top of page
Tìm kiếm

Mindful parenting: Chánh niệm trong nuôi dạy con cái

Làm cha mẹ, nghĩa là có rất nhiều nhiệm vụ phải đảm đương và nhiều thứ cần tìm hiểu mỗi ngày để nuôi dưỡng con mình tốt hơn. Điều này buộc mỗi bậc phụ huynh phải liên tục “multitasking” (đa nhiệm) và vô tình tạo ra những áp lực không đáng có lên con cái và chính mình. Thế nhưng, các ông bố bà mẹ vẫn có thể nhẹ nhàng vượt qua những khó khăn bằng việc thực hành nuôi dạy con với tinh thần tỉnh thức (mindful parenting).


Cha mẹ tỉnh thức là như thế nào?



Cụm từ cha mẹ tỉnh thức (mindful parenting) vốn xuất hiện từ những năm 1990, được dùng để mô tả những người nuôi dạy con cái một cách chú tâm, có khả năng phản ứng lành mạnh với các hành vi của con thay vì chỉ phản ứng đơn thuần theo cảm xúc của mình (1). Nó là một ứng dụng của chánh niệm (mindfulness) - phương pháp giúp chúng ta nhận thức thế giới và vạn vật xung quanh bằng một cái nhìn ít phán xét và chấp nhận nhiều hơn, bằng cách đưa sự tỉnh thức vào mỗi khoảnh khắc trong đời sống hằng ngày.


Việc thực sự nhận biết những gì bạn cảm thấy trong khoảnh khắc hiện tại và những gì đang diễn ra xung quanh nghe có vẻ đơn giản, nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn. Ví dụ, thay vì để bản thân cuốn theo cảm xúc và phản ứng mà không suy nghĩ thấu đáo khi la rầy, dạy dỗ con, chúng ta sẽ hành xử chú tâm hơn, không để những cảm xúc tiêu cực hoặc tổn thương từ quá khứ phóng đại sự kiện đang diễn ra, và quan trọng hơn hết là không để những chuyện đó phóng đại phản ứng hiện tại của chính mình (như một số trường hợp quát nạt hoặc sử dụng bạo lực với con cái).


Về cơ bản, mindful parenting bao gồm những kỹ năng sau (2):

Lắng nghe (listening)

Thực sự để tâm lắng nghe và quan sát con bằng toàn bộ sự chú ý. Điều này đòi hỏi tính kiên nhẫn và thực hành lâu dài.


Lắng nghe và quan sát có thể mở rộng ra môi trường xung quanh, giả sử như cảm nhận âm thanh, mùi hương, bối cảnh ở nơi bạn và con bạn đang ngồi - để đưa tâm trí về hiện tại.

Chấp nhận mà không phán xét (nonjudgmental acceptance)

Không phán xét cảm xúc của con. Thay vì vậy, hãy chấp nhận mọi thứ như chính bản chất của nó, không cho rằng việc đó là tốt hay xấu. Điều này giúp cha mẹ không đưa cảm xúc cá nhân vào để phản ứng, mà cho con có cơ hội tiếp tục trò chuyện.


Chấp nhận cũng đồng nghĩa với việc bỏ qua những kỳ vọng không thực tế của bạn áp đặt lên con cái.

Nhận thức cảm xúc (emotional awareness)

Nhận thức về cảm xúc - hay việc hiểu về cảm xúc trong tương tác giữa cha mẹ và con cái là điều cần thiết. Khi đó, mỗi người không chỉ hiểu về cảm xúc của chính mình mà còn nhận diện được người khác đang cảm thấy thế nào.


Đằng sau những tình huống luôn ẩn chứa các cảm xúc, dù chúng chỉ là thoáng qua hay đã được hình thành từ lâu.

Tự điều chỉnh (self-regulation)

Không để cảm xúc kích hoạt các phản ứng nhất thời, như la hét và các hành vi bộc phát khác. Điều này tương tự với việc phải luôn suy nghĩ trước khi hành động để tránh phản ứng thái quá.

Lòng trắc ẩn (compassion)

Lòng trắc ẩn là yếu tố không thể thiếu đối với các bậc cha mẹ tỉnh thức. Sau khi lắng nghe, nhận thức được xúc cảm trong con, lòng trắc ẩn sẽ hỗ trợ chúng ta chấp nhận ý kiến của con, tự điều chỉnh phản ứng của bản thân, dẫn đến việc đồng cảm và thấu hiểu cảm nhận của trẻ.


Sự bao dung này cũng giúp cha mẹ giảm việc tự trách bản thân khi các tình huống không diễn ra như ý.

Ý tưởng về việc giữ cho một ngày luôn tỉnh thức hẳn là điều tuyệt vời mà nhiều người mong muốn, nhưng nó lại không thực tế. Chìa khóa để nuôi dạy con một cách chú tâm là chia nhỏ ngày của chúng ta thành từng phần có thể quản lý được, sau đó thực hiện tuần tự từng việc một. Làm như vậy, chúng ta dần rèn luyện cho tâm trí có mặt ở hiện tại nhiều hơn, thay vì xoay sở giữa một loạt nhiệm vụ khác nhau và bị rối trí, hoảng loạn, phân tâm...


Khi tập trung giải quyết từng thứ, chúng ta có cơ hội có mặt ở hiện tại với con, trải nghiệm được sự bình tĩnh, sáng suốt và chừa chỗ cho lòng trắc ẩn cùng sự đồng cảm.


Giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh, tử tế và tôn trọng


Nuôi dạy con với tinh thần tỉnh thức mang lại nhiều tác động tích cực. Nghiên cứu cho thấy nó chính là công cụ hữu ích, giúp cha mẹ và con cái giải quyết xung đột một cách bình tĩnh, tử tế và tôn trọng lẫn nhau. Điều này có liên quan mật thiết đến việc tạo ra các hành vi tích cực hơn ở con trẻ, như giảm mức độ lo lắng, giảm trầm cảm và ít có phản ứng bốc đồng (3).


Cha mẹ tỉnh thức có xu hướng ít thể hiện sự tiêu cực, thay vào đó, họ chia sẻ nhiều cảm xúc ý nghĩa hơn trong các cuộc trò chuyện với con cái. Thậm chí, hành động chia sẻ cảm xúc tích cực này còn liên quan đến việc đứa trẻ lớn lên sẽ giảm được nguy cơ sử dụng các chất dễ gây nghiện (4).


Nhìn chung, mindful parenting được chứng minh có những lợi ích sau đây:

  • Cải thiện sự hài lòng trong quá trình nuôi dạy con, giúp cho hành trình làm cha mẹ trở nên dễ dàng và ít tốn công sức hơn (5).

  • Giảm các cảm giác căng thẳng, lo lắng và trầm cảm (5).

  • Nâng cao hạnh phúc tổng thể của cha mẹ và con cái (6).

  • Giúp con rèn luyện kỹ năng ra quyết định và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn (7).

  • Giảm thiểu tình trạng ngược đãi, lạm dụng trẻ em (8).

  • Phụ nữ mang thai (ở tam cá nguyệt thứ ba) thực hành sống tỉnh thức thường ít lo lắng hơn và giảm được tâm trạng tiêu cực (9).


Có thể thực hành ngay từ hôm nay, dù đang bận rộn


Cha mẹ không phải thay đổi toàn bộ lối sống để trở thành người nuôi con tỉnh thức. Hiểu được 5 quy tắc kể trên (lắng nghe tập trung, chấp nhận mà không phán xét, nhận thức cảm xúc, tự điều chỉnh và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn) chính là cách để dần dà áp dụng mindful parenting trong đời sống.



Ngoài ra, chúng ta cũng cần nuôi dưỡng một tinh thần tỉnh thức - yếu tố căn bản làm nên phương pháp này bằng cách thực hành chánh niệm ngay từ hôm nay. Không cần đợi đến khi hoàn thành hết công việc, kỹ thuật này có thể ứng dụng ngay cả khi bạn bận rộn nhất. LeLa Journal gợi ý về cách thực hành chú tâm và bình tĩnh thông qua các bước sau đây.


Bước 1: Hít một hơi thở sâu. Tập trung tâm trí vào việc hít vào và thở ra từ từ.


Bước 2: Thừa nhận nỗi sợ hãi/lo lắng/khó chịu trong bạn, nhưng không để nó lấn át tâm trí (chìm vào chuỗi suy nghĩ đó). Lưu ý, chúng ta không cố đè nén hay khiến cảm xúc mất đi, mà chỉ quan sát đơn thuần, không tác động đến chúng (ví dụ, khi bạn suy nghĩ tiêu cực về quan điểm của con, hãy nhận biết các ý nghĩ đó lúc chúng vừa nhem nhóm: “Tôi vừa nghĩ rằng mình cảm thấy không ổn về hành động đó của con”), sau đó quay lại tiếp tục tập trung vào hơi thở.


Việc này sẽ giúp chúng ta giữ tâm trí mình ở thời điểm hiện tại nhiều hơn, từ đó có một thái độ an tĩnh và phản ứng phù hợp hơn khi đối diện với trẻ. Những lúc ở chỗ làm hoặc chờ con ở cổng trường, chúng ta có thể nhắc nhở bản thân quay về hiện tại bằng cách đưa sự chú ý về hơi thở, về các cảm giác vật lý trên cơ thể hoặc môi trường vật chất xung quanh chúng ta.


Nếu cần đối đáp với con mình trong lúc tức giận, cha mẹ có thể tạo ra một khoảng dừng trong tâm trí bằng cách sử dụng phương pháp “stop”, nó hoạt động tương tự như kỹ thuật trên:


Tạm dừng: Hãy tạm dừng một khoảnh khắc trước khi phản ứng với con.


Hít một vài hơi thở sâu: Hít vào thở ra tương tự như trên, cảm nhận sự thư giãn của cơ thể.


Quan sát: Chú ý đến những suy nghĩ, cảm giác và cảm xúc hiện tại của bạn.


Phản ứng: Sau khi hít thở sâu và quan sát mọi thứ, tâm trí bạn sẽ trở nên bình tĩnh hơn. Lúc này, hãy quay lại với điều bạn đang làm, phản hồi với con trong trạng thái tinh thần rõ ràng và bình tĩnh.


Làm cha mẹ vốn là một trong những công việc nhiều thử thách nhưng cũng ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Khi trở thành một bậc phụ mẫu tỉnh thức và thực hiện những điều tốt nhất cho con mình, cha mẹ không chỉ giúp con khôn lớn một cách vững vàng mà còn giúp bản thân sống hài lòng hơn, nhẹ nhàng hơn và cảm nhận được những giá trị hạnh phúc trọn vẹn mà hành trình nuôi dạy con mang lại.

Comentarios


bottom of page