top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảVõ Hiếu Kha

Công nhận cảm xúc của người yêu: Bước đầu tiên để hiểu lòng và đồng lòng cùng ý trung nhân

Tình yêu của hai người khởi sinh chỉ như một hạt mầm. Hạt mầm ấy chỉ phát triển thành cây cao chắc khỏe khi cả hai có thể dung hòa với nhau trong quá trình vun vén hạnh phúc và điều cốt lõi để làm được điều đó chính là sự tôn trọng, công nhận cảm xúc của nhau.



Theo nhà tâm lý học lâm sàng Kristalyn Salters-Pedneault, công nhận cảm xúc (Emotional Validation) là việc bạn hiểu và chấp nhận những cảm xúc hiện hữu ở đối phương thay vì đưa ra lời phán xét hay tỏ thái độ chê trách. Những cảm xúc của mỗi người vô cùng đa dạng, bao gồm niềm vui, nỗi buồn, sự phẫn nộ, nỗi tuyệt vọng, cô đơn...


Công nhận cảm xúc của người yêu là cách biểu lộ trực tiếp hoặc gián tiếp cho đối phương biết rằng vấn đề của họ đáng quan tâm và bạn thật lòng đồng cảm với họ (1). Điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải thu nhận cảm xúc ấy vào trong mình, mà chỉ đơn giản là hãy cảm thông và hiểu rằng đối phương hoàn toàn hợp lý khi nảy sinh những xúc cảm như vậy.

Tại sao công nhận cảm xúc của người yêu lại quan trọng?



1. Nền tảng hình thành sự thấu hiểu


Để khám phá đâu là chìa khóa cốt lõi giúp xây dựng mối quan hệ bền vững, nhà tâm lý học John Gottman đã cùng đồng nghiệp của ông là Robert Levenson tại Đại học Washington thực hiện khảo sát ở 3.000 cặp đôi bằng cách hỏi họ đã đến với nhau như thế nào cũng như đề cập đến xích mích xảy ra gần đây giữa hai người (2). Đồng thời, ông đề nghị họ dành một tuần sống trong một căn hộ được trang bị camera quan sát cách họ tương tác mỗi ngày.


Sau sáu năm kể từ ngày thực hiện nghiên cứu, Gottman nhận ra các cặp đôi đó giờ đã chia thành hai thái cực: một bên vẫn sống vui vẻ với nhau, một bên đã chia tay (hoặc vẫn còn trong mối quan hệ nhưng lại không hạnh phúc). Khi xem lại các đoạn băng, ông đúc rút yếu tố làm nên chất lượng của một mối quan hệ bền lâu chính là việc cả hai chú ý đến nhau trong từng lời nói, hành động. Một trong hai sẽ sẵn sàng đặt điện thoại xuống để lắng nghe người kia kể về niềm vui, nỗi buồn hay sự bức xúc về sự việc mình vừa trải qua. Có thể thấy, công nhận cảm xúc của người yêu là biểu hiện cho mong muốn thấu hiểu nội tâm của đối phương.



Vì mỗi người đều có một tính cách, trải nghiệm riêng biệt nên chúng ta rất dễ dùng cái nhìn chủ quan để đánh giá một ai đó. Điều này hoàn toàn không nên, đặc biệt là trong tình yêu. Nếu bạn chối bỏ niềm vui hoặc nỗi buồn từ người đối diện, cường độ cảm xúc tiêu cực sẽ tăng cao và gây ức chế cảm xúc cho họ (3).


Ngược lại, khi bạn công nhận cảm xúc của người yêu, họ sẽ thấy mình được tôn trọng và dễ cởi mở hơn khi chia sẻ mọi thứ với bạn. Như vậy, khi chúng ta hiểu cho cảm xúc cá nhân của đối phương, ta sẽ không tìm cách bác bỏ hành vi của họ. Thay vào đó, ta sẽ kiên nhẫn tìm lý do để từ đấy biết được những gì họ đã trải qua.


Chẳng hạn, khác với mọi ngày, người yêu của bạn hôm nay bỗng thể hiện sự nóng nảy, bực tức khi bạn vô tình quên bẵng một điều gì đó. Thay vì cảm thấy bị xét nét hoặc ức chế, bạn có thể hỏi thăm ngày hôm nay của họ như thế nào và bình tĩnh hơn trong cách cư xử với họ. Nhờ vậy, bạn có thể biết được họ đã bị sếp quở trách hay có chuyện buồn trong gia đình, từ đó hiểu rằng thái độ tiêu cực của đối phương dành cho bạn chỉ là vấn đề mang tính nhất thời và không cố ý gây tổn thương.

2. Gieo lòng trắc ẩn


Khi thiếu sự đồng cảm với người yêu cũng là lúc bạn đang tạo ra sự chênh lệch giữa hai người và điều này sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Bởi lẽ, phán xét người khác đồng nghĩa với việc hạ thấp lòng tự tôn cũng như những trải nghiệm cảm xúc của họ. Sẽ chẳng ai chấp nhận được suy nghĩ một chiều của người khác áp đặt lên mình. Đồng thời, chúng còn là nguồn cơn dẫn đến những hành vi hung hăng, mang tính bạo lực nếu đối phương đang gặp chuyện gây ức chế.



Việc công nhận cảm xúc của ý trung nhân chính là cách làm lắng dịu tình trạng bất ổn của họ (4). Do đó, khi bạn công nhận cảm xúc của đối phương, bạn sẽ biết thương lo và trân trọng cả những nỗi đau của họ. Mỗi người có một ngưỡng chịu đựng khác nhau và bạn nên hiểu rằng một nửa của bạn có quyền cảm thấy suy sụp trước một vấn đề mà bạn thấy "nhẹ tựa lông hồng".


Nếu chúng ta gạt bỏ và khuyến khích người yêu hoặc bạn đời của mình phải luôn vui vẻ dù đang trãi qua giai đoạn tuyệt vọng cùng cực, có thể họ sẽ càng bức bối hơn khi không thể sống đúng với cảm xúc đang hiện hữu. Đó chính là biểu hiện của "toxic positivity" (tích cực độc hại). Khi có lòng trắc ẩn, bạn sẽ hiểu rằng nỗi buồn hay sự tức giận trong lòng nửa kia chỉ là cảm xúc đến rồi sẽ đi, chứ không thể tồn tại mãi mãi. Từ đó, mỗi chúng ta sẽ có sự kiên nhẫn và bao dung hơn trước những "cơn sóng lòng" lúc dâng tràn, lúc bình êm như nhà thơ Xuân Quỳnh từng viết "dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ".


3. Nâng cao sức khỏe tinh thần của đối phương


Chấp nhận cảm xúc của người yêu là bước quan trọng để xây dựng lòng tin. Khi đối phương tin tưởng bạn, họ sẽ yên tâm về mối quan hệ vì biết bạn là điểm tựa để chia sớt niềm vui lẫn nỗi buồn.


Theo Viện Đào tạo và Phát triển về Sức khỏe Tinh thần Dandelion, khi bạn công nhận cảm xúc lẫn hành động của đối phương, não bộ của họ sẽ tự động tiết ra dopamine - hoạt chất tạo ra cảm giác dễ chịu và niềm vui hay còn gọi là "hormone hạnh phúc" (5). Chẳng hạn, việc bạn hào hứng, hãnh diện và khen ngợi khi người bạn đời của mình vừa đạt được thành tựu sẽ tạo động lực tích cực để họ tiếp tục phát triển lên một thang bậc cao hơn trong sự nghiệp. Tương tự, việc bạn ôm người thương vào lòng khi nghe họ kể chuyện bị người khác xúc phạm sẽ giúp chữa lành nỗi đau và xoa dịu phần nào tổn thương.



Việc công nhận cảm xúc của người yêu có tác động rất lớn trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần. Nhiều nhà tâm lý học còn sử dụng điều đó như một phương thức để trị liệu cho bệnh nhân, đặc biệt là người mắc rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) (6).


Trái lại, xem nhẹ cảm xúc của người yêu sẽ chà đạp lên lòng tự trọng cũng như khả năng bộc lộ nhu cầu cá nhân của họ. Nếu bạn dửng dưng trước nỗi đau mà họ trải qua, họ sẽ không ngừng tự chỉ trích, cảm thấy xấu hổ vì điều đó và cho rằng bản thân vô giá trị. Dần dần, họ sẽ dễ rơi vào bệnh trầm cảm (7).

Làm thế nào để thể hiện sự đồng cảm với nửa kia?


Bởi những lý do trên, nhiều người xem việc công nhận cảm xúc (Emotional Validation) là một kỹ năng cần được trau dồi không ngừng khi "học yêu". Đó là cơ sở để hình thành sự đồng cảm và bao dung. Có hai phương thức giúp bạn tạo ra sợi dây kết nối bền chặt với người yêu của mình, đó là:


Thứ nhất, không nên thay đối phương giải quyết vấn đề

Những vấn đề mà mỗi người trải qua dẫu sao cũng thuộc về cá nhân và chỉ có tự thân mới giải quyết được. Hiểu biết của chúng ta ở một mặt nào đó luôn có giới hạn nhất định và nếu giúp đỡ không đúng cách, bạn sẽ chỉ gây tổn hại đến người mình yêu. Công nhận cảm xúc của nửa kia cũng đồng nghĩa với việc tôn trọng và đồng cảm với quyết định họ đưa ra. Trừ khi họ chủ động xin lời khuyên, điều tốt nhất bạn có thể làm đó là lắng nghe để họ không cảm thấy lạc lõng hay cô độc (8).


Thứ hai, không đưa ra những lời động viên sáo rỗng

Với một số người, lời nói có sức mạnh tinh thần rất lớn. Nó có thể làm họ phấn chấn nhưng cũng có thể khiến họ "tụt mood" không phanh. Như vậy, để không sa vào việc chối bỏ cảm xúc của người yêu (dù vô tình hay cố ý), bạn nên chú ý cách sử dụng từ ngữ, chẳng hạn như (9):



Sau cùng, việc công nhận cảm xúc của người yêu cũng là cách bạn thể hiện sự nghiêm túc với mối quan hệ cũng như lòng biết ơn với đối phương khi họ hiện diện trong đời bạn. LeLa Journal tin rằng khi cả hai biết công nhận, tôn trọng cảm xúc lẫn nhau, mối quan hệ tất sẽ tạo ra hạnh phúc vững bền.

Comments


bottom of page