top of page
Tìm kiếm

Từ chuyện "con nhà người ta" nghĩ về chuyện con nhà mình: Có nên so sánh khi nuôi dạy con cái?

“Con nhà người ta…” từ lâu đã trở thành cụm từ mà nhiều bậc phụ huynh đem ra so sánh khi răn dạy con cái. Trong một vài tình huống, điều này có thể mang lại hiệu quả nhất định khi thúc đẩy được tính cạnh tranh và quyết tâm của trẻ. Thế nhưng, các chuyên gia tâm lý nhận định rằng nếu lạm dụng phương pháp này trong việc giáo dục sẽ mang lại nhiều hệ quả tiêu cực. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu cặn kẽ những điểm "lợi bất cập hại" của việc so sánh thông qua những nghiên cứu khoa học đã được xác thực.



Tác hại của việc so sánh đối với sự phát triển của trẻ


So sánh trẻ với bạn bè cùng lớp hoặc anh chị em trong gia đình có thể mang lại hiệu quả ngắn hạn là khơi dậy động lực bên ngoài để trẻ cố gắng và có ý chí quyết tâm hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này cũng gây ra những tác động tiêu cực đến trẻ, chẳng hạn như nỗi sợ thất bại, ảnh hưởng tới lòng tự trọng, đánh mất động lực bên trong lẫn khả năng sáng tạo cùng tư duy giải quyết vấn đề. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vấn đề này, cụ thể là:


1. Nỗi sợ thất bại: Một nghiên cứu của Giáo sư Tâm lý học Carol Dweck đã phát hiện ra rằng khi giáo viên khen ngợi trẻ thông minh và giỏi giang hơn những bạn học khác, chúng sẽ cảm thấy áp lực phải đáp ứng kỳ vọng của mọi người. Lâu dần, điều này khiến trẻ ít chịu đón nhận thử thách mới vì sợ thất bại. Trong khi ở giai đoạn phát triển này, trẻ cần có thêm nhiều trải nghiệm và khám phá mới lạ, nếu cứ sợ thất bại thì trẻ sẽ vô tình bỏ lỡ nhiều cơ hội học hỏi quý giá (1).


2. Giảm động lực bên trong (Intrinsic Motivation): Nghiên cứu của Giáo sư Jacquelynne Eccles đã chỉ ra vấn đề này khi quan sát và nghiên cứu trên các gia đình áp dụng phương pháp so sánh để tạo động lực cho trẻ. Theo bà, việc so sánh khiến trẻ bị mất đi động lực bên trong và không những thế, còn tạo tiền đề cho chúng chú trọng nhiều hơn vào các phần thưởng ở bên ngoài. Kết quả lâu dài cho thấy khả năng học tập bị giảm sút, trong khi đó sự lo âu và căng thẳng xuất hiện nhiều hơn (2).


3. Hạ thấp lòng tự trọng: Các nghiên cứu và đánh giá của Giáo sư Edward Deci và Richard Ryan cũng cho thấy rằng hành vi so sánh có thể dẫn đến các tác động tiêu cực như làm giảm lòng tự trọng và làm tăng cảm giác lo âu cùng căng thẳng. Những hệ quả đáng quan ngại này đã được nhìn thấy trên nhiều nhóm tuổi, từ trẻ em cho đến cả sinh viên đại học (3).


4. Hạn chế khả năng sáng tạo: Nhà tâm lý học Teresa Amabile của Đại học Brandeis đã chỉ ra điều này. Trong một nghiên cứu, cô yêu cầu bọn trẻ tạo ra "những bức tranh ghép ngớ ngẩn" (silly collages). Trẻ được chia thành hai nhóm, một nhóm thì phải cạnh tranh để đạt được phần thưởng còn một nhóm thì không. Sau đó, cô yêu cầu bảy nghệ sĩ đánh giá tác phẩm của bọn trẻ một cách độc lập. Kết quả cho thấy những đứa trẻ cố tâm giành chiến thắng đã tạo ra những bức ảnh ghép kém sáng tạo, kém phức tạp và kém đa dạng hơn (4).


5. Làm mai một tư duy giải quyết vấn đề: David Johnson - Giáo sư Tâm lý học Xã hội tại Đại học Minnesota - đã xem xét tất cả các nghiên cứu mà ông có thể tìm thấy về chủ đề này từ năm 1924 đến năm 1980 và nhận ra rằng: "65 nghiên cứu cho thấy trẻ em học tốt hơn khi chúng hợp tác làm việc thay vì phải cạnh tranh. Trong khi đó, có tám nghiên cứu cho thấy điều ngược lại và 36 nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể. Bài tập càng phức tạp, trẻ càng thực hiện kém hơn trong môi trường cạnh tranh" (5).



Phụ huynh nên làm gì nếu đã quen so sánh con mình với "con nhà người ta"?


Tác giả Alfie Kohn vốn rất nổi tiếng với những cuốn sách về nuôi dạy trẻ đã kêu gọi phụ huynh ngừng ngay những hành vi so sánh con cái. Trong cuốn "The Case Against Competition", ông đồng thời cũng đưa ra một vài giải pháp thay thế như sau (6):


1. Tập trung vào động lực bên trong: Alfie Kohn gợi ý rằng các nhà giáo dục nên tập trung vào việc thúc đẩy động lực bên trong, đó là sự quan tâm và thích thú thực sự trong chính quá trình học tập. Điều này được thực hiện bằng cách trao quyền cho học sinh quyết định nhiều hơn và cho phép chúng theo đuổi sở thích của riêng mình. Cha mẹ và thầy cô cần nhấn mạnh giá trị của trải nghiệm học tập thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng.


2. Tăng cường việc hợp tác: Ông cũng ủng hộ việc khuyến khích trẻ hợp tác với nhau thay vì so sánh hơn thua. Bằng cách hợp tác, học sinh cùng nhau làm việc nhóm và tìm cách giải quyết vấn đề. Điều này cũng thúc đẩy phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ đồng thời mang lại thành tích cao hơn so với việc so sánh.


3. Sử dụng phương pháp "học tập thành thạo": Học tập thành thạo (mastery learning) nghĩa là đảm bảo rằng mỗi học sinh đều có cơ hội học và hiểu kỹ tài liệu trước khi chuyển sang các chủ đề mới. Ở đây, kiến thức sẽ được chia thành các yêu cầu với mức độ thành thạo khác nhau. Học sinh sẽ hoàn thành các yêu cầu dễ trước khi chuyển qua các yêu cầu khó hơn.


Theo Alfie Kohn, "nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc và thành tài cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Bước đầu tiên để đạt được cả hai điều này là nhận ra rằng việc so sánh không mang lại một giá trị nào cả. Luôn có nhiều cách tốt hơn để cả cha mẹ và bé có thể vui chơi, vui sống và vui vẻ đón nhận những thử thách mới mỗi ngày" (7).

Comments


bottom of page