top of page
Tìm kiếm

Dating anxiety: Hẹn hò với… nỗi lo


Sự xuất hiện của tình yêu khiến trái tim ta loạn nhịp, tay chân trở nên vụng về. Nghĩ đến lúc được gặp người mình thầm thương trộm nhớ, ta không kiềm được sự xao xuyến, chộn rộn. Tuy nhiên, khi cảm giác đó biến thành nỗi bất an, bồn chồn, có thể đó không đơn giản là sự rung động mà thực chất là bạn đang mắc chứng sợ xã hội.


Hội chứng sợ xã hội (Social anxiety disorder - SAD) được biểu hiện bằng nỗi sợ hãi dai dẳng về việc bị người khác soi mói và lo lắng rằng mình có thể làm điều gì đó đáng xấu hổ (1). Chuyện hẹn hò càng đổ thêm dầu vào lửa, hàng loạt câu hỏi được đặt ra không ngừng: "Người ấy có đến không?", "Liệu bạn ấy có thích mình?", "Nếu mình nói quá nhiều thì sao?"... Các nhà nghiên cứu đã dùng thuật ngữ dating anxiety để chỉ tình trạng này.



Dating anxiety là gì?


Lo âu khi hẹn hò (dating anxiety) là sự sợ hãi, căng thẳng quá mức của một người trước, trong và sau buổi hẹn. Những người phải vật lộn với tình trạng này dường như không thể bình tĩnh khi nghĩ về buổi hẹn, như thể điều chờ họ trong cuộc hẹn chỉ là... những cơn lo lắng vô biên.



Sức khỏe tâm thần, môi trường giáo dục, bản tính hay lịch sử tình trường... đều có thể trở thành căn nguyên của sự bất an, nhộn nhạo này. "Nạn nhân" của chứng rối loạn này ám ảnh bởi ý nghĩ sẽ bị từ chối hoặc cảm thấy không thoải mái khi phải khước từ tình cảm của người khác. Điều đó càng khiến họ né tránh những cuộc hẹn và dần cô lập chính mình (2).


Làm sao thoát khỏi "đầm lầy" lo lắng?

  • Xây dựng nền tảng an toàn thông qua những mối quan hệ lành mạnh

Kề cạnh những người ổn định về mặt cảm xúc sẽ kích thích các viễn tưởng tích cực trong tâm trí của bạn. Não ghi nhận lời nói (hoặc hành động) đem lại cảm giác an toàn, từ đó cho phép bạn tiếp nhận sự hiện diện, ngôn ngữ cơ thể của những người mới. Nói cách khác, chất lượng "tình trường" sẽ quyết định bản lĩnh của bạn trong những cuộc hẹn. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng điều tiết lời nói và hành động của mình trong những buổi hẹn sắp tới.

  • Xử lý những tác động xấu từ các mối quan hệ cũ

Những câu chuyện và trải nghiệm tệ hại trong quá khứ có thể bó buộc chúng ta vào "nhà tù nỗi sợ" và ngăn ta tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại lẫn tương lai. Vì bị giam giữ trong quá khứ tồi tệ, bạn không thể nào tin tưởng và an tâm về những mối quan hệ tình cảm sắp đến. Tuy nhiên, mối quan hệ độc hại sẽ không trở lại, trừ khi bạn cho phép điều đó xảy ra.


Những ám ảnh nảy sinh từ quá khứ không phải là câu chuyện của hiện tại. Dẫu có đớn đau, tồi tệ đến mức nào đi chăng nữa, đó đều là những chuyện đã qua. Một người mới sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc mới, những rung động và câu chuyện mới tốt đẹp hơn.



  • Đừng "quan trọng hóa" vai trò của người kia

Thông thường, người mà chúng ta lựa chọn để trao gửi yêu thương cũng phóng chiếu, phản ảnh một phần những khát khao trong mình. Người ấy có thể sở hữu những phẩm chất và năng lực mà ta không có. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc họ nằm ở "kèo trên" và có khả năng định đoạt số phận mối quan hệ. Trong một cuộc hẹn và trong cả câu chuyện tình cảm phía trước, quyền và trách nhiệm của hai người là ngang nhau.

  • Bảo vệ hình ảnh, lòng tự tôn của bản thân

Khi ngưỡng mộ, say đắm một ai đó, bạn sẵn sàng gạt mọi mối quan hệ cá nhân, công việc, gia đình... sang một bên để quan tâm, thậm chí là tôn sùng đối phương quá mức. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ không thể yêu ai trọn vẹn nếu không học cách yêu lấy chính mình trước tiên. Càng thấp thỏm, nuông chiều theo ý đối phương, bạn càng dễ lầm đường lạc lối, đánh mất bản ngã của mình.



  • Chia sẻ điều bạn muốn và cần với đối phương

Cảm giác "như đứng đống lửa, như ngồi đống than" có thể được xoá nhoà nếu bạn bộc lộ con người và tính cách của mình một cách chân tình. Lắng nghe và chia sẻ với người khác về những các vấn đề trong cuộc sống có thể giúp bạn bớt áp lực và tăng cảm giác gắn kết (3). Thành thật với cảm xúc của chính mình, trân trọng tình cảm của người kia, buổi hẹn hò sẽ bớt "đáng sợ" hơn.

Comments


bottom of page