top of page
Tìm kiếm

AI hiểu về luật và viết hợp đồng nhanh hơn cả... luật sư?

Nếu cần một giải pháp về pháp lý hoặc chỉ đơn giản là để kiểm tra những hợp đồng dân sự trong đời sống, nhiều người trong chúng ta thường tìm tới luật sư. Những tưởng nghề luật sư vẫn nằm trong vùng an toàn chưa bị AI thay thế vì đây là công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo, hiểu biết sâu sắc về con người và nhiều kỹ năng xã hội khác để đưa ra những chiến lược pháp lý tối ưu cho các cá nhân cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự thật là mới đây, một công ty khởi nghiệp có tên Robin AI đã tạo ra được chatbot luật sư có khả năng soạn thảo và chỉnh sửa hợp đồng pháp lý trong thời gian ngắn với chi phí thấp.



Viết hợp đồng nhanh hơn tới 80% từ kho dữ liệu độc quyền


Theo một khảo sát của YouGov (công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường) tại Vương quốc Anh vào năm 2021, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mỗi năm thiệt hại đến 13,6 tỷ bảng Anh vì không giải quyết được những tình huống khó khăn về mặt pháp lý (1). Mức phí cần trả cho các vấn đề liên quan đến luật sư và tư vấn pháp lý ở các nước phương Tây nhìn chung là cao, với các quy trình báo giá, đặt lịch, cân nhắc điều khoản... Cố vấn pháp lý là một trong những nghề được trả lương cao nhất trong xã hội, lý do là bởi kiến thức chuyên môn và đạo đức làm việc của họ khó có thể thay thế.


Để giải quyết hiệu quả vấn đề pháp lý với nguồn tài chính eo hẹp, các công ty cần tận dụng giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, tiến tới gia tăng năng suất và trong một số trường hợp là giảm thiểu nhu cầu tham gia của luật sư.


Công ty khởi nghiệp về hợp đồng pháp luật Robin AI đã hiện thực hóa điều này qua mô hình học máy (machine learning) giúp các cá nhân, doanh nghiệp xử lý hợp đồng pháp lý với mức chi phí thấp hoặc hoàn toàn miễn phí (2).

Sứ mệnh mà Robin AI hướng đến chính là thay đổi cách thức hoạt động của ngành pháp lý, khiến quy trình soạn thảo, đàm phán và lưu trữ hợp đồng - những công việc vốn phức tạp, tốn kém và mất thời gian của luật sư - trở nên đơn giản hơn.


Mô hình Robin AI này là "đứa con chung" của cựu luật sư Richard Robinson và cựu nhà nghiên cứu học máy James Clough. Sở hữu kho dữ liệu độc quyền từ 4,5 triệu văn bản pháp luật, Robin AI cho phép người dùng soạn thảo, đàm phán hợp đồng nhanh hơn 60-80% và tiết kiệm đến 75% chi phí pháp lý. Hiện Robin AI đã huy động được 10,5 triệu USD từ vòng gọi vốn Series A (vòng đầu tư mạo hiểm quan trọng đầu tiên của một công ty) để mở rộng mô hình luật sư của mình và xem xét hơn 12.000 hợp đồng mỗi năm.


Mục đích của công ty là giúp các doanh nghiệp chuyển từ các bản Word cần sự cập nhật thủ công sang một trình chỉnh sửa thuận tiện, dễ truy cập với ba tính năng chính: draft - dự thảo (tạo hợp đồng từ các mẫu), review - rà soát (chỉnh sửa hợp đồng trong quá trình đàm phán) và query - truy vấn (kho lưu trữ hợp đồng được hỗ trợ bởi AI).

Dịch vụ của Robin AI bao gồm self-serve software (phần mềm tự phục vụ) miễn phí giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ xử lý hợp đồng nhanh; các doanh nghiệp lớn hơn có thể tận dụng các tính năng nâng cao để chỉnh sửa lượng lớn hợp đồng một cách hiệu quả, cùng với hỗ trợ chuyên môn từ 30 luật sư nội bộ của Robin AI.

Có hai thách thức trong việc áp dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM - Large Language Model) vào tiến trình tạo và chỉnh sửa hợp đồng. Ian Hogarth, Nhà Đồng Sáng lập tại Plural cho biết: "Thứ nhất, các tài liệu thương mại quan trọng cần được đầu tư để có tiêu chuẩn chất lượng cao. Thứ hai, mô hình AI cần có đủ dữ liệu hợp đồng pháp lý để đào tạo. Vấn đề dữ liệu chưa được giải quyết ở những chỗ khác vì dữ liệu về hợp đồng thường phải đảm bảo tính riêng tư và không có sẵn trên mạng. Richard và James - những người đồng sáng lập của Robin AI - đã kết hợp kiến thức chuyên môn về luật và học máy thành công để giải quyết hai thách thức này" (3).


Nghề luật có trở nên dư thừa vì cải tiến công nghệ?


Từ ví dụ trên, chúng ta có thể thắc mắc liệu trí tuệ nhân tạo có khiến cho các chuyên gia pháp lý trở nên dư thừa? Theo Niels Martin Brochner, Giám đốc Điều hành của Contractbook và thành viên Hội đồng Công nghệ Forbes (Forbes Technology Council), với những phát triển mới nhất về trí tuệ nhân tạo, không khó để thấy nó sẽ cách mạng hóa các công việc liên quan tới pháp lý như thế nào (4).



AI có khả năng phân tích các vấn đề pháp lý phức tạp: đọc, xem xét, gạch chân/gạch đỏ, tiêu hóa đoạn văn dài, dịch khái niệm khó cho người bình thường và tạo ra các văn bản pháp lý được khớp nối một cách hoàn hảo... tất cả những thao tác này được xử lý chỉ trong vài giây với tỷ lệ lỗi thấp.


Phiên bản mới nhất của OpenAI GPT-4 thậm chí đã vượt qua kỳ thi luật sư tại Hoa Kỳ (5). "Điều này là bước nhảy vọt đối với học máy. Nó chứng minh rằng một chương trình trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện các nhiệm vụ pháp lý phức tạp ngang hoặc tốt hơn con người" - Daniel Martin Katz, Giáo sư Luật tại Đại học Luật Chicago-Kent đã bình luận (6).


Chúng ta vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề như tính bảo mật - khi mô hình AI lưu trữ thông tin mà bạn cung cấp rồi lại sử dụng trong hoàn cảnh khác, hoặc ai sẽ là người chịu trách nhiệm pháp lý nếu luật sư người máy đưa ra những lời khuyên có hại? Giám đốc Điều hành của Robin AI là Richard Robinson cũng cảnh báo rằng: "Những công cụ này về cơ bản chưa sẵn sàng để sử dụng nếu không có người đứng ra đảm bảo" (10). Nghĩa là, các sản phẩm do công nghệ này tạo ra luôn cần được kiểm tra và chỉnh sửa bởi chuyên gia có trình độ.



Rất có thể các luật sư sẽ phải đọc ít hơn, viết ít hơn, tìm kiếm ít hơn, suy nghĩ ít hơn và tiết kiệm phần lớn thời gian làm việc. Khi mỗi luật sư trở nên hiệu quả, chúng ta cần ít luật sư hơn, vì vậy một số người có khả năng mất việc. Một nghiên cứu gợi ý rằng, ngành pháp lý là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng nhất trong cuộc cách mạng AI (11).


Điều này tưởng như đi ngược với những phân tích từng được LeLa Journal đề cập trong chủ đề một số nghề nghiệp không thể bị AI thay thế. Tuy nhiên, ngành pháp lý không chỉ có luật sư mà còn bao gồm nhiều vị trí khác. Hơn thế nữa, khi một luật sư trở thành chuyên gia, đồng thời sử dụng tối ưu những công cụ AI như Robin và OpenAI GPT, thì vị luật sư đó vẫn có thể tiếp tục phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực mà mình chọn. Với trình độ như vậy, vị luật sư đó vẫn rất khó có thể bị thay thế bởi AI. Vì vậy, luật sư vẫn được xem như một ngành an toàn trước làn sóng AI.


Sự cải thiện về năng suất trong công việc hành chính của luật sư có thể mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng. "Lý tưởng nhất là những tiến bộ công nghệ ở mức độ này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng nhận được nhiều hơn với mức chi phí thấp hơn" - Giám đốc Điều hành Niels Martin Brochner nhận định (4).

Cùng quan điểm này, Richard Robinson, người sáng lập Robin AI chia sẻ: "Một trong những lý do khiến tôi bắt đầu Robin AI là vì tôi nghĩ rằng tư vấn pháp lý quá đắt. Nhưng với công nghệ phù hợp, công việc này sẽ rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn đáng kể. Những điều này đều quan trọng nếu chúng ta muốn tạo điều kiện để mọi người tự bảo vệ mình và khôi phục niềm tin với ngành luật" (12).

1 comentario


Dao Yen
Dao Yen
14 jul 2023

AI mà còn thi đỗ cả kỳ thi luật thì thật là khủng khiếp. Nhưng mình nghĩ điều này chưa phổ biến ở VN ít ra là 5 - 10 năm nữa đâu, vì rào cản pháp lý vẫn còn đó.

Me gusta
bottom of page