top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảIen Dao

"Funemployment": Tận hưởng... thất nghiệp mà không thất thần

Giữa tình hình bão sa thải diễn ra rộng khắp thị trường lao động, "funemployment" đã trở thành một cụm từ "viral" được nhiều Gen Z hưởng ứng trên mạng xã hội. "Funemployment" thể hiện cách chơi chữ thú vị khi ghép hai từ đơn lẻ là "fun" – niềm vui và "unemployment" – tình trạng thất nghiệp. Cụm từ này được tạm dịch là "thất nghiệp vẫn… vui". Vậy nhưng, đây là vui thật hay chỉ là sự tếu táo, giễu nhại?



Thất nghiệp thời khủng hoảng kinh tế: Thách thức của Gen Z toàn cầu


Hậu đại dịch COVID-19, lực lượng lao động toàn cầu còn chưa kịp thích nghi lại với công việc tại văn phòng và các xí nghiệp, nhà máy thì lại tiếp tục phải hứng chịu những tác động nặng nề của suy thoái kinh tế.


Trong đó, Gen Z là thế hệ đương đầu trực tiếp với thách thức do thời điểm các bạn tham gia thị trường lao động gắn liền với sự bùng nổ của đại dịch.

Tại Úc, số người không có việc làm trong độ tuổi 15 - 19 đã tăng khoảng 20.000 người từ tháng 10/2022 đến nay, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tăng chạm mức 11% (1). Tại đất nước "tỷ dân" Trung Quốc, bức tranh của thị trường lao động đáng lẽ được coi là "màu mỡ" nhất thế giới, cũng vấp phải trình cảnh ảm đạm không kém khi mức thất nghiệp đã tăng phi mã đến 20,4%, trong khi con số này tại xứ cờ hoa cũng đã đạt mức 6,5% (2).


Tại Việt Nam, lao động trẻ Gen Z cũng rơi vào cảnh chật vật "rải CV" kiếm việc do tình trạng cắt giảm nhân sự ở khoảng 30% số doanh nghiệp để duy trì kinh phí hoạt động (3).

Trong khi chờ việc, đa phần người trẻ vẫn phải trang trải cuộc sống với chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại các thành phố lớn trong sự thấp thỏm lo âu về một tương lai bất định. Vậy nhưng, một bộ phận lao động Gen Z lại thể hiện sự lạc quan theo phong cách "không việc cũng chẳng sao" (no job, no problem), và từ đây, khái niệm "funemployment" ra đời.



Funemployment: Khi đời "chua" như chanh, hãy nhanh tay... gọi một shot tequila


Funemployment có thể được hiểu là khoảng thời gian một người quyết định mình sẽ tận hưởng cuộc sống khi thất nghiệp, kéo dài đến khi người đó tìm được công việc mới. Tại các nước Âu - Mỹ, khoảng thời gian này có thể được gọi là gap-year, tương ứng với một năm (có thể ngắn hoặc dài hơn) để mỗi cá nhân tự do tích lũy những trải nghiệm có ý nghĩa trong đời trước khi chính thức học lên cao hay làm việc (4).



Nhìn chung, funemployment thường gắn với YOLO Economy với YOLO nghĩa là "you only live once" - bạn chỉ sống một lần. Lý do là bởi cả hai tư tưởng đều hướng đến việc "rời văn phòng – ra cuộc sống". Song, vẫn có chút khác biệt về hoàn cảnh.


Những đối tượng của YOLO Economy thường là người lao động rơi vào tình trạng làm việc quá sức dẫn đến mất kiệt quệ (burnout) và tạm ngừng làm việc để làm mới cuộc sống. Từ đó, họ nắm tâm thế chủ động hơn khi bước vào hành trình mới. Trong khi đó, những người theo quan điểm funemployment lại ở thế bị động trong thị trường lao động, do bản thân đang không có việc làm hay offer công việc. Thay vì chờ nhà tuyển dụng chọn mình, họ chọn tận hưởng cuộc sống với thái độ tích cực và hào hứng (5), (6).


Đối với những người ủng hộ funemployment, họ coi việc thất nghiệp là một cơ hội thay vì thách thức mà cuộc sống đem lại, tương tự như một câu nói đùa mang đầy tính lạc quan mà cư dân mạng Việt Nam thường nhắc, rằng: "Khi đời ném cho ta bát mắm tôm, ta nhanh tay… order suất bún đậu". Giữa tình hình thị trường lao động không mấy khởi sắc, nhiều Gen Z tán dương funemployment như một cách kiếm tìm những trải nghiệm hạnh phúc giữa nỗi bất an cơm-áo-gạo-tiền.


Những kế hoạch tận hưởng funemployment của người trẻ khá đa dạng.

Trong khi đang thất nghiệp, nhiều người bắt đầu những chuyến đi xa mà họ chưa từng dám thử hay chinh phục những mục tiêu còn dang dở khi ngồi trên ghế nhà trường, trong khi một số khác tiếp tục học lên trình độ cao hơn như một cách chống chế với thời cuộc, theo kiểu "chưa đi làm thì ta đi học". Nhiều bạn trẻ "hướng nội fulltime, hướng ngoại online" lại đắm chìm trong những ngày tháng lướt mạng xã hội, xem phim... Và nếu kinh tế cho phép, shopping và hội họp với bạn bè cũng là những hoạt động khiến người trẻ thấy thất nghiệp vẫn vui.



Tựu trung lại, khi đã xác định bản thân chưa thể tìm được việc, nhiều Gen Z lựa chọn hưởng thụ những thú vui trong cuộc sống bằng cách này hay cách khác (5), (7).


Sự thật phũ phàng: Thất nghiệp "this", thất nghiệp "that"


Tuy việc tận hưởng cuộc sống là điều cần thiết để mỗi cá nhân nâng cao sức khỏe tinh thần nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta lúc nào cũng có thể lạc quan về tình trạng không "công ăn việc làm". Cuộc sống cần có sự cân bằng giữa công việc và sự hưởng thụ (work-life balance), song funemployment đang tập trung vào khía cạnh hưởng thụ và ngó lơ công việc (5).


Tại các quốc gia phát triển, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội có thể phần nào giúp công dân không... đói ăn đói mặc. Nhưng nhiêu đó là không đủ cho những nhu cầu lớn và nhiều hơn.

Nhìn chung, cá nhân người viết cho rằng có 4 yếu tố dưới đây để Gen Z cân nhắc trước khi quyết định về funemployment.


1. Lao động là phương thức giúp con người tồn tại: Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy xã hội loài người phát triển qua các nền văn minh đến hiện nay nhờ vào việc tổ tiên chúng ta không ngừng lao động. Nhờ quá trình làm việc, con người tạo ra của cải, vật chất và các giá trị thặng dư khác để nuôi sống chính mình và gia đình, ngoài ra, chúng ta học được cách sinh tồn và phát triển thông qua các hoạt động sản xuất (8).


Nhưng quan trọng hơn, nếu không lao động, não bộ và các cơ quan khác của con người sẽ không được thực hiện các chức năng vốn có của mình, dẫn đến sự trì trệ của cả cơ thể (9).

2. Tuổi trẻ có hạn, không nên lãng phí thời gian: Gen Z hiện đang có lợi thế về sức trẻ và sự hỗ trợ của các thành tựu khoa học – kỹ thuật. Tuy nhiên nếu chỉ đắm chìm trong funemployment, thời gian của các bạn sẽ trôi qua một cách phí hoài khi chỉ tập trung vào việc vui chơi (tiêu bớt của cải) thay vì lao động (tạo ra của cải) (10).


Đúng là việc học là việc cả đời, nhưng khả năng thức khuya dậy sớm, vừa học vừa làm hầu như chỉ hợp với người trẻ có sức khỏe dẻo dai.

3. Thị trường lao động luôn tạo ra công việc: Trước sự bùng nổ của AI và các kỹ thuật tự động hóa, các công việc truyền thống mà con người đã quen làm sẽ dần được thay thế bởi lực lượng công nghệ, song vẫn sẽ tồn tại những công việc không thể thiếu đi thao tác của con người Bên cạnh đó, loại hình công việc sẽ thay đổi, đòi hỏi con người phải trau dồi những kỹ năng mới để có thể đảm đương. Nói cách khác, dường như chúng ta không mất việc, mà sẽ thay đổi tính chất công việc (11).


4. Lao động tạo ra nền tảng tài chính bền vững: Nhiều khảo sát ý kiến Gen Z về nguyên nhân các bạn không đi làm cho thấy một sự thật đáng quan ngại rằng đa số các bạn không chấp nhận mức lương khởi điểm mà nhà tuyển dụng đưa ra trong khi bản thân chưa có kinh nghiệm thực tế hoặc lĩnh vực ứng tuyển trái ngành – trái nghề so với chuyên môn được học. Tuy nhiên, các bạn cần ý thức được rằng công việc chân chính nào cũng đáng quý, và thu nhập sẽ tăng tỷ lệ thuận với kinh nghiệm và chuyên môn được tích lũy trong công việc.


Chỉ khi tạo lập được nền tảng tài chính với dòng tiền vào (cash inflow) từ thu nhập, người trẻ mới có nguồn lực để hưởng thụ cuộc sống qua dòng tiền ra (cash outflow) (12), (13).


Để "funemployment" trở thành "fun of employment": Kiếm tìm niềm vui trong công việc


Nếu bạn đang mất phương hướng trong cuộc sống và nhận ra thất nghiệp không… vui như cách funemployment đang vẽ ra trước mắt, hãy bắt đầu kiếm tìm niềm vui khi được làm việc (fun of employment). Nhằm giúp Gen Z có thêm chiến lược trước khi bước chân vào thị trường lao động, LeLa Journal giới thiệu 3 mẹo dưới đây để độc giả tham khảo:


1. Làm quen với công việc từ khi ngồi trên giảng đường: Bất kể bạn làm công việc gì và ở đâu, sẽ vẫn có những kiến thức và kỹ năng mọi doanh nghiệp đều cần ở bạn như ngoại ngữ, tin học văn phòng (word, excel, thậm chí là sử dụng canva cơ bản...), "nghệ thuật" giao tiếp qua các kênh liên lạc (email, điện thoại...), kỹ thuật thuyết trình...


Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của nhiều người trẻ hiện đại. Thay vì chỉ chú tâm vào việc học hay các thú vui khác, hãy dành ra 1 - 2 tiếng mỗi ngày để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, đọc sách, theo dõi tin tức thời sự trên báo chí; đăng ký tham gia tổ chức các sự kiện cộng đồng; ứng tuyển thực tập hưởng lương/không lương tại doanh nghiệp...


Đây là những cách giúp bạn hóa thân thành dân công sở "partime" từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hay chính xác hơn, bạn sống như một sinh viên, nghĩ như một nhân viên.

Một số kênh thông tin thường xuyên chia sẻ về các hoạt động đào tạo, thực tập, tổ chức sự kiện cho thanh niên gồm có: iVolunteer, Internship...


Vậy còn những bạn trẻ có "máu" kinh doanh và đặc biệt là có điều kiện tài chính thì sao?


Các bạn có thể cân nhắc về sự nghiệp và lựa chọn của bản thân từ sớm. Chẳng hạn, một bạn có kế hoạch kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm, ngay từ lúc còn đi học, đã có thể chọn học có liên quan tới kinh doanh, quản lý, thậm chí là học những môn về chuyên môn nuôi tằm, dệt lụa... Bên cạnh đó, bạn này có thể mở rộng mối quan hệ tới những cá nhân cùng chí hướng, có thể hỗ trợ mình trong tương lai.


2. Coi trọng kinh nghiệm làm việc thay vì mức lương khởi điểm: Môi trường làm việc thực tế là nơi dạy học tuyệt vời nhất cho những "tấm chiếu mới" Gen Z. Nếu bạn chưa từng thử công việc nào, hãy dành cho mình sáu tháng – một năm để gắn bó với công ty, tổ chức đủ lâu để nắm bắt mọi vấn đề xảy ra trong doanh nghiệp thuộc phạm vi liên quan đến vị trí của bạn. Mức lương khởi điểm có thể thấp hơn so với kỳ vọng, song, bài học mà bạn có được là vô giá.


3. Dũng cảm thử thách với lĩnh vực mới: Việc học và làm trái ngành không còn là điều mới mẻ trong thị trường lao động Việt Nam. Nhiều người lựa chọn làm một công việc khác hoàn toàn với chuyên môn được đào tạo ở bậc đại học/cao đẳng và sống tốt với nghề, nhưng một số khác lại rơi vào tình trạng mất phương hướng. Khi chưa biết mình nên làm gì, hãy bắt đầu từ công việc đúng với ngành học của mình, sau đó nếu thấy công việc không phù hợp, bạn hãy chọn lĩnh vực khác.



Vậy nhưng, dù cho thử thách bản thân trong công việc nào, bạn cũng cần ba yếu tố quan trọng: sự quyết tâm, thái độ kiến thức chuyên môn.

Comentarios


bottom of page