top of page
Tìm kiếm

"Cưng quá hóa chiều, gây nhiều hệ lụy": Không chiều hư, chỉ đáp ứng vừa đủ nhu cầu của trẻ

Không chỉ la mắng hay so sánh, "nuông chiều" cũng là một trong những phương pháp truyền thống đã được minh chứng là không tốt trong việc giáo dục con cái. Đáp ứng nhu cầu để trẻ phát triển toàn diện là điều cần thiết nhưng thực hiện một cách thái quá sẽ khiến trẻ ỷ lại vào sự nuông chiều và hệ lụy tất yếu chính là hình thành thái độ vô lễ (1), gia tăng cảm giác vô trách nhiệm (2), củng cố lối sống vật chất (3), tinh thần tự chủ kém nên dễ sa đà vào tệ nạn (4) (5). Vậy các bậc phụ huynh cần phải khéo léo nuôi dạy con em mình thế nào để đừng nuông chiều quá mức nhưng vẫn có thể đáp ứng vừa đủ nhu cầu của chúng?



Trên thực tế, các hành vi được xem là nuông chiều con cái vẫn đang được nhiều phụ huynh áp dụng trong vô thức và không hề hay biết mình đang "chiều hư" trẻ, cụ thể như:

  • Bù đắp quá mức: Phụ huynh có thể cảm thấy tội lỗi vì đã không dành đủ thời gian hoặc không thể chu cấp cho con khi còn nhỏ theo cách mà họ mong muốn. Kết quả là họ cố bù đắp một cách quá mức dẫn đến nuông chiều. Nhiều người cũng có thể đã trải qua một tuổi thơ "không được đầy đủ" nên càng muốn bù đắp nhiều hơn cho con.

  • Dễ dãi khi nuôi dạy con cái: Các bậc cha mẹ thời hiện đại thường có xu hướng tránh đặt ra các ranh giới và quy tắc trong giáo dục con trẻ. Có nhiều người hiểu nhầm điều này với việc để trẻ dễ dàng tự do phát triển theo phương pháp Montessori, tuy nhiên "dễ dàng" và "dễ dãi" là hai khái niệm khác xa nhau.

  • Đề cao vật chất: Việc cha mẹ coi trọng của cải vật chất và dùng quà cáp để bày tỏ tình yêu thương một cách vô tội vạ sẽ dẫn đến việc trẻ đánh đồng tình yêu với các giá trị vật chất. Đây cũng có thể coi là một kiểu "dạy hư" trẻ một cách vô thức.

  • Bảo vệ quá mức: Bảo vệ trẻ quá mức mà không cho phép chúng trải qua những thử thách hay thất bại là một dạng nuông chiều. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển khả năng phục hồi và kỹ năng đối phó, xử lý vấn đề.

  • "Thể hiện bản thân" trong việc nuôi con: Một số bậc phụ huynh có thể nuông chiều con cái chỉ để nhằm cố gắng theo kịp các bậc phụ huynh khác và chứng tỏ rằng họ là những người thành công.

Hạn chế việc nuông chiều con cái bằng cách nào?


Jean Illsley Clarke là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nuôi dạy con cái và phát triển trẻ em tại Mỹ. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, bà đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc thay đổi cách suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh về vấn đề làm thế nào để yêu thương trẻ một cách vừa đủ.


Theo Jean Illsley Clarke: “Ngăn ngừa việc nuông chiều trở thành thói quen xấu là hành động mà phụ huynh cần phải chuẩn bị trong hành trình nuôi dạy con cái. Điều này không có nghĩa là từ chối những đòi hỏi của trẻ, mà cha mẹ cần đặt ra giới hạn cho mọi yêu cầu.

Trong cuốn sách nổi tiếng: “Bao nhiêu là đủ? Mọi thứ cần biết để tránh sự nuông chiều và nuôi dưỡng trẻ khỏe mạnh - Từ nhỏ đến lớn”, bà đã cung cấp một chiến lược để đặt giới hạn cho những yêu cầu của trẻ như sau:

  • Phù hợp với lứa tuổi: Hãy chắc chắn rằng giới hạn mà cha mẹ đặt ra phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn như chúng ta có thể đặt giới hạn về thời gian sử dụng tivi cho trẻ nhỏ, đồng thời cho phép trẻ lớn hơn tự quản lý việc sử dụng các thiết bị giải trí của mình. Tương tự như vậy, cha mẹ có thể giới hạn ngân sách cho món quà sinh nhật của con cái dựa trên sự phù hợp về lứa tuổi, sở thích của trẻ và tình hình tài chính của gia đình.

  • Rõ ràng và nhất quán: Các quy tắc và hậu quả phải rõ ràng, cho trẻ hiểu rằng khi chúng vi phạm các quy tắc đó thì chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả kèm theo.

  • Để trẻ tham gia: Trẻ em có xu hướng tuân theo các quy tắc mà chúng góp phần đặt ra, vì vậy hãy để trẻ tham gia vào quá trình thiết lập "bảng nội quy". Phụ huynh cũng có thể đưa ra nhiều lựa chọn trong giới hạn để trẻ tự quyết định, điều này giúp chúng cảm thấy thoải mái vì được trao quyền và có tiếng nói nhiều hơn.

  • Giải thích lý do: Khi hiểu rõ lý do đằng sau các quy tắc cần phải tuân theo, trẻ em có nhiều khả năng sẽ nghiêm chỉnh thực hiện điều đó hơn.

  • Củng cố tích cực: Các bậc phụ huynh có thể khen thưởng để khích lệ tinh thần khi trẻ tuân theo các quy tắc và tôn trọng các ranh giới đã đặt ra, nhưng nhớ đừng sa đà vào các phần thưởng đề cao tính vật chất.



Nếu như cha mẹ đã lỡ "chiều hư" trẻ thì sao?


Cũng theo Jean Illsley Clarke, không bao giờ là trễ để giáo dục con em mình khi lỡ "đáp ứng quá nhiều điều mà chúng đòi hỏi". Phụ huynh cần thực hiện các bước tuần tự như sau:


1. Khuyến khích trẻ chịu trách nhiệm: Giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm vá phát triển ý thức về hành động của mình là một trong những cách để chúng hoàn thiện bản thân khi đã quen với việc được nuông chiều. Đặc biệt là đối với các bé có cá tính mạnh và đã quen được "chiều hư", cha mẹ nên khéo léo uốn nắn trẻ bằng các hướng dẫn cụ thể như:

  • Chỉ định công việc: Bắt đầu giao cho trẻ các nhiệm vụ đơn giản như xếp chăn gối khi thức dậy, thu dọn đồ đạc khi chơi xong, rồi tăng dần độ khó khi trẻ lớn hơn.

  • Đặt kỳ vọng: Phụ huynh nên đề ra những kỳ vọng rõ ràng đối với hành vi của con và hướng dẫn chúng thực hiện điều này đến nơi đến chốn. Vì lẽ đó, cha mẹ nên nghiêm khắc ngay từ đầu với những thói xấu của trẻ như việc xếp chăn gối qua loa, cẩu thả hay không chịu dọn dẹp đồ chơi đến nơi đến chốn.

  • Để trẻ tự chịu hậu quả: Khi trẻ mắc sai lầm, điều quan trọng là cho phép chúng trải nghiệm hậu quả của hành động mà chính mình gây ra. Điều này có thể giúp chúng học hỏi từ những sai lầm và phát triển ý thức trách nhiệm tốt hơn.

2. Thúc đẩy và khơi dậy lòng biết ơn của trẻ: Đây một phần quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển cách nhìn tích cực đối với cuộc sống và ý thức về những gì mà chúng đang có. Cha mẹ có thể làm gương cho trẻ về lòng biết ơn và khuyến khích trẻ học cách cho đi, bao dung với các hoàn cảnh kém may mắn quanh mình, cũng như dạy trẻ thực hành nói lời cảm ơn từ việc nhỏ đến việc lớn, với những người giúp đỡ mình dù quen hay lạ…


3. Trì hoãn cảm giác hài lòng: Giúp con trẻ học cách chờ đợi những điều chúng muốn, thay vì luôn mong đợi cảm giác hài lòng và thỏa mãn ngay lập tức. Trì hoãn điều này có thể giúp trẻ phát triển sự kiên nhẫn, tự kiểm soát và tính kiên trì. Một số bài học để dạy trẻ thực hành trì hoãn cảm giác hài lòng như chờ đến lượt mình (nhất là trong các trò chơi, hoạt động nhóm…), đặt mục tiêu có lộ trình cụ thể, khen thưởng đúng cách (nếu trẻ biết kiên nhẫn sẽ nhận được phần thưởng nhiều hơn so với việc thiếu kiểm soát hoặc mất bình tĩnh).


Comentários


bottom of page