Bạn đang phân vân không biết nên làm nghề gì khi không có điều kiện học đại học, hoặc bạn đang muốn tìm một công viêc tay trái để kiếm thêm thu nhập mà không có bằng cấp chính quy. LeLa Journal chia sẻ một số công việc mang tính chất đặc thù, không đòi hỏi bằng cử nhân mà vẫn có thể giúp bạn có thêm thu nhập ổn định.
1. Viết lách
Một trong những lựa chọn được nhiều người đam mê văn chương và muốn truyền tải thông tin đến mọi người chính là nghề viết. Đây là công việc có nhiều lựa chọn để cân nhắc, chẳng hạn như: viết báo, viết sách, viết nội dung cho website, fanpage,…
Với công việc này, bạn cần lên ý tưởng, sắp xếp nội dung cho bài viết nhằm thu hút người đọc. Để có thể làm chủ con chữ, ngoài có đam mê thì bạn cần:
Đọc thật nhiều. Không phải ai cũng giỏi từ khi bắt đầu, mỗi cái nhà được xây lên cũng nhờ nền mống chắc, và viết cũng không ngoại lệ. Kỹ năng viết giỏi được hình thành khi chúng ta đọc nhiều và thực hành viết thật nhiều.
Lên dàn ý trước khi bạn bắt đầu viết bất cứ điều gì nhằm đảm bảo sự đầy đủ của thông tin và tính mạch lạc của vấn đề.
Bám sát tiêu đề và nội dung chính cần truyền tải.
Sau khi viết xong hãy đọc lại nhiều lần để rà soát từng lỗi chính tả, văn phạm... Vì đây là điều cơ bản để đánh giá bạn có chuyên nghiệp hay không
Đứng trên quan điểm của độc giả để đánh giá, nhận xét chính bài viết của bạn.
Chú ý căn chỉnh câu cho rõ ràng, rành mạch. Vì một câu quá dài sẽ dễ mắc lỗi ngữ pháp. Và cũng không ai muốn đọc xong một đoạn văn thật dài mà không hiểu nội dung chính là gì.
Đừng xem nhẹ những lời góp ý vì nó giúp bạn nhận ra ưu-khuyết trong cách chuyển tải nội dung, từ đó viết tốt hơn mỗi ngày. Thế nên, đừng bỏ qua những bình luận từ độc giả hoặc góp ý từ khách hàng sử dụng dịch vụ viết lách của bạn nhé.
Mức thu nhập trung bình: 6 - 8 triệu đồng/tháng
2. Nhà sáng tạo nội dung
Content Creator (nhà sáng tạo nội dung) dùng để gọi tên những người dùng sự sáng tạo của mình để lên ý tưởng và sản xuất các ấn phẩm truyền thông (nội dung trên mạng xã hội, Blog, Video, TVC…) với mục đích truyền tải thông điệp đến đối tượng mục tiêu. Thuật ngữ Content Creator được sử dụng chủ yếu trong ngành marketing, truyền thông, quảng cáo.
Những kỹ năng cần có của một Content Creator:
Đọc hiểu và nắm bắt thông tin: Để làm được các nội dung truyền tải đúng thông điệp của doanh nghiệp và thương hiệu, một Content Creator cần nắm rõ tất cả thông tin liên quan đến công ty, sản phẩm. Vậy nên, kỹ năng đọc hiểu và phân tích nội dung là một trong những yếu tố tiên quyết mà người làm sáng tạo phải có và trau dồi mỗi ngày.
Tư duy sáng tạo: Đây là yếu tố bắt buộc nếu bạn muốn theo đuổi và thành công với công việc này. Với sự phát triển của công nghệ thông tin giúp cho rất nhiều nội dung truyền thông được sáng tạo và đưa đến công chúng mỗi ngày. Nếu bạn không biết “bắt trend” và nghĩ ra những nội dung mới liên tục sẽ khiến cho thông điệp của doanh nghiệp nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn, cũng như giảm tỷ lệ thu hút sự chú ý của người dùng.
Biết sử dụng công cụ sáng tạo nội dung: Để nghiên cứu thị trường, tìm kiếm ý tưởng, bạn phải có kiến thức cơ bản về Google Trend, Keyword Planner, Google Search Console, Ahrefs… Để thiết kế ảnh/banner, bạn cần thành thạo Photoshop, AI, Canva… Và để quay dựng video, bạn cũng nên nắm rõ các thao tác sử dụng Animaker, Proshow Producer, Camtasia, AE…
Mức thu nhập trung bình: 100.000-500.000 đồng/sản phẩm.
3. Chuyên viên trang điểm
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhu cầu làm đẹp ngày càng được chú trọng. Chẳng hạn như mỗi mùa cưới hoặc mùa lễ tốt nghiệp, số lượng cô dâu và học sinh, sinh viên có nhu cầu trang điểm để chụp ảnh kỷ niệm là vô cùng lớn. Đây chính là cơ hội mở ra cho những bạn trẻ có năng khiếu làm đẹp có thể biến sở thích của mình thành một nghề nghiệp thật sự. Bạn có thể đăng ký những khóa học make-up ngắn hạn tại các trung tâm hoặc tìm nơi dạy uy tín và theo học nghề trong khoảng 6 tháng đến 1 năm để nâng cao tay nghề.
Khi theo đuổi nghề make-up, chúng ta cần hiểu rằng không có công thức chung cho những ngành nghề liên quan đến việc làm đẹp. Vì nghệ thuật là phá cách và thay đổi, còn "cái đẹp" lại tùy thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người. Một người thợ lành nghề sẽ biết cách hoàn thiện tác phẩm của mình trở nên độc đáo và độc nhất. Mỗi gương mặt sẽ có những cách trang điểm riêng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
Mục đích sử dụng: Make-up khi đi diễn trên sân khấu sẽ khác với cô dâu đi tiệc, hoặc sinh viên chụp kỷ yếu. Thế nên, trước khi bắt tay vào việc, bạn cần biết được khách hàng sẽ tham dự vào dịp lễ tiệc gì hoặc sự kiện ra sao, có như vậy bạn mới có thể tìm được đúng phong cách trang điểm phù hợp cho khách hàng.
Tình trạng da của khách hàng: Mỗi làn da có những phản ứng khác nhau với các thành phần trang điểm, từ da thường, hỗn hợp, dầu, khô, nhạy cảm... Ngoài ra, chuyên gia trang điểm cũng phải biết về tình trạng da của khách như mụn đỏ, nám, kích ứng, dị ứng, tàn nhang...
Ưu - khuyết điểm trên từng đường nét của khuôn mặt
Văn hóa bản địa: Mỗi vùng miền, địa phương và quốc gia sẽ có những cách trang điểm khác nhau để thể hiện được bản sắc văn hóa và phong cách đang thịnh hành tại nơi đó.
Mức thu nhập trung bình: 250.000đ-1.500.000 đồng/lần trang điểm. Con số này sẽ dao động tùy theo tay nghề của người thợ trang điểm và có thể cao hơn gấp đôi, gấp ba với những chuyên gia trang điểm danh tiếng.
4. Nhiếp ảnh
Đây là công việc có thể không đòi hỏi bằng cấp chính quy, nhưng vẫn cần kinh nghiệm thực tiễn từ rất nhiều năm đúc kết lại. Nhiếp ảnh luôn là một môn nghệ thuật đong đầy những giá trị không lời. Chụp một bức ảnh không khó chút nào nhưng để có tác phẩm đẹp cũng như có thể kiếm tiền từ môn nghệ thuật này thì chỉ đam mê là chưa đủ. Bởi vì dù có chụp ở bất cứ mảng nào (kỷ yếu, sự kiện, chân dung, thương mại...) thì nếu bạn không cập nhật kiến thức về kỹ thuật, phương tiện và công nghệ mới được cập nhật mỗi ngày thì cũng đến lúc bạn sẽ bị lạc hậu và không còn theo kịp đà phát triển của thị trường.
Có 3 kỹ năng mà bạn cần phải làm chủ nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp:
Kỹ năng chụp ảnh: Biết cách sử dụng công cụ nhiếp ảnh (các hệ máy ảnh như máy chụp phim, máy chụp DSLR, máy ảnh compact... hệ thống đèn và chắn sáng...) để chụp ra những tấm ảnh đạt yêu cầu.
Kỹ năng hậu kỳ: Có thể sử dụng thành thạo các phần mềm chỉnh sửa như Photoshop, Lightroom... để trau chuốt lại bức ảnh một cách hoàn hảo nhất.
Kỹ năng kinh doanh: Biết cách giới thiệu hình ảnh do mình chụp được đến đông đảo công chúng, cũng như kết nối với khách hàng để thỏa mãn các tiêu chí, nhu cầu, mong muốn trong từng bộ ảnh.
Mức thu nhập trung bình: 1 - 3 triệu đồng/bộ hình. Chi phí này sẽ cao hơn với những nhiếp ảnh gia có tên tuổi, kinh nghiệm làm nghề lâu năm.
5. Huấn luyện viên thể hình (gym, yoga, zumba...)
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe chủ động ngày càng tăng cao thì ngành nghề huấn luyện viên thể hình cũng đang được các bạn trẻ chú ý trong những năm gần đây. Không đòi hỏi bằng cấp đại học, bạn chỉ cần có sức khỏe dẻo dai, nắm bắt các tư thế luyện tập một cách rõ ràng và một chứng chỉ hành nghề (đối với yoga) hoặc chứng nhận từ tổ chức thể thao uy tín (đối với gym) là bạn có thể xin việc được rồi.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu về dinh dưỡng một cách khoa học và kỹ càng. Một số kỹ năng khác cần thiết cho công việc này là: thấu hiểu được nhu cầu và mục đích của mỗi học viên, biết cách lên kế hoạch và sắp xếp lộ trình luyện tập phù hợp cho từng đối tượng, kỹ năng sale và chăm sóc khách hàng để duy trì lượng học viên ổn định.
Mức thu nhập trung bình: 5-7 triệu/tháng
Không phải công việc nào cũng yêu cầu bằng cấp, nhiều nơi tuyển dụng vẫn ưu tiên cho những người có kinh nghiệm chuyên môn. Thế nhưng, đi một ngày đàng, học một sàng khôn, nếu có điều kiện thì chúng ta vẫn nên dồn sức để nâng cao kiến thức. Dù là tốt nghiệp trường lớp chính quy để có tấm bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tìm một công việc chỉ đòi hỏi tay nghề đi chăng nữa thì chúng ta đều cần cố gắng mỗi ngày, trau dồi từ kiến thức đã học, quan sát những người đi trước. Làm đúng, làm có trách nhiệm với công việc bạn chọn thì mỗi ngày đều sẽ hạnh phúc với lựa chọn của mình và mức thu nhập ổn định.
Comments