Khi muốn có một "ngôi nhà xanh", đa số đều tập trung tìm giải pháp giảm thiểu khí thải carbon cho cấu trúc của ngôi nhà, mà bỏ qua việc vận dụng “nội thất ít hoặc không carbon”. Vậy “nội thất ít hoặc không carbon” là gì? Hiểu sao cho đúng? Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu qua bài viết này.
Theo Archdaily, trong giai đoạn đầu lập kế hoạch, các nhà thiết kế thường mắc phải một sai lầm phổ biến. Đó là khi tính toán lượng khí thải carbon tiềm ẩn trong ngôi nhà, các kiến trúc sư chỉ tính đến phần kết cấu và lớp vỏ thiết kế, mà quên rằng các phụ kiện nội thất, các thiết bị máy móc công nghệ cũng tiềm ẩn khả năng phát thải lượng khí carbon rất lớn (1).
Trên thực tế, những món đồ nội thất có tuổi thọ ngắn hơn, hơn nữa còn có thể được thay mới nhiều lần trong suốt vòng đời của ngôi nhà. Điều này khiến lượng khí thải carbon của nội thất cũng nhiều như mọi yếu tố kết cấu khác bên ngoài ngôi nhà. Vì vậy, muốn tính chính xác lượng khí thải carbon tiềm ẩn của một ngôi nhà, chúng ta sẽ phải quan tâm và tính toán cả lượng phát thải của các yếu tố nội thất.
Vì vậy, lựa chọn nội thất ít hoặc không carbon là việc mà một người tiêu dùng có trách nhiệm không thể bỏ qua.
1. "Nội thất ít hoặc không carbon" là gì?
“Nội thất ít hoặc không carbon” được hiểu là những món đồ nội thất có thể loại bỏ được lượng khí carbon gần hoặc bằng so với lượng nó thải ra môi trường trong suốt tuổi thọ dự kiến.
Nhiều người sẽ dễ hiểu lầm, những món đồ nội thất có chất liệu dễ phân hủy chính là “nội thất ít hoặc không carbon”. Trên thực tế, cách hiểu này không sai, nhưng chưa đủ. Bởi một điều đáng chú ý, trong số 40% năng lượng thế giới được tiêu thụ cho ngành xây dựng, có đến 80% năng lượng thuộc về các hoạt động chế biến, sản xuất và vận chuyển vật liệu (2).
Vì thế, để đánh giá một đồ vật có phải “nội thất ít hoặc không carbon” hay không, không chỉ dựa vào chất liệu thân thiện với môi trường, mà còn phụ thuộc vào lượng năng lượng tiêu hao cho quá trình sản xuất và hoạt động của món đồ đó. Nếu năng lượng để tạo ra món đồ nhiều hơn năng lượng mà nó tiết kiệm được, có nghĩa là lượng khí thải carbon không những không giảm, mà ngược lại còn tăng lên.
Như vậy, một món đồ được gọi là “nội thất ít hoặc không carbon” là khi nó không chỉ giảm thiểu lượng khí thải trong quá trình vận hành, mà còn cả lượng khí carbon từ vật liệu và quá trình xây dựng.
2. Làm sao để đưa “nội thất ít hoặc không carbon” vào ngôi nhà của bạn?
Là một người tiêu dùng có trách nhiệm, “nội thất ít hoặc không carbon” chắc chắn là một khoản đầu tư đáng giá. Bởi khi ngôi nhà dần trở nên “ít hoặc không carbon”, điều đó cũng có nghĩa sức khỏe của chúng ta đang được nuôi dưỡng bởi một môi trường trong lành đầy lý tưởng.
Đối với “nội thất ít hoặc không carbon”, lượng khí thải carbon tạo ra trong quá trình sản xuất và quá trình sử dụng sản phẩm luôn phải đảm bảo ở mức thấp nhất có thể. Từ đó, chúng phát sinh những vấn đề cần người tiêu dùng phải giải quyết, đó là:
Lựa chọn chất liệu của nội thất
Cân nhắc nguyên lý hoạt động của từng sản phẩm
Điều chỉnh thói quen sử dụng tài nguyên hiệu quả
2.1. Lựa chọn chất liệu của nội thất
Lựa chọn chất liệu nào làm nội thất là yếu tố cần thiết để đảm bảo giảm thiểu phát thải khí carbon trong suốt vòng đời của món nội thất. Nó bao gồm:
Tận dụng nguồn nguyên liệu địa phương: ưu tiên nguồn nguyên liệu địa phương sẽ giúp cắt giảm chi phí và phát thải cho khâu vận chuyển. Đồng thời, chúng ta cũng có thể cân nhắc chọn các nhà cung cấp, đơn vị thi công bản địa hoặc gần lãnh thổ để tiết kiệm hơn nữa chi phí.
Ưu tiên những chất liệu thân thiện với môi trường: có thể kể đến như gỗ, tre, mây... Tuy nhiên, đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên và cần rất nhiều thời gian để tái tạo nên chúng ta cần tính toán kỹ khối lượng sử dụng một cách tối giản nhất.
Chú trọng sản phẩm có quy trình sản xuất tối giản và ít tiêu tốn năng lượng: trong từng khâu sản xuất đều phải giảm thiểu đến mức tối đa việc phát thải khí carbon ra môi trường. Vì vậy, chúng ta có thể lựa chọn những sản phẩm thủ công thay vì sản xuất công nghiệp để tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, có thể lựa chọn kỹ thuật bản địa (gia truyền) cũng là một trong số những giải pháp giúp hạn chế nguồn cung về đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất mới, nhu cầu vận chuyển...
2.2. Cân nhắc nguyên lý hoạt động của từng món đồ nội thất:
Tiết kiệm năng lượng: chọn những sản phẩm ít tiêu hao năng lượng, hoặc những sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp nguồn năng lượng tự nhiên (như năng lượng mặt trời hiện tại được ứng dụng trong nhiều thiết bị nhất nên có nhiều sự lựa chọn).
Đa dụng: thay vì chọn mỗi sản phẩm riêng lẻ và dàn trải công năng, chúng ta có thể chọn những món tích hợp nhiều công năng trong một sản phẩm, vẫn đảm bảo tính hữu dụng và hiệu quả sử dụng.
2.3. Điều chỉnh thói quen sử dụng tài nguyên hiệu quả:
Tái chế: lựa chọn mua đồ nội thất cũ, tận dụng tối đa những nguồn nguyên liệu cũ để tái chế ra sản phẩm mới mà vẫn đảm bảo hữu dụng.
Tiết kiệm và biết đủ: không mua nhiều đồ hơn mình cần. Mỗi món đồ nội thất được sắm sửa nên là những món được sử dụng thường xuyên để phát huy hết công dụng của nó. Hướng đến tính ứng dụng lâu dài của món đồ chứ không phải dựa trên nhu cầu theo thời điểm.
Đầu tư vào không gian xanh: Không phải tất cả các hoạt động tạo ra khí thải carbon đều có thể giảm thiểu đến mức bằng 0. Vì vậy, các hoạt động đó cần được bù đắp lại bằng cách tích cực áp dụng các giải pháp hấp thụ khí thải carbon. Giải pháp đơn giản và dễ thực hiện nhất đó là trồng thêm nhiều cây xanh cho cả không gian bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Cây sẽ hấp thụ khí CO2 và nhả ra khí Oxi, càng nhiều cây xanh sẽ càng giúp cân bằng lượng khí thải carbon trong khí quyển.
“Nội thất ít hoặc không carbon” có thể là một khái niệm mới, nhưng về bản chất thì đó chính là sự tối giản và tính trách nhiệm trong lựa chọn tiêu dùng. LeLa Journal tin rằng, nếu bạn là một người tiêu dùng có trách nhiệm, “nội thất ít hoặc không carbon” sẽ không phải lựa chọn xa vời.
Comentarios