top of page
Tìm kiếm

Quản lý tiền trong thời kỳ suy thoái: Để không tiêu hết khoản tiết kiệm

Nếu suy thoái kinh tế là cơn bão không thể tránh khỏi, bạn đứng trước hai quyết định: hoặc mặc kệ và dựa vào may mắn để sống sót, hoặc chủ động bảo vệ túi tiền của mình bằng những hành động nhỏ mỗi ngày.


Trước thời điểm đọc bài viết này, có lẽ bạn đã từng chạm trán với một số cuộc suy thoái kinh tế như Khủng hoảng Tài chính châu Á (1997), Bong bóng Dot-com (2000), Đại suy thoái (2009), Suy thoái Covid-19 (2019). Với tần suất xuất hiện dày đặc, có những đợt sụt giảm chỉ kéo dài vài tháng nhưng cũng khi chúng diễn ra trong suốt nhiều năm.


suy thoái, tiết kiệm, chi phí, tiền nhà, khủng hoảng, kinh tế, tiền, thuế

Quả thực, sẽ rất may mắn nếu chúng ta chuẩn bị cho suy thoái trước lúc chúng diễn ra. Thế nhưng, khi cuộc đời không tồn tại chữ "nếu" và ta bị rơi vào ngay giữa "chiến địa" với giá cổ phiếu đang lao xuống như bom dội, còn lạm phát thì cứ tiến lên như tên lửa đạn đạo, điều gì sẽ giúp ta vượt qua? Những lời khuyên dưới đây là cách để bạn giảm "xây xước" và tìm được nơi náu mình qua những ngày tháng biến động.


Phủi lớp bụi trên… CV


Khi đã chuẩn bị tinh thần bị sa thải nếu bức tranh kinh tế ngày càng xấu đi, bạn hãy "tút tát" lại vũ khí xin việc của mình, tìm kiếm cơ hội mới để tiền tiết kiệm không bị hao hụt. Lần cuối bạn động đến CV là khi nào? Công việc ổn định trong nhiều năm liền có thể khiến nhiều người quên mất CV của mình và cả hồ sơ trên LinkedIn cũng cần được cập nhật thường xuyên, thay đổi cho phù hợp với thời đại mới.


Có đến 93% nhà tuyển dụng dùng mạng xã hội để tìm kiếm ứng viên và hầu hết trong số họ đều sử dụng LinkedIn (1). Theo Brian Liou, nhà sáng lập công ty môi giới việc làm Rora, những "từ khóa" (keywords) trong hồ sơ LinkedIn của bạn nên được thay đổi hai tuần/lần để "nhắc" các thuật toán quét lại hồ sơ và giúp chúng dễ tiếp cận nhà tuyển dụng (2).

suy thoái, tiết kiệm, chi phí, tiền nhà, khủng hoảng, kinh tế, tiền, thuế

JT O'Donnell, nữ giám đốc điều hành của Work It Daily, đã đưa ra "nguyên tắc 6 giây" cho những người đang loay hoay viết thư ứng tuyển. Bà cho rằng đây là khoảng thời gian trung bình để một chuyên viên nhân sự đọc lướt các CV, résumé và ra quyết định liệu có chuyển chúng cho nhà quản lý hay không.


Do đó, các hồ sơ phải đáp ứng được hai yêu cầu chính: Cho phép người tuyển dụng đọc lướt và nhấn mạnh các kỹ năng quan trọng (3). Mắt người hoạt động theo hình chữ Z và khi lướt xuống, chuyên viên nhân sự sẽ tìm kiếm 4-5 thứ bạn cần phải có để đáp ứng công việc. Do đó, những thành tích, khả năng nổi bật của bạn phải được đặt ở vị trí dễ thấy.


Muốn quản lý tiền, phải cắt giảm chi phí


Trong thời gian suy thoái kinh tế diễn ra, thử thách khó khăn nhất cho chúng ta là không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo và khi nào thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Để chuẩn bị cho giai đoạn này, bạn có thể bắt đầu bằng việc tính tổng thu nhập từ tất cả các nguồn như công việc chính, nghề tay trái, các khoản đầu tư, tiền lãi ngân hàng, trợ cấp.


suy thoái, tiết kiệm, chi phí, tiền nhà, khủng hoảng, kinh tế, tiền, thuế

Tiếp theo, hãy liệt kê chi phí hàng tháng, bao gồm tiền thuê nhà, lãi vay, nhu yếu phẩm, nhu cầu y tế cá nhân, phí bảo trì nhà cửa và phương tiện di chuyển, bảo hiểm. Ngoài ra, các khoản phí đặt mua thường kỳ (subscription) cũng là khoản chi lớn nhưng ít người thực quan tâm. Chẳng hạn, phí đăng ký Youtube Premium hiện ở mức 79.000 đồng/tháng, Spotify giá 59.000 đồng/tháng, gói Netflix cơ bản giá 108.000 đồng/tháng.


Mỗi khoản đều không phải số tiền lớn nhưng nếu gộp chúng lại và tính theo năm, bạn sẽ mất kha khá tiền cho những ứng dụng giải trí này. Số liệu từ kênh thống kê Statista cho thấy chỉ riêng trong năm 2021, người dùng trên khắp thế giới đã chi đến 18,3 tỷ USD cho top 100 ứng dụng có subscription (4).


suy thoái, tiết kiệm, chi phí, tiền nhà, khủng hoảng, kinh tế, tiền, thuế

Sau khi đã xác định hầu hết chi phí phát sinh, bạn nên sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các khoản thiết yếu và tính toán số tiền chi ra tối thiểu cho mỗi tháng. Bạn cũng có thể giảm cắt giảm chi phí bằng cách tự chuẩn bị bữa ăn cho mình. Nếu ngoài hàng quán, các món ăn thường có mức giá cố định, ít thay đổi thì khi đi siêu thị, chợ, bạn có thể chọn được những nguyên liệu có giá thấp hơn tùy theo mùa vụ hoặc chính sách khuyến mãi của chỗ bán.


Đa dạng nguồn thu nhập


Thời điểm này, bạn nên rà soát lại những thế mạnh của mình để từ đó có thể kiếm một công việc tay trái. Ví dụ, bạn học giỏi ngoại ngữ, bạn có thể ứng tuyển vị trí trợ giảng tại các trung tâm, làm dịch thuật. Mức lương cho người mới bắt đầu tuy không cao nhưng có thể giúp bạn trang trải phần nào chi phí. Ngoài ra, bạn có thể kinh doanh mỹ phẩm, hàng xách tay trên các trang thương mại trực tuyến hoặc ngay chính ở mạng xã hội của mình. Theo tính toán từ Statista, doanh thu của ngành chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc cá nhân của Việt Nam dự kiến lên đến 2.36 tỷ USD vào năm này và sẽ tăng trưởng 3.32% mỗi năm (5).


suy thoái, tiết kiệm, chi phí, tiền nhà, khủng hoảng, kinh tế, tiền, thuế

Nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) cũng mang đến cơ hội cho nhiều người với các công việc như giao hàng, chở khách… Theo thống kê từ trang Salary Expert, mức lương trung bình hiện nay của một tài xế Grab ở Hà Nội rơi vào khoảng 99 triệu đồng/năm và 47 ngàn đồng/giờ. Mức lương này sẽ tăng lên hơn 140 triệu đồng/năm vào năm 2028 (6).

Suy thoái cũng khoảng thời gian thúc bách bạn nảy ra những ý tưởng mới. Năm 2007, hai chàng thanh niên sống ở San Francisco không thể trả nổi tiền thuê trọ nên họ đã nghĩ ra cách cho thuê lại phòng trống từ chính căn hộ của mình. Cả hai mở một trang blog đơn giản có đính kèm bản đồ để thu hút khách hàng. Từ những vị khách ít ỏi đầu tiên, họ dần cải tiến ý tưởng của mình và thành lập công ty để kinh doanh mô hình "chia sẻ phòng" này.


Ngày nay công ty ấy có tên gọi là Airbnb và được định giá lên đến 30 tỷ USD. Cuộc Đại suy thoái năm 2009 khiến nhiều người không còn đủ sức duy trì căn nhà thứ hai, thứ ba của mình và buộc phải cho thuê chúng. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng đã đẩy nhanh sự phát triển của Airbnb.


Cân nhắc về các khoản thuế


Thuế suất giữ vai trò quan trọng trong đời sống tài chính của mỗi người và nghĩa vụ thuế thì vẫn được áp dụng dù ta có đang ở thời kỳ suy thoái kinh tế.


suy thoái, tiết kiệm, chi phí, tiền nhà, khủng hoảng, kinh tế, tiền, thuế

Tiền lương hàng tháng của bạn sẽ được đánh thuế lũy tiến, người có phần thu nhập tính thuế ở mức nào sẽ nộp thuế tương ứng với thuế suất ở mức đó. Khi công ty giảm lương của bạn, hãy tính toán sao cho số thuế phải nộp nằm ở mức tối thiểu. Và nếu bạn có nhiều nguồn thu nhập, bạn cũng phải tính tổng các nguồn tiền này để tối ưu hoá chi phí thuế.


Ngoài ra, bạn nên cân nhắc đến các khoản thuế thu nhập khi bán cổ phiếu và các khoản phí phải trả cho nhà môi giới. Trông thì có vẻ chỉ một vài phần trăm không đáng kể, nhưng nếu việc mua bán cổ phiếu quá thường xuyên, các khoản thuế phí này sẽ cộng dồn lại thành con số rất lớn, ảnh hưởng tổng thể đến kết quả đầu tư. (Lưu ý: kể cả khi đang bị lỗ thì tiền thu được từ bán cổ phiếu vẫn bị tính thuế do thuế chỉ tính trên đầu giao dịch chứ không tính dựa trên bản chất là lời hay lỗ).

Suy nghĩ kỹ trước những khoản mua sắm và quyết định lớn


Ngay cả những quyết đinh mua sắm nhỏ nhất (dù là chọn mua xe cộ, du lịch hay điện thoại) cũng có thể có tác động đáng kể đến quá trình quản lý tiền của bạn.


Bạn cần phải xác định rằng liệu mình có nhất thiết phải sở hữu chúng ngay bây giờ hay đợi cho đến khi nền kinh tế được cải thiện, có giải pháp nào thay thế không. Cảm giác mua được món hàng mình yêu thích rất hạnh phúc, nhưng nó cũng có thể khiến số tiền tiết kiệm vơi đi ít nhiều. Những sự kiện trọng đại như đám cưới, sinh con, nghỉ hưu sớm… càng phải được lên kế hoạch cẩn trọng và thực hiện ở thời điểm thích hợp.


suy thoái, tiết kiệm, chi phí, tiền nhà, khủng hoảng, kinh tế, tiền, thuế

Nhìn chung, có rất nhiều cách thức để bạn quản trị tài chính trong thời kỳ khủng hoảng nhưng tựu trung lại sự an toàn vẫn phụ thuộc vào cách bạn lên kế hoạch đối phó. Kế hoạch càng chi tiết, bạn càng dễ nhận ra những "cái bẫy" đang lăm le đốt cháy ví tiền của mình. Những gợi ý ở trên của LeLa Journal có thể giúp bạn phần nào mường tượng được cụ thể những đầu việc chi tiết cần phải thực hiện không chỉ ở trong thời kỳ suy thoái kinh tế mà còn trong bất kỳ giai đoạn khủng hoảng tài chính nào của cuộc đời mình.

Comments


bottom of page