top of page
Tìm kiếm

Hoang tưởng năng suất: Chăm chỉ bao nhiêu cũng là không đủ

Sự phổ biến của hình thức làm việc từ xa (remote working) và làm việc kết hợp (hybrid working) có phải là một cuộc "giải phóng" cho dân văn phòng?


Tưởng như là chìa khóa mở toang cánh cửa văn phòng gò bó, chật hẹp, thế nhưng, hai hình thức làm việc này lại không "lý tưởng" như nhiều người vẫn nghĩ, chúng tiềm tàng một căn bệnh mang tên: chứng hoang tưởng năng suất.



Chứng hoang tưởng năng suất là gì?


Chứng hoang tưởng về năng suất (Productivity Paranoia) là sự mất kết nối giữa nhận thức của người sử dụng lao động và nhân viên về năng suất. Microsoft đã đặt ra thuật ngữ này trong một cuộc khảo sát năm 2022, khi làn sóng xu hướng làm việc từ xa và làm việc kết hợp khiến cảm giác hoài nghi tại nơi công sở ngày càng gia tăng (1).


85% các nhà lãnh đạo cho rằng việc chuyển sang hình thức "remote working" khiến họ không biết là nhân viên có đang làm việc thật sự hay chỉ đối phó. Chỉ 12% lãnh đạo cấp cao hoàn toàn tin tưởng nhân viên của họ làm việc hết mình. Ngược lại, 87% nhân viên khẳng định họ làm việc rất năng suất, thậm chí 48% còn cho rằng họ đang kiệt sức vì công việc.



Hội chứng này không chỉ dấy lên sự ngờ vực trong lòng người sử dụng lao động mà còn đe dọa đến nhận thức của chính nhân viên về khả năng, giá trị và sự nỗ lực của mình. Bản thân người nhân viên khó tránh khỏi cảm giác lung lay về mức độ "thực sự" chăm chỉ của mình: cảm thấy áy náy khi nghỉ ngơi, thậm chí ngay cả trong giờ giải lao. Hay dù đã xong việc, họ vẫn mặc định rằng mình làm chưa đủ và cố kiếm thêm việc khác để làm.


Một dạng "năng suất độc hại"


Chứng hoang tưởng năng suất càng bùng nổ khi các công ty bắt đầu sử dụng phần mềm giám sát hoạt động nhân viên. Ước tính khoảng 40% công ty Tây Ban Nha đã áp dụng cách thức quản lý này (2). Họ theo dõi sát sao hành vi sử dụng máy tính, bao gồm: ghi lại chuyển động của chuột, thao tác gõ phím, hoạt động trên màn hình, thậm chí tính toán cả thời gian uống cà phê…


Việc này đã dấy lên một mặc định trong suy nghĩ của những nhân viên văn phòng mẫn cán: mình là người có tội. Họ sẽ dành nhiều thời gian để tìm cách "tỏ ra bận rộn", đáp ứng tiêu chuẩn công ty đề ra hơn là dành tâm trí để làm việc một cách hiệu quả.


Chất lượng công việc không những không được đảm bảo mà tâm lý của nhân viên cũng bị tác động, họ mất tinh thần cống hiến, mất niềm tin vào bản thân và doanh nghiệp, từ đó trở nên thụ động và đối phó. Chứng hoang tưởng năng suất sẽ như một "chất độc" ăn mòn sự gắn kết giữa công ty và nhân viên. Việc giữ chân nhân tài vốn đã là một "bài toán" khó giải, nay trở thành một "cuộc chiến" chẳng mấy có hậu.


Theo một nghiên cứu từ công ty chăm sóc sức khỏe và phúc lợi Westfield Health, 46% người lao động ở Vương quốc Anh đang có nguy cơ bị kiệt sức (3). Thế nhưng, ngay cả khi cơ thể đang trên bờ vực kiệt quệ và tâm trí không còn đủ tỉnh táo, nhiều người vẫn "hoang tưởng" rằng mình vẫn làm chưa đủ.


Thoát khỏi cảm giác "không đủ chăm chỉ"


Nếu hội chứng này đang bào mòn bạn từng ngày, từng giờ thì đã đến lúc bạn tự "chữa" cho chính mình bằng những gợi ý sau đây:

  • Giữ một tinh thần bình tĩnh

Nhà trị liệu tâm lý Kate Ibbotson khuyên những nhân viên đang mắc phải chứng hoang tưởng năng suất nên học cách đối xử nhẹ nhàng với chính mình. "Để làm việc hiệu quả, bất cứ ai cũng cần duy trì thói quen kỷ luật. Tuy nhiên, năng lượng và sức khỏe của mỗi người có hạn". Dồn dập, thúc ép bản thân chạy theo năng suất "ảo" chỉ khiến mọi thứ càng trượt dốc không phanh (4).


Bạn sẽ khó tránh khỏi cảm giác mình biếng nhác và chưa làm đủ nhiều. Cách duy nhất để tìm ra câu trả lời chính xác rằng bạn có đang lười biếng hay không chính là nhìn vào trạng thái sức khoẻ của bản thân. Nếu cơ thể bạn cảm thấy mệt mỏi rã rời, đầu óc căng thẳng muốn "nổ tung" nhưng bạn vẫn lo rằng mình làm việc chưa đủ siêng năng, vậy thì bạn đang ép mình một cách quá đáng.



  • Làm đúng và nghỉ đủ

Trong cơn "cuồng năng suất", bạn quên cả nghỉ ngơi. Thậm chí, chứng hoang tưởng năng suất khiến bạn nhầm tưởng rằng: nghỉ ngơi là một tội lỗi xấu xa. Bạn nghĩ rằng mình đã làm bao lâu đâu mà cần phải nghỉ ngơi hay trách chính mình mới làm có một chút đã muốn ngả lưng.


Suy nghĩ đúng phải là, dù làm việc chỉ 30 phút thôi nhưng bạn vẫn xứng đáng được nghỉ ngơi. Không phải đợi đến khi cơ thể "đình công", "kêu gào" đòi nghỉ thì lúc đó bạn mới được phép thư giãn. Đó là lý do phương pháp Pomodoro ra đời để thiết kế thời gian làm việc và nghỉ ngơi xen kẽ nhau.



Hoạt động liên tục nhiều giờ đồng hồ, ép bản thân phải làm việc cho đến khi không đủ sức để tiếp tục nữa không khác gì một hình thức ngược đãi bản thân. Thay vào đó, bạn nên học cách tập trung vào công việc trong giờ làm và thư thả hơn trong giờ giải lao bằng các hoạt động: thoải mái uống cà phê, trò chuyện với đồng nghiệp và tham gia các hoạt động giải trí…

  • Tránh so sánh bản thân với người khác

Mải mê so sánh bản thân với người khác đồng nghĩa với việc bạn cho phép họ điều khiển hành vi và thời gian cá nhân. Bạn không còn toàn quyền quản lý công việc của mình mà phải chạy theo thời gian biểu, hiệu suất của một người nào đó. Bạn buộc mình tuân theo những quy chuẩn về sức khỏe, năng lượng không đúng với bản thân.


Càng so sánh, bạn sẽ càng cảm thấy bản thân tồi tệ. Đó là một cái bẫy nguy hiểm mà bạn cần phải tránh nếu không muốn là "nạn nhân" của chứng hoang tưởng năng suất này.



Hãy coi tiềm năng của bạn là thước đo hiệu suất. Thay vì so sánh với người khác, hãy nhẹ nhàng chuyển hướng sang cạnh tranh với chính mình. Ví dụ: Hãy nghĩ xem cùng làm một đầu việc, bạn đã tốn ít thời gian hơn lúc trước chưa? Hoặc trong cùng một khoảng thời gian, bạn có làm được nhiều việc hơn không. Nếu bạn thành thạo công việc hơn, tốn ít thời gian làm việc thì đâu có nghĩa là bạn lười biếng.


Tóm lại, "cắm đầu" vào công việc hơn 8 tiếng một ngày, hy sinh giờ nghỉ trưa, đánh mất thời gian riêng tư cho bản thân, cho gia đình hay các hoạt động xã hội… để chứng tỏ mình làm việc năng suất và hiệu quả, sự "hy sinh" này không đem lại nhiều giá trị tích cực như chúng ta vẫn nghĩ. Trái lại, nó khiến chúng ta mất đi ý thức về giá trị, năng lực thực sự của bản thân khi liên tục nghĩ mình kém cỏi so với một chuẩn mực năng suất "ảo" không tồn tại.


댓글


bottom of page