, con người sẽ không thu được lợi ích từ việc học.

Điều này đã được cặp vợ chồng nhà khoa học Elizabeth Ligon Bjork và Robert A. Bjork tại Đại học UCLA (Hoa Kỳ) tổng hợp (1), (2). Nguyên lý cơ bản của lý thuyết này là: các dạng ký ức đều có hai sức mạnh – sức mạnh lưu trữ (storage strengths) và sức mạnh truy xuất (retrieval strengths). Trong đó, sức mạnh lưu trữ là thước đo tính toán xem chúng ta học một đơn vị kiến thức "kỹ lưỡng" đến mức nào. Sức mạnh này được bồi đắp dần nhờ việc học, trở nên sắc bén hơn nhờ được sử dụng thường xuyên, như là học thuộc bảng cửu chương, công thức tính diện tích các loại hình học...


Ký ức dạng này được nạp vào não bộ chúng ta khi được học tiểu học và chúng ta sẽ sử dụng nó liên tục trong cả cuộc đời, từ việc tính tiền khi đi siêu thị đến đo đạc diện tích phòng để mua sắm nội thất.

Vợ chồng Bjork cho rằng sức mạnh lưu trữ chỉ tăng thêm chứ không giảm đi, tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là mọi thứ chúng ta học đều được lưu trữ đến khi chúng ta qua đời. Cụ thể, hơn 99% trải nghiệm chỉ thoáng qua, trong khi não bộ chỉ giữ lại những gì hữu ích hay thú vị. Điều này không liên quan đến sức chứa dữ liệu (data storage capacity) của não bộ, vì các nghiên cứu cho thấy bộ nhớ sinh học của con người có "thừa chỗ chứa" để ghi lại từng giây phút trong đời.


Lý thuyết của vợ chồng Bjork cũng cho rằng nếu một đơn vị kiến thức được lưu trữ, nó sẽ vĩnh viễn nằm trong đầu ta (2), (3).


Ngược lại, sức mạnh truy xuất là thước đo xem một mẩu thông tin "dội ngược lại" với tâm trí dễ dàng đến mức nào. Tuy sức mạnh này sẽ lớn dần lên qua việc học mới và tập luyện thường xuyên, nó sẽ suy giảm nhanh chóng một khi ta bỏ bê việc nạp thêm kiến thức và "công suất" của sức mạnh này cũng tương đối nhỏ so với sức mạnh lưu trữ. Nói cách khác, ở một thời điểm nhất định, não bộ con người chỉ có thể truy xuất một lượng giới hạn những thông tin kết nối với manh mối hay gợi ý cụ thể. So với sức mạnh lưu trữ, sức mạnh truy xuất kém bền vững hơn nhiều, nó có thể mạnh lên vô cùng nhưng cũng yếu đi rất nhanh (2), (3).


Một số ví dụ điển hình của loại sức mạnh này là việc chúng ta có thể vô thức hát trọn vẹn một ca khúc đã nghe từ thời thơ ấu trên TV sau bao nhiêu năm không nghe, hoặc đọc vanh vách một bài thơ đã được học từ những năm tiểu học.


Sự kỳ diệu của sức mạnh lưu trữ và sức mạnh truy xuất nằm ở việc chúng ta càng nỗ lực truy xuất, hai sức mạnh này ngày càng phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả học tập. Theo vợ chồng hai nhà khoa học Bjork, sự phát triển này của não bộ có nguồn gốc từ thời tiền sử. Khi đó, tổ tiên loài người sống lang thang khắp các miền đất, não người liên tục vẽ lại bản đồ tâm trí để thích nghi với sự thay đổi của thời tiết, địa hình và các loài săn mồi. Do đó, sức mạnh truy xuất tiến hóa để con người cập nhật thông tin nhanh chóng, giữ cho những chi tiết liên quan nhất luôn sẵn sàng hiện ra, bởi vậy sức mạnh này mang tính chất hiện tại. Trong khi đó, sức mạnh lưu trữ tiến hóa để chúng ta có thể học lại những đơn vị kiến thức cũ mang tính kế thừa hay lặp lại càng nhanh càng tốt. Vậy nên sức mạnh này sẽ được tận dụng để lên kế hoạch cho tương lai (2).


Bạn đã bao giờ gặp trường hợp là bản thân quên một công thức căn bản, dẫn tới việc phải kiểm tra trong sách hoặc trên google, nhưng ngay khi vừa đọc lướt qua, bạn nhớ ra ngay lập tức? Đó là bởi kiến thức vốn đã "nằm trong đầu" bạn rồi, bạn chỉ cần được gợi nhắc chút xíu thôi.


Nghịch lý 2: "Đổi gió" không gian học tập giúp khơi nguồn sáng tạo, tăng độ tập trung?


So với việc Ra quán cà phê mới có thể... tập trung làm việc: Lý do nhiều người thích quán xá - chán văn phòng như trong bài viết trước đây từng đề cập, LeLa Journal muốn bổ sung rằng thực tế này không thể áp dụng với môi trường và hiệu quả học tập. Ngược lại, hai nhà tâm lý học D.R. Godden và A.D. Baddeley đã chứng minh rằng việc lặp lại, tái hiện một môi trường học tương tự mới giúp ích cho việc ghi nhớ kiến thức.


Hai nhà khoa học đã bố trí một thí nghiệm đối với 18 thợ lặn, với yêu cầu cho các tình nguyện viên là lặn sâu xuống nước 6 mét và học một danh sách 36 từ. Sau đó, một nửa số thợ lặn này thực hiện bài kiểm tra từ khóa trên đất liền, trong khi những thợ còn lại tiếp tục đeo thiết bị làm bài kiểm tra dưới nước. Kết quả cho thấy những thợ lặn làm bài kiểm tra dưới nước làm tốt hơn với điểm số cao hơn 30% so với những người làm bài trên bờ (4).


Vậy nên, nếu có thể, khi làm bài kiểm tra, hãy chọn đúng chỗ ngồi thường ngày của mình.

Một thí nghiệm nổi tiếng khác cũng đã chứng minh được hiệu quả học tập trong điều kiện môi trường quen thuộc. Nhà tâm lý học Steven M. Smith tại Đại học Texas A&M (Hoa Kỳ) đã lựa chọn 54 sinh viên, chia thành 3 nhóm rồi yêu cầu họ học thuộc một danh sách 40 từ trong 10 phút. Nhóm thứ nhất học trong không gian im lặng, nhóm thứ hai học trong tiếng nhạc jazz (cụ thể là ca khúc People make the world go around do Milt Jackson chơi), nhóm thứ ba học trong khi nghe bản Concerto số 24 cung Đô thứ cho piano của Mozart.



Sau hai ngày, ba nhóm sinh viên quay trở lại nhưng không được báo trước về việc phải làm bài kiểm tra ghi nhớ. Smith tiếp tục chia mỗi nhóm thành ba nhóm nhỏ hơn để thực hiện bài kiểm tra trong ba điều kiện tương tự. Tổng cộng có chín nhóm nhỏ như sau:


Nhóm

Môi trường học tập ban đầu

Môi trường làm bài kiểm tra ghi nhớ

1

Không gian im lặng

Không gian im lặng

2

Không gian im lặng

Có tiếng nhạc jazz

3

Không gian im lặng

Có tiếng nhạc Mozart

4

Có tiếng nhạc jazz

Không gian im lặng

5

Có tiếng nhạc jazz

Có tiếng nhạc jazz

6

Có tiếng nhạc jazz

Có tiếng nhạc Mozart

7

Có tiếng nhạc Mozart

Không gian im lặng

8

Có tiếng nhạc Mozart

Có tiếng nhạc jazz

9

Có tiếng nhạc Mozart

Có tiếng nhạc Mozart


Sau khi chấm điểm, Smith nhận thấy những người vào phòng có môi trường, không gian giống nhau ở cả hai lần (nhóm 1, 5 và 9 kể trên) sẽ nhớ được số từ nhiều gấp đôi những người làm bài trong hai môi trường khác nhau (5).

Hai thực nghiệm trên đã chứng minh được rằng trải nghiệm học tập vốn đa dạng hơn chúng ta nghĩ. Trong đó, các đơn vị kiến thức khi được lưu trữ trong não bộ sẽ đi kèm với một số yếu tố "mã hóa" cho kiến thức ấy, tương tự với cơ chế "chìa khóa (bối cảnh) – ngăn kéo (ký ức)". Để rồi sau đó, khi người học quay về với môi trường học ban đầu, chúng ta sẽ lấy lại được chiếc "chìa khóa" để mở ra "ngăn kéo" chứa đơn vị kiến thức đó trong não bộ.



Nghịch lý 3: Học ngày học đêm, có chắc hiệu quả?


Thực tế, khoa học đã chứng mình được rằng chúng ta ghi nhớ kiến thức lâu dài và chắc chắn hơn khi chia nhỏ thời gian học thành các quãng nghỉ thay vì học dồn dập trong một khoảng ngắn.


Giáo sư Nicholas J. Cepeda tại Đại học York (Canada) và các cộng sự đã tiến hành một thí nghiệm chứng minh hiệu quả khi chia khung thời gian học (6). Cụ thể, họ chọn 1.354 tình nguyện viên thuộc mọi độ tuổi và quốc tịch để tham gia khảo sát qua mạng. Những khách thể trực tuyến này được học 32 dữ kiện và những cái tên ít phổ cập, tức là gần như phải tiếp thu kiến thức mới hoàn toàn. Các khách thể học trong hai buổi, với thời gian nghỉ giữa hai buổi dao động từ 10 phút tới 6 tháng. Sau 6 tháng kể từ buổi học thứ hai, họ phải quay lại làm bài kiểm tra. Kết quả cho thấy rằng tỷ lệ hồi tưởng kiến thức (dữ kiện và tên) cao nhất thuộc về nhóm có khoảng nghỉ 1 tháng giữa hai buổi học. Đặc biệt, khách thể có khoảng nghỉ thấp hơn thì cũng có kết quả kém hơn nhiều.


Đặc biệt, nếu xét theo tỷ lệ, các nhà nghiên cứu cũng gợi ý rằng để tính được thời gian học và nghỉ tối ưu, khoảng nghỉ nên bằng 1/6 thời gian từ lúc học tới lúc thi, tức là còn 6 tháng thi thì khoảng nghỉ tối ưu là 1 tháng. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới chỉ gợi ý tỷ lệ từ thực nghiệm chứ chưa đưa ra được nghiên cứu chứng thực cho điều này.


Các nhà khoa học kết luận rằng bài kiểm tra có deadline càng xa – tức là khách thể càng có nhiều thời gian chuẩn bị thì quãng nghỉ tối ưu giữa buổi học thứ nhất và thứ hai càng lớn. Từ đó, có thể thấy việc chia nhỏ thời gian học theo các quãng nghỉ sẽ giúp ghi nhớ kiến thức tốt hơn, do đó kết quả bài kiểm tra cũng cao hơn (6). Về bản chất, học giãn cách chủ yếu là một kỹ thuật ghi nhớ và ai nắm được kỹ thuật này sẽ có ưu thế trong thi cử.


Vậy còn bạn, bạn có đang mắc vào những lầm tưởng trên đây về việc học tập hiệu quả không?

  • Chúng ta học tốt hơn khi nhớ như in mọi kiến thức

  • Chúng ta học tốt hơn khi được "đổi gió"

  • Học liền tức khắc mới nhớ kiến thức lâu dài


Comments


Guest
Sep 26, 2023

Haha tôi từng mắc phải cả 3 lầm tưởng luôn, nhất là hồi phổ thông toàn đòi ba mẹ sang nhà bạn học xong rồi la cà ăn vặt bên nhà nó, không được chữ nào vào đầu mà giờ nghĩ lại toàn... kỉ niệm không à. Lớn rồi mới thấy việc học cũng có cơ sở khoa học của riêng nó chứ không phải học bừa là được.

Like
bottom of page