top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Bắt chước qua lại: Phương pháp gần gũi để dạy trẻ hiểu hơn về thế giới quanh mình

Bắt chước qua lại vốn là một công cụ học tập hiệu quả trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện, trẻ sơ sinh có khả năng nhận ra người lớn đang bắt chước chúng và rất thích thú với hình thức “chơi mà học” này.



Dù khoa học vẫn chưa giải mã hết mọi ngóc ngách của tâm trí con người, nhưng không thể phủ nhận nó là một trong những điều kỳ diệu của quá trình tiến hóa. Ở giai đoạn mới phát triển, bộ não của em bé tạo ra hơn một triệu kết nối thần kinh mới mỗi giây (1). Trẻ nhỏ học hỏi ngôn ngữ một cách tự nhiên mà không cần nỗ lực dạy dỗ (2). Khi bắt đầu chập chững biết đi, các bạn đã nhận thức được bản thân và mọi người xung quanh đều có những cảm xúc cùng nhu cầu khác nhau (3).


Một khám phá mới của Đại học Lund tại Thụy Điển cho thấy, những đứa trẻ 6 tháng tuổi đã có thể biết ai đang bắt chước chúng và xem họ là những người lớn thân thiện (4). Ví dụ, nếu em bé đập bàn và có một người bắt chước hành động đó, đứa nhỏ sẽ đập bàn thêm nhiều lần, đồng thời quan sát xem người lớn phản ứng như thế nào. Kể cả khi người lớn không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào trên khuôn mặt, em bé dường như vẫn nhận ra mình đang "bị bắt chước" và tiếp tục phản ứng lại bằng cách thử nghiệm một hành vi nào đó.


Điều này khá thú vị vì em bé đang tự thực hiện hành động “kiểm tra” phỏng đoán của mình. Gabriela-Alina Sauciuc, tác giả chính của nghiên cứu nhận định: “Khi ai đó chủ động kiểm tra phản ứng của người đang bắt chước họ, đó là dấu hiệu cho biết họ nhận thức được có sự tương tác, kết nối giữa hành vi của mình và hành vi của người khác” (5).

Giúp trẻ hiểu hơn về tương tác xã hội


Nghiên cứu trên đưa ra kết luận rằng, trải nghiệm bắt chước đã cung cấp cho trẻ sơ sinh nền tảng đầu tiên về nhận thức xã hội. Khi trẻ thấy hành động của mình được lặp lại, điều đó giúp chúng nhận ra những hành vi này đều có hậu quả xã hội (social consequence). Trẻ bắt đầu hiểu rằng các chuyển động, giọng nói và nét mặt của chúng khiến mọi người xung quanh cư xử theo những cách thức nhất định (tương tự một dạng thử nghiệm nguyên nhân và kết quả).


Các nhà khoa học từ lâu cũng suy đoán rằng, thông qua hành động bắt chước thường xuyên này, trẻ sơ sinh sẽ được học về các chuẩn mực văn hóa và thói quen tương tác giữa người với người. Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm nhưng khám phá này cho thấy bắt chước trẻ nhỏ là một cách hiệu quả để thu hút sự quan tâm và xây dựng cảm giác gắn bó. Nhìn chung, các bạn đều thể hiện sự thích thú bằng cách nhìn và cười lâu hơn, cố gắng tiếp cận những người bắt chước chúng.


Trở thành tấm gương để con “bắt chước”



Bên cạnh việc bắt chước hành động của trẻ để tạo sự gắn kết, chúng ta còn cần làm một tấm gương tốt cho bé học hỏi. Nhà tâm lý học Mark Nielsen của Đại học Queensland cho biết, hành vi sao chép điển hình này có thể là một phần trong cách con người phát triển và chia sẻ văn hóa. Chúng ta thường có động lực để làm những việc giống mọi người làm và dễ trở nên giống với những người hay gần gũi (6).


Trẻ nhỏ học hỏi bằng cách quan sát mọi người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Nếu chúng ta chú ý ứng xử, hành động phù hợp, chúng ta đang dạy cho con mình làm điều tương tự. Dưới đây là một số điều cha mẹ cần lưu ý để dạy con học qua sự bắt chước.

Hãy nhớ rằng con luôn “theo dõi” và sao chép mọi thứ chúng ta làm. Nên chú ý đến lời nói và hành động để hướng con đến những hành vi tích cực, ngay cả khi bé chỉ mới là trẻ sơ sinh hoặc mới biết đi. Chẳng hạn, nếu muốn dạy con về sự san sẻ, hãy tự làm mẫu hành động chia sẻ trước mặt con và nói rằng: “Ba sẽ chia thức ăn với mẹ vì chia sẻ là một điều tốt”. Những thói quen không tốt như hút thuốc, ăn uống không lành mạnh hoặc phản ứng nóng giận cũng cần tránh hành động trước mặt con.


Ngôi nhà chính là lớp học đầu đời của con và cha mẹ giống như những người giáo viên đầu tiên. Thường xuyên đặt câu hỏi “Bạn muốn bé học gì?” và thiết kế môi trường tương ứng sẽ tạo điều kiện cho bé học và tiếp thu hiệu quả hơn. Giả sử, cha mẹ có thể dạy con cách lấy lại bình tĩnh qua việc bày tỏ cảm xúc: “Bây giờ mẹ đang cảm thấy tức giận. Hãy giúp mẹ bình tĩnh hơn bằng cách cùng mẹ hít thở sâu 5 lần”. Ngoài ra, nên cho con tham gia vào các hoạt động hằng ngày như phụ giúp việc nhà (cần chú ý về sự an toàn) để con có cơ hội thực hành trực tiếp.


Mọi thứ trẻ nghe thấy, nhìn thấy xung quanh đều có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tương tự với cha mẹ, các hình mẫu nhân vật trên phim ảnh, kênh mạng xã hội cũng là một nguồn có sức ảnh hưởng lớn lên hành động, suy nghĩ của bé, thậm chí cả cách bé hiểu về thế giới. Hãy chú ý đến những gì con tiếp xúc hoặc cùng xem với con để đảm bảo con không bắt chước phải những hành vi tiêu cực.





Comments


bottom of page