top of page
Tìm kiếm

Dạy con cư xử đúng mực ở nơi công cộng: Tốt cho mình, ích cho người

Cư xử đúng đắn nơi công cộng không chỉ đơn thuần là tránh la hét, gây ồn ào mà còn bao gồm biết nói xin chào và cảm ơn đúng lúc.


Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì trẻ em vẫn luôn cần được dạy dỗ từ những người đi trước để biết cách cư xử đúng - sai - phải - trái. Ở trường có thầy cô hướng dẫn, về nhà được bố mẹ khuyên ngăn. Vậy, ngoài việc cho trẻ tiếp thu kiến thức từ sách vở, trường lớp thì bố mẹ còn phải lưu ý những gì để trẻ có thể phát triển và hòa nhập với môi trường xung quanh? Mời mọi người cùng LeLa Journal tìm hiểu thêm về cách dạy con cư xử tại những nơi công cộng nhé.



Tại sao phải dạy trẻ cách cư xử đúng mực ở nơi công cộng?


Theo Học viện Nhi khoa ở Mỹ, sự năng động khi tham gia các hoạt động bên ngoài (như chạy nhảy, đi bộ, tham gia các trò chơi) đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Có thể nói, trẻ em từ lúc chào đời đã được khuyến khích cần phải thường xuyên hoạt động thể chất. Học bò, học đi, học ăn, học nói và học kiến thức đều là những bài học đầu đời mà người lớn dạy cho trẻ. Dần dà theo thời gian, trí não trẻ bắt đầu ghi nhận và hình thành thói quen phải nói chuyện, phải chạy nhảy để khám phá thế giới xung quanh (1).


Không phải ai cũng cảm thấy dễ chịu trước tiếng cười đùa hay những trò chạy nhảy hiếu động của trẻ, đặc biệt là ở những nơi đông người như rạp chiếu phim hoặc quán cà phê. Nếu phụ huynh không kiểm soát được hành động của con mình thì sẽ làm phiền những người xung quanh. Điển hình như mới đây, một số địa điểm ăn uống tại Việt Nam đã có thông báo sẽ không nhận khách dùng bữa tại chỗ nếu đi cùng trẻ em dưới 12 tuổi.

4 mẹo hay để dạy trẻ trở thành bé ngoan khi đến chỗ đông người


Đưa trẻ ra ngoài thì phụ huynh phải có nghĩa vụ chú ý và kiểm soát các hành động của trẻ

1. Cha mẹ phải là tấm gương


Cách ứng xử phù hợp nơi công cộng không chỉ là tránh làm ồn, mà còn thể hiện qua từng cử chỉ như biết nói lời cảm ơn khi nhận quà bánh từ người khác, lời chào khi bước lên xe bus hay cúi đầu tạm biệt với nhân viên nhà hàng hay bác bảo vệ khu chung cư. Để trẻ có thể làm tốt những điều này thì cha mẹ phải là tấm gương cho con nhỏ noi theo. Bạn có thể dành thời gian để đưa con đến những nơi đông người để thực hành các quy tắc mà bạn đặt ra. Khi lên xe, hãy gửi lời chào với tài xế. Khi nhận thức ăn, luôn lấy bằng hai tay và nói cảm ơn. Hãy lặp đi lặp lại các cách hành xử này đến khi trẻ nhận ra, bắt chước làm theo và thuần thục điều đó.


2. Đối xử với con như một người lớn thực thụ


Bạn có thể đối xử với con mình như người lớn ngay từ khi còn nhỏ. Ví dụ, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ ăn uống, nói chuyện, vui chơi đúng nơi quy định. Nếu bạn cho phép trẻ tự do la hét ở thư viện như ở nhà, chạy nhảy vô tổ chức trong bữa tiệc đông người thì rất dễ gặp xô xát hoặc phiền lòng người xung quanh. Trong trường hợp xảy ra mích lòng với người khác ở chốn công cộng, nếu phụ huynh không khéo léo giải quyết mà còn phủi bỏ trách nhiệm bằng câu nói “Chúng nó chỉ là trẻ con, có biết gì đâu” thì có thể mâu thuẫn giữa đôi bên càng trở nên nghiêm trọng. Vì thế, nếu thật sự cần thiết phải đưa trẻ đến những chốn đông người, hãy chắc chắn đã dạy trẻ thấu hiểu một số quy tắc ứng xử như một người lớn thực thụ (2).


3. Giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu những phép lịch sự tối thiểu


Có thể sẽ khá khó khăn vào bước đầu để lý giải tại sao trẻ cần phải làm như thế, nhưng bạn cần phải truyền tải thông điệp rõ ràng rằng bạn kỳ vọng và tự hào biết bao nếu con có thể đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Ví dụ, bạn có thể nói những câu như: “Con đừng chạy nhảy lung tung, nếu không bố mẹ sẽ chẳng biết phải tìm con ở đâu”, “Con không nên la hét vì có thể khiến người khác phiền lòng", "Tiếng ồn của con sẽ ảnh hưởng tới công việc hoặc cuộc trò chuyện của người xung quanh”... Hoặc khi con nhận được quà bánh, bạn có thể dạy con phải luôn nói lời cảm ơn vì đối phương đã bỏ thời gian để đi làm và lấy số tiền đó mua quà tặng. Điều quan trọng nhất là giúp trẻ hiểu được rằng lời cảm ơn phải thể hiện sự trân trọng và thật lòng chứ không chỉ là lời nói hình thức, đãi bôi (3).


4. Mang đồ ăn nhẹ hoặc các đồ chơi, sách báo mà trẻ yêu thích khi ra ngoài


Buồn chán có thể là nguyên nhân gây ra sự cáu kỉnh, khó chiều ở trẻ. Vì vậy, khi ra ngoài, hãy luôn mang theo một ít bánh quy, đồ chơi hoặc quyển sách mà chúng yêu thích. Đây có thể là cách để thu hút sự chú ý, khiến bọn trẻ yên tĩnh và không làm phiền mọi người xung quanh.


Trong trường hơp trẻ còn quá nhỏ để hiểu biết, bạn nên đưa chúng đến nhũng khu trò chơi phục vụ cho việc vui đùa

Trong trường hợp bé còn nhỏ, chưa thể dạy dỗ được nhiều, chúng tôi khuyến khích các bậc phụ huynh nên để bé ở nhà hoặc chỉ đưa đến những khu vui chơi dành riêng cho thiếu nhi, nơi cho phép trẻ chạy nhảy tự do, nô đùa thoải mái. Như vậy, sẽ không xảy ra những trường hợp khó xử cho cả cha mẹ và bé.


Việc nuôi, dạy trẻ là một hành trình dài, đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm và kiên nhẫn từ người lớn. Biết rằng không phải đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn nghe lời nhưng mọi người sống với nhau cũng cần chút sự bao dung. Mỗi người lớn đều đã từng là trẻ con, cũng từng khóc, từng sai phạm, thậm chí cũng từng có những hành động khiến họ đến khi trưởng thành vẫn còn ân hận. Thế nên, nếu vô tình gặp phải một đứa trẻ có hành vi khiến cho bạn khó chịu nơi công cộng thì hãy cố gắng bình tĩnh. Chỉ là chúng chưa đủ ngoan ở thời điểm đó mà thôi, rồi dần dà với sự yêu thương và cách dạy dỗ đúng đắn từ thầy cô, bố mẹ, chúng sẽ phát triển và cải thiện bản thân.


Comments


bottom of page