top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Cha mẹ trò chuyện càng nhiều, con càng học tốt

Bạn có đang dành thời gian trò chuyện với con nhỏ không? Nhiều nghiên cứu cho thấy, những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái có sức mạnh thay đổi nhận thức, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển não bộ của trẻ, đồng thời là một trong các yếu tố dự đoán tốt nhất cho những gì trẻ sẽ làm được sau này.



Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào những năm 1990 khám phá ra rằng, sự khác biệt rõ rệt trong khả năng ngôn ngữ của trẻ em có liên quan đến mức thu nhập của cha mẹ chúng. Cụ thể, ở độ tuổi lên ba, những đứa trẻ trong các gia đình giàu có nghe được nhiều hơn 30 triệu từ so với các trẻ đồng trang lứa đến từ gia đình khó khăn (1).


Các nhà nghiên cứu lập luận rằng “khoảng cách 30 triệu từ” (30 million word gap) này khiến trẻ đi theo những quỹ đạo phát triển khác nhau và tác động lên trải nghiệm của chúng về lâu dài.

Ý tưởng này đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu sau đó. Họ quan sát thấy các gia đình thu nhập cao dành nhiều thời gian trò chuyện với con (2). Cách giao tiếp cũng khác biệt đáng kể giữa gia đình có thu nhập thấp và cao, một phần là do trình độ học vấn khác nhau của các bậc cha mẹ (3). Chẳng hạn, những người có thu nhập cao hơn sử dụng các câu dài hơn và nhiều từ vựng đa dạng khi giao tiếp với con. Đây là một phát hiện quan trọng nhằm khuyến khích các phụ huynh, dù ở hoàn cảnh nào, đều cần tương tác nhiều với con cái.


Vì sao ngôn ngữ quan trọng?


Lời nói của cha mẹ trong những năm đầu đời được xem là công cụ thúc đẩy, tối ưu hóa các tiềm năng não bộ trẻ nhỏ. Quá trình này có thể diễn ra âm thầm đến mức chúng ta không nhận biết được nó. Khoảng ba năm đầu đời của trẻ, khi sự phát triển về mặt thể chất của não bộ diễn ra mạnh mẽ nhất trong giai đoạn một đời người, lời nói từ cha mẹ chính là “nguồn dinh dưỡng thiết yếu” để não bé trở nên hoàn thiện.


Một khám phá đã chỉ ra, những đứa trẻ thường xuyên trò chuyện với cha mẹ sẽ có các kết nối chất trắng (white matter connections) mạnh hơn trong hai khu vực não bộ quan trọng nhất đối với ngôn ngữ, từ đó làm gia tăng tốc độ xử lý ở các vùng não này (4). Càng có nhiều cuộc đối thoại với người thân, các kết nối này càng trở nên mạnh mẽ và giúp ích cho những hoạt động liên quan đến ngôn ngữ.



Nghiên cứu cho thấy nếu không tạo điều kiện cho môi trường ngôn ngữ đầu tiên này, trẻ có thể sẽ không sẵn sàng đi học và cuối cùng là đạt kết quả học tập kém. Khi đến tuổi vào mẫu giáo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ít được trò chuyện cùng bố mẹ thường gặp nhiều bất lợi về ngôn ngữ và khả năng nhận thức so với trẻ em sống trong gia đình khá hơn (5), (6).

Bất lợi này có thể quyết định khả năng thành công trong việc học của trẻ, bao gồm những thứ như khả năng học toán, suy luận không gian, đọc và viết, khả năng tự điều chỉnh hành vi, cách phản ứng với căng thẳng và cả lòng kiên trì (7), (8).


Trợ lý Giáo sư Casey Lew-Williams tại Đại học Princeton khẳng định: "Ngôn ngữ không chỉ là một trong những kỹ năng phức tạp nhất mà chúng ta được học với tư cách con người, nó còn là thành phần chính của những hoạt động phức tạp khác, chẳng hạn như đọc hiểu và học toán, thậm chí là đời sống xã hội của chúng ta" (9).


Trò chuyện như thế nào?



Học tập thông qua tương tác xã hội, đặc biệt đến từ gia đình, là một cách hiệu quả để trẻ ghi nhớ thông tin. Các bạn nhỏ có xu hướng học bằng cách quan sát và bắt chước theo người lớn mà trẻ gần gũi, gắn bó nhất, vì vậy tương tác trực tiếp sẽ tốt hơn là xem các thiết bị công nghệ một cách thụ động. Cha mẹ trò chuyện trực tiếp với con sẽ rất quan trọng trong việc phát triển vốn từ vựng để trẻ sử dụng trong nhiều tình huống có thể xảy ra khi lớn lên (2).


Trò chuyện cần nhiều kỹ năng nhận thức phức tạp hơn là chỉ nghe một cách thụ động, kể cả lượng từ mà trẻ tiếp nhận được cũng chưa phải là yếu tố quan trọng nhất (10). Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào chất lượng cuộc đối thoại, đó là sự trao đổi qua lại luân phiên (11). Nó đòi hỏi ở trẻ việc hiểu những gì người khác đang cố gắng trình bày và tìm cách phản hồi phù hợp.


Khác với dạy cho trẻ nói đơn thuần, trò chuyện là một quá trình rèn luyện cho trẻ lắng nghe, quan sát, suy luận, đặt câu hỏi và đưa ra quyết định khi cần thiết.

Duy trì sự tương tác qua lại rất cần thiết, đó là điều mà các chuyên gia gọi là “song ca đối thoại”, bởi vì chúng ta không thể trò chuyện một mình. Thậm chí, nếu cuộc trò chuyện bị gián đoạn vì người lớn phải nghe điện thoại, đứa trẻ sẽ không học được một từ mới vừa được dạy. Ngược lại, nghiên cứu nhấn mạnh rằng trẻ có thể học và hiểu được từ đó ngay lập tức nếu phụ huynh chỉ tập trung nói chuyện với trẻ (12).



Một gợi ý khi trò chuyện với con là cha mẹ có thể diễn tả cụ thể từng hoạt động sắp thực hiện, ví dụ như: "Sáng nay mẹ nấu cháo cho con ăn, trong cháo có thịt gà là món con thích nhất. Hôm nay, mẹ nêm nếm gia vị mặn hơn một chút, vì mẹ nhớ con không thích ăn cháo nhạt". Từ đó, cha mẹ cũng cần động viên con tiếp chuyện, hoặc kể chuyện, chẳng hạn như: "Hôm nay con đã học những gì? Kể lại cho cha nghe nào".

Trong một cuộc đối thoại với cha mẹ, trẻ em có cơ hội vừa học từ vừa thực hành khả năng giải nghĩa ngôn ngữ, hiểu rõ thông điệp. Đây là hai kỹ năng quan trọng giúp trẻ học tập tốt hơn trong nhiều bộ môn khác. Trẻ em trong các gia đình ít nói chuyện cũng thường có vốn từ vựng ít hơn và khả năng đàm thoại kém hơn (13).


Dù trẻ vẫn học từ vựng bằng cách lắng nghe, nhưng khi không được đối thoại với người lớn, các bạn sẽ không có cơ hội thực hành vốn từ vựng (không quen sử dụng từ vựng khi cần phải nói). Vì vậy, chúng ta nên dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con, tạo điều kiện gắn kết tình cảm giữa đôi bên và giúp não bộ của bé phát triển toàn diện, vững vàng hơn để đối mặt với tương lai phía trước.

Comments


bottom of page