top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Bạn muốn làm gì trong năm mới?

Bạn muốn làm điều gì trong năm mới 2023? Đối với một số người, việc hiện thực hóa những mục tiêu luôn là thử thách lớn vì không phải lúc nào chúng ta cũng ở trong trạng thái tràn đầy động lực như những lời quyết tâm "New Year - New Me" lúc giao thừa. Làm sao tiếp cận với mục tiêu một cách bền vững hơn?


Phần lớn những người quyết tâm viết ra những giải pháp, cam kết thay đổi bản thân, định hướng mục tiêu cho năm mới (New Year’s Resolution) thường có xu hướng từ bỏ... ngay khi chưa hết năm (1). Vì sao lại như vậy? Chúng ta bắt đầu với những mục tiêu rất tốt và ý nghĩa cho sức khỏe thể chất cùng hạnh phúc tinh thần, nhưng sau đó lại tạm ngừng vì một số trở ngại phổ biến.


Càng nhiều mục tiêu, càng hạn chế cảm giác hài lòng



Điều này bắt nguồn từ giả định “Chỉ khi đạt được A, tôi mới hạnh phúc”. Tuy nhiên sau khi đạt được A, chúng ta lại chờ đợi tiếp các mục tiêu B, C, D. Vấn đề với tâm lý ưu tiên mục tiêu là chúng ta liên tục trì hoãn cảm giác hạnh phúc cho đến cột mốc tiếp theo, khiến cho hạnh phúc trở thành cảm giác xa vời ở trong tương lai. Nó tạo ra xung đột giữa hai vấn đề, hoặc là đến cột mốc đó, chúng ta đạt được mục tiêu và thành công, hoặc là thất bại và mọi thứ trở thành một sự thất vọng.


Hơn nữa, mục tiêu có thể tạo ra hiệu ứng yo-yo (trong ăn uống, cụm từ này dùng để chỉ quá trình ăn kiêng để giảm cân, sau đó tăng cân lại và giảm cân thêm lần nữa). Giống như một số vận động viên tập luyện chăm chỉ, dồn lực trong một khoảng thời gian nhưng ngay khi về đích, họ ngừng lại vì đã kết thúc cuộc đua, không còn gì để thúc đẩy.


Khi tất cả nỗ lực đều hướng về một mục tiêu cụ thể, nếu như nó kết thúc, chúng ta sẽ cảm thấy không còn động lực và có thể quay trở lại các thói quen cũ sau khi hoàn thành mục tiêu.

Một cách để tránh tâm lý chung này là ưu tiên tập trung vào hệ thống. Theo chuyên gia về lĩnh vực hành vi và thói quen James Clear, hệ thống là tập hợp các thói quen hằng ngày để đưa bạn đến kết quả mong muốn (2). Việc dành ít thời gian hơn vào kết quả và dành nhiều thời gian để nuôi dưỡng thói quen hướng đến kết quả sẽ đem lại sự hài lòng cho chúng ta mỗi ngày.


Điều đó cũng có nghĩa, mục đích của việc đặt mục tiêu là hoàn thành công việc, nhưng mục đích của xây dựng thói quen (hệ thống) lại là tiếp tục công việc đó. Nó liên quan đến việc bạn mong muốn trở thành ai/người như thế nào. Vì các hành vi (thói quen) đều là tập hợp những điều phản ánh danh tính hiện tại của bạn hoặc danh tính bạn đang muốn hướng đến.


Hướng giải quyết:

  • Hiểu về con người bạn muốn hướng đến. Bạn muốn trở thành ai? (Ai là kiểu người sẽ đạt được các kết quả bạn mong muốn?). Các nguyên tắc và giá trị của bạn là gì?

  • Chứng minh điều này với bản thân bằng những hành động nhỏ (hệ thống các thói quen).


Ví dụ, nếu muốn trở nên khỏe mạnh và vận động nhiều hơn, hãy trở thành kiểu người kiên trì với các buổi tập của mình và chứng minh bằng cách tập chống đẩy/chạy bộ/nâng tạ vào mỗi thứ hai/tư/sáu. Nếu muốn là một nhà văn tốt hơn, hãy trở thành kiểu người luyện viết thường xuyên và bắt đầu bằng cách viết một đoạn văn nhỏ đều đặn mỗi ngày. Nếu muốn làm một người bạn tốt, hãy trở thành kiểu người tử tế khi bạn bè cần giúp đỡ và hành động bằng cách hỏi thăm họ mỗi cuối tuần hoặc thể hiện thái độ bình tĩnh, tử tế mỗi khi có xung đột.



Làm quen với sự buồn chán - yếu tố thường bị tránh né nhiều nhất


Vì sao cố gắng theo đuổi sự tích cực lại không hiệu quả? Gabriele Oettingen, Giáo sư tâm lý học của Đại học New York phát hiện rằng những kỳ vọng tích cực về tương lai có thể hữu ích trong việc tìm kiếm các cơ hội tiềm năng, nhưng lại gây nản chí khi cần đối mặt với thực tế và bỏ ra công sức hành động (3). Thêm vào đó, các thành công và hào nhoáng trên mạng bây giờ không nói lên những vất vả, giai đoạn cố gắng mà một người cần phải bỏ ra. Chúng chỉ củng cố tâm lý theo đuổi liên tục các trải nghiệm tích cực không thực tế và khiến ta mất kiên nhẫn với giai đoạn luyện tập nhàm chán.


Nhà sử học Yuval Noah Harari đã viết trong quyển 21 bài học cho thế kỷ 21 về sự nhàm chán như sau: “Nếu muốn đi sâu vào bất kỳ chủ đề nào, bạn cần rất nhiều thời gian và đặc biệt là phải có quyền được lãng phí thời gian. Bạn cần thử nghiệm những con đường không hiệu quả, đi vào những ngõ cụt, tạo khoảng trống cho sự nghi ngờ và cảm giác buồn chán trên hành trình, đồng thời cho phép những hạt giống hiểu biết nhỏ bé từ từ lớn lên. Nếu không thể lãng phí thời gian, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự thật” (4).

Trước khi Mozart trở thành một trong những nhà soạn nhạc thành công nhất trong lịch sử, ông cũng cần đến một thập kỷ để luyện tập, đó là một giai đoạn nhiều khó khăn và ít được công nhận. Ý tưởng cần nhấn mạnh ở đây không phải việc chúng ta nên bỏ bao nhiêu thì giờ cho điều gì đó, mà là sự kiên trì và nhất quán với hành động dù ở trong trạng thái buồn chán, thiếu động lực khi hướng đến mục tiêu.


Nếu cần động lực, chúng ta có thể thoải mái xem các video truyền cảm hứng, làm những việc khiến bản thân cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, điều đó không đóng góp nhiều cho việc bắt đầu hành động. Sự thúc đẩy về mặt nhận thức chỉ là một phần, hành động thực sự sẽ tạo nguồn cảm hứng bền vững vì chính bạn đã chứng minh được cho bản thân những gì bạn cần làm để trở thành con người mình muốn.


Hướng giải quyết:

  • Sau khi đã xác định bạn muốn trở thành người thế nào và nắm rõ các thói quen để đưa đến kết quả, hãy bắt tay vào hành động.

  • Giả sử khi thực hiện thói quen, bạn bỏ lỡ một, hai lần vì những lý do khách quan, hãy nhớ rằng bạn vẫn luôn có thể quay lại với nó bất kỳ lúc nào.

  • Khi trải nghiệm cảm giác buồn chán trên hành trình, hãy tiếp tục kiên nhẫn với nó và chấp nhận rằng đây là một phần của cuộc sống. Biết đâu sự "nhàm chán" này sẽ dẫn bạn đến những thành quả sáng tạo và cải tiến mà bạn không ngờ tới.





Comments


bottom of page