Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, gia tăng thu nhập bằng việc làm thêm nhiều "job" đang là chủ đề mà nhiều người quan tâm. Với mong muốn không phụ thuộc hoàn toàn vào một mức lương cố định, xu hướng có thêm công việc "tay trái" là một lựa chọn có thể giúp cuộc sống trở nên phong phú và đa sắc màu hơn. Tuy nhiên, việc khó phân bố thời gian hợp lý lại là một trở ngại lớn, khiến nhiều người còn phân vân về việc bắt tay vào làm thêm một công việc khác. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu thêm nhé.
"Làm ngoài" đang là xu hướng
Khi các chi phí sinh hoạt vẫn đang tăng nhanh, từ tiền điện, tiền nhà, tiền sinh hoạt, đến những khoản chi tiêu cá nhân thì nhu cầu làm thêm cũng trở nên cấp bách hơn. Công việc thứ hai không chỉ cải thiện thu nhập và giúp cuộc sống đỡ vất vả, mà còn giúp bạn tích lũy thêm vô số kinh nghiệm thực tiễn. Chúng tạo nên vốn sống - tư trang cần thiết để bạn có thể thích ứng với các môi trường khác nhau. Đồng thời, công việc thứ hai cũng giúp hồ sơ của bạn trở nên ấn tượng hơn với các nhà tuyển dụng. Ngoài ra, việc sắp xếp thời gian để làm hai công việc cùng một lúc sẽ khiến cho não bộ của bạn luyện được sự tập trung cao độ, ít sa đà vào những điều vô bổ, từ đó, cuộc sống sẽ trở nên lành mạnh hơn (1).
Lợi thì có lợi, nhưng…
Chúng ta cũng không thể bỏ quên những trở ngại khi làm thêm một hoặc nhiều công việc khác.
Quỹ thời gian eo hẹp: Thông thường, công việc thứ hai chỉ yêu cầu ít vốn đầu tư mà lại giúp chúng ta tận dụng triệt để được thời gian nhàn rỗi. Tuy nhiên, đối với một số công việc, nếu muốn duy trì lâu dài để thu được hiệu quả cao, bạn cần đầu tư thêm công sức và thời gian. Khi một cá nhân phải bỏ ra nhiều thời giờ vào công việc thì quỹ thời gian cho các hoạt động khác sẽ bị giảm xuống, bao gồm việc nghỉ ngơi, duy trì các mối quan hệ xã hội, chăm sóc gia đình...
Sức khỏe giảm sút: Không chỉ giới hạn ở việc ít có thời gian nghỉ ngơi, khi quá bận rộn, sức khỏe con người cũng bị giảm sút. Cơ thể chúng ta vốn chỉ chịu đựng được cường độ làm việc trong khoảng 8 tiếng (2). Nếu làm quá nhiều trong khoảng thời gian quá lâu, cơ thể sẽ có nguy cơ bị "hao mòn", hoặc thậm chí là bị tổn thương nghiêm trọng, trong đó tiềm ẩn một số căn bệnh nguy hiểm, như suy giảm trí nhớ, gián đoạn giấc ngủ, tổn thương xương khớp, mắc bệnh về tim mạch, não bộ… (2)
Ảnh hưởng đến công việc chính: Khi có công việc bên ngoài, chúng ta khó có thể chú tâm hoàn toàn vào công việc chính. Trong nhiều trường hợp, một số cá nhân còn lạm dụng thời gian của công việc chính để làm việc bên ngoài. Khi hiệu quả công việc bị giảm xuống, chúng ta khó có thể được thăng tiến hoặc tăng lương trong công việc chính của mình.
Cân bằng đời sống khi làm hai việc cùng một lúc
Phân bố thời gian hợp lý: Thời gian chính là yếu tố quan trọng nhất khi bạn làm hai công việc cùng lúc. Bạn có thể tạo "vision board" (bảng tầm nhìn) mỗi tuần, mỗi tháng cho từng công việc. Ngoài ra, để quản lý thời gian tốt hơn, bạn có thể tham khảo ma trận Eisenhower, phương pháp Pomodoro (3).
Lựa chọn công việc phù hợp: Nếu bạn đang cân nhắc làm thêm một công việc khác, hãy tính đến phương án "làm thử" trước. Bạn có thể xem xét hình thức làm miễn phí hoặc làm với mức phí thấp để tích lũy kinh nghiệm, và quan trọng nhất là để xác định liệu công việc đó có khiến bạn thích thú, có phù hợp với lối sống của bạn, hoặc bạn có thể đảm đương tốt hay không.
Chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần: Bạn có thể thực hiện bằng cách tranh thủ dành thời gian dưới ánh nắng mặt trời, uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm có chứa axit amin, kết nối với những mối quan hệ tích cực và lành mạnh, lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với bản thân (chạy bộ, yoga, đẩy tạ...) và duy trì luyện tập tối thiểu 15 phút mỗi ngày... (4), (5), (6).
Bạn có thể tham khảo thêm những cách khiến bản thân hạnh phúc ngay cả khi bận rộn như sau: Serotonin: Hormone hạnh phúc, "sứ giả hóa học" chữa lành tổn thương Dưới góc nhìn khoa học, hạnh phúc không ở đâu xa |
Có nên đổi việc nếu "nghề phụ" phù hợp hơn?
Rất nhiều người đồng ý rằng gia tăng thu nhập là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn và phấn đấu cho sự nghiệp. Vì vậy, khi nhận thấy nghề nghiệp bên ngoài đang trên đà thuận lợi, chúng ta có xu hướng cân nhắc việc đầu tư toàn bộ công sức và thời gian vào nó - đồng nghĩa với chuyện đổi việc. Tuy nhiên, trước khi đổi việc, bạn cần phân tích cụ thể tình hình trước mắt và dự báo sự thay đổi trong tương lai.
Bên cạnh những vấn đề và tiêu chí cơ bản như tìm hiểu rõ liệu công việc tiếp theo có thể kéo dài bao lâu, tiềm năng có thể thay thế công việc hiện tại hay không, bạn còn phải lưu ý tới sự ổn định, cũng như khả năng gia tăng nguồn thu nhập trong tương lai. Việc chuyển công việc phụ thành công việc chính chắc chắn sẽ có nhiều trở ngại, vì khi bạn chọn nó như công việc bên ngoài thì chính bạn cũng chỉ cam kết vào một phần việc giới hạn, không đi quá sâu vào quy trình công việc hoặc thậm chí là các vấn đề chuyên môn. Trong trường hợp bạn làm nó như một công việc chính, bạn cũng sẽ phải tham gia vào quy trình và tổ chức nhiều hơn bạn nghĩ. Việc làm quen và học hỏi lại từ đầu sẽ khó khăn và áp lực hơn. Trên thực tế, đa số mọi người đều khuyên nên giữ gìn công việc đầu tiên hoặc tìm hiểu thật kỹ trước khi bạn đổi công việc.
Đừng ngại thử làm thêm một công việc thứ hai, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn cho mình đủ thời gian và cơ hội để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng, bảo đảm được sự cân bằng giữa công việc và đời sống (work-life balance). Xem xét những ưu và nhược điểm khi làm hai công việc, bạn có thể quyết định được liệu công việc làm thêm có phù hợp với mình hay không.
Sau cùng, dù bạn làm song song cả hai việc, hãy cố gắng đừng vì sự bận rộn mà quên đi ý nghĩa, mục đích cốt lõi và giá trị bản thân mà bạn xây dựng ban đầu. Chúng không chỉ là mức thu nhập rủng rỉnh, mà còn là niềm vui khi được sống với đam mê, sự tự hào vì bản thân đem lại cho bản thân và gia đình cuộc sống đầy đủ, hay những giờ phút đi làm thực sự vui vẻ và ý nghĩa.
Comments