top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

KTS Bảo Phan: Bảo trợ là cách tốt để đồng hành và thấu hiểu họa sĩ

Từ những thú vui thú vị nhưng chóng vánh như sưu tập đồng hồ vintage, sưu tập tem, sưu tập tiền,... Bảo Phan dần phát hiện những xúc chạm đa dạng và sâu sắc với giới họa sĩ đương đại Việt Nam đã mở cho anh một cánh cửa sưu tập nghệ thuật bền bỉ và độc đáo hơn. Thế nhưng, công việc sưu tập của Bảo không đơn thuần là thú vui, là sưu tầm thêm những tác phẩm mới, mà đó là sự bảo trợ, hỗ trợ lâu dài cho người nghệ sĩ.



Bảo bắt đầu bén duyên với sưu tập cách đây gần 4 năm về trước. Chỉ trong một thời gian ngắn tầm 2 năm, anh sở hữu một số lượng tác phẩm đáng kể và thành lập phòng tranh GoMA (Gallery of Modern Art) để chia sẻ với công chúng "những hơi thở" mới trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tôi gọi đây là giai đoạn sơ khai của Bảo trong hành trình sưu tập, và cho đến giai đoạn này, nó bắt đầu thực sự đang chín muồi, khi anh chọn đi cùng một vài họa sĩ với vai trò bảo trợ và hỗ trợ.


Bảo trợ là một hình thức sưu tập không mới, nhưng đòi hỏi ở người sưu tập sự kiên nhẫn đồng hành cùng họa sĩ. Họ không đơn thuần chỉ bỏ tài chính ra để hỗ trợ nghệ sĩ rồi lấy tranh, mà thực tế là hỗ trợ nghệ sĩ triển lãm và nhiều điều khác, nhằm giúp thực hành sáng tạo của nghệ sĩ thêm bền bỉ và thăng hoa qua thời gian.


LeLa Journal đã có buổi trò chuyện thân tình với Bảo Phan để hiểu thêm về công việc ý nghĩa và đầy cảm hứng này của anh.


Anh đang có một cách tiếp cận mới khá độc đáo trên hành trình sưu tập, đó là bảo trợ cho những họa sĩ đương đại. Anh có thể chia sẻ đôi chút về cách chọn lựa họa sĩ để bảo trợ?


Tôi đang đồng hành cùng một vài anh em nghệ sĩ cũng chạc tuổi mình, họ vẽ tranh đương đại với gu cá nhân riêng biệt. Tôi nghĩ mình sống ở thời đại nào thì nên hít thở bầu không khí của thời đại đó. Đó là điều mà mình cần tiếp nối, để về sau, mọi người còn có thứ để chiêm nghiệm lại.


Nếu như chúng ta không tiếp nối, mà cứ mải quay lại thời kỳ nghệ thuật trước, thì sẽ tạo ra một lỗ hổng. Đồng ý là chúng ta nên quay lại bởi đó là những điều giá trị, nhưng không có nghĩa là mình nên sống trong quá khứ mãi. Phải có lớp người tiếp tục để đẩy tinh thần anh em nghệ sĩ hiện thời đi lên. Những người họa sĩ trẻ, họ đã làm nghề, họ cần có sự hỗ trợ tinh thần và động lực để phát huy sáng tác.


Thật ra, tôi biết con đường mình đi là hơi khác thị hiếu chung. Chẳng hạn, tôi chọn đồng hành và bảo trợ cho họa sĩ Bùi Hoàng Dương vì tôi thấy Dương có chất riêng của mình. Tôi không so sánh Dương với ai khác, và liệu họ khen chê Dương như thế nào, nhưng với cá nhân tôi, khi nhìn vào tranh Dương, tôi biết đây là Dương. Với nghệ thuật, mình phải nhìn ra được bút pháp và tư tưởng riêng của nghệ sĩ. Và tôi đã thấy được điều ấy ở Dương.

Điều đó hẳn đòi hỏi ở anh sự quan sát bề rộng lẫn bể sâu, để chọn được một họa sĩ có nét riêng?


Trong sưu tập, chúng ta có sưu tập theo chiều ngang và sưu tập theo chiều dọc. Sưu tập chiều ngang có nghĩa là mình mua tranh, chơi tranh của họa sĩ đó trong năm này, nhưng năm sau mình có thể không mua nữa. Tôi cảm thấy sưu tập theo chiều ngang không thật sự có giá trị.


Trong khi đó, với sưu tập theo chiều dọc, mình có thể đồng hành cùng cuộc đời người họa sĩ, có lúc họ thăng trầm có lúc họ đỉnh cao, có lúc xuống dốc và có cả thời gian họ ngưng luôn không vẽ, hoặc những thời kỳ mới ra trường họ vẽ như thế nào, năm tiếp theo ra sao. Tôi dọc theo cuộc đời nghệ sĩ, và khi chơi tranh, cũng dọc theo quá trình sáng tác của họ. Điều đó sẽ giúp tôi hoàn thiện bộ sưu tập cũng như làm giàu đời sống của mình.


Tôi làm bạn với cuộc đời người họa sĩ, chứ không phải chỉ sở hữu một tấm toan hay chất liệu. Để hiểu tranh, mình cần hiểu họa sĩ, vì tranh chẳng qua là phản chiếu tâm hồn họ.


Ngoài tiêu chí về chất riêng đặc biệt, anh có lựa chọn họa sĩ dựa trên sự đồng cảm với những câu chuyện đằng sau bức tranh của họ?


Từ lúc tôi bắt đầu chơi tranh đến nay cũng đã hơn 3 năm. Tôi đang ngấm sâu hơn từng thể loại, và biết được giờ đây, nghệ thuật đang theo hướng nào. Khi chọn tranh, yêu tranh, mình chắc chắn sẽ cảm tính. Như thể mua gì, ăn gì, thì cảm tính ban đầu là hiển nhiên. Tuy nhiên, tranh không phải chỉ dừng lại ở đó, vì nó không đơn thuần là sản phẩm.


Với tranh, mình cần thời gian thẩm thấu và nhìn ra cái hay. Nhiều người mất 20 năm, có người chỉ mất 2 năm, tùy theo độ cảm riêng. Tôi đồng hành cùng người họa sĩ có sự đồng cảm với mình. Vì thật ra, người bảo trợ - sưu tập cũng giống như người họa sĩ, chỉ là họ không thực vẽ thôi, nhưng họ vẫn có những tâm tình như vậy.

Tôi sát vai cùng người họa sĩ mà mình có thể tin tưởng, làm việc tử tế, đi cùng nhau một con đường dài và đồng cảm được với mình. Giống như tri kỷ, người bảo trợ không vẽ nhưng bản chất họ vẫn là một người yêu nghệ thuật. Nếu hai anh em đi được với nhau, hiểu nhau để đi đến cuối thì đó là một điều mà tôi rất trân quý. Dương là một người tôi thấy đi cùng được đường dài bởi Dương rất thoải mái và sòng phẳng, chúng tôi cũng tôn trọng lẫn nhau.


Mình chọn người giống như mình đang chọn câu chuyện cuộc đời của người đó.


Triển lãm "Trong Một Không Gian" của Bùi Hoàng Dương do Bảo Phan bảo trợ tại Bảo Tàng Mỹ Thuật TP HCM. Ảnh: Ly Doi


Trong tranh, tất cả những hình hay nét đều là tri kỷ của họa sĩ, tôi tin là như vậy, chứ không phải họ vẽ một cách bất chợt hay ngẫu nhiên. Họ đến với hình tượng đó vì họ có mối liên kết với nó. Bùi Hoàng Dương là người Mường nên cũng thấu hiểu văn hóa, sử thi của người Mường. Tranh của Dương cũng mang tư tưởng đó, và tư tưởng trong tranh mới là điều giá trị, giá trị hơn cả màu và hình.


Trong quá trình bảo trợ, anh thường hỗ trợ cho họa sĩ những gì? Họa sĩ sẽ tự do vẽ hay có những lưu ý gì khác?


Tôi sẽ bảo trợ tiền xưởng hàng tháng, cung cấp tấm toan, màu vẽ, vẽ xong thì tôi đứng ra tổ chức triển lãm, chăm lo cho mọi khâu trong sự kiện. Về cơ bản, số tranh thuộc toàn quyền mình sở hữu. Mỗi bức bán được, tôi sẽ trích lại phần trăm như đã thỏa thuận cho họa sĩ.


Có người hỏi khi đang bảo trợ cho một họa sĩ, làm sao mình kiểm soát được các tranh, giả sử như người khác đến trực tiếp mua tranh, không nhất thiết phải qua người bảo trợ thì giải quyết thế nào? Đối với cá nhân tôi, tinh thần luôn luôn là mình muốn người họa sĩ bán được càng nhiều tranh càng tốt. Bởi cuộc sống của họ rất khó khăn, đầu tiên mình phải là người chia sẻ cái muộn phiền với họ. Khách đến tìm và giao lưu thì mình sẽ là người mừng cho họ.


Nhưng tôi và Dương cũng có quy định riêng, với triển lãm cá nhân, tất cả tranh vẽ trong một năm sẽ do hai chúng tôi cùng quản lý, sở hữu và phát triển. Những tranh nào ngoài bộ sưu tập này thì họa sĩ có quyền tự do của họ. Không phải bảo trợ là tất cả cuộc đời của họ mình đều có thể quyết định. Mình bảo trợ trong giai đoạn nào, triển lãm cá nhân hay nhóm, mình chỉ quyết trong một khoảng nhỏ.


Tôi cũng không can thiệp vào cách vẽ tranh của Dương vì mình không thật sự có đủ khả năng. Ngay cả họa sĩ với họa sĩ cũng không thể kiểm soát được, bởi mỗi người sẽ có một khả năng riêng và cảm xúc riêng. Tinh thần của tôi là cứ tự do thoải mái, mình chỉ đứng vai trò là người hỗ trợ chứ không can thiệp vào chuyên môn. Mình không thể nào hiểu về chuyên môn bằng người trực tiếp cầm cọ vẽ.

Anh cảm thấy sưu tập bằng con đường bảo trợ như thế này có gì mới so với những cách đầu tư, sưu tập nghệ thuật khác?


Tôi nhận ra mình thu được nhiều giá trị. Theo hướng này không phải vì nó rẻ, nếu nghĩ bảo trợ để thu được số tranh với mức giá rẻ thì mình sẽ không bao giờ đi lâu dài. Mình phải nghĩ đến việc tạo ra giá trị gì, nhận được giá trị gì trong loạt tranh đó, và nhất là làm sao để người họa sĩ có cơ hội để thở trong sáng tạo.


Như Hà Hùng, một họa sĩ khác mà tôi đã từng rất phù hợp, thì với anh ta, vẽ tranh là hơi thở. Trong giai đoạn tu, Hùng cũng gặp nhiều khó khăn. Khi Hùng không vẽ được, tôi cũng hiểu là "tâm hồn Hùng" đang ngưng thở. Một con người mà tâm hồn ngưng thở thì sẽ như thế nào! Là một người yêu nghệ thuật, tôi cảm thấy điều đó chạm đến mình.


Với họa sĩ, chúng tôi cứ vậy trao đổi với nhau, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, chứ không nhất thiết phải hoành tráng. Mình phải giữ cho tâm hồn của họ được thở, giữ cho mạch làm việc liên tục đã.


Hồi xưa khi mới sưu tập, tôi cũng bắt đầu với tình yêu nhưng vẫn còn khoe khoang. Nghĩ rằng mình thích chơi tranh thì người ta sẽ nhìn bằng khía cạnh khác chẳng hạn. Đồng ý là xuất phát từ tình yêu, nếu không yêu thì chẳng bỏ vài triệu đến vài chục triệu để mua bức tranh, nhưng mình vẫn có mặt "tối" kia, nó vẫn tác động nhiều đến mình.


Sau khoảng thời gian đó, tôi thử đi theo hướng bảo trợ, nói chuyện với họa sĩ nhiều hơn để hiểu họ, đến tận xưởng, ăn với họ và ngủ với họ. Cảm thấy họ vẽ một cách tự do và chẳng quan tâm bán được bao nhiêu. Họ vẽ bởi vì họ vẽ, đó là "mạng sống" của họ. Nếu không vẽ thì giống như ngày đó mình chưa được ăn vậy. Nhìn họ như vậy, tôi cũng suy nghĩ lại, rằng tại sao mình lại đặt nặng vấn đề lợi ích cao hơn vấn đề nghệ thuật.


Bảo trợ không có nghĩa là không cần “thương mại”. Nếu bảo trợ mà không tổ chức triển lãm, không giao lưu được tranh thì đó là thất bại. Nhưng mình không nghĩ đến việc tổ chức ào ạt và tập trung vào số lượng tranh được bán. Nhiều khi chỉ bán một, hai bức trong triển lãm nhưng tôi cũng cảm thấy rất vui rồi.


Đi theo con đường này, mình cũng “im” hơn, không còn xô bồ như xưa. Mình rất điềm tĩnh, biết rõ con đường mình đang đi. Tuy rằng chỉ tổ chức triển lãm một năm một lần, nhưng hai anh em cũng cùng làm việc và tạo cho nhau sự kỷ luật. Dương bảo tôi phải có một khoản tiết kiệm, chuẩn bị tiền sẵn để năm sau đặt chỗ triển lãm, tôi thì bảo Dương cứ vẽ, bằng mọi cách đến ngày đó giờ đó phải có được một bộ tranh.


Đồng hành cùng họa sĩ trên từng chặng đường như vậy, có lẽ anh cũng được truyền cảm hứng phần nào!


Vẽ tranh cũng giống như viết nhật ký. Họa sĩ thì họ thể hiện qua tranh, một cái hình nói lên cả ngàn lời nói. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều.


Mỗi người sẽ tự có cách nào đó để tâm mình tĩnh lặng, có người đi ăn một món ăn ngon, có người đi uống một ly rượu, hay nghe một bản nhạc, tôi thì thích nhìn tranh. Cứ nhìn tranh tâm mình sẽ tĩnh lặng, sẽ được giải tỏa phần nào.


Khi mình lắng nghe nghệ sĩ cũng vậy, con người mình trở nên khiêm tốn hơn. Mình phải khiêm tốn thì mới hiểu được họ. Trong nghệ thuật, tôi rất thích từ “see”, dịch ra là thấy, những cũng có nghĩa là hiểu. Đối với tranh nói riêng và nghệ thuật nói chung, thấy lại khác hiểu. Mình thấy tranh khác với chuyện mình hiểu được nó.


Khi đến xưởng với họa sĩ, mình thấy chỗ họ ăn ngủ, thấy tranh họ vẽ, đó là mình thấy về mặt vật lý, nhưng hiểu thì mình cần thấu hiểu bằng tâm hồn. Khi họa sĩ vẽ cũng vẽ bằng con mắt vật lý là thấy, và cả con mắt tâm hồn là hiểu. Người bảo trợ cũng nên là một người thấu hiểu, chứ không chỉ thấy không.


Có người khi nhìn tranh thì phán xét rằng tranh tiêu cực quá, tâm hồn họa sĩ lúc ấy hẳn rất bí bách. Nhưng như anh chia sẻ, có lẽ, trước tất cả các bức tranh, với người bắt đầu hay đã lâu năm, điều cốt lõi có lẽ là sự mở lòng bao dung?


Đối với tôi, nghệ thuật không có tiêu cực. Nghệ thuật là thứ để kết nối mọi người với nhau. Khi xem tranh, mình rất cần sự bao dung. Nếu xem tranh mà không bao dung, ta sẽ không bao giờ thưởng thức được một tác phẩm trọn vẹn.


Nếu không bao dung thì mình sẽ soi mói, phán xét, nhưng đó chỉ là tự mình suy diễn. Bản thân tác phẩm là như vậy thôi. Là cái đẹp. Một bức tranh mỗi ngày phải nghe một ngàn lời vô lý, nhưng bản thân nó thì đâu có “quan tâm”.

Nếu bao dung, mình sẽ thấy thương người họa sĩ. Họ đang muốn thoát ra khỏi tình trạng đó, họ đang muốn giãi bày gì đó hoặc đang rơi vào giai đoạn thử thách. Nếu bao dung, mình sẽ nhìn tranh được bằng cách khác, nhìn tâm hồn người đó không phải cực đoan, mà là họ đang muốn thoát khỏi sự cực đoan đó, và đó là một điều tích cực.



Đôi khi làm việc với nghệ sĩ, nhiều khi tôi cũng cảm thấy họ hơi bản năng. Họ rất thoải mái, sao cũng được và không quan tâm quá nhiều đến thế giới, không cần biết bán được tranh hay không. Đôi khi tôi cũng hơi tức giận, nhưng sau lại thấy mình đang là người đồng hành cùng họ, thì nên thương hơn là nên “quạu”. Mình tức giận cũng là đang theo bản năng, vậy tại sao lại trách họ?


Điểm xuất phát luôn là tâm họ rất tốt, như vậy anh em mới làm việc lâu dài được với nhau.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này!

Ảnh: NVCC

Comments


bottom of page