top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảTuyết Nhi

Attention Economy: Sự chú ý của chúng ta đang... kiếm tiền cho người khác

Có một nền kinh tế đã được định giá hơn 270 tỷ đô la, tương đương với hơn 6,5 ngàn tỷ đồng, được gọi là "nền kinh tế chú ý" (attention economy) (1). Tại đây, thói quen lướt mạng, xem-nghe-đọc thông tin online của chúng ta đang tạo ra nguồn thu nhập lớn cho... người khác. Chưa bao giờ như bây giờ, sự chú ý của chúng ta lại "có giá" tới ngần ấy.



Bạn có đếm được rằng mỗi ngày mình dành bao nhiêu thời gian để xem các video TikTok, reels trên Facebook không? Xã hội ngày nay đang gia tăng xu hướng "chìm đắm" vào những nội dung trên mạng xã hội, có khi chỉ là 5 giây để quyết định có xem tiếp nội dung, hoặc cũng có khi khác là ta tốn khoảng... 180 phút mỗi ngày chỉ để lướt TikTok. Xu hướng hành vi này là tiền đề của nền kinh tế chú ý (attention economy), nơi mà con người ta kinh doanh thu lợi nhuận, dựa trên việc khai thác triệt để tâm lý chú ý của người dùng.



Cuộc chiến tranh giành sự chú ý từ người dùng


Nhà Tâm lý học, nhà Kinh tế học đạt giải Nobel là Herbert Alexander Simon đã đề ra khái niệm "nền kinh tế chú ý" vào năm 1971. Ông cũng từng đưa ra nhận định rằng sự giàu có của thông tin đã kéo theo tình trạng khan hiếm sự chú ý.


Lý thuyết của Simon tập trung vào việc người tiêu dùng phân bổ sự chú ý vào thông tin. Cụ thể, nếu thông tin được cung cấp càng nhiều, càng dồi dào thì sự chú ý của người tiêu dùng sẽ càng giảm, do đó phải xây dựng một hệ thống phân bổ thông tin hướng tới mối quan tâm của khách hàng (2), (3).


Thậm chí, quãng thời gian trung bình mà con người đã giảm từ 12 giây xuống 8 giây (4). Nghĩa là thứ vốn đã khan hiếm nay lại càng ít hơn, khiến việc "giành giật" sự chú ý của người tiêu dùng không khác nào một cuộc chiến của những người bán.

Có lẽ đó là lý do mà các nền tảng mạng xã hội lớn lại "đua" nhau ra mắt các định dạng video ngày một ngắn và liên tục cải tiến thuật toán. Chẳng hạn, theo thuật toán của TikTok, yếu tố quyết định một video lên xu hướng nằm ở việc người dùng có "ở lại" xem video trong vài giây đầu tiên hay không. Bên cạnh đó, nhiều người chắc hẳn đã quá "ngán ngẩm" việc các trang tin và nhà sáng tạo nội dung luôn tìm cách "giật tít" câu view, dù bị cho là "rẻ tiền" và kém sang.


Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của họ chính là sự chú ý của người dùng - thứ nằm trong một nền kinh tế đang vận hành vô cùng sôi động.


Cơ hội từ nền kinh tế chú ý


Những tiến bộ công nghệ đã luôn biết cách thu hút và tận dụng sự chú ý của chúng ta một cách có chiến lược. Vô tình xem được một video thú vị, bạn có thể nhấn nút "đăng ký" hoặc "theo dõi" kênh đó, cá nhân đó... Thậm chí, những bài viết trên website cũng lồng ghép đường link dẫn đến những bài khác có chủ đề tương tự với mục đích "giữ chân" người dùng ở lại lâu hơn trên nền tảng (3).


Lấy bản thân làm ví dụ, sau khi đọc bài này, bạn có thể đọc thêm các bài viết mới nhất trên trang LeLa Journal tại đây.

Trong nền kinh tế chú ý, sự chú ý của người dùng được coi như một loại hàng hoá, có thể làm tăng tỷ lệ mua hàng và tạo ra lợi nhuận. Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao những livestream trên TikTok, Facebook luôn cuốn hút, khiến bạn sẵn sàng ngồi xem dù bạn chưa có ý định mua sản phẩm?


Đó là do họ đang "giành lấy" sự chú ý của người xem bằng việc sáng tạo nội dung livestream rất đa dạng như ca hát, trò chuyện giao lưu hay thậm chí là cãi nhau trên sóng livestream với "concept" phim, như một đoạn clip viral cách đây vài tháng (5). Như một lẽ dĩ nhiên, càng được nhiều người chú ý, tỷ lệ "chốt đơn" càng cao.


Ắt hẳn chúng ta không còn xa lạ với đế chế nhà Kardashian–Jenner. Có thể nói rằng đế chế đó được xây dựng bởi nền kinh tế chú ý mà chúng ta đang phân tích ở đây.


Nhưng sự chú ý cũng đi kèm với lưu ý…


Bên cạnh việc mang lại doanh thu khủng cho các doanh nghiệp thì nền kinh tế chú ý này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng.


Trong cuộc chiến tranh giành sự chú ý, người dùng phải hứng chịu hậu quả. Mỗi ngày, chúng ta đều bị tổng tấn công bởi hàng loạt những thông báo từ các thiết bị, thông tin mới... Đâu cũng là những thứ mà chúng ta không nên bỏ lỡ.

Từ đó, người dùng dễ dàng bị phân tâm, gặp gián đoạn trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta lại khó tập trung chuyên sâu vào công việc, về lâu về dài sẽ bị suy giảm khả năng tập trung, như đã nhắc tới ở trên về mốc 8 giây.


Bên cạnh đó, những nội dung thu hút sự chú ý cũng gây ra hội chứng FOMO - Fear Of Missing Out, tâm lý sợ bị bỏ lỡ.


Vậy đâu là giải pháp khả thi cho doanh nghiệp?



Một trong những cách để doanh nghiệp tìm kiếm sự chú ý từ công chúng là đổ tiền vào quảng cáo. Đây được xem là cách thức hiệu quả để người dùng luôn "nhớ mặt đặt tên" và tìm đến thương hiệu mỗi khi phát sinh nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ.


Nhưng trớ trêu thay là doanh nghiệp tìm kiếm sự chú ý còn người dùng tìm kiếm sự riêng tư.

Chúng ta chính là người dùng, với nhu cầu thoát khỏi cuộc chiến của các doanh nghiệp, bằng cách đăng ký gói Youtube, Spotify Premium... để không phải xem quảng cáo. Khi đó, thông điệp của thương hiệu không thể chạm đến người dùng. Do đó, giải pháp khả thi nhất chính là kể câu chuyện thật hay. Nói theo cách khác, thứ nhãn hàng quảng bá không chỉ là sản phẩm hay thương hiệu, mà còn là trải nghiệm, câu chuyện, cảm xúc...


Bên cạnh đó, ở vị trí người tiêu dùng, chúng ta cũng hãy có một "bộ lọc" để chọn ra những câu chuyện, nhãn hàng, thương hiệu thực sự phù hợp với mình, thay vì "phát free" sự chú ý của bản thân - một thứ vô cùng khan hiếm và giá trị trong cuộc sống hiện đại ngày nay.



Commentaires


bottom of page