top of page
Tìm kiếm

Vui chơi để kích thích sáng tạo: Khi tiêu khiển cũng là "công việc" khiến trẻ đam mê

Trẻ em hiện đại cần những kỹ năng của thời đại mới. Bốn kỹ năng quan trọng bậc nhất của Thế kỷ XXI mà các nhà khoa học đã kết luận là tư duy sáng tạo (creative thinking), tư duy biện luận (critical thinking), giao tiếp (communication) và hợp tác (collaboration) (1). Trong đó, khả năng sáng tạo là điều mà phụ huynh có thể dễ dàng giúp con rèn luyện thông qua việc vui chơi hằng ngày.



Một số quan điểm cho rằng xét trong bối cảnh sản xuất công nghiệp toàn cầu khoảng 50 năm trước thì việc cần thiết trong dạy-và-học chính là bồi dưỡng các khả năng 3Rs (được ghép từ tên các kỹ năng) là đọc (reading), viết (writing) và số học (arithmetic) (2), (3).


Tuy nhiên, trong thế kỷ mới, bên cạnh 3Rs căn bản, chúng ta còn cần tới các kỹ năng 4Cs là tư duy sáng tạo (creative thinking), tư duy biện luận (critical thinking), giao tiếp (communication) và hợp tác (collaboration) (1), (2), (3). Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Kỹ năng của Thế kỷ XXI tại Melbourne với sự quy tụ của hơn 250 học giả từ 60 viện nghiên cứu khác nhau trên thế giới cũng đã đồng tình với kết luận này về 4Cs (4).


Trong 4Cs, sáng tạo là một khả năng mà chính cha mẹ cũng có thể tự áp dụng trong các hoạt động thường nhật, nhằm hỗ trợ sự phát triển ở trẻ. Từ bài viết trước thuộc chủ đề này, chúng ta đã nhắc tới một "cách thức" là để con được "chán" cũng giúp bé phát triển lành mạnh. Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ đi sâu vào một số phương pháp và lưu ý khi cha mẹ cùng con thực hiện các hoạt động sáng tạo.



Sức sáng tạo là bẩm sinh hay kết quả của sự rèn luyện?


Rất nhiều người cho rằng khả năng sáng tạo của con người là do trời phú. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học và thực tế đều chứng minh được rằng: khả năng sáng tạo của một người phụ thuộc rất ít vào yếu tố di truyền, và phần lớn còn lại chịu ảnh hưởng bởi môi trường và cách người đó mài giũa, học hỏi (5), (6), (7).


Nói cách khác, khả năng sáng tạo dần được trau dồi và rèn luyện khi con trẻ tương tác với môi trường xung quanh và đặc biệt phát huy khi trẻ vui chơi cũng như khám phá mọi vật qua các giác quan.



Phát triển kỹ năng sáng tạo thông qua "học mà chơi, chơi mà học"


Trong cuốn Nuôi con kiểu cá heo, Tiến sĩ Shimi Kang - chuyên gia giáo dục tại Đại học Harvard, nhà tâm lý học, khoa học thần kinh và tác giả của nhiều đầu sách bán chạy (8) - đã khẳng định rằng các hình thức vui chơi lành mạnh tạo cơ hội để trẻ rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, đặc biệt là qua hai hình thức sau:


1. Trẻ được quan sát mọi thứ khi chơi


Khi quan sát thế giới, trẻ sẽ dần hình thành tư duy về các hiện tượng xung quanh mình, theo nhiều cách lý giải khác nhau (9). Thời gian chơi đùa cũng là lúc trẻ được tự do "hiện thực hóa" những suy nghĩ trong trí tưởng tượng của mình (10).


Về điều này, lý thuyết về 4 giai đoạn phát triển nhận thức (cognitive development) của nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ là Jean Piaget cũng đã từng đề cập đến. Cụ thể, trẻ trước 7 tuổi vẫn đang thuộc hai giai đoạn phát triển nhận thức đầu tiên, bao gồm trẻ từ khi mới chào đời tới khoảng 2 tuổi thuộc giai đoạn cảm giác - vận động (sensorimotor) và trẻ trong khoảng 2 - 7 tuổi thuộc giai đoạn tiền thao tác (preoperational) (11).


Trong cả hai giai đoạn này, các thông tin cảm giác (sensory information) là vô cùng quan trọng trong sự hình thành các phản xạ, kết nối, tư duy... và là tiền đề của sự phát triển nhận thức trong các giai đoạn sau (11).

Tiến sĩ Shimi Kang còn cho rằng cha mẹ không nhất thiết phải đưa chỉ dẫn trực tiếp về cách chơi, mà hãy cố gắng khuyến khích trẻ quan sát và tự học hỏi.


Cũng từ đó, cha mẹ có thể thấy ngạc nhiên và thích thú khi nghe trẻ kể về những "mối liên hệ" tưởng như kỳ quái, chẳng hạn như sự liên tưởng đám mây với kem bông, trăng ngày rằm với bánh bích quy, khăn tắm choàng vào người có thể giúp trẻ đóng vai siêu nhân, hay đòi lấy chổi để cưỡi như… phù thủy. Những cách vui chơi ngây ngô đó giúp trẻ sẽ dần rèn được tư duy về các biểu tượng (symbolic thinking), một phần quan trọng trong khả năng sáng tạo của trẻ (11), (12), (13).


2. Việc vui chơi khơi gợi trí tò mò khiến trẻ đặt câu hỏi


Điều đặc biệt khi vui chơi là con trẻ có cơ hội được thử và sai, đồng thời, khiến các bé khao khát tìm hiểu nguyên nhân và đặt ra các giả thiết để giải thích cho niềm tin của mình.


Não bộ chúng ta giải phóng dopamine khi học hỏi những thứ mới, khiến chúng ta cảm thấy hài lòng hoặc vui vẻ, do đó chúng ta sẽ mong mỏi kiếm tìm "chân lý" để được hưởng niềm sung sướng này thật nhiều (14).

Cha mẹ dễ thấy trẻ hay hỏi "muôn vạn câu hỏi vì sao", hoặc trẻ cũng có lúc (thường là đang lén cha mẹ) tháo tung đồ dùng trong phòng ra rồi hí hoáy lắp lại, hay thả thứ gì đó xuống... bồn nước để xem chúng trôi đi như thế nào. Những lúc này, cha mẹ không cần quá lo lắng, vì đây là những biểu hiện của việc trẻ đang tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đầy tò mò của mình đấy.



Cha mẹ cần chú ý điều gì khi cùng con sáng tạo?


Trên thực tế, có lẽ ham muốn được vui chơi cũng thôi thúc con người, giống như ham muốn được ăn và ngủ. Thậm chí, ở trẻ, đôi khi ham muốn vui chơi còn lớn hơn, tới mức trẻ vì ham chơi mà không chịu ăn ngủ.


Sau đây, LeLa Journal giới thiệu một số cách để cha mẹ có thể tham khảo khi chơi cùng con, tuy đơn giản mà lại hiệu quả trong việc kích thích khả năng sáng tạo ở trẻ.


1. Dành thời gian chất lượng cho trẻ


Đây là những giây phút cùng vui chơi "hết mình" của cả cha mẹ và con cái, có thể bao gồm cả các hoạt động thường nhật như nấu cơm, giặt đồ, lau dọn nhà cửa... Để bảo đảm chất lượng, cha mẹ hãy cố gắng tránh xa các yếu tố "phá bĩnh" như âm thanh và hình ảnh từ điện thoại, TV...


Đặc biệt, khi vui chơi cùng con, cha mẹ cũng cần chú ý đến con nhằm tránh các tai nạn không đáng có xảy ra.


2. Lựa chọn những trò chơi không theo khuôn mẫu

Các trò chơi mang tính rập khuôn, lặp đi lặp lại sẽ làm mòn đi trí tưởng tượng của trẻ, đồng nghĩa với việc giảm đi năng lực sáng tạo ở trẻ. Hãy cho trẻ thỏa sức tạo nên những "kiệt tác" của riêng mình bằng khối óc và đôi bàn tay, thông các hoạt động không bị giới hạn bởi hình tượng sẵn có, như lắp mô hình lego, vẽ tranh, gấp giấy, tạo hình với đất nặn, xây lâu đài cát, kể chuyện... (15).


3. Không phủ nhận kết quả sáng tạo của trẻ

Sau khi trẻ khoe kiệt tác, cha mẹ hãy cố gắng hạn chế việc đưa lời bình phẩm khen chê, mà chính cha mẹ cũng có thể sáng tạo trong cách đặt câu hỏi, như "Chà, đám mây này màu hồng à, sao con lại chọn màu hồng thế?", "Con đã nghĩ/tưởng tượng ra cái gì khi nặn đôi giày đất sét này?"...



Đây là những câu hỏi gợi mở để xác nhận sự vật hay đối tượng trong lối tư duy của trẻ. Nếu cha mẹ, hoặc người lớn xung quanh, đưa ra nhận xét tiêu cực và phủ nhận thành quả của trẻ thì hành động đó lại vô tình kéo trẻ về một khuôn mẫu mà cha mẹ đang muốn tránh. Hơn nữa, trẻ sẽ dễ bị tổn thương nếu người lớn phản bác lại "thành quả" được xây dựng từ nỗ lực của mình, khiến chúng mất đi động lực khám phá về sau (16).


Vậy nên, nếu thấy con lắp ráp một chiếc thuyền gắn kèm vương miện, hoặc vẽ một chú voi cầm micro, thay vì khẳng định với bé rằng thuyền không đội vương miện và chú voi không biết hát, cha mẹ hãy đặt câu hỏi cho bé để biết tại sao con có suy nghĩ như thế.

4. Cho con trải nghiệm nhiều môi trường vui chơi đa dạng

Bất kể lứa tuổi hay giới tính, trẻ em luôn hào hứng khám phá những địa điểm vui chơi mới. Ngoài những nơi quen thuộc như sân nhà, sân trường, công viên, khu vui chơi... nếu thu xếp được thời gian, cha mẹ có thể dẫn các bé đến những không gian ngoài trời như sân bóng, bãi biển, hồ nước, cánh đồng, rừng... hoặc không gian trong nhà như bảo tàng, di tích lịch sử, thủy cung... với tần suất khoảng 1-2 lần/tháng.


Hãy để trẻ được tự do khám phá dưới sự trông coi cẩn thận của cha mẹ, bao gồm cả việc sẵn lòng giải đáp những câu hỏi của trẻ theo cách dễ hiểu nhất có thể, cũng như đặt câu hỏi phù hợp để trẻ suy luận (17).

5. Hướng dẫn trẻ cách tìm ra câu trả lời

Sự sáng tạo của trẻ em không chỉ giới hạn ở những đồ vật hữu hình xung quanh, mà còn ở cách chúng lý giải những sự vật hiện tượng xung quanh. Cha mẹ hãy vui vẻ đón nhận mọi đáp án của trẻ về những trải nghiệm trong quá trình vui chơi. Tiếp đó, cha mẹ mới hướng dẫn trẻ cách tìm ra lời giải thích đúng đắn nhất bằng cách gợi ý các phương tiện tra cứu, như sách, tạp chí, từ điển... Thậm chí, cha mẹ còn có thể gợi ý trẻ tới tìm những người có kiến thức liên quan, mà vẫn bảo đảm an toàn cho trẻ, như nhân viên bảo tàng, giáo viên bộ môn... Từ đó, trẻ có thể được khuyến khích chủ động trong việc tìm kiếm hay ngỏ lời hỏi.


Những hành động này là sự kết nối giữa khả năng sáng tạo (creativity) và năng lực tự học (self-learning) – những hành trang quan trọng sẽ theo trẻ trên đường đời sau này chứ không phải cha mẹ (18).

1 Comment


Guest
Aug 03, 2023

Từ khi con chào đời đến nay mình đã triệt để áp dụng các nguyên tắc vui chơi tự do cho bé nhằm giúp gia tăng sự sáng tạo trong suy nghĩ và hành động của con. Bé nhà mình có thể chơi xoong, nồi, đất nặn, rau củ quả các thứ và nghĩ ra nhiều thứ hay ho ngoài sức tưởng tượng của mình.

Like
bottom of page