top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMỹ Ngọc

5 quyển sách giới mộ điệu kiến trúc không nên bỏ qua

Kiến trúc là một trong những lĩnh vực tích hợp kiến thức đa ngành nhiều nhất, từ thiết kế cảnh quan, bài trí nội thất, quy hoạch đô thị cho đến triết học, lịch sử... Dù không có cách nào để khái quát kiến thức về thiết kế một cách toàn vẹn, nhưng một số cuốn sách đã thử lý giải bộ môn này ở các góc nhìn khác nhau hòng đưa đến người đọc cái nhìn sáng tỏ.


Mỗi loại hình nghệ thuật đều có sức biểu cảm riêng. Nếu mỹ thuật lấy màu sắc, đường nét làm ngôn ngữ biểu hiện, ca nhạc lấy âm điệu, tiết tấu, từ ngữ làm phương tiện truyền thông thì kiến trúc sử dụng hình, khối, màu sắc, cách sắp xếp vật chất để bộc lộ. Hãy cùng LeLa Journal khám phá 5 quyển sách dưới đây để giải mã các yếu tố làm nên ngôn ngữ của kiến trúc - nội thất nhé!


1. De re aedificatoria - Leon Battista Alberti



Tác phẩm của Leon Battista Alberti đặt nền tảng cơ bản cho kiến thức kiến trúc và là cuốn sách thứ hai trong lịch sử châu Âu viết về chủ đề trên (sau quyển De architectura của Marcus Vitruvius Pollio). Tác giả đã vận dụng các học thuyết của hai triết gia Hy Lạp Plato và Aristoteles để trình bày các khía cạnh xã hội học trong kiến trúc. Đây cũng được xem là hệ thống lý luận cơ sở cho loại hình nghệ thuật này.


De re aedificatoria (tạm dịch: Bàn về nghệ thuật kiến trúc) được viết từ năm 1443 - 1452, gồm nhiều chủ đề, có cả lịch sử kiến trúc, quy hoạch đô thị lẫn thiết kế các công trình cụ thể. Đây là giai đoạn nước Ý bước vào thời kỳ Phục Hưng. Thời bấy giờ, "nội thất" còn được xem là một khái niệm chung, ám chỉ cách sắp xếp bên trong một tòa nhà, một công trình chứ chưa được phân thành những mảng cụ thể.


Tác phẩm có các chương tiêu biểu về đặc trưng của công trình kiến trúc (lineaments), tác phẩm cá nhân (works of individuals), trang trí (ornament), trang trí cho kiến trúc tôn giáo (ornament to sacred buildings), trang trí cho tòa nhà công cộng (ornament to public secular buildings), trang trí cho nhà riêng (ornament to private buildings)...


2. How Design Makes the World? - Scott Berkun



Mọi thứ chúng ta sử dụng, từ mạng xã hội, đến nhà cửa, đường cao tốc đều do ai đó thiết kế. Nhưng làm thế nào họ quyết định được điều gì là tốt cho công chúng? Họ đã làm đúng điều gì và họ đã khiến ta thất vọng ở đâu? Chúng ta có thể học được gì từ các chuyên gia này nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc sống của chính mình?


Trong How Design Makes the World? (tựa Việt: Sự thống trị của thiết kế), nhà thiết kế Scott Berkun đưa độc giả vào một cuộc hành trình khám phá cách các nhà thiết kế thuộc nhiều lĩnh vực, từ kỹ sư phần mềm đến nhà quy hoạch đô thị, đã thành công và thất bại như thế nào.


Sau khi đọc xong cuốn sách, ắt hẳn bạn sẽ đặt hàng loạt câu hỏi về những thứ mình mua, sử dụng hàng ngày, đồng thời bạn có thể dễ dàng tận dụng ý tưởng từ những nhà thiết kế vĩ đại để cải thiện cuộc sống.


Khôi Vinh, nhà thiết kế chính tại Adobe và cựu Giám đốc Thiết kế của tờ The New York Times chia sẻ về quyển sách: "Một nguồn tài nguyên thiết yếu, vô giá, giúp làm sáng tỏ và "dân chủ hóa" thiết kế cho tất cả những người sống chung với nó - có nghĩa là, tất cả chúng ta".


3. Atlas of Furniture Design – Vitra Design Museum



Đúng như tên gọi của mình, Atlas of Furniture Design (tạm dịch: Bản đồ thiết kế nội thất) là cuốn sách chứa khối lượng thông tin và hình ảnh đồ sộ nhất về chủ đề này. Nó cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về lịch sử ngành nội thất với khối lượng tài liệu gồm 1.740 tác phẩm của 546 nhà thiết kế với hơn 2.500 hình ảnh. Bộ sưu tập nội thất tại Bảo tàng Thiết kế Vitra là cơ sở dữ liệu quan trọng cho quyển sách.


Tác phẩm của những nhân vật nổi bật trong ngành như Le Corbusier, Eero Saarinen, Charlotte Perriand, Konstantin Grcic, George Nelson… đều được góp mặt tại đây. Điều này đòi hỏi 71 tác giả phải làm việc cật lực để tổng hợp bối cảnh lịch sử và khai thác góc độ văn hóa xã hội của các món đồ nội thất. Atlas of Furniture Design tựa một cuốn bách khoa toàn thư cho những tín đồ say mê có thể chiêm nghiệm thành phẩm của nhân loại.


4. Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn - Michelle



Cuốn sách hướng đến những ứng dụng của lối sống tối giản trong việc sắp xếp nhà cửa, đặc biệt thích hợp cho phụ nữ đảm đương nội trợ.


Tác giả Michelle chia sách gồm ba phần chính. Phần một được xây dựng dựa trên những trải nghiệm chân thật của chính tác giả, giải quyết câu hỏi đau đáu từ không ít độc giả là làm sao để sống với ít đồ đạc mà vẫn cảm thấy tiện nghi? Phần hai hướng dẫn các bước sắp xếp vật dụng để tạo hiệu ứng đẹp mắt sau khi đã tinh giản ngôi nhà. Cuối cùng là các nguyên tắc để sống dung dị.


Gấp lại quyển sách, LeLa Journal tin chắc rằng bạn sẽ có cảm giác thôi thúc và muốn bắt đầu dấn thân vào công việc dọn dẹp từ lối ra vào cho đến phòng khách - trái tim ngôi nhà, thậm chí là từng ngóc ngách nhỏ của tủ quần áo, nhà vệ sinh. Không chỉ có nội dung thiết thực, gần gũi, cuốn sách còn thu hút người đọc bởi hình ảnh minh họa được sắp xếp tỉ mẩn, giọng văn trong trẻo như chính tác giả từng nói: "Sắp xếp nhà cửa cũng chính là sắp xếp mọi sự trong lòng, sắp xếp cuộc sống của chính mình".


5. The Finer Things: Timeless Furniture, Textiles, and Details - Christiane Lemieux, Miles Redd



Vốn dĩ, nền móng của một ngôi nhà phải được xây dựng để đứng vững trước thử thách của thời gian, đồ nội thất và các yếu tố bên trong cũng phải đáp ứng yêu cầu tương tự. Ngoài việc phải đẹp và thoải mái, chúng còn phải bền vững. Nhưng làm thế nào để nhận ra một món đồ nội thất chất lượng?


Christiane Lemieux đã trả lời câu hỏi này bằng cách phỏng vấn các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới. Cuốn sách kết hợp những hiểu biết sâu sắc và sự hướng dẫn của hàng chục chuyên gia về giấy dán tường và sơn, nhà chế tạo vải, nghệ nhân phụ kiện và nhà thiết kế nội thất. Có thể nói, Lemieux đã tinh tuyển được một "bộ bách khoa" thiết thực về trang trí nhà ở nhằm giúp người đọc nhận ra những sản phẩm nội thất có thể được sử dụng lâu dài, thậm chí là vượt thời gian. Quyển sách chính là "ô cửa sổ" lung linh cho những người muốn nhìn ngắm bên trong một ngôi nhà sang trọng gồm có những gì.

Comments


bottom of page