top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Khắc phục sớm tính ích kỷ ở trẻ và dạy con cách chia sẻ nhiều hơn

Hãy tưởng tượng một câu chuyện diễn ra thường xuyên trong các gia đình có trẻ nhỏ như sau: Bạn dẫn con sang nhà hàng xóm và con bạn trông thấy một món đồ chơi hấp dẫn của đứa bé nhà bên, thế là sự khó xử bắt đầu. Vì sự ham thích vô tư mà bọn trẻ không chịu nhường nhịn lẫn nhau, dẫn đến tranh giành thậm chí khóc lóc ăn vạ với người lớn. Kết cục là ai về nhà nấy và một lời khẳng định chắc nịch của các phụ huynh được đưa ra: "Con nít mà, có biết gì đâu". Làm sao để cho trẻ hiểu được ích kỷ là không tốt và học cách chia sẻ nhiều hơn với mọi người, hôm nay hãy cùng với Lela Journal đi tìm câu trả lời.



Trẻ em không ích kỷ


Ích kỷ được định nghĩa trong tử điển của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) là: "Xu hướng hành động thái quá hoặc chỉ theo cách có lợi cho bản thân, ngay cả khi những người khác bị thiệt thòi" (1) (2). Trẻ em thường bị xem là ích kỷ khi chúng thường xuyên có những hành động theo xu hướng này. Nhưng điều đó lại đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà nghiên cứu vì họ cũng đồng thời tìm thấy nhiều đặc điểm hành vi có thể xem là "mâu thuẫn với sự ích kỷ" ở trẻ.

  • Trẻ có khả năng thể hiện sự tử tế ở độ tuổi rất sớm: Một nghiên cứu của Hamlin, J. K năm 2013 phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh từ ba tháng tuổi đã thể hiện sự yêu thích đối với những cá nhân đã giúp đỡ người khác. Trong nghiên cứu, trẻ sơ sinh được cho xem một buổi biểu diễn múa rối, trong đó có một con rối chuyên giúp đỡ và một con rối đi cản trở các con rối khác. Sau buổi diễn, trẻ được trao quyền lựa chọn lấy một món đồ chơi do con rối trợ giúp hoặc con rối cản trở cầm. Kết quả cho thấy những đứa trẻ sơ sinh có nhiều khả năng chọn món đồ chơi do con rối trợ giúp cầm hơn, cho thấy chúng có sở thích về hành vi giúp đỡ trong xã hội (3). Các nghiên cứu khác của Kristen Dunfield vào năm 2014 cũng đã chỉ ra những đứa trẻ có tương tác xã hội tích cực có nhiều khả năng chia sẻ với bạn mình hơn (4).

  • Trẻ đang gặp khó khăn khi cố hiểu thế giới: Từ hai đến sáu tuổi là độ tuổi thuộc giai đoạn tiền thao tác trong học thuyết "Các giai đoạn phát triển nhận thức" của Jean Piaget. Giai đoạn này, trẻ tự cho mình là trung tâm vì chúng đang gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu cuộc sống từ bất kỳ góc nhìn nào khác ngoài chính mình. Điều đó làm cho chúng không có nhiều khả năng để hiểu cảm giác của những đứa trẻ khác khi bị chúng giành giật đồ chơi (5).


Từ những nghiên cứu trên, chúng ta có thể thấy rằng: Trẻ em vốn dĩ không ích kỷ, mà chỉ là không biết cách chia sẻ. Ích kỷ là hành động có lợi cho bản thân ngay cả khi nhận ra người khác cũng thiệt thòi, còn nhận thức của trẻ em lại chưa đủ lớn để nhận ra người khác đang chịu thiệt thòi vì chúng. Trẻ vẫn đang phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc, bao gồm cả sự đồng cảm và có thể chưa hiểu được cảm giác của những người xung quanh. Tuy nhiên, bằng sự hướng dẫn đúng đắn và củng cố tích cực từ phụ huynh, trẻ em có thể học cách quan tâm và chia sẻ nhiều hơn với mọi người.

Làm sao để dạy trẻ học cách chia sẻ nhiều hơn?


Tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa William Sears đã dành hơn 50 năm trong sự nghiệp để tư vấn cho các bậc phụ huynh cách nuôi dạy trẻ khỏe mạnh. Ông còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn là "Bác sĩ Bill" với hàng trăm cuốn sách và chương trình nuôi dạy trẻ. Theo ông "Trẻ em thường ít chịu chia sẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, đây là một phần bình thường của quá trình phát triển. Nhận biết và chấp nhận điều này là bước đầu tiên trong việc dạy con bạn trở nên hào phóng hơn". Hãy cũng LeLa Journal học cách nuôi dạy trẻ trở nên hào phóng qua phương pháp của vị tiến sỹ, bác sỹ và đồng thời cũng là cha của tám đứa trẻ này.




1. Bắt đầu dạy trẻ học cách sẻ chia từ độ tuổi nào?


Khả năng chiếm hữu là một phần tự nhiên trong nhận thức ngày càng phát triển của đứa trẻ. Từ năm hai tuổi đến ba tuổi, đứa trẻ chuyển từ trạng thái đồng nhất sang trạng thái tách biệt, đồng thời nỗ lực để thiết lập một bản sắc riêng biệt với cha mẹ.

Đứa trẻ lớn dần và phát triển sự gắn bó với mọi thứ xung quanh. Chính những gắn bó này đóng vai trò quan trọng để giúp trẻ trở thành một người khỏe mạnh về mặt cảm xúc sau này. Một số trẻ gắn bó với một món đồ chơi đến nỗi con búp bê cũ nát trở thành một phần không thể thiếu của bản thân. Vì thế trẻ không hề thấy an toàn chút nào khi con búp bê này ở trong tay một đứa trẻ khác.


Sự chia sẻ đúng nghĩa mang ngụ ý về niềm đồng cảm, khả năng thấu hiểu người khác và biết nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ. Trẻ em dưới sáu tuổi hiếm khi có khả năng đồng cảm thực sự. Trước thời điểm đó, chúng có xu hướng chia sẻ vì cha mẹ biết cách tạo điều kiện hoặc khuyến khích trẻ làm như vậy. Đừng mong đợi một đứa trẻ dưới hai tuổi rưỡi biết chấp nhận chia sẻ. Nhưng, nếu được hướng dẫn một cách đúng đắn, đứa trẻ đó có thể dễ dàng chia sẻ hơn khi lên ba hoặc bốn tuổi. Đặc biệt, khi trẻ bắt đầu chơi chung với nhau và hiểu được tinh thần đồng đội trong trò chơi tập thể, chúng bắt đầu thấy được giá trị của việc chia sẻ.

2. Không ép buộc


Đối với người lớn, đồ chơi chỉ là đổ chơi. Đối với một đứa trẻ, đó là những món đồ rất có giá trị trong thế giới nhỏ bé của mình. Ép con giao những món đồ chơi đấy cho đứa trẻ khác không phải là đang giáo dục về cách chia sẻ, mà là sự thiếu tôn trọng đối với tính chiếm hữu vốn đang rất đặc trưng ở độ tuổi này.


Hơn nữa, một vài phụ huynh thường "tỏ ra rộng rãi", tức là trước mặt nhiều người thì yêu cầu trẻ phải biết nhường nhịn đồ chơi để được tiếng là người hào phóng. Hãy cẩn thận với điều này!

Nếu con bạn chuyên đi giành giật đồ chơi, trẻ sẽ sớm nhận ra bạn bè đồng trang lứa sẽ không muốn chơi cùng mình nữa. Nếu con bạn là nạn nhân bị tranh giành, điều trẻ cần là học sức mạnh của việc từ chối bằng cách nói "không". Sau những năm mẫu giáo, trẻ em sẽ trải qua giai đoạn "điều này có lợi gì cho mình" tiến triển thành giai đoạn "điều này có lợi gì cho chúng ta" về mặt xã hội. Dần dần, với một chút giúp đỡ của cha mẹ, trẻ em học được rằng cuộc sống sẽ trôi chảy hơn nếu chúng biết chia sẻ và hợp tác với mọi người.


3. Làm gương về sự rộng lượng


"Một đứa trẻ được nhận nhiều thứ từ trước sẽ dễ dàng biết cách cho đi" - "Bác sĩ Bill" đã kết luận như vậy khi quan sát và nhận thấy những đứa trẻ nhận được sự gắn bó của cha mẹ trong hai năm đầu đời có nhiều khả năng trở thành những đứa trẻ biết chia sẻ hơn, vì hai lý do:

  • Một là khi tiếp nhận sự hào phóng, trẻ sẽ noi gương theo hình mẫu đó và trở thành những người hào phóng.

  • Hai là một đứa trẻ cảm thấy an toàn sẽ có nhiều khả năng chia sẻ hơn, đồng thời chúng cũng không cần nhiều thứ để chứng tỏ giá trị bản thân.

Khi ai đó hỏi mượn một trong những món đồ có ý nghĩa với chúng ta, hãy biến điều này thành một khoảnh khắc làm gương. Cụ thể, các bậc phụ huynh có thể nói với trẻ rằng: "Ba đang cho bác ấy mượn cuốn sách hay nhất của ba đấy".


4. "Bấm giờ" có thể là một cách hay


Sử dụng đồng hồ bấm giờ có thể giúp bạn làm trọng tài trong những cuộc xung đột của trẻ. Chẳng hạn như khi hai đứa bé trạc tuổi đang bắt đầu tranh giành đồ chơi. Bạn can thiệp bằng cách yêu cầu mỗi đứa chọn một con số và người nào chọn số gần nhất với số mà bạn chuẩn bị trước sẽ nhận được đồ chơi trước. Sau đó, bạn đặt đồng hồ hẹn giờ. Hai phút là thời gian phù hợp với sự chú tâm của trẻ nhỏ, hoặc bạn có thể yêu cầu đứa trẻ lớn đợi lâu hơn. Khi đồng hồ bấm giờ tắt, đồ chơi sẽ đến tay đứa trẻ thứ hai trong khoảng thời gian tương ứng. Lúc lấy đồ chơi khỏi tay đứa trẻ này và trao cho đứa trẻ kia là thời khắc quan trọng, hãy nhớ đếm ngược thật lớn khi gần hết giờ và cố gắng khiến cho việc chuyển giao này trở nên hào hứng, nhờ đó trẻ có thể sẽ quên đi việc chúng muốn sở hữu món đồ chơi nhiều như thế nào.


Nếu phương pháp thời gian không hiệu quả, hãy tạm dừng đồ chơi. Phụ huynh nên đặt món đồ lên kệ xa tầm với của con và giải thích rằng đồ chơi sẽ ở đó cho đến khi trẻ học được cách nhường nhịn. Trẻ em có thể hờn dỗi hoặc ăn vạ, nhưng sớm hay muộn chúng cũng nhận ra rằng: "Chia sẻ món đồ đó còn tốt hơn là bị tịch thu hoàn toàn". Từ đó, bọn trẻ sẽ học cách thỏa hiệp và hợp tác để mọi người đều có lợi.


5. Bảo vệ sở thích của con khi dạy chúng chia sẻ


Nếu trẻ con cứ bám lấy những món đồ chơi quý giá của mình, hãy tôn trọng sự gắn bó này, đồng thời dạy trẻ biết chia sẻ và rộng lượng. Việc một đứa trẻ giữ khư khư một số đồ chơi và hào phóng cho đi những món khác là điều bình thường. Phụ huynh có thể phải đóng vai trò là người hòa giải bằng cách khuyên răn như: “Món đồ chơi này là quà sinh nhật đặc biệt của bạn ấy. Con có thể chơi với những thứ khác này cho đến khi bạn sẵn sàng và thoải mái chia sẻ nhé". Bằng cách này, chúng ta đang dạy cả hai đứa trẻ việc tôn trọng quyền sở hữu và sự riêng tư của nhau.

Comments


bottom of page