top of page
Tìm kiếm

Chánh niệm cho người nghiện việc: Làm sao để cân bằng cuộc sống cá nhân và trách nhiệm công sở?

Khi guồng quay xã hội ngày càng tất bật và những yêu cầu công việc ngày càng chồng chất, chúng ta khó thể tập trung nuôi dưỡng một tinh thần khỏe mạnh khi mỗi ngày đều phải gấp rút chạy đua trên hành trình phát triển sự nghiệp. Những người nghiện công việc luôn có cảm giác họ đang lái tàu trên một đường băng, lao về phía trước với những dự án đầy hy vọng. Thế nhưng, họ đã quên rằng con tàu ấy cần phải nạp nhiên liệu cũng như tâm trí họ cần phải được nghỉ dưỡng trước khi cất cánh trở lại.



Đắm mình vào công việc là con dao hai lưỡi


Nỗ lực đạt đến ước mơ và thử sức với nhiều lĩnh vực luôn là một điều đáng trân trọng đối với mỗi người. Dù kiếm tiền và tìm cơ hội thăng tiến là nhu cầu thiết yếu, nhưng mải mê theo đuổi công việc lại dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ về cả thể chất lẫn tinh thần. Vậy nên, chuyện phân bổ thời gian giữa làm việc và tận hưởng cuộc sống như thế nào mới là hợp lý (work-life balance) cũng là một câu hỏi nan giải.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những người làm việc hơn 55 tiếng mỗi tuần có khả năng mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như đau tim hoặc đột quỵ nhiều hơn so với nhóm người chỉ làm việc từ 35 đến 40 giờ (1). Đó là lý do nhiều nước châu Âu hiện nay đang thử nghiệm mô hình làm việc bốn ngày/tuần (tương đương 32 giờ) và bước đầu nhận được kết quả tích cực.


Nhiều nhân viên công sở tâm sự rằng sự tập trung cao độ có thể giúp họ xử lý khối lượng công việc khổng lồ đang ập đến trước mắt. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ thể họ phải trả giá cho những ngày dành hàng chục giờ đồng hồ bên màn hình máy tính hoặc đẩy mình vào căng thẳng với những cuộc họp bất tận.


Thống kê mới đây từ WHO đưa ra một con số đau lòng rằng mỗi năm có hơn 745.000 người chết vì làm việc quá sức (2). Kiệt quệ do làm việc có thể dẫn đến trầm cảm, giảm hiệu quả công việc, gây mất ngủ, hình thành tâm trạng cáu kính. Cả những khả năng trí óc như sự sáng tạo, tập trung sâu, tư duy chiến lược và ra quyết định cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít.


Thật khó để có thể đầu tư cho công việc và bản thân cùng lúc nhưng đây là một việc làm cần thiết, một phương trình buộc chúng ta phải cân bằng.

Hạnh phúc đủ đầy không ở đâu xa và có thể cảm nhận rõ ràng nếu tâm trí chúng ta tĩnh lặng. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Nhiều người chưa thật sự có mặt được ở hiện tại". Phần lớn thời gian họ bị chiếm giữ bởi những hối hận ở quá khứ hay lo lắng về tương lai. Họ đang ở trong hiện tại nhưng không thật sự có mặt hoàn toàn ở hiện tại.


Giống như việc ta về nhà sau một ngày dài ở công ty nhưng trí óc không thể tập trung tận hưởng quãng thời gian ở nhà. Thay vào đó, ta vẫn lo nghĩ cho những đầu việc ngày mai, hoặc mải suy xét về cách đồng nghiệp đối xử với mình. Điều này khiến chúng ta có cảm giác công việc như chiếc đuôi đeo bám mình 24/7 và khó có thể nghỉ ngơi hoàn toàn.


Bắt đầu với sự thực tập đơn giản


Một cách đơn giản để dọn dẹp tâm thức chính là bắt đầu thực hành chánh niệm trong hoạt động thường ngày, kể cả trong lúc làm việc. Chánh niệm giúp chúng ta nhận diện được các điều kiện hạnh phúc ở ngay tại phút giây này. Khi chúng ta hít vào, chỉ cần nhận biết là chúng ta đang hít vào. Khi chúng ta thở ra, chỉ cần ý thức về hơi thở ra, đồng thời quan sát những sự việc đang xảy ra và cảm xúc dấy lên trong ta mà không phán xét chúng.


Chỉ bằng việc theo dõi hơi thở ra vào, nhận biết được những gì đang xảy ra ở thực tại, chúng ta sẽ mang tâm trí quay về với thân thể, từ đó không còn bị ràng buộc bởi những khổ đau từ quá khứ và tương lai. "Bạn không cần chờ đợi 10 năm để có được cảm giác hạnh phúc này. Nó hiện diện trong từng khoảnh khắc hàng ngày" – Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận định.


Thực hành chánh niệm được chứng minh là có nhiều đóng góp tích cực đến cách chúng ta làm việc (3). Trong số những tác động kỳ diệu của phương pháp này có thể kể đến khả năng cải thiện mức độ tập trung, phát triển trí thông minh cảm xúc, giảm nguy cơ đột quỵ, cải thiện hệ miễn dịch và quan trọng hơn hết là giảm tình trạng kiệt sức khi làm việc quá nhiều.


Thật đáng tự hào nếu bạn là người hết mình cho công việc, nhưng cuộc sống sẽ càng trọn vẹn nếu bạn có thể dừng lại một chút, tập những bước đi chậm, quan sát và nhận biết tâm trí, cảm xúc của mình rõ ràng hơn. Mỗi khi thấy mệt mỏi hoặc quá tải, hãy nhắm mắt lại và theo dõi hơi thở của chính mình, cho phép chúng ta được cảm nhận những khoảnh khắc nhẹ nhàng.


Và cuối cùng, ý nghĩa thực sự của công việc dù là để đóng góp cho xã hội, gia đình hay mang lại tự do cho bản thân hoặc có là gì đi nữa thì chỉ khi có một tâm trí hạnh phúc và thân thể khỏe mạnh, chúng ta mới có thể gieo mầm tích cực và gặt hái thành quả lạc quan mỹ mãn cho mọi điều xoay quanh cuộc sống của mình.

Comments


bottom of page