top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Một vạn câu hỏi "tại sao" của trẻ: Cha mẹ trả lời thế nào mới đúng?

Trẻ nhỏ bắt đầu đặt các câu hỏi sớm nhất là từ lúc 18 đến 24 tháng tuổi. Một đứa trẻ 4 tuổi có thể đặt khoảng 150 câu hỏi mỗi ngày. Theo Paul Harris, Tiến sĩ tâm lý học tại Đại hoc Harvard: ”Trẻ em từ hai đến năm tuổi đặt trung bình khoảng 40.000 câu hỏi mỗi năm” (1). Đây quả thực là một con số đáng kể, không chỉ thể hiện sự tò mò vô hạn của trẻ mà còn cho thấy áp lực to lớn của phụ huynh khi phải có trách nhiệm giải đáp những câu hỏi này.


Không chỉ dừng lại ở đó, những câu hỏi của trẻ ngày càng tăng về số lượng lẫn độ phức tạp, dễ khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy phiền toái. Không ít người chọn giải pháp lờ đi hoặc thậm chí là quát mắng mỗi khi trẻ bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh. Điều đó gây ra ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhận thức lẫn tâm lý của trẻ. Vậy chúng ta phải đối diện với vấn đề như thế nào? Hãy cùng LelaJournal tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này.



Việc đặt câu hỏi của trẻ là rất quan trọng


Hiểu được sự quan trọng này sẽ giúp các bậc phụ huynh thông cảm hơn đối với sự “phiền toái dễ thương” này của trẻ. Giai đoạn bắt đầu đặt câu hỏi cũng là lúc trẻ bắt đầu phát triển khả năng ngôn ngữ. Chúng nhận ra rằng có một thế giới rộng lớn bên ngoài bản thân và cách khám phá nhanh nhất chính là đặt câu hỏi.


Trong nền văn hóa của Hy Lạp cổ đại, họ xem việc đặt câu hỏi và tò mò về thế giới xung quanh chính là khởi nguồn cho niềm yêu thích sự hiểu biết. Niềm yêu thích (philo) và sự hiểu biết (sophia) cũng là nền tảng của triết học (philosophy) ngày nay (2). Nói một cách gần gũi hơn, những đứa trẻ chính là các "triết gia mới chớm". Khuyến khích và tạo điều kiện cho việc đặt câu hỏi là rất cần thiết cho sự phát triển của mỗi cá nhân khi còn nhỏ.


Những câu hỏi không hề dễ dàng


Sẽ đơn giản hơn nếu như trẻ chỉ quanh đi quẩn lại với những câu như: ”Cái gì?”, “Ai đây?”, “Ở đâu?”, “Khi nào?”. Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu phức tạp từ khi trẻ đặt ra câu hỏi “Tại sao?”.


Tại sao bầu trời màu xanh? Nước biển lại mặn, trên cành có chim? Tại sao sao mắt mẹ lim dim? Sao không cùng bé xem phim cuối tuần?

Trẻ bắt đầu biết đặt câu hỏi “tại sao, vì sao” khi bước sang tuổi thứ tư. Đây là độ tuổi đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển trí thông minh, khi mà thế giới bắt đầu trở nên phức tạp, đồng nghĩa với việc cần nhiều thông tin hơn để tìm hiểu. Trong muốn vàn các câu hỏi “tại sao” đó, có rất nhiều câu gây khó dễ cho cả người lớn vì nó chạm đến các vấn đề mang tính triết học như: “Tại sao con người lại sinh ra để rồi chết đi”, ”Tại sao con lại buồn”... Hoặc là những câu hỏi mang tính “nhạy cảm” mà người Việt vẫn còn đang dè chừng: “Tụi con từ đâu... chui ra?”, ”Làm thế nào để có em bé?”...



Những gợi ý dành cho phụ huynh


Đối với những câu hỏi ngày càng nhiều và đa dạng như vậy, các bậc phụ huynh tiến bộ ngoài việc dành thời gian để trả lời một cách phù hợp theo độ tuổi của trẻ, thì cũng có một số điều cần lưu ý:

  1. Thẳng thắn: Không nên đánh trống lảng, hoặc thậm chí là nói dối về vấn đề mà mình không biết chính xác câu trả lời. Chúng ta có xu hướng xây dựng hình ảnh bản thân là một người mẫu mực, luôn có đáp án cho mọi tình huống. Nhưng thực tế thì làm thì như vậy chỉ khiến con bạn hiểu sai vấn đề hoặc bé sẽ bắt đầu hoài nghi về người lớn hơn mà thôi. Những lúc này, hãy thẳng thắn thừa nhận mình không biết và cùng bé đi tìm câu trả lời.

  2. Nhận trách nhiệm: Trẻ luôn tìm đến bạn để hỏi mọi điều? Chúc mừng bạn nhé vì không phải ai cũng có cơ hội đó đâu. Đứa trẻ thường sẽ chỉ hỏi những người mà nó cảm thấy an toàn và tin cậy. Nếu bạn thoái thác điều này thì sẽ rất dễ mất đi cơ hội phát triển mối quan hệ khắng khít, bền chặt với trẻ. Và lần sau, khả năng cao là nó sẽ tìm người khác hoặc tệ hơn là không còn mở miệng hỏi bạn bất kỳ điều gì nữa.

  3. Hạn chế sự tiêu cực: Các câu hỏi có thể hơi nhạy cảm nhưng đừng vội xem điều đó là sai hoặc cấm trẻ hỏi nữa, bởi điều này chỉ càng khơi dậy sự tò mò cho trẻ mà thôi. Những lúc như vậy, trước tiên nên tìm hiểu lý do tại sao đứa bé lại quan tâm đến chủ đề này. Rồi từ đó xác định xem liệu đây là sự tò mò đơn thuần hay vì đứa trẻ đã vô tình nhìn thấy hoặc biết được một điều gì đó.

  4. Tự tin: Không nên tỏ ra lúng túng và bối rối trước câu hỏi. Nó sẽ giúp bạn trông đáng tin hơn và điều này là rất cần thiết để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với trẻ.

  5. Thân thiện: Có một không gian thoải mái, riêng tư để làm cho cuộc nói chuyện trở nên thân mật, gần gũi. Ví dụ như có thể vừa dẫn trẻ đi dạo vừa trả lời, hoặc cho trẻ ngồi vào lòng mình. Điều này sẽ biến khoảng thời gian với trẻ trở nên ý nghĩa và đáng nhớ (3).


Khi cha mẹ không có nhiều thời gian để trả lời


Quả thật không phải ai cũng có thể đủ kiên nhẫn hay dư dả thời gian cho những câu hỏi "trên trời dưới đất" như vậy. Có thể xem xét một vài phương án như sau:

  1. Giới hạn khoảng thời gian để trả lời câu hỏi của trẻ trong một khung giờ nhất định: Cách này sẽ giúp các bậc cha mẹ có thể tiết kiệm thời gian và tập thói quen cho trẻ ghi nhớ lại những thắc mắc trong ngày để hỏi một lần vào khung giờ cố định. Tuy vậy, phương pháp này thường không hiệu quả lắm vì trẻ rất mau quên, đặc biệt là khi có quá nhiều sự kiện diễn ra trong ngày.

  2. Hỏi ngược lại trẻ: Đây là một phương pháp rất hay để hưỡng dẫn trẻ đi tìm câu trả lời. Cách này sẽ giúp trẻ phát triển thói quen tư duy, tự lập nhiều hơn. Thực tế là những câu hỏi “tại sao” sẽ luôn dẫn đến một câu hỏi “tại sao” khác và cứ liên tục như vậy. Hỏi ngược lại trẻ hay hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi là phương pháp được nhiều chuyên gia về trẻ em trên thế giới sử dụng làm công cụ giáo dục mang lại hiệu quả (4). Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi kinh nghiệm và sự tinh tế của phụ huynh.

  3. Đưa trẻ đến những cộng đồng quan tâm đến vấn đề này: Hiện nay có rất nhiều người quan tâm đến việc phát triển tư duy và nhận thức của trẻ nên một số lớp học, trung tâm đã ra đời để đáp ứng các nhu cầu đó.

Và cuối cùng, sẽ có lúc chúng ta rất mệt mỏi, nhưng hãy nhớ lại tầm quan trọng của việc để trẻ đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh, từ đó có thêm kiên nhẫn giúp con mình phát triển toàn diện về nhận thức lẫn tâm lý bình thường.

Comments


bottom of page