top of page
Tìm kiếm

Kỷ luật tích cực: Phương pháp "uốn nắn" trẻ hiệu quả

Nuôi dạy trẻ ngày nay đã trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn khi cha mẹ không thể áp dụng những thói quen cũ mà ông bà ta hay dùng ngày trước. Không được la mắng, không được so sánh và không được nuông chiều, vậy có cách nào giúp "uốn nắn" trẻ một cách khoa học hơn hay không? Lela Journal sẽ giới thiệu đến các bậc phụ huynh phương pháp "kỷ luật tích cực" đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với kỷ luật thông thường.



Khác biệt giữa kỷ luật thông thường và kỷ luật tích cực


Kỷ luật thông thường là việc sử dụng hình phạt hoặc phần thưởng để kiểm soát hành vi của trẻ, phương pháp này dựa trên nguyên tắc "toàn quyền quyết định" của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Mặc dù có thể mang lại hiệu quả nhất thời, nhưng nó không hề bền vững trong thời gian dài và dễ dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ.


Trái lại, kỷ luật tích cực là một phương pháp tập trung vào trẻ em, nhấn mạnh sự tôn trọng, hợp tác và giải quyết vấn đề. Đây là một phương pháp nuôi dạy con cái dựa trên công trình nghiên cứu của hai nhà tâm lý học là Alfred Adler và Rudolf Dreikurs, sau đó được phổ biến bởi Tiến sĩ Jane Nelsen (1).

Kỷ luật tích cực bao gồm việc đặt ra giới hạn và kỳ vọng rõ ràng, dạy cho trẻ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống và không sử dụng biện pháp trừng phạt để hướng dẫn các hành vi của trẻ. Phương pháp này giúp trẻ phát triển, cải thiện các kỹ năng và mối quan hệ xã hội (2), nâng cao thành tích học tập (3), xây dựng mối quan hệ cha mẹ - con cái bền chặt hơn (4) và tạo ra môi trường học tập tích cực (5).

Khi nào nên áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực?


Tiến sĩ Nelsen cũng là tác giả của cuốn "Kỷ luật tích cực" và nhiều cuốn sách khác về nuôi dạy con thông minh. Bà đã triển khai một loạt các hội thảo và chương trình đào tạo cấp chứng chỉ về kỷ luật tích cực cho phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia khác. Theo bà, chúng ta nên áp dụng phương pháp này cho trẻ trong từng trường hợp như sau:


1. Khi trẻ có các hành vi sai trái

  • Bạo lực hoặc hung hăng: Nếu trẻ có các hành vi bạo lực như ẩu đả hoặc tỏ thái độ hung hăng với người khác, chúng ta cần can thiệp ngay lập tức nhưng vẫn phải bình tĩnh. Sử dụng giọng điệu kiên quyết nhưng tôn trọng để nhấn mạnh rằng điều này là không thể chấp nhận được và dạy trẻ tìm cách thích hợp hơn để bày tỏ cảm xúc, như việc nói ra rằng "con cảm thấy tức giận" hoặc "con cần không gian riêng". Cha mẹ cũng có thể dạy cho trẻ lớn hơn một vài cách để kiểm soát cơn giận một cách lành mạnh như hít thở sâu hoặc thư giãn…

  • Từ chối tuân theo các quy tắc hoặc hướng dẫn: Nếu một đứa trẻ có hành vi này, trước hết hãy cố gắng tìm hiểu xem nguồn cơn của vấn đề là gì. Trẻ thường cảm thấy khó hiểu, lo lắng hoặc không chắc chắn về những gì mà chúng cần phải thực hiện. Sử dụng giọng điệu tích cực và khuyến khích thay vì trừng phạt. Cung cấp cho trẻ những chỉ dẫn rõ ràng và đưa ra các lựa chọn để giúp chúng cảm thấy dễ hiểu hơn. Khen ngợi những nỗ lực và tiến bộ thay vì chỉ tập trung khen ngợi thành tích khi trẻ đạt được kết quả rõ ràng.

  • Ngắt lời hoặc cãi lại: Nếu một đứa trẻ đang ngắt lời hoặc cãi lại thì cần phải cho chúng hiểu rằng việc này là thiếu tôn trọng người khác. Phương pháp kỷ luật tích cực ở đây chính là cha mẹ cần làm gương về sự tôn trọng trong giao tiếp và đặt ra các chuẩn mực rõ ràng. Giải thích rằng ngắt lời hoặc cãi lại trong khi người lớn đang nói sẽ không giải quyết được vấn đề. Dạy trẻ chờ đến lượt và bày tỏ suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình một cách thiện chí, lễ độ nhất.

  • Nói dối hoặc ăn cắp: Giải quyết trực tiếp hành vi này nhưng không nên đổ lỗi hoặc trừng phạt, mà phải giải thích cho trẻ hiểu rằng việc nói dối hoặc ăn cắp là sai trái và gây tổn thương đến người khác như thế nào. Giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của sự trung thực và tôn trọng tài sản cá nhân. Dạy chúng cách sửa đổi và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Khuyến khích sự trung thực bằng cách tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ, nơi những sai lầm được coi là cơ hội để học hỏi và phát triển.



2. Khi trẻ gặp rắc rối về nếp sống, sinh hoạt

  • Không chịu đi ngủ: Chiến lược kỷ luật tích cực ở đây là cho trẻ thực hiện thói quen đi ngủ bằng cách đưa ra các lựa chọn và khuyến khích trẻ tham gia. Ví dụ, phụ huynh hãy yêu cầu trẻ chọn một cuốn truyện để đọc hoặc giúp sắp xếp chỗ ngủ của chúng. Ở một số quốc gia, nhiều cha mẹ vẫn còn giữ thói quen đọc truyện cho bé trước khi đi ngủ, điều này rất hữu ích vì sẽ khuyến khích trẻ háo hức đợi đến giờ ngủ, chứ không mang tâm lý bị ép buộc. Nếu chúng vẫn chống cự, hãy giúp "những kẻ ham chơi này" hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ và lợi ích của việc nghỉ ngơi đầy đủ.

  • Biếng ăn, kén chọn trong ăn uống: Trẻ có thể biếng ăn, không chịu ăn hoặc không chịu thử món mới. Phương pháp kỷ luật tích cực trong trường hợp này là cho trẻ tham gia vào việc lập kế hoạch và khuyến khích chúng cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn. Ví dụ, phụ huynh hãy yêu cầu trẻ chọn giữa hai món ăn đều có lợi cho sức khỏe, hoặc cũng có thể bảo chúng giúp rửa rau quả, dọn bát đũa. Nếu trẻ vẫn không chịu ăn, hãy sử dụng ngôn ngữ đồng cảm và tích cực để giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh cũng như nếm thử các loại thực phẩm mới.

  • Tranh giành sử dụng các thiết bị: Việc trẻ thường xuyên giành giật điều khiển tivi hoặc các đồ chơi với người khác là có thể hiểu được. LeLa Journal gợi ý bạn đọc tham khảo thêm các bài viết về cách khắc phục sớm tính ích kỷ ở trẻgiúp cho thời gian xem tivi trở nên ý nghĩa hơn.

Theo Tiến sĩ Jane Nelsen: "Kỷ luật tích cực không phải là trở thành một bậc cha mẹ hoàn hảo, mà là trở thành một tấm gương mẫu mực về sự tôn trọng, lòng tốt và tính kiên trì. Chìa khóa để chiến lược này thành công là cha mẹ phải hiểu rằng đây là quá trình dạy dỗ và hướng dẫn trẻ em nên người chứ không phải một hình phạt thông thường”.


Comments


bottom of page