top of page
Tìm kiếm

Dự báo thị trường lao động năm 2025: Muốn thành công, cần kỹ năng gì?

Công nghệ mới đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống. Cùng với nhiều thay đổi kể từ sau đại dịch Covid-19, thế giới đã và đang xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới, dẫn đến sự chuyển đổi của thị trường lao động. Trên thực tế, số giờ làm việc của con người và máy móc được dự đoán sẽ ngang bằng nhau vào năm 2025. Làm sao biết mình cần trau dồi thêm những kỹ năng gì để thích nghi và dễ thăng tiến trong sự nghiệp?


Ảnh: Alex Knight

Theo báo cáo The Future of Jobs của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, sẽ có 50% số lượng nhân viên cần được đào tạo lại do ngày càng có nhiều công nghệ mới được ứng dụng (1). Nghĩa là một nửa trong số chúng ta cần phải học lại các kỹ năng nghề nghiệp trong vòng 3 năm tới. WEF cảnh báo rằng, 85 triệu việc làm có khả năng bị thay thế do sự thay đổi phân công lao động giữa máy móc và con người vào năm 2025. Mặc dù hơn 97 triệu việc mới có thể xuất hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, nhưng nhóm lao động có khả năng bị thay thế sẽ cần được hướng dẫn lại để nâng cao kỹ năng theo kịp thời đại.


Tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề là một trong các yêu cầu hàng đầu, đã từng được dự đoán từ báo cáo đầu tiên vào năm 2016. Bên cạnh đó, điểm mới nổi trong phân tích lần này của WEF là các kỹ năng về quản lý bản thân như học tập tích cực, khả năng phục hồi, kiểm soát căng thẳng và thích ứng linh hoạt.


Dưới đây là 10 kỹ năng dẫn đầu xu hướng mà mỗi cá nhân và doanh nghiệp sẽ cần trau dồi để bắt kịp sự phát triển kinh tế vào năm 2025:

  • Tư duy phân tích và đổi mới.

  • Học tập tích cực và có chiến lược.

  • Giải quyết các vấn đề phức tạp.

  • Tư duy phản biện và phân tích.

  • Sáng tạo, kiến tạo và tính độc bản.

  • Lãnh đạo có tầm ảnh hưởng đến xã hội

  • Sử dụng, giám sát và điều khiển công nghệ.

  • Thiết kế và lập trình công nghệ.

  • Sức bật tinh thần, bao gồm: khả năng phục hồi tâm lý sau biến cố, chịu đựng căng thẳng và thích ứng linh hoạt.

  • Lập luận, lên ý tưởng và đưa ra giải pháp


Ảnh: World Economic Forum

Nhìn chung, có thể tóm gọn những kỹ năng trên trong 4 nhóm cơ bản sau đây:


1. Giải quyết vấn đề


Đây là danh mục bao quát nhất, bởi nó tập hợp những kỹ năng quan trọng nhất của năm 2025: tư duy phân tích và đổi mới, giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và phân tích, khả năng sáng tạo, kiến tạo những điều nguyên bản độc đáo và cuối cùng là lập luận, lên ý tưởng và đưa ra biện pháp.


Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp, khả năng phân tích thông tin và ứng dụng tính logic để hiểu vấn đề là một yếu tố quan trọng để mỗi người trở nên sáng suốt với lựa chọn của mình. Vì chỉ khi hiểu ra cốt lõi phát sinh vấn đề, chúng ta mới nhận thức được nguồn gốc thực sự của bế tắc, từ đó tìm ra giải pháp thay đổi phù hợp. Khả năng ứng biến một cách thông minh trước khó khăn cũng được các nhà tuyển dụng ưu tiên hàng đầu ở ứng viên, vì đây là chìa khóa để xây dựng một lực lượng lao động đương đầu được với những thăng trầm của công ty. Khi bắt gặp một vấn đề khó, chúng ta cần nhìn bằng nhiều góc độ với tinh thần khách quan và sử dụng tư duy phân tích, phản biện để đề xuất các biện pháp thiết thực.


Máy tính cơ bản có thể giải quyết một điều gì đó, nhưng vẫn cần đến những suy luận, phân tích đúng sai của con người để thực sự đào sâu vấn đề. Tương tự với việc sáng tạo, máy móc giúp chúng ta sáng tạo ở một mức độ cụ thể nhưng nó sẽ không hiểu hết được những cảm xúc và yếu tố tâm lý trong các vấn đề liên quan đến thế giới nội tâm của con người.


Gợi ý hành động:

  • Để giúp nhân viên tiến bộ hơn trong việc giải quyết vấn đề, nhà lãnh đạo nên đưa cho họ mục tiêu chứ không phải chỉ dẫn.

  • Rèn luyện tư duy phản biện, tư duy phân tích qua cách ứng dụng vào thực tế.

  • Xây dựng doanh nghiệp có một nền văn hóa đánh giá cao ý tưởng mới và óc sáng tạo.

  • Tạo ra bầu không khí đáng tin cậy và tôn trọng lẫn nhau để mọi người thoải mái đưa ra sáng kiến và góp ý.


Ảnh: Daria Nepriakhina

2. Tự quản lý


Việc học không chỉ dừng lại ở độ tuổi đi học mà kéo dài cả đời. Khi xã hội áp dụng nhiều công nghệ mới, học tập là cách để con người bắt kịp xu hướng và liên tục nâng cao tay nghề. Đây được xem là kỹ năng quản lý bản thân vì nó đòi hỏi sự chủ động tìm kiếm cơ hội học tập mới và duy trì hành trình tri thức của mỗi cá nhân. Ngoài việc chủ động học hỏi nhiều thứ từ những người xung quanh, chúng ta cũng cần dành thời gian để theo dõi, nắm bắt các công nghệ và xu hướng nổi bật.


Các kỹ năng quản lý tinh thần khác như khả năng phục hồi tâm lý sau biến cố, chịu đựng căng thẳng và thích ứng linh hoạt cũng là những đặc điểm mà con người cần trau dồi để trở nên vượt trội so với máy móc. Nó giúp chúng ta duy trì một tâm trạng tích cực, ngay cả khi mọi việc ngày càng khó khăn hoặc thay đổi một cách bất ngờ (như đại dịch toàn cầu).


Gợi ý hành động:

  • Khuyến khích các thành viên trong nhóm học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập và làm việc.

  • Giúp lãnh đạo và nhân viên rèn luyện các kỹ năng xã hội, quản lý cảm xúc, cải thiện sức khỏe tinh thần…

  • Làm việc với ý thức rằng sai lầm là một phần quan trọng của quá trình trưởng thành.

  • Nuôi dưỡng văn hóa học tập và phát triển bản thân xuyên suốt cuộc đời, đưa ra phần thưởng cá nhân để tạo động lực cho việc học.

  • Tìm phương pháp học tốt nhất để nâng cao kỹ năng cho nhân viên, giúp họ khám phá được hết tiềm năng của mình.


3. Làm việc nhóm hiệu quả


Ảnh: Vlad Hilitanu

Để thành công trong bất cứ việc gì, chúng ta không thể chỉ dựa vào sức lực của một cá nhân. Một tập thể đoàn kết và thấu hiểu lẫn nhau sẽ tạo ra những kết quả tích cực, giúp công ty phát triển vững bền theo thời gian. Nhưng điều này không dễ đạt được, vì mỗi cá nhân đều có những cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm khác nhau, khó đi đến hành động chung cho một mục đích. Vậy nên việc rèn luyện các kỹ năng thuộc về trí tuệ cảm xúc như đồng cảm, giao tiếp hiệu quả, giải quyết xung đột… đều rất quan trọng. Sự gia tăng của AI (trí tuệ nhân tạo) và số hóa có thể đảm nhận một số tác vụ trong công việc, nhưng không bao giờ thay thế được những đặc tính thuộc về bản chất con người. Khả năng tương tác làm việc cùng đội nhóm sẽ giúp chúng ta tạo nên các mối quan hệ tốt đẹp và có sự đồng thuận chung, từ đó cùng nhau làm ra các sản phẩm vượt trội.


Gợi ý hành động:

  • Tập trung phát triển các kỹ năng về trí tuệ cảm xúc.

  • Tăng cường những hoạt động mang tính hợp tác, đoàn kết giữa các nhân viên.

  • Khuyến khích mọi người hành động dựa trên sự đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau.


4. Sử dụng và phát triển công nghệ


Hiểu biết về công nghệ là một điều không thể thiếu trong tương lai. Các kỹ năng như sử dụng, giám sát, điều khiển công nghệ cũng như thiết kế và lập trình đóng vai trò rất lớn trong bất kỳ ngành công nghiệp nào. Khoa học dữ liệu (data science), trí tuệ nhân tạo (AI), Machine Learning (một tính năng của AI cho phép chúng nhận biết các dữ liệu, tự học hỏi và dự đoán để hoàn thành thao tác) và Deep Learning (AI tự đào sâu kiến thức để hoàn thiện chính nó) đều là những lĩnh vực phổ biến góp phần nên thành công cho nhiều doanh nghiệp lớn. Có một đội ngũ am hiểu và biết cách sử dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm đi đầu và phù hợp với thời đại. Không chỉ riêng các kỹ năng lập trình, khi có nền tảng cơ bản về công nghệ mới, chúng ta cũng biết được cách làm một việc hiệu quả và nhanh nhẹn hơn. Hiệu suất của mỗi người sẽ được cải thiện nhờ vào việc chuyển giao lại cho tự động hóa.


Gợi ý hành động:

  • Thử tìm kiếm một khía cạnh mà tổ chức của bạn chưa được số hóa hoặc tự động hóa, từ đó nghiên cứu các biện pháp giúp tối ưu hóa công việc.

  • Sử dụng công nghệ tân tiến nhất hiện có để tăng tốc độ phát triển các dự án, giảm nhẹ gánh nặng cho người lao động.

  • Chỉ dẫn nhân viên làm việc với công nghệ thông minh và khuyến khích họ tự tìm hiểu về các xu hướng mới.


Ảnh: Emile Perron
“Hơn 1 tỷ việc làm (gần một phần ba tổng số việc trên toàn thế giới) đang có khả năng bị công nghệ can thiệp trong thập kỷ tới” - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết (2).

Theo một nghiên cứu vào năm 2020, 87% giám đốc điều hành và giám đốc nhân sự cho rằng họ đang đối mặt với tình trạng “khoảng cách kỹ năng lớn” (sự cách biệt giữa khả năng hiện có và khả năng cần thiết trong một tổ chức) (3). Ngày nay, một số kỹ năng có thể trở thành lỗi thời chỉ sau khoảng hai năm, dẫn đến việc nhân viên thiếu nhiều yếu tố bắt buộc để tiếp tục làm tốt công việc của mình trong tương lai. Nắm bắt xu thế và liên tục đào tạo bản thân là một hành trình quan trọng, giúp ích cho sự nghiệp lâu dài của chúng ta. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến 10 kỹ năng dẫn đầu nêu trên để định hướng và đào tạo cho nhân viên, đáp ứng kịp thời những thay đổi trong nhiều năm tới.


Comments


bottom of page