top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảKhiết Lam

BS. Nguyễn Minh Tiến: Hiếu thảo là một "di sản"

Tiếp nối chủ đề về lòng hiếu thảo, lần này LeLa Journal tiếp tục nhìn nhận những tương tác trong nội bộ từng gia đình để có cái nhìn sâu hơn về cách mỗi thành viên thông hiểu và thực hành khái niệm "hiếu thảo". Liệu có điểm chung nào về thực hành hiếu thảo giữa các gia đình khác biệt về cách sống, giữa những xã hội khác biệt về văn hóa và chuẩn mực? Liệu thứ tự sinh có ảnh hưởng đến cách anh chị em trong gia đình thể hiện sự biết ơn? Và liệu hiếu thảo nên được hiểu như một mối quan hệ mang tính công - nợ liên thế hệ, hay đó là giá trị phổ quát? Những câu hỏi này sẽ được khai thác và làm rõ hơn qua phần chia sẻ của bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến.


Nguồn: NVCC

​​Tốt nghiệp chuyên khoa tâm thần Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. HCM và chương trình Tâm lý Trị liệu Gia đình và Can thiệp Hệ thống do ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với Viện-Trường Louvain (Vương Quốc Bỉ) tổ chức tại TP. HCM, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đang thực hành về can thiệp hệ thống gia đình tại CLB Trăng Non và từng tham gia giảng dạy tại Đại học Văn Hiến, ĐH KHXH&NV HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chữ "hiếu" có muôn hình vạn trạng, biến thiên giữa nền văn hóa và giữa các gia đình khác biệt về lối sống


Thưa bác sĩ, liệu lòng hiếu thảo có cơ sở về mặt sinh học thần kinh hay là một quan niệm thuần túy thuộc về xã hội, đạo đức học?


Nếu muốn đi sâu về chữ hiếu thì mình phải đặt câu hỏi, chứ không phải dựa vào những câu trả lời có sẵn liên quan tới yếu tố sinh học hoặc xã hội. Chẳng hạn như tại sao đứa con phải hiếu thảo với bố mẹ? Đó là quy định hay chỉ đơn thuần là con cái thì tự nhiên sẽ có lòng hiếu thảo? Rồi thì hiếu thảo ở các xã hội xưa thì khác hay giống với hiếu thảo thời nay? Nếu là do con người quy định thì tại sao xã hội này lại hiểu chữ hiếu thế này, xã hội khác lại hiểu thế kia? Hiếu thảo trong nền văn hóa này lại khác với nền văn hóa kia, trong nội bộ mỗi gia đình cũng khác nhau, vậy chữ hiếu hình thành và phát sinh trong thực tại lối sống của mỗi gia đình, có đúng không?


Chữ hiếu có muôn hình vạn trạng và mỗi người cũng có thể có một định nghĩa riêng về sự báo hiếu. Khái niệm về chữ hiếu vào thời của cha mẹ ta chắc gì đã giống với khái niệm của ta ngày nay, và bản thân lòng hiếu thảo của ta với cha mẹ trong hiện tại chắc gì đã là quan niệm của con ta đối với ta sau này?


"Thế nên là, chúng ta có thể hiểu chuyện này theo nghĩa kỳ vọng và trách nhiệm đáp ứng. Đứa con sẽ dần cảm thấy mình có nghĩa vụ chăm sóc, thỏa lòng, thỏa kỳ vọng của bố mẹ, giống như năm xưa nó đã trông mong cha mẹ chăm sóc và thỏa mãn nhu cầu của nó. Theo thời gian, đứa con lớn dần và đến một lúc nào đó, như được thôi thúc bởi một động lực tự nhiên, đứa con biết mình phải hàm ơn ai, về chuyện gì".

Không như quan hệ hợp tác giữa tôi và bạn ở đây – có thể chúng ta xong buổi nói chuyện hôm nay rồi thôi – quan hệ giữa cha mẹ và con cái là về huyết thống. Vì thế nên họ khó có thể tránh khỏi những kỳ vọng, mong đợi và nghĩa vụ qua lại với nhau xuyên suốt cuộc đời mình.


Nếu xem sự hiếu thảo là một khái niệm thuộc về văn hóa xã hội và được định hình theo môi trường sống của từng cá nhân, từng gia đình, thì liệu có điều gì ràng buộc mỗi đứa con trên đời này đều phải tôn kính và gắn bó với cha mẹ?


Đứa con sinh ra đã ở trong tình thế phải dựa vào cha mẹ, còn cha mẹ cũng tự hiểu rằng mình có trọng trách chăm sóc và bảo vệ đứa con. Như vậy, giữa cha mẹ hình thành nên mối tương quan không ngang bằng và không cần đến quy định gì thì chúng ta cũng đều hiểu cha mẹ luôn là bề trên, là bậc trưởng thượng. Và trong tiến trình đứa con nương tựa vào sự chăm sóc của cha mẹ và cha mẹ thực hiện nghĩa vụ nuôi nấng con cái, sự gắn bó giữa hai bên được hình thành.


Cha mẹ cũng có lúc đối xử không tốt với con cái, như khi đứa con khóc quấy, cha mẹ cũng cảm thấy khó chịu và vô tình có những lời nói hoặc hành động không hay. Nếu là những cá nhân lành mạnh, họ sau đó vẫn sẽ quay trở lại vai trò chăm sóc, yêu thương đứa con, thì đứa con vẫn gắn bó với họ. Dù cho vấn đề nằm ở cha mẹ hay ở đứa con, người ta vẫn ghi nhận nhiều trường hợp cha mẹ có xu hướng giữ đứa con bên cạnh họ, kể cả trong trường hợp cha mẹ bạo hành con. Ở chiều ngược lại cũng vậy, ngay cả khi bị bạo hành, bên trong đứa con vẫn hình thành nên một ý niệm thôi thúc nó không được rời xa cha mẹ, kể cả khi họ bạo hành nó.


"Vậy nên, lồng bên trong chữ hiếu thảo còn có lòng trung thành của cả hai phía đối với nhau. Đứa con cảm thấy trung thành với cha mẹ vì hàm ơn họ và sẽ nghe lời, tôn kính họ. Cho đến khi trưởng thành, đứa con sẽ bớt phụ thuộc vào cha mẹ hơn, nhưng sự tôn kính hay nghĩa vụ về gắn bó vẫn còn".

Sự khác biệt về chữ hiếu theo văn hóa cụ thể như thế nào theo ý kiến của bác sĩ?


Trong từng loại xã hội có những quy định riêng về việc làm con phải thế này, làm cha mẹ phải thế kia, thì đó là những luân thường đạo lý (morality) mà xã hội quy định. Nó khác với nền tảng đạo đức (ethics) giữa con người với nhau. Chẳng hạn, có thể trong xã hội phương Tây không có những quan niệm về hiếu thảo theo kiểu Khổng Mạnh, nhưng ở đó cha mẹ vẫn thường yêu thương, chăm sóc con cái đó thôi.


Tùy nền văn hóa mà hiếu thảo có những biểu hiện khác nhau. Nếu đọc lại lịch sử, chúng ta cũng thấy con nít ở thế kỷ XVI hay XVII tại phương Tây cũng đâu có được tự do hay được tôn trọng đâu, vì người ta vẫn có thể đánh đập đứa con. Dù ở đâu hay thời nào, cũng đều có kiểu làm cha mẹ tốt-xấu cả. Kể cả phương Đông hay phương Tây ngày xưa vẫn có những gia đình tiến bộ, yêu thương con theo cách của chúng ta bây giờ. Chỉ là gần đây, chúng ta bắt đầu chú ý đến trẻ con nhiều hơn, hiểu rằng trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ nên cần phải tiếp cận khác đi.


Về sự "cấn nợ" lành mạnh và không lành mạnh trong gia đình


Nguồn: NVCC

Trong những trường hợp có bất công xảy ra khiến cư xử của cha mẹ khác nhau giữa các anh chị em – chẳng hạn như yêu thương đứa đầu, thờ ơ với đứa út, hoặc trọng nam khinh nữ – thì liệu có xảy ra bất công hay không? Và liệu sự bất công đó có làm ảnh hưởng quá trình phát triển ý niệm về lòng hiếu thảo hay không, thưa bác sĩ?


Cũng còn tùy. Cách cha mẹ đối xử với người anh có thể khác với người em, nhưng sự khác biệt này sẽ không tạo ra bất công, nếu tình yêu được san sẻ để mọi đứa con đều cảm thấy được yêu thương.


Người anh có thể hiểu rằng vì đứa em còn nhỏ nên cần được dành thời gian nhiều hơn, nhưng không vì thế mà cha mẹ bớt yêu thương mình. Khi đó, đứa con lớn sẽ thấy thỏa lòng hơn và biết rằng sự khác nhau về cách chăm sóc không có nghĩa là bất công xảy ra.


Sự bất công chỉ xảy ra khi sự trông mong, kỳ vọng không được đáp ứng, hoặc khi một trong hai phía (cha mẹ hoặc con cái) thực hiện nghĩa vụ hoặc bỏ công sức nhưng không được phía còn lại ghi nhận một cách chính đáng về mặt tinh thần, tình cảm.


Và những dấu ấn tình cảm đó tạo ra sự hàm ơn, ta biết rằng có nhiều thời điểm ta chưa thể đền đáp lại người mà ta hàm ơn, nhưng ta sẽ thực hiện nghĩa vụ này vào một lúc nào đó sau này khi bản thân có khả năng. Hoặc ta có thể đóng góp lại cho chính người mà ta hàm ơn, bằng cách phụ họ lo cho các thành viên còn lại. Đó là lý do vì sao nhiều đứa con lớn lại muốn phụ giúp cha mẹ lo lắng cho các em nhỏ của mình.


Hành động gánh giùm trách nhiệm của cha mẹ được hiểu là một sự báo đáp. Thay vì báo đáp lại cho cha mẹ thì ta chọn thực hiện phần trách nhiệm/nghĩa vụ nào đó của cha mẹ, như một cách thức đền ơn gián tiếp. Hiện tượng này được gọi là một sự cấn nợ lành mạnh.


Thế còn sự cấn nợ không lành mạnh thì sao, thưa bác sĩ?


Sự cấn nợ âm thầm có thể hiểu được trong trường hợp mà ở đó cha mẹ đòi hỏi đứa con phải thực hiện những gì mà cha mẹ khi còn nhỏ không được nhận. Bằng một cách vô thức, cha mẹ đã chuyển những cái nợ, những cái tổn thương của đời trước sang cho đời sau là con cái của mình, trong khi đứa con là vô can, không liên quan gì đến những tổn thương của đời trước cả.


Ý niệm hàm ơn trong trường hợp gia đình bạo hành và gia đình nhận con nuôi


Đối với gia đình có trẻ bị bạo hành, chúng ta nên tiếp cận thế nào để đảm bảo sự phát triển toàn vẹn của trẻ về ý niệm hiếu thảo?


Trong trường hợp cha mẹ bạo hành, đứa con sẽ gặp khó khăn khi không biết cách nào để báo hiếu, không biết cách để tôn trọng cha mẹ và sẽ luôn tự hỏi vì sao lại phải gắn bó với họ. Khi đó, xung đột về lòng trung thành xảy ra và gây ra tổn thương rất lớn cho đứa con vì chúng sẽ loay hoay với suy nghĩ "Lẽ ra tôi phải tôn kính và biết ơn vì họ là đấng sinh thành, nhưng họ cũng chính là người gây ra tổn thương cho tôi mà".


Tổn thương liên thế hệ là chuyện rất nghiêm trọng, không chỉ vì những lời chửi mắng hay sự đánh đập và vì chính sự xung đột về khái niệm hàm ơn và sự trung thành. Bởi vì đến một lúc nào đó, đứa con cũng không thể biết được đâu là cách nên làm để chăm sóc đứa con sau này của nó. Và cái tổn thương đó lại chuyển dời sang thế hệ tiếp theo, cứ thế mà tiếp nối.


"Sự chuyển giao xuyên thế hệ là một vấn đề rất phức tạp nhưng lại có thật".

Trong can thiệp chống bạo hành, mình không phải đứng về phía đứa con và lên án cha mẹ bạo hành. Bạo hành là sai, nhưng không vì thế mà mình từ chối lắng nghe câu chuyện hay nỗi đau khổ của người gây ra bạo hành. Khi làm việc với các gia đình có con bị bạo hành, mình phải giúp các thành viên hiểu được lịch sử của những đau khổ đang xảy ra trong gia đình đó qua các thế hệ ra sao. Để ai cũng hiểu được bản thân cha mẹ cũng từng bị tổn thương ra sao mới trở nên như vậy, rồi từ đó giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về vai trò của mình.


Có một vấn đề mà chúng tôi cũng muốn nghe quan điểm từ bác sĩ là nhận thức về chữ hiếu của những người con nuôi, vì con nuôi có tận hai gia đình cần báo đáp. Bác sĩ nghĩ sao về chuyện này?


Có hai tình huống khi nói về những người con nuôi. Một là trường hợp đứa con vẫn biết được cha mẹ ruột của mình, hoặc là con được gửi ông bà, anh chị hoặc chòm xóm nuôi hộ. Trường hợp còn lại là con nuôi không tìm được hoặc không hề biết về bố mẹ ruột, bởi vì họ đã bỏ đi. Con nuôi trong trường hợp này là về mặt pháp lý, chứ có thể không cùng huyết thống với gia đình nhận nuôi. Hai cái này có sự khác nhau.


Ở trường hợp đầu thì hai thân phận này không có gì xung khắc với nhau vì bố mẹ hoặc gia đình ruột của đứa con vẫn còn đó bên cạnh gia đình cưu mang. Còn ở trường hợp thứ hai, sự xung khắc xảy ra khi bên dưỡng dục và bên sinh thành không thể gặp gỡ nhau được và đứa con không biết sẽ không biết phải báo đáp bên nào, giữa ơn sinh thành và ơn dưỡng dục. Khi cha mẹ nuôi tiết lộ sự thật này thì như một động lực tự nhiên, đứa con sẽ cảm thấy thôi thúc phải đi tìm cha mẹ ruột đó.


Dù được khuyến cáo là nói ra sự thật cho con biết, nhưng nhiều cha mẹ cũng chọn giấu chuyện này phần vì sợ nói ra đứa con sẽ bỏ mình, phần vì sợ đứa con phải đau khổ khi biết mình từng bị bỏ rơi. Đứa con cũng không thể chọn lựa bỏ bên này theo bên kia được.


Vậy hướng giải quyết một cách lý tưởng là như thế nào ạ?


Theo tôi, là cha mẹ nuôi nên cùng con tìm lại gia đình gốc của con, cũng như tìm hiểu nỗi đau nào khiến cha mẹ ruột năm đó lại không thể nuôi đứa con. Hiểu được nỗi đau đó để mà hóa giải được đau khổ là một câu chuyện rất dài, nhưng nếu có thể gặp gỡ và nói ra được những câu chuyện ẩn đằng sau đó đã là bước đầu để tháo gỡ được cái xung đột về lòng hiếu thảo giữa ơn dưỡng dục và ơn sinh thành rồi.


Một lối ra lý tưởng cho tình huống này, theo tôi nghĩ, là đứa con hiểu rằng mình có tận hai gia đình và ý thức được rằng: "Một bên tôi có thể đối thoại với họ về ơn sinh thành, bên còn lại tôi có thể báo đáp ơn dưỡng dục. Một bên tôi hàm ơn vì công lao mà họ dung chứa tôi, một bên tôi hàm ơn vì hiểu được nỗi khổ năm xưa của họ".


"Chúng ta không nên phải đặt con cái vào tình huống phải lựa chọn giữa bên này, bên kia. Làm như thế là phiến diện, là không tôn trọng sự thật ở trong tâm thức của đứa trẻ rằng nó đang bị mắc kẹt trong sự mâu thuẫn về lòng hiếu thảo".

Vu Lan hiểu theo nghĩa một nghi lễ tập thể và theo nghĩa nhu cầu kết nối tinh thần và tâm linh với người thân


Nguồn: NVCC

Với những người không còn cha mẹ thì sự báo hiếu được thể hiện như thế nào, thưa bác sĩ? Có phải việc những người này tham gia hoạt động công ích nhiều hơn là biểu hiện của sự báo hiếu vì đó là một dạng báo đáp kỳ vọng trước đây của gia đình hoặc vì họ không còn ai thân gần để báo đáp?


Tôi nghĩ cái này còn tùy vào xã hội và nền văn hóa, bởi không phải mọi nền văn hóa đều như thế. Những hành động phụng sự xã hội cũng có thể coi như một nghi thức báo hiếu, miễn là người thực hành phải toàn tâm toàn ý làm việc đó. Để những nghi thức báo hiếu đó trở thành những nghi lễ lớn như Vu Lan thì ngoài việc phải thực hành toàn tâm toàn ý thì còn cần đến sự tập trung và sự chứng kiến của những người khác. Hiểu theo cách đó, Vu Lan mang ý nghĩa là một nghi lễ được cả xã hội thực hành và lan tỏa hiệu ứng tập thể cùng thông điệp về báo hiếu.


Lấy ví dụ thế này, khi ta toàn tâm toàn ý cúng bái ông bà tổ tiên trong những dịp giỗ và có người xung quanh chứng kiến, thì ta cảm giác như đấng bề trên kia cũng đang chứng nhận cho lòng biết ơn của ta. Khi thực hiện xong nghi thức, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm và có ý nghĩa, dẫu cho đối tác mà ta muốn hàm ơn, muốn đối thoại là siêu hình.


"Đó là vì trong tâm thức của ta, sợi dây liên kết ta với đấng bề trên được nối lại và ta cảm thấy gắn kết lại với người đã khuất. Đây cũng là một dạng chữa lành".

Bởi vì kể cả khi là người trưởng thành, chúng ta vẫn luôn có nhu cầu đối thoại, kết nối thể hiện điều gì đó với cha mẹ, cả bằng tinh thần lẫn trong đời thực. Khi họ mất đi, bằng cách này hay cách khác chúng ta đều sẽ cố gắng kết nối lại với họ trong tinh thần.


Theo như lời bác sĩ vừa chia sẻ thì phải chăng các hình thức cúng kiến hay tham gia lễ Vu Lan là một cách thức xử lý tang chế (mourning)?


Đưa tang không phải là một thời điểm mà là một tiến trình kéo dài, bởi sau đám tang còn có lễ 49 ngày, đám giỗ... là những dịp ta có thể ôn lại kỷ niệm và được bày tỏ. Khi tham gia vào nghi lễ tập thể như Vu Lan thì ta đang muốn truyền đi thông điệp ra công chúng. Đầu tiên là cho những đứa trẻ thấy về sự báo hiếu. Tiếp đó là cho những người trưởng thành đang có nhu cầu muốn kết nối lại với đấng sinh thành. Cuối cùng là cho những người cao niên một sự đảm bảo rằng họ vẫn sẽ luôn được nhớ về, sẽ không bị lãng quên nếu sau này họ mất đi, và rằng những giá trị mà người đi trước để lại đều tốt đẹp.


"Hiếu thảo, xét theo nghĩa này, là một di sản được ghi nhận lẫn nhau, được truyền qua các thế hệ".

Nếu một xã hội có những thể thức như vậy trong cộng đồng – và các thể thức đó cũng được ghi nhận trong gia đình – thì xã hội đó sẽ duy trì được sự tốt lành.


Xin cảm ơn bác sĩ vì buổi chia sẻ hôm nay.

Comments


bottom of page