top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Để con được... chán: Khi buồn chán cũng giúp trẻ phát triển lành mạnh

Chúng ta dễ bắt gặp trẻ em trong trạng thái "dư năng lượng" hoặc mệt mỏi sau khi vận động quá nhiều, nhưng sự thật là cũng có lúc trẻ tiu nghỉu vì không có gì để làm. Mỗi lần như vậy, nhiều bậc phụ huynh thường cho rằng sự buồn chán là xấu và cố gắng đưa con mình ra khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, buồn chán không phải lúc nào cũng tiêu cực, mà trái lại, còn đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của trẻ.


Buồn chán (boredom) là một dạng cảm xúc, chúng hoàn toàn bình thường, tự nhiên và lành mạnh (1).

Tiến sĩ Erin C. Westgate, người có nhiều nghiên cứu tập trung vào "sự buồn chán" đã đi đến kết luận trên (2), (3). Bà cho rằng với tần suất vừa phải, sự buồn chán có thể mang lại cơ hội học tập có giá trị, thúc đẩy sự sáng tạo và khiến trẻ có động lực để tìm kiếm các hoạt động có ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng cần được người lớn hướng dẫn để hiểu và thực hiện điều này.



Vai trò tích cực của buồn chán


1. Thúc đẩy tiến trình mày mò khám phá


"Nếu cha mẹ cứ lấp đầy thời gian rảnh rỗi của con mình thì đứa trẻ sẽ không bao giờ học được cách tự làm điều này" - Nhà tâm lý học trẻ em Lyn Fry trả lời trên tờ Quartz (4).

Lo sợ trẻ rơi vào cảnh nhàm chán khi ở nhà, rất nhiều phụ huynh lên lịch cho các hoạt động của con, khiến thời gian biểu của chúng còn dày đặc hơn cả người lớn. Dành thời gian cho trẻ là điều tốt, thế nhưng cách làm quá mức này không được các nhà khoa học khuyến khích. Bởi lẽ, nếu được hướng dẫn một cách đúng đắn, trẻ sẽ học cách chủ động tìm đến một cuốn sách, nghịch ngợm ở sân vườn hoặc trẻ có thể khám phá đống đồ chơi cũ của mình. Qua những hoạt động như vậy, sự sáng tạo sẽ được phát huy.


2. Thúc đẩy sáng tạo:


Trước đây, nhiều người quan niệm rằng trẻ em phải hoạt động liên tục để trí tưởng tượng được "bay cao bay xa". Điều này dường như xuất phát từ những nghiên cứu cho thấy rằng những người "dễ buồn chán" thường có ít hứng thú và dễ thất vọng (4).


Thế nhưng, những học giả với các kết quả nghiên cứu gần đây đã cho thấy điều ngược lại, không chỉ là Tiến sĩ Westgate mà còn có Tiến sĩ Teresa Belton tại Đại học Đông Anglia (5), (6).


"Trẻ em cần thời gian cho riêng mình – để thoát khỏi sự tấn công dồn dập của thế giới bên ngoài, để mơ mộng, theo đuổi những suy nghĩ và thú vui riêng, đồng thời khám phá những sở thích và năng khiếu cá nhân" - Tiến sĩ Teresa Belton (7).

3. Một cảm xúc mang tính báo hiệu:


Tiến sĩ Westgate còn cho biết: "Điều mà sự nhàm chán đang cố dự báo là những gì chúng ta đang làm không hiệu quả. Nó quá dễ hoặc quá khó, hoặc như thế là thiếu ý nghĩa" (1).


Trẻ em thường phàn nàn về việc buồn chán, nhưng điều này lại có ý nghĩa giúp chúng phát triển các kỹ năng, sự sáng tạo và lòng tự tôn một cách cần thiết. Tuy nhiên, trẻ em ở nhiều độ tuổi thường cần tới sự trợ giúp để tìm ra những hoạt động hữu ích trong thời gian nhàn rỗi của cá nhân.


Nỗi buồn (sadness) trong bộ phim Inside Out phải qua một hành trình dài mới nhận ra được vai trò của mình

Khi nào thì buồn chán là điều báo động?


1. Biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder - ADHD): Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dễ trở nên buồn chán hơn người khác có thể là một biểu hiện của chứng ADHD (8), (9).


2. Tiến trình học tập không được diễn ra suôn sẻ: Với trẻ em, đến trường nhiều khi lại vui hơn ở nhà, có thể vì chúng có bạn bè và được học nhiều điều mới. Thế nhưng, việc tới trường cũng có thể mang lại cảm giác buồn chán. Một đánh giá vào năm 2012 về nghiên cứu sự nhàm chán trong môi trường giáo dục đã cho thấy rằng:

Nhàm chán là sự kết hợp của thiếu hưng phấn khách quan về thần kinh, đi kèm với trạng thái tâm lý chủ quan như không hài lòng hoặc thất vọng trong việc tiếp thu kiến thức mới ở trường (10).

3. Tiềm ẩn những thói quen tiêu cực: Nếu không được hướng dẫn tham gia vào các hoạt động tích cực, con người có xu hướng tham gia vào các hành vi có hại (11).


Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ thích thú xem tivi, chơi game hay những thú vui mang tính kích thích cao. Đây là hệ quả khi cha mẹ không dành thời gian hoặc không biết cách để hướng dẫn trẻ hiểu và đối diện với cảm xúc buồn chán của mình.



Cha mẹ lưu ý điều gì khi hướng dẫn trẻ đối diện với sự buồn chán?


Tiến sĩ Stephanie A. Lee - nhà Tâm lý học lâm sàng chuyên nghiên cứu về chứng rối loạn hành vi (behaviors disorders) và ADHD tại Child Mind Institute - cho rằng: "Quan trọng là giúp trẻ học cách quản lý sự chán chường này để chúng có thể phát triển tính độc lập và cảm thấy có quyền quyết định đối với hạnh phúc cũng như sức khỏe của chính bản thân" (12).


Vậy nên, bên cạnh việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, LeLa Journal cho rằng các bậc phụ huynh có thể lưu ý thêm đến những điểm sau (12):



1. Chỉ đưa ra gợi ý cho trẻ: Khi một đứa trẻ nói "con chán", đó có thể là biểu hiện của rất nhiều vấn đề khác nhau. Có thể chúng đói, muốn được chú ý, tò mò về những gì cha mẹ đang làm hoặc đang không biết phải làm gì. Tiến sĩ Lee cũng chia sẻ rằng: "Thay vì phản ứng, tốt hơn hết là phụ huynh nên chủ động nói với con về các lựa chọn của chúng". Cha mẹ có thể lập một bảng danh sách các hoạt động để phòng những lúc như vậy:

  • Đối với trẻ nhỏ: Trẻ dưới 5 tuổi cần một danh sách các hoạt động cụ thể như chơi đồ hàng, săn tìm côn trùng, chơi lego hoặc xếp hình, chơi giải đố (đơn giản), tô màu hoặc các trò thủ công, gọi điện cho ông bà, người thân...

  • Đối với trẻ lớn: Chơi cờ, vẽ hoặc các hoạt động nghệ thuật, đọc sách hoặc truyện tranh, các trò chơi ngoài trời (trồng cây, tưới hoa...), tạo một kênh podcast hoặc trang web, học một vài điệu nhảy trên mạng xã hội (Tiktok, Facebook...) hoặc rèn luyện kỹ năng thể thao...

Sáng tạo là chìa khóa để đối phó với sự nhàm chán, nhưng đây không phải là điều có thể dễ dàng luyện được. Vậy nên, trẻ cần được hướng dẫn lập và làm theo kế hoạch khi bắt đầu một trò chơi.


Nếu cha mẹ không có nhiều thời gian cho con, thì đây sẽ là cơ hội để "một công đôi việc", vừa giúp trẻ bớt nhàm chán, vừa có thời gian phát triển mối quan hệ giữa hai người. Phụ huynh có thể tham khảo các hoạt động mà Lela Journal đã giới thiệu trước đây như: Các trò chơi vận động, các trò chơi khơi nguồn sáng tạo... Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì trẻ cần học cách chơi để tự xử lý vấn đề nhàm chán của bản thân, nhiều khi đó có thể là biểu hiện của việc tìm kiếm sự chú ý - điều hay diễn ra ở độ tuổi này.



2. Tìm cách phân biệt giây phút buồn chán và khi trẻ yêu cầu sự chú ý: Nếu như trẻ từ chối tất cả các hoạt động mà phụ huynh đã gợi ý thì lý do có thể là chúng đang cố gắng thu hút sự chú ý của cha mẹ mình. Lúc này, chúng cố gắng lôi kéo cha mẹ vào cuộc thảo luận càng lâu càng tốt. Sự chú ý của cha mẹ chính là một phần thưởng của trẻ, vì vậy, việc dành quá nhiều thời gian thảo luận với con sẽ khuyến khích chúng không đối phó với sự nhàm chán của mình - điều ngược lại với những gì cha mẹ đang hướng tới.


Tiến sĩ Lee cho rằng nếu trẻ liên tục từ chối đưa ra quyết định về việc trẻ phải làm gì với sự buồn chán, cha mẹ cần dành thêm chút thời gian để "điều hướng" con, tránh cho cuộc nói chuyện quá lan man, tốn thời gian mà không đạt được mục đích.


Ví dụ, khi trẻ có dấu hiệu đòi hỏi sự chú ý từ cha mẹ, cha mẹ cần làm rõ rằng mình vẫn sẽ dành sự chú ý cho con, nhưng cũng đồng thời yêu cầu con phải đưa ra lựa chọn về hoạt động để chấm dứt sự buồn chán. Cha mẹ có thể đưa ra hai phương án và nếu con không chịu quyết định trong vòng năm phút, cha mẹ sẽ đưa ra quyết định này. Đây cũng là cách để cha mẹ cho con cơ hội hiểu về các nhu cầu của bản thân.


3. Biết giới hạn tự chơi của trẻ: Tiến sĩ Lee cho rằng trẻ ở lứa tuổi mầm non có thể chơi một mình trong khoảng 15 phút, ở lớp trung học cơ sở là 50 phút. Ngoài ra, những đứa trẻ rất năng động có thể cần nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút chạy loanh quanh bên ngoài, trong khi những đứa khác lại không gặp khó khăn gì khi ngồi yên trong hai giờ.


Trẻ mắc ADHD khó có thể tự mình làm việc trong thời gian dài vì chúng gặp vấn đề khi duy trì sự chú ý và tập trung hơn những trẻ khác. Thêm vào đó, chúng dễ thấy các hoạt động không còn gì mới lạ và hấp dẫn (12).

4. Tạo thói quen đối diện với cảm xúc nhàm chán bằng sự phấn khích: Đây là lúc để con trẻ thử các hoạt động mới, phát triển khả năng nhẫn nại chịu đựng, làm quen với sự thất vọng, học cách chủ động và tự giải trí, có được các chiến lược lập kế hoạch và kỹ năng giải quyết vấn đề... Điều này sẽ hiệu quả hơn khi mỗi lần con trẻ kêu chán, cha mẹ có thể đáp lại bằng một sự phấn khích.

Comments


bottom of page