top of page
Tìm kiếm

Đừng đợi đến lúc về hưu: 4 bài học từ những người cao tuổi

Người trẻ chúng ta có thể học gì về cuộc sống, đặc biệt là cách sử dụng thời gian thông minh, từ những người đã về hưu? Một nghiên cứu mới đây với hàng trăm cá nhân cho biết, có 4 yếu tố phổ biến nhất mà thế hệ trẻ cần lưu ý để cuộc sống thêm ý nghĩa và không cảm thấy hối hận khi đến tuổi già.


Nghỉ hưu vẫn không đủ thời gian nghỉ ngơi?



Giới trẻ thời nay khá ưa chuộng quan điểm nghỉ hưu sớm và suy nghĩ này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Đơn giản là vì họ muốn tập trung vào chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tương lai, cùng với đó là khả năng độc lập tài chính sau khi nghỉ việc.


Tuy vậy, những lo lắng về chặng đường không chắc chắn của kế hoạch nghỉ hưu sớm đều có một số ảnh hưởng nhất định đến công việc và cuộc sống người trẻ. Bởi lẽ khi tập trung toàn bộ sức lực cho tương lai và theo đuổi một cuộc sống hối hả, người trẻ sẽ không thể tận hưởng sự tự do và những khoảnh khắc giản dị, vui vẻ - những đặc điểm quý giá trên hành trình trưởng thành.

Trong một nghiên cứu gần đây về cách cân bằng thời gian và tiền bạc, nhà xã hội học Boroka Bo đã phỏng vấn những người đang trải qua các giai đoạn chuyển đổi lớn trong cuộc đời như nghỉ hưu, làm cha mẹ hoặc đang chuẩn bị cho những cột mốc này (1). Bà phát hiện, trái với cách mọi người thường nghĩ là nghỉ hưu sẽ tự do và có nhiều quyền kiểm soát thời gian hơn, thực chất những người về hưu dù giàu hay nghèo vẫn bị “thúc ép” về mặt thời gian như thường. Hơn một phần tư trong số họ cảm thấy thiếu thời gian, không thể hoàn thành hết những gì cần làm trong ngày.


Điều này không phụ thuộc vào số tiền họ sở hữu. Dù những người giàu hơn thường có nhiều quyền kiểm soát về lịch trình hằng ngày, nhưng nhìn chung dù tài chính nằm ở mức độ nào, những người lớn tuổi cũng không có quá nhiều sự tự do về thời gian như chúng ta nghĩ. Vậy nên, việc chờ đến khi nghỉ hưu mới bắt đầu "cuộc sống thực sự" có thể không phải là một lựa chọn đúng đắn, mà chúng ta nên bắt đầu ngay từ khi còn trẻ để không phải hối hận sau này.


Sau khi lắng nghe câu chuyện của hàng trăm người đã về hưu, Boroka Bo đúc kết được 4 bài học quan trọng sau, giúp người trẻ tận dụng thời gian một cách hợp lý và có cuộc sống ý nghĩa hơn.


Không chạy theo đồng tiền



Một trong những tiếc nuối lớn nhất ở những người lớn tuổi trong nghiên cứu là không thể hoàn thành giáo dục theo cách họ muốn khi còn trẻ. Một số người rời đại học sớm vì không đủ khả năng chi trả và phải bắt đầu đi làm để hỗ trợ gia đình. Phần lớn những người còn lại cảm thấy họ chưa học đủ nhiều trong quá khứ nên không thể cạnh tranh trên thị trường lao động nhiều biến đổi sau đó. Việc học dường như bị xem nhẹ khi chúng ta đến một độ tuổi nhất định, nhưng nó là thứ cốt lõi giúp mỗi người liên tục tự định hướng và phát triển bản thân kể cả trong cuộc sống hay sự nghiệp.


Nếu cần kiếm tiền, hãy chọn một thứ và đầu tư học hỏi nghiêm túc, dù là một ngành đại học hay một kỹ năng nào đó. Khi chúng ta đủ giỏi và gặp được những cơ hội giúp bản thân phát triển, tiền sẽ tự động đến sau như một kết quả tất yếu.

"Chả sợ gì, chỉ sợ già": Đừng để tiếc nuối vào tuổi xế chiều



Những người được phỏng vấn đều khẳng định rằng, khi ưu tiên tiền bạc hơn sức khỏe - dù là điều cần thiết hay do chúng ta lựa chọn - chúng ta sẽ phải trả giá cho nó khi về già. Đó là vì bạn phải liên tục bỏ công sức để phục hồi sức khỏe trong giai đoạn nghỉ hưu, dành nhiều thời gian cho các cuộc hẹn với phòng khám. Khi tuổi trẻ qua đi và không còn nhiều sức khỏe để thử các trải nghiệm mới, những gì còn lại sẽ chỉ là cảm giác của bạn về cơ thể và về cuộc sống. Sẽ thế nào nếu đến tuổi nghỉ hưu, chúng ta nhận ra mình đã dành cả đời để lao động cực nhọc và làm việc không ngừng nhưng lại đầu tư rất ít cho bản thân?


Để tránh tốn nhiều thời gian và tiền bạc cho việc chữa bệnh và hồi phục sức khỏe sau này, hãy tập trung cho nó sớm hơn khi còn trẻ (2). Biết thói quen hằng ngày nào của bạn là tích cực/tiêu cực cho sức khỏe tổng thể, cũng như chủ động nghỉ ngơi khi cần thiết, thực hành những phương pháp nâng cao thể chất và tinh thần là những thứ cần được quan tâm trong giai đoạn này, thay vì chỉ chú ý đến thành công, các thú vui giải trí hay những nấc thang cần đạt được.

Sống đời ý nghĩa bằng cách cho đi



Càng lớn tuổi, chúng ta càng muốn sử dụng thời gian một cách chọn lọc và cẩn thận hơn. Những vấn đề tưởng chừng nhỏ như tiêu thụ hàng hóa cũng ngốn khá nhiều chi phí thời gian của ta, vì cả mua sắm và học cách sử dụng một mặt hàng mới đều cần đến thời gian (3). Việc “bán” thời gian để đổi lấy tiền bằng cách làm những thứ chúng ta không mong muốn cũng có khả năng làm cuộc sống mất dần ý nghĩa.


Trong nghiên cứu này, những người lớn tuổi đều hiểu việc chia sẻ thời gian với người khác là một điều quan trọng. Các nhà khoa học xã hội thường gọi đây là “network good” - có nghĩa là cách chúng ta đánh giá thời gian phụ thuộc nhiều vào số lượng người mà chúng ta chia sẻ thời gian cùng (4). Chia sẻ trải nghiệm với những người yêu quý sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và có đời sống tinh thần tích cực hơn. Trân trọng thời gian ở với họ cũng giúp mỗi ngày của chúng ta thêm ý nghĩa và được xem là một hành động tử tế nhất mà mỗi người có thể làm.


Xây dựng các mối quan hệ bền vững, lành mạnh khi còn trẻ để chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống khi lớn tuổi hơn là việc làm cần được chú ý ngay từ bây giờ.

Phát triển sở thích và đam mê từ sớm



Dù phần lớn những người về hưu trong nghiên cứu đã tự lập kế hoạch tài chính cho khoảng thời gian này, nhưng họ cũng quên mất việc đặt mục tiêu cho cả các thói quen và sở thích muốn theo đuổi. Điều này khiến họ cảm thấy khá áp lực, bởi đến độ tuổi này, họ phải đối diện với sự sụt giảm địa vị xã hội và mất nhiều bạn bè, đồng nghiệp khi không còn làm việc.


Theo đuổi đam mê đã được chứng minh là một cách tốt để nâng cao đời sống tinh thần (5). Nên tìm hiểu về những sở thích, thói quen khiến bạn có hứng thú và muốn chinh phục khi còn trẻ, trước giai đoạn nghỉ hưu, đồng thời lên kế hoạch phát triển nó về lâu dài. Điều đó giúp chúng ta sẵn sàng hơn cho thời gian nghỉ ngơi của mình, không bị mông lung khi chuyển sang cột mốc này.

Comments


bottom of page