top of page
Tìm kiếm

Đồng hồ xa xỉ (Kỳ 1): Liệu có phải là "khoản béo bở" đáng để đầu tư như số liệu thống kê?

Đồng hồ xa xỉ (Rolex, Patek Philippe...) từ lâu đã là một mặt hàng mang giá trị rất cao không chỉ với những ai đam mê sưu tầm, mà còn với những nhà đầu tư có hiểu biết về thị trường đặc thù này. Các tay chơi cho rằng mẫu đồng hồ hiếm giống như một kho báu tiềm tàng nên quyết săn lùng bằng được, trong khi đó những người mới chập chững trong ngách đi này còn đang gặp khá nhiều hoang mang.


Trước khi học cách thẩm định và đánh giá xem những chiếc đồng hồ nào là đáng để đầu tư, ta cần nắm được bức tranh toàn cảnh về thị trường đang rất sôi động này. Đó là sự ổn định về lợi nhuận, tính đặc biệt của khả năng cung - cầu và những rủi ro lớn phát sinh.



1. Sự ổn định


Khi rót tiền vào những chiếc đồng hồ xa xỉ, đặc biệt là dòng vintage, người mua không cần bận tâm đến các kênh đầu tư khác tăng giảm ra sao. Loại tài sản này có mức tăng tưởng khác xa các loại chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu hay tiền mã hóa, bởi cũng giống như "vàng lỏng" - cách gọi mà dân đầu tư dùng để ưu ái gọi whisky mà LeLa Journal đã có bài viết cụ thể tại đây - lợi nhuận của đồng hồ xa xỉ đi kèm với thời gian và sự quý hiếm (1).


Theo khảo sát, các mẫu đồng hồ cao cấp có giá trên 100.000 USD trung bình tăng 69% giá trị sau mỗi 10 năm (2). Trong khi con số này ở chứng khoán là 12.37% (3), ở vàng là 22% (4). Ước tính vào năm 2022, giá trị của thị trường đồng hồ hạng sang đã giảm 8% vì đại dịch COVID, trong khi chỉ số thị trường chứng khoáng S&P 500 giảm tới 19% (5).

2. Tính đặc biệt


Có một điều đặc biệt trong hạng mục đầu tư này là thị trường đồng hồ cũ (vintage) lại sôi động và đáng đầu tư hơn. Giá của những chiếc đồng hồ cũ cũng cao hơn mua mới, nghe thì có vẻ kỳ lạ nhưng nguyên nhân cho điều này đến từ hai yếu tố sau:


1. Mất thời gian lâu hơn, khó đăng ký mua hơn: Nếu đã tìm hiểu về đồng hồ hạng sang, chúng ta sẽ biết rằng không thể ra thẳng cửa hàng và tậu ngay một chiếc mới toanh như đi chợ mua cá mua rau. Nhu cầu của khách hàng không được đáp ứng ngay, mà cần một khoảng thời gian dài để thương hiệu đáp ứng đủ nguồn cung ra thị trường cùng nhiều yếu tố khách quan khác. Và chính những điều này làm nên sức hấp dẫn riêng của đồng hồ "tiền tỉ". Ví dụ quen thuộc nhất là những chiếc đồng hồ Rolex - thương hiệu vốn nổi tiếng ở Việt Nam.


Một chiếc Rolex hạng sang mất ít nhất một năm để thực hiện, với chất liệu thép đặc biệt được sản xuất riêng, bản vẽ thiết kế riêng và hoàn toàn được gia công qua tay nghề của những người thợ chuyên nghiệp nhất (6).

Ngoài việc mất thời gian lâu hơn để sản xuất, việc đăng ký mua những chiếc đồng hồ hạng sang cũng khá khó khăn, ví dụ điển hình là những chiếc Patek Philippe 5711. Công nghệ sản xuất Patek Philippe 5711 đặc biệt đến nỗi phải cần đến tám năm để bên hãng giao hàng từ khi người mua đặt hàng được (7). Nhưng có đặt được hay không mới là vấn đề.


Để lọt vào danh sách đặt hàng của hãng Patek Philippe, người mua phải là những nhân vật sừng sỏ trong giới doanh nhân, chính trị gia, người nổi tiếng và sau cùng mới là tầng lớp có tiền (8).

Chính vì mua mới khó khăn như vậy, nên nhiều người chuyển qua chọn mua cũ. Điều này dẫn đến lý do thứ hai thúc đẩy giá cả của thị trường này liên tục tăng cao.



2. Mua cũ trở thành một biện pháp khả dĩ: Mặc dù "đợi chờ là hạnh phúc" nhưng nhiều người đam mê đồng hồ lại không nghĩ vậy. Đặc biệt là với những người đang khao khát sở hữu một món đồ "hợp gu" bản thân thì thời gian đặt hàng lên đến vài năm càng khó chấp nhận. Họ đành chọn ngay việc mua cũ.


Việc sang tay những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng luôn là một "miếng bánh béo bở" với những con buôn, những dealer sống dựa vào giá cả chênh lệch, nhưng rủi ro về mua bán cũng vì thế mà tăng lên. Toby Bateman, Giám đốc điều hành của Hodinkee (một trang web sưu tập đồng hồ nổi tiếng), cho biết: "Thị trường đồng hồ đã qua sử dụng lúc này rất giống với miền viễn Tây Hoa Kỳ trước đây - hoang dã và hấp dẫn" (9).


“Khách hàng không thể biết chính xác rằng mình mua đồng hồ từ ai. Họ không hề được đảm bảo về tính xác thực của mặt hàng và cũng chẳng ai cam kết rằng chúng còn hoạt động bình thường" - Toby nhận định.

Đồng hồ xa xỉ được thu mua lại (màu xanh dương đậm) chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng giá trị mua bán đồng hồ và không chênh lệch quá nhiều so với đồng hồ mua mới hoàn toàn (màu xanh lá) (nguồn: BCG)

3. Rủi ro thường trực


Hai vấn đề lớn mà những nhà đầu tư đồng hồ xa xỉ luôn quan tâm trước khi dốc hầu bao vào một thương vụ đó là:


1. Tính thanh khoản thấp: Kèm thêm nhiều chi phí tiềm tàng, người mua sẽ khó có thể rao bán những mẫu ít phổ biến trên thị trường đồng hồ vintage, kể cả là các dòng hạng sang. Có khi sẽ phải chờ vài tháng hoặc vài năm để bán được với giá tốt. Nếu muốn bán nhanh, liên hệ với các bên môi giới và chịu một khoản phí hoa hồng là điều bắt buộc.


2. Hàng nhái và hàng giả: Lợi dụng việc ít người có kiến thức chuyên sâu về các hãng đồng hồ hạng sang, một số lượng không nhỏ những dealer chào bán hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện tràn lan trên thị trường đồng hồ xa xỉ. Để dấn thân vào cuộc chơi này, chúng ta phải trang bị kiến thức vững về thương hiệu mình đang săn đón, cũng như giá trị trung bình của nó trên thị trường. Nghiên cứu kỹ càng là một việc đòi hỏi thời gian, công sức nhiều của người tham gia, nhưng vô cùng quan trọng và cần thiết nếu không muốn bản thân bị "lùa gà".

Lợi nhuận từ việc làm giả đồng hồ hạng sang lên tới 1 tỷ USD mỗi năm (9).


Thế nhưng, những rủi ro trên chủ yếu diễn ra vào khoảng 10 năm trước. Còn ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và các chính sách bổ sung trong việc mua bán và kinh doanh đồng hồ, các vấn đề đó đã dần mất đi.


4. Công nghệ và chính sách lấp đầy lỗ hổng rủi ro


Công nghệ ở đây không phải là công nghệ chế tạo hay móc thiết bị, mà là công nghệ thông tin. Vậy điều này tác động như thế nào đến thị trường?


1. Sự ra đời của các doanh nghiệp phân phối online: Trong nhiều năm về trước, việc mua bán Rolex chủ yếu là sang nhượng qua tay. Lúc này người mua, người bán, người môi giới cùng lao vào nhau để thẩm định, đấu giá và giành giật những chiếc đồng hồ quý hiếm. Phạm vi của nó cũng không lớn khi thông tin về những thương vụ như vậy không đến được với nhiều tay chơi đang mòn mỏi săn tìm. Còn hiện nay, vấn đề về "tính thanh khoản thấp" đã được giải quyết phần nào khi quá trình môi giới sản phẩm đến với những người quan tâm chỉ diễn ra qua vài cú click chuột.


McKinsey ước tính rằng doanh số bán đồng hồ đã qua sử dụng đạt 18 tỷ USD vào năm 2019 và có thể đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Doanh số bán đồng hồ đã qua sử dụng sẽ bằng khoảng một nửa thị trường bán lẻ đồng hồ mới vào năm 2025, tăng từ khoảng một phần ba của hiện nay (11).

Với sự biến động lớn từ cung và cầu như vậy, các doanh nghiệp mua bán và thẩm định đồng hồ hạng sang đã ra đời. Sự uy tín và kinh doanh phát đạt của những doanh nghiệp này là kết quả của nỗ lực thay đổi chính sách từ các thương hiệu xa xỉ vốn không công nhận mua bán qua tay hay sang nhượng trước đây.


Thị trường đồng hồ mua bán online tăng cao những năm gần đây (nguồn: BCG)

2. Chính sách thay đổi: Từ đó đến giờ, Rolex chỉ bán những chiếc đồng hồ mới - đồng nghĩa với việc không tham gia vào thị trường mua bán đồ cũ. Điều này đã chấm dứt cho tới năm 2022, khi Rolex đã ra mắt cửa hàng bán đồng hồ cũ đầu tiên.


Việc mua bán bây giờ trở nên an toàn và tin cậy hơn khi Rolex cấp giấy phép cho việc mua bán đồng hồ qua tay, trở thành một địa chỉ tin cây đối với những người sợ mua phải hàng nhái, hàng giả. Tuy nhiên số lượng giấy phép này không nhiều, bởi nó chỉ được cấp sau khi trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt của Rolex để đảm bảo về chất lượng bảo quản cùng nhiều yếu tố liên quan (11).

5. Một kênh đầu tư hấp dẫn mở ra?


Khi thị trường xa xỉ phẩm ngày càng được ưa chuộng và phổ biến, cộng thêm tính ổn định, đặc trưng cùng với những động thái hấp dẫn từ thị trường mua bán đồng hồ cũ, một kênh đầu tư mới đã mở ra dành cho những ai có nguồn tài chính vững vàng hoặc đơn giản là đam mê đồng hồ.


Trong cuộc khảo sát của BCG Analysis, 54% người mua thuộc nhóm Gen Z (thế hệ được sinh ra vào khoảng năm 1997 - 2012) cho biết họ đã tăng chi tiêu để mua đồng hồ xa xỉ so với 24 tháng trước đó. Lý do hàng đầu là việc mua bán dễ dàng hơn cũng như có nhiều cơ hội đầu tư hơn. Hai phần ba trong số đó (chiếm 66%) cho rằng giá trị tăng trưởng của đồng hồ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Cũng theo khảo sát, một nửa số người mua đồng hồ cho biết họ dự kiến ​​sẽ chi tiêu nhiều hơn cho đồng hồ xa xỉ trong 24 tháng sắp tới (13).

Nhưng bài học về sự thổi phồng giá trị để đầu cơ trục lợi vẫn còn đó. Liệu giá trị thật sự của đồng hồ xa xỉ có đủ sức để trở thành một nơi chọn mặt gửi vàng hay không, chúng ta phải chuẩn bị những gì trước khi bước một chân vào sân chơi này. Mời bạn đón đọc Đồng hồ xa xỉ (Kỳ 2): Tiêu chí thẩm định giá trị và hướng đầu tư cho người mới bắt đầu.



Comments


bottom of page