top of page
Tìm kiếm

Vân Possible: Kịch ứng tác và những điều kỳ diệu

Ứng tác là một loại hình nghệ thuật đã có từ hàng thế kỷ nay, được sử dụng chủ yếu trong nghệ thuật trình diễn, vận dụng vào trong kỹ thuật diễn xuất, sân khấu và biểu diễn âm nhạc. Nghệ thuật ứng tác có lịch sử phát triển tương đối lâu đời và hầu hết các cơ sở đào tạo các loại hình sân khấu ngày nay đều kết hợp một hoặc nhiều kỹ thuật của kịch ứng tác vào chương trình giảng dạy. Để hiểu hơn về kịch ứng tác, LeLa Journal đã có một buổi chia sẻ thân tình cùng chị Vân Possible - nhà sáng lập Saigon Improv House.


Nguồn gốc của kịch ứng tác có thể truy ngược lại thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII với sự xuất hiện của thể loại kịch nói commedia dell'arte ở Ý (1). Đặc trưng của thể loại kịch này là sự không chuẩn bị kịch bản từ trước mà các diễn viên sẽ sắm vai những nhân vật hoặc những bản dạng xã hội nhất định và ứng biến tùy theo tình huống mà khán giả đặt ra. Điều này khiến kịch ứng tác khác với chính kịch (drama/commedia erudita) thông thường.


Về mặt hình thức, kịch ứng tác hiện đại được phân làm 3 nhóm:

  • Nội dung ngắn: Trò chơi ứng tác.

  • Nội dung vừa: Diễn hoạt cảnh ứng tác, ứng biến tình huống.

  • Nội dung dài: Vở dài, kịch hồi tưởng (playback theatre).

Kịch ứng tác là một loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ rất lâu và gần đây được nhiều bạn đủ mọi độ tuổi yêu thích và thực hành. Mỗi buổi biểu diễn sẽ hoàn toàn khác nhau và khán giả là một phần không thể thiếu của loại hình nghệ thuật này.


Vì chính những cái hay cũng như sự mơ hồ liên quan đến kịch ứng tác, LeLa Journal đã hẹn gặp chị Vân Possible để làm rõ hơn những gì nên hiểu cho đúng về sự ứng biến trong kịch ứng tác. Qua đó, chúng tôi cũng muốn biết hành trình của một người tiên phong "bài bản hóa" kịch ứng tác sẽ trải qua những thăng trầm gì.

Chị Vân Possible là nhà sáng lập kiêm giảng viên đứng lớp chính của Saigon Improv House - Ngôi nhà Ứng tác Sài Gòn.


Ứng tác là cách để vượt qua sự mơ hồ


Để một người xa lạ hiểu một cách ngắn gọn về kịch ứng tác, chị sẽ giải thích thế nào?


Đây là thể loại kịch phi kịch bản, diễn viên sẽ nhận gợi ý từ khán giả và cùng nhau tạo ra kịch bản ngay tại sân khấu mà không thảo luận hay chuẩn bị trước. Trong những vở ứng tác theo hình thức trò chơi, khán giả sẽ cho gợi ý, có thể là về từ khóa bất kỳ, hoặc gán vai trò và mối quan hệ giữa các diễn viên trên sân khấu như cha và con, bầu trời và cái cây...


Điểm mà tôi thích ở kịch ứng tác là không bao giờ có hai cảnh diễn hay hai vở trùng nhau vì mỗi lần diễn sẽ tạo ra một câu chuyện mới.

Vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với kịch ứng tác?


Sau 2 năm ở New York, tôi có được bằng thạc sĩ về truyền thông mà mình hằng mơ ước. Lúc đó tôi gặp một số chuyện không vui khiến năng lượng bị cạn kiệt. Tôi nhận ra mình cần phải làm gì đó khác đi. Khi nhớ lại đâu là những điều mình yêu thích khi còn nhỏ, tôi nhớ đến việc ca hát, chơi trò chơi, diễn kịch cùng bạn bè. Đã rất lâu tôi không làm những việc đó vì "bận" làm người lớn đi làm và kiếm sống.


Một người bạn giới thiệu tôi đi xem kịch ứng tác tại một nhà hát ở New York. Hôm đó, trên sân khấu có 8 người. Họ bước ra và hỏi khán giả hãy cho họ MỘT từ bất kỳ, sau đó một vở kịch hoàn toàn được thiết kế ngẫu hứng ngay tại chỗ chỉ với MỘT từ khóa đó trong xuyên suốt 40 phút. Với tôi, vở kịch ngẫu hứng đó thật sự là một cái gì đó quá mới mẻ và thu hút.


Có vẻ như sau khi biết đến và tìm hiểu về kịch ứng tác, chị đã được "khai sáng" để tìm thấy nguồn năng lượng mới tích cực hơn?


Tôi thích cách các diễn viên hợp tác, kết nối cơ thể với nhau, dù không hề có kịch bản trước đó hay có sự trao đổi chi tiết. Dường như giữa họ có sự thấu hiểu và ủng hộ cho nhau rất nhiều, nên ý tưởng của người này được người kia nắm bắt và hưởng ứng nhanh chóng. Tôi thấy diễn viên ai nấy cũng đều lanh lẹ, tự tin và thoải mái với ngôn ngữ cơ thể của họ.


Trên con đường trở về nhà, tôi thấy tim mình rộn ràng, ấm áp trở lại. Thế nên, ngay sau đó tôi đăng ký học kịch ứng tác. Và rồi tôi bị thu hút vào môn học vừa bùng nổ, vừa sâu sắc này lúc nào không hay.


Tôi nhận ra, từ lúc đi làm và đi học cao học, tôi chỉ “dùng" cơ thể và bộ não để làm những việc mình mong muốn. Chỉ đến khi học kịch ứng tác, tôi mới được kết nối lại với “sự chơi" mà lâu rồi mình bỏ quên. Tôi thấy yêu đời hơn và bằng một cách kỳ diệu, rất nhiều vấn đề của tôi cũng được giải quyết một cách tự nhiên.


Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc đứng trong lớp trong khi đang làm một bài tập cùng mọi người và cảm nhận thật rõ trong lòng: Tôi không nhớ lần cuối mình vui như thế này là khi nào. Đó cũng là lúc tôi quyết tâm đem kịch ứng tác về Việt Nam.


Chị là một trong số ít người đang thực hành và hướng dẫn ứng tác ở Việt Nam. Vậy hành trình mang kịch ứng tác về Việt Nam có những khó khăn hay thuận lợi gì , thưa chị, đặc biệt là trong bối cảnh văn hóa của người Á Đông chưa có thói quen thể hiện ngẫu hứng những cảm xúc lắng sâu bên trong mình?


Chúng ta có xu hướng lo sợ những điều mông lung và không thích cảm giác mất kiểm soát. Những ai mới thử trải nghiệm kịch ứng tác đều nói như thế. Đó là vì kịch ứng tác khác biệt với kịch truyền thống ở chỗ, người tham gia lẫn khán giả đều không biết trước kịch bản. Điều này khiến họ có những lo lắng, lúng túng.


Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi vẻ đẹp của kịch ứng tác thể hiện rõ nhất. Môn học này được thiết kế để người chơi thấy đủ an toàn để họ dám thử. Và trong lớp học kịch ứng tác, chúng ta không thể "sai". Mỗi "lỗi sai" được chào đón và trở thành một phần của hành trình. Và khi bạn có một nơi để thực hành sự "dám thử và dám sai", bạn sẽ tự tin hơn vào chính mình và người xung quanh nữa.


Trong 3 năm qua tôi và Saigon Improv House đã may mắn tiên phong tại Việt Nam trong việc tạo ra một giáo trình bài bản và phù hợp cho người Việt Nam.

Theo chị, kịch ứng tác có khả năng mở ra những gì trong nội tâm của người thực hành mà ngày càng nhiều người tìm đến môn học này?


Tôi nghĩ, lý do kịch ứng tác được ương chuộng là vì sự ứng biến trước hết giúp ta hiểu bản thân mình hơn, sau đó là thấu hiểu người khác.


Làm ở lĩnh vực nào chúng ta sẽ có "gói từ vựng" của lĩnh vực đó. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội, bởi khi người tham gia kịch ứng tác, họ sẽ chia sẻ các gói từ vựng này với nhau. Từ đó, họ có cơ hội giải quyết các rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, đồng thời bổ sung thêm vào kho từ vựng chung của cả đoàn kịch và đảm bảo dòng chảy sáng tạo được trao truyền xuyên suốt trong nhóm.


Điều tôi thích ở kịch ứng tác là nó kích hoạt rất nhiều tiềm năng mà chúng ta thường không để ý. Chẳng hạn, về hình thể, kịch ứng tác giúp chúng ta sáng tạo ra mọi thứ bằng trí tưởng tượng và cơ thể của mình như tạo hình con đại bàng, tạo dáng một cái cây, hóa thân thành một cánh diều... hay bất cứ thứ gì có thể.

Ứng tác không có nghĩa là tùy hứng mà vẫn có những nguyên tắc nhất định



Với những người lần đầu biết đến kịch ứng tác thì đâu là yếu tố quan trọng nhất cần lưu tâm, thưa chị?


Trong kịch ứng tác, điều tối quan trọng là người dẫn dắt phải tạo được môi trường vừa an toàn vừa mang tính khuyến khích để giúp học viên nắm được những công cụ có thể vượt qua nỗi sợ sự mơ hồ. Thế nên, một người thầy có đủ kỹ năng và sự kiên nhẫn là rất quan trọng. Tôi đã học qua rất nhiều thầy cô môn này để hiểu được điều này.


Bên cạnh đó, người chơi phải có sự tò mò và mong muốn phát triển. Miễn là bạn chịu bước đi đầu tiên, một người thầy giỏi sẽ giúp bạn cùng đồng đội đi tiếp những bước còn lại. Chúng ta sẽ có thể đi rất xa cùng nhau.


Đã gọi là ứng tác nhưng vẫn phải có nguyên tắc và cấu trúc lớp lang sao, thưa chị?


Thật ra không như nhiều người nghĩ, ứng tác không phải là muốn diễn gì cũng được, nói gì cũng được. Ứng tác là ngẫu hứng, nhưng còn một yếu tố khác cũng rất quan trọng: sự hợp tác một cách có nguyên tắc.


Tôi hay ví von các nguyên tắc và kỹ thuật này giống như những dây rào trên mảnh đất rộng mà chúng ta đang tự do ứng biến trong đó. Mỗi người chúng ta có phông văn hoá, hiểu biết và quan điểm khác nhau. Phải có những khuôn khổ như thế thì những bộ não khác nhau mới có thể cùng chơi úng tác một cách bền vững. Những nguyên tắc sẽ giúp mọi người tôn trọng và hợp tác hiệu quả hơn.


Tại Saigon Improv House, tôi luôn hướng dẫn các học viên 4 nguyên tắc quan trọng: Một là luôn đồng ý và xây dựng thêm các ý kiến đóng góp. Hai là đảm bảo người tham gia cùng được thoải mái và trở nên tuyệt vời hơn. Ba là luôn nói ra điều bản thân thực sự nghĩ. Và cuối cùng, hãy luôn xem mọi thứ đều là món quà.


Tựu trung của bốn nguyên tắc này chính là tinh thần "say yes and..." với mọi ý tưởng. Đây là nguyên tắc xương sống giúp mọi người có thể ứng tác cùng nhau.

Ứng tác không chỉ đơn thuần là ứng biến trên sân khấu...



Thông qua việc truyền đạt rõ ràng suy nghĩ cá nhân, có phải người tham gia sẽ được lợi rất nhiều trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp và bộc lộ cảm xúc không, thưa chị?


Theo tôi, lợi ích của kịch ứng tác là giúp ta xây dựng thái độ đồng ý và xây dựng thông qua việc lắng nghe và giao tiếp hiệu quả hơn. Bởi vì, nền tảng quan trọng nhất của giao tiếp là lắng nghe. Khi bạn "say yes" và chú tâm vào câu chuyện của người khác trước, thì người khác sẽ dễ lắng nghe bạn hơn. Khi lắng nghe tốt, ta cũng sẽ giao tiếp tốt. Khi đã giao tiếp tốt thì mọi việc sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.


Điều này rất đơn giản nhưng đôi khi chúng ta lại bỏ qua, vì đa số chúng ta chỉ "bắt" một vài từ khóa trong câu chuyện của người khác rồi vội vàng "nhảy" vào, trong khi người kia chưa nói hết ý nghĩ của họ.


Một lợi ích trực tiếp nữa của kịch ứng tác là sự nhanh nhạy trước những tình huống bất ngờ và tâm thế đón nhận những điều bất định. Nhờ đó, não bộ chúng ta học được chiến lược đối phó với sự tùy biến của cuộc đời.

Nếu xét về những lợi ích lâu dài thì kịch ứng tác giúp ích gì cho chúng ta?


Nói về lợi ích bền vững, tôi tin là kịch ứng tác giúp chúng ta rèn tính kỷ luật, tính đồng đội và tự nhận thức được mình có thể làm gì và không thể làm gì. Chính tư duy này sẽ giúp cuộc sống của chúng ta tích cực hơn.


Lợi ích bền vững thứ hai tôi nghĩ là sự kiên nhẫn và thái độ đón nhận. Tôi biết có nhiều bạn ban đầu không biết phải nói gì trong buổi học đầu tiên. Có những bạn rất hướng nội, sợ nói ra, sợ mở đầu; cũng có nhiều bạn gặp trở ngại và khó khăn về tâm lý. Thế nhưng, ứng tác có những kỹ thuật giúp các bạn cởi mở hơn, tự tin hơn với những tình huống bất ngờ bằng chất liệu là chính vốn sống của các bạn.


Không ít lần, tôi đã chứng kiến những học viên khép mình dần trở nên yêu đời hơn, năng động hơn, kiên nhẫn và cam kết hơn.


Và cuối cùng nhưng quan trọng nhất là Ứng Tác giúp bạn được "chơi" và "vui" - hai điều tưởng chừng như đơn giản nhưng rất quan trọng trong cuộc sống bận rộn và nhiều stress này.


Học kịch ứng tác sẽ tạo cho chúng ta một dạng "cơ bắp phản xạ", đồng thời rèn cho chúng ta cách để phản ứng đúng với bản tính tự nhiên của mình. Hành trình học ứng tác là sự tìm về màu sắc riêng của bản thân, nên cũng nhẹ nhàng thôi, không có gì đáng sợ cả (*cười*).

Trong quá trình tương tác lẫn nhau một cách ngẫu hứng, chúng ta ít nhiều vô tình chạm vào những nỗi đau, những góc khuất của nhau. Trong trường hợp đó, chúng ta nên "say yes" như thế nào trước khó khăn tâm lý của bản thân?


Dĩ nhiên là những trường hợp như vậy sẽ xảy ra. Trong ứng tác chúng tôi học cách "say yes" với cả "say no". Nếu một tình huống làm bạn không thoải mái, bạn hoàn toàn có thể ngưng cảnh đó và mọi người sẽ hiểu và tôn trọng. "Chơi ứng tác" là tìm được khoảng cân bằng giữa sự thoải mái và ra khỏi vùng thoải mái để phát triển bản thân.


Vậy lúc đó, người tham gia nên "say no" thế nào, thưa chị? Liệu đã có trường hợp nào khiến học viên của chị từ chối ứng tác hay không?


Cũng có. Nếu cảm thấy chủ đề không thoải mái, chúng ta chỉ việc nói không. Mọi người sẽ lắng nghe, tôn trọng quyết định đó. Ngoài ra, tôi vẫn hay hướng dẫn học viên một cách khác để xử lý những vấn đề nhạy cảm mà họ né tránh. Đó là đi đường vòng.


Nếu từ khóa hoặc chủ đề A nhạy cảm với bạn, bạn có thể không dùng A, mà hãy liên tưởng đến một từ khóa hoặc chủ đề B nào đó được gợi lên liên tưởng từ A. Sau đó, ta chỉ việc tập trung vào liên tưởng liên quan đến từ khóa B này.


Đó cũng là một cái hay của ứng tác trong việc đương đầu với khó khăn về mặt cảm xúc. Chúng ta không né tránh vấn đề mà tìm cách để sáng tạo ra cái khác dựa trên vấn đề đó.

... ứng tác còn giúp ta ứng phó với cuộc đời vạn biến



Là một "tay ngang" về sư phạm nên khi Saigon Improv House ngày càng có nhiều học viên, chị có gặp trở ngại nào về mặt giảng dạy hay không?


Đúng là công việc này đến với tôi như một cái duyên. Tôi muốn chia sẻ ứng tác cho mọi người vì nó đã giúp tôi rất nhiều, tôi muốn người khác cũng cảm nhận những niềm vui như vậy. Khi mới giảng dạy, tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là một môn học không dễ để giảng dạy vì mỗi buổi lên lớp dù cùng một giáo trình nhưng mỗi lớp sẽ có mức năng lượng khác nhau, cá tính học viên và ý tưởng khác nhau.


Có những lớp mà tôi mất rất lâu để mọi người phá đi chiếc áo giáp bên ngoài và có thể ứng tác cùng nhau. Có những lớp có quá nhiều bạn quen việc "lấn át" người khác và cũng có những bạn khá nội tâm nên không thể nói được câu gì trong các buổi đầu. Lúc đó tôi rất bế tắc và khó chịu vì những cá nhân đó làm ảnh hưởng đến không khí chung của lớp.


Tuy nhiên, những lớp học đó đã dạy cho tôi cách tìm những phương pháp để hướng dẫn cho từng trường hợp hiệu quả hơn. Tôi cũng học được tính kiên nhẫn và hiểu được rằng mỗi cá nhân đều có hành trình riêng của họ. Hành trình của họ có thể sẽ lâu, nhưng tôi sẽ tôn trọng và làm hết sức mình hỗ trợ họ.


Niềm vui của tôi bây giờ là sau mỗi khóa học, tôi nhìn thấy sự hạnh phúc trong mắt học viên của mình và nhìn thấy hành trình thay đổi của họ.

Khi nhìn lại hành trình gần 3 năm với kịch ứng tác và lớp học ứng tác của mình, có câu chuyện nào là động lực mạnh mẽ thôi thúc chị càng muốn tiếp tục con đường này không?


Công việc này cần nhiều năng lượng lắm. Nhiều lúc tôi mệt cả thể chất lẫn tinh thần sau các lớp dạy nhưng chính sự hào hứng của học viên làm tôi thấy được "sạc lại pin".


Nhiều bạn nói rằng lớp kịch ứng tác giúp họ yêu đời hơn, sống nhẹ nhàng hơn; có bạn áp dụng vào được trong công việc để hiểu sếp hoặc nhân viên hơn; có bạn hạnh phúc hơn trong cuộc sống gia đình. Nhiều bạn đi học rồi đưa vợ, chồng hoặc con mình đến học. Tôi rất vui.


Tôi vẫn nhớ có bạn học viên chia sẻ rằng, dù phải chăm người thân nhập viện vẫn cố gắng mỗi tối thu xếp khoảng hai giờ đồng hồ để đến lớp. Bạn ấy nói rằng, hai giờ ứng tác giúp bạn ấy xốc lại tinh thần để tiếp tục chiến đấu với khó khăn ngoài kia.


Hay có bạn ở Đồng Nai; có bạn ở tận Đà Nẵng bay ra bay vào mấy lần để đến lớp của tôi. Những bạn đó đều không ngại nắng mưa, khoảng cách địa lý để học ứng tác. Đó là vì, theo các bạn, nhờ học cách lắng nghe và ứng tác mà các bạn nhìn thấy những điểm mù mà suốt ba mươi mấy năm không nhìn ra.


Những câu chuyện như thế làm tôi càng muốn cố gắng hơn với học viên.

Chị có mong đợi gì cho tương lai sắp tới của kịch ứng tác nói chung, và của Saigon Improv House nói riêng không?


Tôi hy vọng có nhiều người được thử nghiệm môn học này hơn một cách bài bản vì khi đó tác động của nó sẽ rõ rệt và ý nghĩa hơn.


Về nhánh biểu diễn thì tôi hy vọng rằng, sang năm sau sẽ có những nhóm biểu diễn kịch ứng tác chuyên nghiệp. Tôi cũng mong là sẽ có một sân khấu chuyên dành cho kịch ứng tác.


Hành trình làm ứng tác của tôi đi tới được thời điểm này là nhờ được yêu thương và ủng hộ của rất nhiều đồng đội trong team mà tôi hay gọi là "thiên thần".



Mỗi buổi học hoặc biểu diễn ứng tác là một điều kỳ diệu chỉ xảy ra một lần và không bao giờ lặp lại. Tôi mong được sống trong điều kỳ diệu này thật lâu và giới thiệu kịch ứng tác đến với nhiều người hơn nữa.


Cảm ơn chị vì những chia sẻ quý báu cho độc giả của LeLa Journal.

Comments


bottom of page