Đọc sách không chỉ tạo điều kiện để mỗi người trau dồi kiến thức, hiểu hơn về thế giới xung quanh, đây thực chất còn là một cách thức tự nhiên giúp chúng ta gia tăng tuổi thọ. Nghe có vẻ khó tin, nhưng đây chính là nghiên cứu đã được công bố bởi Đại học Yale (Mỹ).
Nghiên cứu của Đại học Yale đăng trên tạp chí Social Science and Medicine cho biết, những người đọc sách có khả năng sống lâu hơn gần 2 năm so với những người không đọc (1). Kết luận này có được từ việc quan sát thói quen đọc sách của 3.635 người trên 50 tuổi trong vòng 12 năm. Họ được chia làm 3 nhóm: người không đọc sách, người đọc ít hơn 3,5 giờ mỗi tuần và người đọc nhiều hơn 3,5 giờ. Cả hai nhóm có đọc sách đều sống lâu hơn 23 tháng so với những người không đọc, bất kể các yếu tố khác như giới tính, mức độ giàu có, sức khỏe hay giáo dục.
Trong suốt 12 năm theo dõi, nhóm người đọc 3,5 giờ/tuần trở lên giảm được 23% nguy cơ tử vong và nhóm đọc ít hơn 3,5 giờ/tuần giảm được 17%. Đọc càng nhiều, chúng ta càng có khả năng sống lâu hơn và chỉ hơn 3 tiếng một tuần (mỗi ngày 30 phút) là đủ tạo ra sự khác biệt.
Lý giải của hiện tượng này bắt nguồn từ hai yếu tố: đọc sâu và kết nối cảm xúc - những hành động chúng ta chưa nuôi dưỡng được nhiều trong thời đại quá tải thông tin và vô số sao nhãng hiện nay.
Đọc sâu là một cách "tập thể dục cho tâm trí"
Thuật ngữ đọc sâu được Sven Birkerts đặt ra vào năm 1994 nhằm chỉ việc đọc một quyển sách theo cách chậm rãi, mang tính thiền định. Người đọc nếu không tập trung, chỉ đọc lướt qua bề mặt vội vàng, sẽ bỏ lỡ những điểm cốt yếu sáng giá của tác phẩm.
Trong quyển Transforming Literacy, tác giả Robert P. Waxler và Maureen P. Hall cũng cho rằng: “Đọc sâu đòi hỏi khả năng chú ý, suy nghĩ thấu đáo và một nhận thức đầy đủ. Không giống xem tivi và các hoạt động giải trí kích thích sự tưởng tượng, đọc sâu không phải một lối thoát, mà là sự khám phá. Nó giúp chúng ta hiểu tường tận về cách mình kết nối với thế giới và với chính những câu chuyện của bản thân” (2).
Đọc sách thúc đẩy việc đọc sâu, một quá trình nhận thức chậm khiến người đọc đắm chìm vào nội dung, rút ra kết nối giữa các phần của tác phẩm và tìm cách ứng dụng cho thế giới bên ngoài - khác hẳn với việc đọc lướt thông tin trên mạng xã hội. Những điều này có tác động tích cực lên khả năng tập trung, lập luận, tư duy phản biện và vốn từ vựng của chúng ta, gọi chung là nâng cao chức năng nhận thức, tương tự như một hình thức “tập thể dục” cho tâm trí.
“Sách có nhiều khả năng làm tăng tuổi thọ của một người hơn là tin tức. Hiệu ứng này có thể là vì sách thu hút tâm trí người đọc, mang lại nhiều lợi ích về mặt nhận thức, từ đó làm tăng tuổi thọ” - Avni Bavishi, một trong các nhà nghiên cứu nhận định.
Thứ hai, việc kết nối cảm xúc trong khi đọc sẽ giúp mỗi người đồng cảm hơn với những câu chuyện của nhân vật và quan điểm từ tác giả. Chính điều này hỗ trợ cho trí tuệ cảm xúc và quá trình nhận thức xã hội của chúng ta. Các loại sách tiểu thuyết đặc biệt có lợi cho khả năng đồng cảm vì bạn cần đặt bản thân vào vị trí của người khác, ngay cả khi chúng ta đang khám phá thế giới thông qua những câu chuyện chỉ tồn tại trong tâm trí.
Những nhà nghiên cứu từ Đại học Washington đã quét não của người đọc tiểu thuyết và nhận xét như sau: “Họ tạo ra các mô phỏng tinh thần mãnh liệt trong hoạt động của não về những địa điểm, âm thanh, chuyển động và mùi vị mà họ bắt gặp trong câu chuyện. Về bản chất, bộ não của chúng ta đang phản ứng như thể chính ta đang thực sự sống trong những câu chuyện đó” (3).
Nhờ vậy, mỗi người sẽ hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cảm xúc của nhau, một điều không thể thiếu để xây dựng các mối quan hệ xã hội ý nghĩa, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần cũng như gia tăng cảm giác hạnh phúc, hài lòng trong cuộc sống.
Ngày nay, việc dừng lại nghỉ ngơi là một trong những yếu tố thường bị bỏ qua nhiều nhất trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, khi mà mọi người thường cuốn theo dòng chảy liên tục của sự kiện và những nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Nếu không có một “điểm dừng chân” cho chính mình, chúng ta ít có cơ hội nạp lại năng lượng cần thiết để sống trọn vẹn.
Đọc sách là một cách để đưa cơ thể về trạng thái "tạm nghỉ". Nó đưa bộ não trở về trạng thái dễ chịu và mang lại lợi ích sức khỏe tương tự như thiền định để tâm trí được thư giãn sâu, phát triển cảm giác an bình bên trong (4). Chỉ 30 phút đọc đã làm giảm huyết áp, chậm nhịp tim và thậm chí là các cảm giác đau khổ về mặt tâm lý cho mỗi người (5).
Nhà thần kinh học David Lewis từng nhận định: “Không quan trọng việc đọc gì, chỉ bằng cách đắm chìm hoàn toàn trong một quyển sách đầy cuốn hút, chúng ta có thể thoát khỏi những căng thẳng, lo lắng thường trực của thế giới hằng ngày khi dành chút thời gian khám phá trí tưởng tượng và trí tuệ của tác giả” (6).
Comments