top of page
Tìm kiếm

Francis Kéré: Kiến trúc bền vững song hành với hạnh phúc con người

“Tôi muốn những công trình của mình là nguồn cảm hứng cho cộng đồng, giúp họ cảm thấy hạnh phúc, giúp họ tin rằng họ có thể mơ ước về những điều tốt hơn. Tôi muốn thực hiện điều này mà không tạo thêm gánh nặng cho môi trường của chúng ta” - Francis Kéré, kiến trúc sư người châu Phi đầu tiên nhận Giải thưởng Kiến trúc Pritzker 2022 chia sẻ.



Điều tuyệt vời trong các công trình của Francis Kéré


Sinh ra ở Burkina Faso, một trong những quốc gia nghèo khó và có trình độ học vấn thấp, thiếu thốn về điện, nước và cơ sở hạ tầng, thế nhưng những gì mà Francis Kéré nỗ lực tạo ra cho cộng đồng là vô cùng vĩ đại và cao cả. Với ông, kiến trúc là để xây dựng nên một môi trường trong đó con người có thể phát triển bản thân và làm chủ được hạnh phúc của mình. Ông luôn tâm niệm tất cả mọi người dù ở tầng lớp nào cũng đều xứng đáng để tận hưởng vẻ đẹp cũng như chất lượng của kiến trúc, bất kể bạn là người giàu hay người nghèo.


Trên hết, sự tuyệt vời ở các công trình của Francis Kéré không dừng lại ở việc kiến tạo một tòa nhà có thẩm mỹ, ông còn quan tâm đến sự bền vững mang tính cộng đồng, lấy con người làm trung tâm nhưng vẫn chú ý bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.


Ban giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Pritzker đã nhận định, các tác phẩm của Kéré được đánh giá cao là vì ông tận dụng triệt để vật liệu địa phương như gỗ và đất sét để xây dựng các công trình chất lượng cao tùy theo điều kiện từng vùng. Và khó khăn nhất là thực hiện ngay tại những nơi có khí hậu khắc nghiệt, kinh tế kém như các nước châu Phi.

Dự án bền vững đầu tiên dành cho quê hương


Lớp học thời thơ ấu của Kéré là một môi trường cực kỳ khắc nghiệt với sự tối tăm và nóng bức vì thiếu hệ thống thông gió, ánh sáng. Có đến hơn 100 bạn cùng lớp ngồi trong đó hàng giờ đồng hồ. Ông luôn tự nhủ một ngày nào đó sẽ làm cho trường học tốt hơn và nghĩ cách làm thế nào để lấy đi sức nóng từ mặt trời, nhưng vẫn tận dụng được ánh sáng có ích cho trường học. Từ nền tảng đó, sau này Francis Kéré đã trở về quê hương và cất công xây dựng Trường Tiểu học Gando, đây cũng là công trình kiến trúc bền vững đầu tiên của ông.


Trường tiểu học Gando, Burkina Faso. Ảnh: Erik Jan Ouwerkerk
Kéré hiểu ra một điều quan trọng rằng, tính bền vững đối với phần lớn thế giới không phải là ngăn ngừa sự mất mát năng lượng không mong muốn hay là thu được chúng. Đối với quá nhiều người ở các nước đang phát triển, vấn đề chính là cực nóng, chứ không phải là lạnh.

Để giải quyết, ông sử dụng những phương pháp mang tính hiệu suất cao và chất lượng như mái kép, tháp gió, chiếu sáng gián tiếp, thông gió chéo và buồng che bóng (thay vì cửa sổ, cửa ra vào và cột thông thường). Kéré cũng tận dụng triệt để một vật liệu đặc biệt của địa phương, đó là đất sét. Ông sáng tạo ra một loại gạch bao gồm đất sét và xi măng, giúp không khí trong nhà thoáng mát hơn, chống chịu được những cơn mưa, không giống những ngôi nhà nóng như bếp lò trước đây.


Và thành quả sau những nỗ lực đáng trân trọng đó chính là ngôi trường tiểu học Gando, với các phòng học thoáng mát và đủ sáng, một môi trường học tập thoải mái, tạo cảm hứng cho các em nhỏ. Đây không phải công trình của một người kiến trúc sư, mà là tác phẩm của cả những người dân làng Gando. Họ được Kéré đào tạo kiến thức và kỹ năng xây dựng từ đầu đến cuối để cùng hợp sức trong quá trình thi công. Bởi Kéré tâm niệm, khi mọi người cùng tham gia vào một quá trình, ý thức làm chủ và trách nhiệm sẽ được tạo ra. Tất cả mọi người có thể hiểu kỹ về công trình này và thực sự sở hữu nó.


Ảnh: kerearchitecture.com


Những công trình vươn tầm quốc tế


Thiết kế của Kéré không chỉ dừng lại ở riêng châu Phi, ông còn có các công trình nổi bật ở các quốc gia và khu vực trên thế giới như Đan Mạch, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ. Một số ví dụ tiêu biểu đó là:

  • Xylem, Motana, Mỹ

Đây là nơi lý tưởng để khách tham quan không gian nghệ thuật ngoài trời tụ tập trò chuyện cùng nhau hoặc ngồi chiêm nghiệm trong tĩnh lặng. Công trình được chạm khắc hoàn toàn bằng gỗ thông bền vững, do địa phương cung cấp từ quá trình cắt tỉa tự nhiên giúp bảo vệ rừng khỏi bọ ký sinh.


Ánh sáng mặt trời xuyên qua các khúc gỗ thẳng đứng, tạo ra một luồng ánh nắng nhẹ nhàng hòa trong bóng tối. Sự phức tạp và bí ẩn này khuyến khích du khách từ từ khám phá các góc nhìn khác nhau của cảnh quan nơi đây.


Ảnh: kerearchitecture.com


  • Serpentine Pavilion, London, Anh

Lấy cảm hứng từ cây đại thụ ở quê hương Gando, nơi các dân làng gặp gỡ để suy ngẫm hàng ngày, thiết kế này của Kéré tập trung vào việc tạo ra một ý thức về cộng đồng và đồng thời tạo nên sự liên kết giữa con người với thiên nhiên. Mái che lớn nhô ra được làm bằng thép và kính trong suốt cho phép ánh sáng mặt trời chiếu vào và bảo vệ tòa nhà khỏi mưa. Các thanh che nắng bằng gỗ lót mặt dưới mái nhà, tạo ra hiệu ứng bóng động thay đổi theo chuyển động của mặt trời và mây.


Ở trung tâm vòm Serpentine Pavilion là một khe hở lớn, khi trời mưa, mái nhà sẽ trở thành một cái phễu dẫn nước vào lòng công trình. Điều đó mang tính biểu tượng cho việc nước là nguồn tài nguyên cơ bản, góp phần cho sự tồn tại và phát triển thịnh vượng của con người.


Ảnh: kerearchitecture.com


  • Sarbalé Ke, California, Mỹ

Sarbelé Ké còn được gọi là “Ngôi nhà lễ hội”, một tác phẩm sắp đặt được tạo ra cho Lễ hội Âm nhạc và Nghệ thuật Coachella 2019. Công trình lấy cảm hứng từ cây bao báp ở Tây Phi, loại cây này được người dân đánh giá cao nhờ các công dụng chữa bệnh và dinh dưỡng của nó. Thiết kế có tất cả 12 tòa tháp bao báp, nội thất tràn ngập ánh sáng, bóng râm cùng sự thông gió tự nhiên giúp gợi lên cảm giác tuyệt vời của ánh sáng ban ngày khi ngồi trong lòng cây bao báp. Vào ban ngày, thiết kế xuyên tâm của chúng cho phép các tia sáng lọt vào từng cấu trúc. Khi mặt trời lặn, tháp được chiếu sáng từ bên trong, biến chúng thành những ánh đèn làm bừng sáng khu lễ hội xuyên suốt màn đêm.


Ảnh: kerearchitecture.com


“Thông qua những tòa nhà thể hiện nên vẻ đẹp, sự sáng tạo, táo bạo và khiêm tốn, cũng như tính toàn vẹn trong kiến trúc cùng phong cách riêng của mình, Kéré đã đề cao sứ mệnh của Giải thưởng một cách đầy tinh tế” - BGK Pritzker nhận xét.

Quả thực, Francis Kéré đã làm nên những dự án ý nghĩa và mang đầy tính nhân văn. Ông không chỉ sử dụng một cách thông minh các vật liệu địa phương để tiết kiệm về kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn là một con người phục vụ bình đẳng, quan tâm đến mọi người, cải thiện cuộc sống cho vô số cư dân ở những nơi tưởng chừng như bị lãng quên. Với những gì đã làm được, Kéré đã mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người thông qua kiến trúc và hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng danh giá, đầy vinh dự này.


Comments


bottom of page