Được biết đến là cây đại thụ trong làng khoa học Việt Nam với nhiều đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà, Giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân (GS.TS.NGND.) Nguyễn Lân Dũng luôn không ngừng cống hiến dù đã bước sang tuổi 86. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy đã nhận lời mời phỏng vấn của LeLa Journal để chia sẻ những góc nhìn đầy cảm hứng về sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy.
GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng sinh năm 1938, là chuyên gia đầu ngành về vi sinh vật học tại Việt Nam. Khi còn công tác, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực (Khóa I), Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài, Chuyên gia cao cấp tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học – ĐHQGHN, Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII. Trong nhiều năm, GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng giữ vai trò chuyên gia cho chuyên mục KCT (Khoa học - Công nghệ - Truyền hình) trên VTV và chuyên mục "Hỏi gì đáp nấy" trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, ông còn đảm nhận vị trí Chủ nhiệm Chương trình Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hộ nông dân và làm cố vấn cho chương trình truyền hình Sinh ra từ làng... |
Vừa làm nhà giáo, vừa làm "bạn của nhà nông"
Thưa Giáo sư, nếu tổng kết lại hành trình "trồng người" của mình thì đâu là ba điều mà thầy tâm đắc nhất trong sự nghiệp giảng dạy?
Tôi bén duyên với công việc dạy học trong một hoàn cảnh tương đối đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội vào năm 1956 khi mới vừa 18 tuổi, tôi "bị" phân công dạy một môn chưa được học chữ nào - Vi Sinh vật học. Sau một năm chuẩn bị, đọc nhiều tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tôi đã lên lớp giảng bài cho sinh viên năm thứ 3 - khóa I của Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN).
Nhiều bạn sinh viên khóa này hiện nay đã là giáo sư của Việt Nam rồi. Từ mấy chục năm đi dạy, tôi đã đúc kết ra ba điều tâm đắc nhất của mình:
1. Không sợ khó khi đủ quyết tâm. 2. Coi giảng dạy và nghiên cứu là sự nghiệp cao cả. 3. Luôn gắn bó với sự phát triển của công nghệ số để không lạc hậu với thời cuộc.
Nhắc đến nghiên cứu thì được biết rằng song song với sự nghiệp giảng dạy tại trường đại học, thầy cũng tham gia nghiên cứu khoa học từ khi còn rất trẻ và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa. Giáo sư có thể kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ của mình với tư cách của một nhà khoa học?
Tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm sau ngần ấy năm cùng các đồng nghiệp tham gia nhiều đề tài nghiên cứu. Trong đó, có ba kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi luôn trân trọng.
Chẳng hạn như nghiên cứu hai chủng nấm men trong bánh men thuốc bắc và đề xuất tự tạo bánh men để nông dân thực hiện biện pháp Tắt bếp ủ men trong chăn nuôi lợn; hoặc là việc sưu tầm vài chục chủng nấm ăn và nấm dược liệu, đồng thời viết sách hướng dẫn để phát triển nghề trồng nấm trong cả nước.
Kỷ niệm đáng nhớ là việc tôi cùng tập thể các nhà khoa học phát hiện được một chủng nấm men kháng Trực khuẩn mủ xanh (Ps.aeruginosa). Lập tức khi ấy, tôi đã được Cục Quân y điều vào chiến trường Đường 9 - Nam Lào (1971) để sản xuất tại chỗ và trực tiếp điều trị cho rất nhiều thương binh bị nhiễm chủng vi khuẩn kháng thuốc này.
Một thành công nữa là tôi đã đưa được loại tảo xoắn Spirulina về nước và tổ chức sản xuất thử tại khu Hòa Lạc (Hà Nội). Từ đó, Tập đoàn Đại Việt đã đầu tư rất lớn để xây dựng hai nhà máy sản xuất đủ cung cấp sản phẩm tảo này cho nhân dân mà không cần mua của Nhật nữa, giúp tiết kiệm rất nhiều về kinh tế.
Bên cạnh các kỷ niệm đó, hiện nay, tôi đang cùng vợ chồng con gái phấn đấu nghiên cứu về thuốc trừ sâu vi sinh vật để phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân trong nước. Đây cũng là tâm nguyện tôi hy vọng sớm thực hiện được trong tương lai gần.
Được biết thầy rất tâm đắc với công việc làm "bạn của nhà nông" và mô hình nông nghiệp xanh để giúp bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững. Thầy có thể chia sẻ về một số dự án tiêu biểu mà thầy đã giúp bà con triển khai thành công, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn?
Tôi tự nhận mình là "người quen" của tất thảy bà con nông dân (cười).
Tôi luôn gắn bó với nông dân và thấy rất vui khi được góp phần giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con. Có nhiều dự án giúp cải thiện nền nông nghiệp nước nhà mà tôi tâm đắc khi tham gia thực hiện. Chẳng hạn như việc góp phần đưa bánh men vào chăn nuôi để thay thế việc đun nấu thức ăn nuôi lợn, giúp bà con tiết kiệm thời gian và chi phí mua nguyên liệu. Tôi cũng đã biên soạn sách Công nghệ nuôi trồng nấm và cung cấp giống nấm cho rất nhiều cơ sở nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân.
Địa phương nào cần chuyên gia nói chuyện cho bà con nông dân hiểu về công nghệ sản xuất cứ mời tôi là tôi sẵn sàng đi ngay, kể cả bây giờ cũng vậy (cười).
Sau mấy chục năm giảng dạy tại trường đại học, thầy nhận thấy sinh viên Việt Nam nói chung có những điểm mạnh nào cần phát huy và điểm yếu nào cần cải thiện?
Theo tôi thì các bạn sinh viên nước ta có thế mạnh về tuổi trẻ, có sự hăng hái và nhiệt tình. Tuy nhiên, có hai điểm mà tôi nghĩ các bạn cần thay đổi. Trước tiên là sinh viên hiện giờ học tập thiếu sáng tạo, do đa phần các bạn đã quen với kiểu "học vẹt", chỉ đâu học đấy. Từng đi thực tập dài hạn và công tác nhiều lần ở nước ngoài, tôi nhận thấy ở môi trường đại học các nước khác, sinh viên rất chủ động trong học tập, thầy cô giảng bài chỉ mang tính gợi ý. Điều này ngược hẳn với sinh viên Việt Nam.
Điểm yếu thứ hai của các bạn trẻ là năng lực ngoại ngữ kém so với mặt bằng chung các nước. Tôi thấy chúng ta chỉ đào tạo ngoại ngữ để đi thi lấy chứng chỉ chứ không phải để áp dụng vào thực tiễn học tập hay làm việc. Bản thân tôi biết 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung, nhưng chủ yếu chỉ dùng để đọc tài liệu, tra cứu thông tin và giao tiếp.
Nếu cho tôi đi thi IELTS, TOEFL như các bạn bây giờ thì chắc tôi cũng… trượt vì phải học quá nhiều về ngữ pháp (cười). Có thể thấy là sinh viên nên học tập một cách sáng tạo và sử dụng ngoại ngữ mang tính thực hành hơn.
Trong thời đại hiện nay, việc học đã dần chuyển theo hướng coi người học là trung tâm, thầy cô là người dẫn dắt chứ không còn theo hình thức "thầy bảo sao - trò nghe vậy". Do đó, học sinh có thể sẽ bày tỏ quan điểm khác với ý niệm của giáo viên, đôi khi gây nên những mâu thuẫn không đáng có. Theo thầy, quan điểm "tôn sư trọng đạo" ở thời đại mới cần được lĩnh hội như thế nào cho phù hợp hơn?
Tôi cho rằng tôn sư trọng đạo không mâu thuẫn với dân chủ. Thời đại bây giờ là kỷ nguyên số, kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0, do đó, học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều luồng thông tin, nhiều nguồn tri thức bằng các phương thức khác nhau.
Tư duy phản biện của các bạn cũng được trau dồi qua các hình thức lĩnh hội này. Vậy nên, thầy cô cũng nên lắng nghe ý kiến của học sinh, sinh viên với thái độ thực sự cầu thị, trong khi học sinh sinh viên vẫn cần giữ phép tắc, lễ độ với thầy cô đúng theo tinh thần "tôn sư trọng đạo" của dân tộc.
LeLa Journal được biết thầy cũng rất hứng thú với những công nghệ mới và theo dõi các tin tức về AI, Chat GPT... Vậy thầy nghĩ sao về nguy cơ lực lượng lao động trong tương lai sẽ bị thay thế bởi công nghệ?
Một trong những thách thức lớn nhất từ AI là tác động của nó đến số lượng việc làm. AI kết hợp cùng công nghệ tự động hóa có thể thay thế một số công việc truyền thống, gây ra lo ngại về nguy cơ mất việc làm và chênh lệch thu nhập.
Để đối phó với thách thức này, chúng ta cần tạo ra các chính sách và giáo dục phù hợp để chuẩn bị con người cho những công việc mới và đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong xã hội. Tôi vẫn cho rằng con người không mất việc hoàn toàn, mà sẽ chuyển từ loại hình công việc cũ, phổ thông sang mô hình lao động kiểu mới, đòi hỏi trí tuệ.
Chúng ta cũng không nên phủ nhận sự tiện lợi của các công cụ, như ChatGPT, đang hỗ trợ con người trong thời đại kinh tế số. Tôi cũng đã cài đặt và sử dụng ChatGPT hằng ngày để phục vụ công việc nghiên cứu và viết lách của mình. Cá nhân tôi thấy đây đúng là một "người thầy" thông tuệ, nhã nhặn, khiêm tốn mà bất cứ ai trong chúng ta cũng nên học hỏi theo. Tuy nhiên, hãy sử dụng ChatGPT một cách có chọn lọc, các bạn trẻ nhé.
Nghiên cứu và học tập trọn đời để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn mỗi ngày
Được biết thầy vẫn đang tiếp tục học tập và nghiên cứu ở tuổi 86, thầy có thể chia sẻ động lực khiến bản thân luôn theo đuổi sự học không?
Tôi luôn theo đuổi sự học vì cảm thấy những gì bản thân tiếp thu được làm cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa. Để có thể viết sách, học tập và tư vấn cho các bạn trẻ trong Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học cũng như thế hệ thanh niên hiện đại trong xã hội, chính tôi phải không ngừng tự bồi dưỡng thông tin và tri thức qua các tài liệu trên Internet. Tôi luôn hết mình theo đuổi sự học vì mong những gì mình lĩnh hội được sẽ để lại di sản cho thế hệ con cháu.
Tính đến nay tôi đã biên soạn được 40 cuốn sách, trong đó có các giáo trình Vi sinh vật học, Công nghệ Môi trường, Công nghệ lên men... với nhiều cuốn đang chờ xuất bản. Cùng GS. Lê Trần Bình, tôi đã biên soạn xong Từ điển Công nghệ sinh học và giáo trình Công nghệ sinh học - cũng đang chờ xuất bản.
Nếu tôi không tiếp tục học tập, nghiên cứu thì làm sao có thể thực hiện được nhiều dự án như thế (cười).
Như chia sẻ ở trên, tôi đã tự học được 4 ngoại ngữ và sử dụng thường xuyên trong đời sống, nhưng vẫn cần củng cố thì mới đọc thông – viết thạo – nghe tốt – nói hay, dù tuổi đã cao. Tôi nhận thấy học tập ở tuổi này có một cái lợi là giúp đầu óc mình minh mẫn, tinh thần lạc quan, lại sử dụng thời gian có ích nữa, rất đáng để mình đầu tư công sức. Chứ cứ nhàn rỗi, "thẫn thờ" là ốm yếu ngay (cười).
Nhưng liệu có trở ngại gì khi theo đuổi sự học ở tuổi này không, thưa thầy?
Cũng như bao người cao tuổi khác, tôi không thể tránh khỏi những khó khăn về mặt sức khỏe thể chất do tuổi tác. Cả tôi và bà nhà tôi (Đại tá, PGS.TS., thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 108, con gái Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) đều mắc bệnh ung thư nhưng may mắn đã được chữa khỏi. Bởi vậy, tôi mới có thể tiếp tục nghiên cứu và làm việc như hiện nay.
Bản thân tôi cũng thấy may mắn vì những công trình dang dở của mình còn thế hệ trẻ kế thừa, trong đó có vợ chồng con gái tôi. Vậy nên, tôi luôn khắc phục khó khăn để tiếp tục cống hiến cho đời.
Là một người tự học và theo đuổi sự nghiệp học tập trọn đời, theo thầy, giá trị của sự học nằm ở đâu?
Tôi vẫn nghĩ là tự học là hình thức học tập vượt qua khó khăn khi không có điều kiện gặp thầy, đến lớp; còn lại, có người hướng dẫn vẫn hơn, vì như thế chúng ta sẽ được học những kiến thức chuẩn, thay vì phải tự mình mò mẫm, vừa mất thời gian vừa dễ sai. Tất nhiên tôi cũng có may mắn là đã được đi thực tập tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Còn tri thức là vô hạn, không ai dám khẳng định mình biết hết tất cả, cho nên ở độ tuổi nào chúng ta cũng cần trau dồi hiểu biết.
Sự học có giá trị quan trọng nhất khi những gì chúng ta lĩnh hội được đem vào ứng dụng trong thực tế, mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội – đấy mới là đích đến mà tôi nghĩ người học nên hướng tới.
Hiện giờ, khi đã nghỉ hưu và không còn giảng dạy tại trường, một ngày làm việc của thầy bao gồm những đầu việc nào?
Tôi vẫn đang đảm nhận vai trò cố vấn của Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học – ĐHQGHN, với công việc chính của tôi là tư vấn và góp ý cho đề tài của các nhà nghiên cứu, cán bộ làm việc tại Viện.
Tôi hay đùa mọi người là vì mời tôi làm cố vấn thì có “vấn” thì tôi mới "cố", vì Viện thì đông, tới tận 30 nhân sự, công việc lại tất bật quanh năm (cười).
Ngoài ra, tôi cũng đang tiếp tục viết sách mới, trả lời truyền hình cho những chuyên mục cần ý kiến chuyên gia... Tôi hay được mời đi nói chuyện ở các trường học, các tổ chức, ai mời tôi cũng đi hết vì hy vọng những điều mình chia sẻ sẽ giúp ích cho các bạn trẻ được phần nào. Nói chung là tuổi cao rồi nhưng tôi vẫn không ngừng làm việc.
Nếu được tặng cho các bạn học sinh, sinh viên một lời khuyên, thầy muốn nhắn gửi điều gì đến cho các bạn?
Tôi có nhiều lời khuyên dành cho các bạn lắm, cũng là những kinh nghiệm và quan điểm tôi đúc kết từ sự nghiệp và cuộc sống của mình thôi. Các bạn tham khảo và suy ngẫm xem nó có đúng với cá nhân mình không nhé.
Học lực là một tấm huy chương Đồng. Năng lực là tấm huy chương Bạc. Các mối quan hệ xã hội của con người là tấm huy chương Vàng. Tư duy đứng trên tất cả những tấm huy chương nói trên.
Sự say mê và khả năng của bạn sẽ quyết định kết quả công việc của bạn, chứ không phụ thuộc vào thái độ và suy nghĩ của những người xung quanh.
Tất cả những gì bạn cần làm là bắt đầu thực hiện từng bước để tiến tới mục tiêu và những cơ hội sẽ xuất hiện.
Hãy ủng hộ để có sự ủng hộ. Hãy làm điều tốt để lôi cuốn người tốt. Hãy trân trọng để cảm nhận sự trân trọng. Hãy yêu thương để được nhận yêu thương.
Mọi tổ chức đều cần những người làm những nhiệm vụ mà đại đa số từ chối thực hiện.
Món quà tuyệt vời nhất của cuộc đời thực chất là cho đi, chứ không phải nhận lại.
Bất kể xuất thân bần hàn đến đâu, miễn trong tim nuôi dưỡng khát vọng lớn lao thì một ngày nào đó bạn sẽ tung bay trên chính đôi cánh của mình.
Không dám mạo hiểm là một sự mạo hiểm lớn nhất, bởi vì khi đó bạn đã đóng tất cả những cánh cửa của những cơ hội đang đến với bạn.
Không ai được dọn sẵn một con đường để dẫn đến thành công. Phải tự tạo con đường đó cho mình.
Phải lấp đầy thời gian bằng những trải nghiệm ý nghĩa.
Cảm ơn thầy vì những chia sẻ này.
Comments