top of page
Tìm kiếm

"Muốn yêu thì phải tin", nhưng muốn tin người yêu thì phải làm sao?

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, lòng tin luôn là một trong những đặc điểm nền tảng cần được nuôi dưỡng trước tiên, vì khi tin một ai đó, chúng ta mới thấy an toàn và muốn gắn bó lâu dài cùng họ. Vậy thì sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng sẽ ảnh hưởng ra sao đến tình cảm đôi bên, và làm sao để có thể đặt niềm tin vào đúng người?


Điều gì khiến ta chọn tin một người?



Theo Giáo sư - Nhà tâm lý học Sabrina Romanoff: "Tin tưởng nghĩa là có cảm giác an toàn khi ở cạnh ai đó và tin rằng họ sẽ không làm tổn thương hay xâm phạm đến mình. Sự tin tưởng là nền tảng của mối quan hệ vì nó cho phép chúng ta dám thể hiện những khoảnh khắc yếu đuối, những góc khuất tâm lý dễ bị tổn thương mà không cần che giấu cảm xúc thật của mình trước họ" (1).


Một giả thuyết về sự gắn bó (Attachment Theory) đã lý giải vì sao chúng ta có thể tin tưởng được người mình yêu như sau: Trải nghiệm về các mối quan hệ trong quá khứ của một người có thể sẽ định hình nên kỳ vọng của người đó về tình yêu trong tương lai.

Nếu các mối quan hệ trong quá khứ là tốt đẹp, cá nhân đó sẽ có khả năng xây dựng lòng tin với người yêu kế tiếp (đây gọi là sự gắn bó an toàn). Nếu những sự kiện xảy ra trong quá khứ, kể cả với cha mẹ hay những người quan trọng đã để lại ấn tượng tồi tệ, họ khó có khả năng tin tưởng và thường lo lắng về việc bị bỏ rơi, từ chối, đồng thời cảm thấy không thoải mái khi lấy đối phương làm điểm tựa (2).


Hai nhà nghiên cứu Campbell và Stanton cho rằng những kinh nghiệm quá khứ cùng với cách người yêu hiện tại đang đối xử với chúng ta sẽ hình thành nên mức độ tin tưởng trong một mối quan hệ. Và lòng tin là thứ có thể phát triển theo thời gian khi cặp đôi gắn bó với nhau. Nếu cả hai cùng lựa chọn trở nên tử tế, làm những điều tốt nhất để vun đắp mối quan hệ, niềm tin sẽ được hình thành vững chắc. Nếu đưa ra những hành động ích kỷ, gây nhiều thương tổn cho cả đôi bên, tất nhiên niềm tin sẽ bị suy giảm (3).



Thử tưởng tượng trong một mối quan hệ thiếu niềm tin, người trong cuộc vì cảm thấy thiếu an toàn nên dễ nảy sinh lòng bán tín bán nghi dù vẫn còn tình cảm với đối phương. Từ những nghi ngờ trong tâm trí, họ bắt đầu hành động như thể câu chuyện mình suy diễn là thật và thể hiện hành vi kiểm soát, chẳng hạn như kiểm tra điện thoại, giờ giấc hoạt động trong ngày của nửa kia, nói chuyện bóng gió về những mối quan hệ xung quanh hoặc xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí là xung đột dẫn đến bạo lực.


Không chỉ ghen tuông, sự thiếu niềm tin còn bao gồm cả việc không tôn trọng các quan điểm, giá trị sống và hành động của đối phương. Nếu không còn tin tưởng vào những gì người yêu có thể làm được, họ dần có nhiều bất đồng quan điểm và tạo ra hố sâu khoảng cách, vì hai bên không còn xem nhau là người đáng tin, từ đó không thể bộc lộ những ý nghĩ, suy tư sâu thẳm của mình.


Đáng tiếc rằng, những điều này không đem lại “sự thật” mà ta đang tìm kiếm. Chúng ta không biết được liệu suy đoán của mình là đúng hay sai và những mâu thuẫn này chỉ làm mối quan hệ trở nên xấu đi. Đáng chú ý hơn, cách bạn đối xử với một người có thể sẽ định hình tính cách của họ trong tương lai.


Nếu bạn hành động như thể cô ấy/anh ấy là người tốt, đáng tin cậy, bạn đang củng cố niềm tin cho họ rằng họ có khả năng làm được điều đó. Nếu bạn ra sức chỉ trích những lỗi lầm của họ mà không có cách giải quyết, bạn đang “nhắn nhủ” rằng họ có rất nhiều khuyết điểm và không ai có thể tin tưởng họ được nữa.

Vì sao học cách tin tưởng người khác nên bắt đầu với tin tưởng chính mình?



Sự tin tưởng trong tình yêu là một yếu tố cần được nuôi dưỡng từ cả hai bên. Theo quan điểm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, sự hiểu biết có thể xem là tên gọi khác của tình yêu - rằng yêu một người có nghĩa là hiểu đầy đủ về hạnh phúc lẫn nỗi đau của người đó. Ngay cả khi đã nắm được điều này, chúng ta vẫn thường bị loanh quanh trong các định kiến của mình mà quên mất người kia đang trải qua những "sóng gió" trong tâm tư. Thiền sư minh họa qua ví dụ sau đây:


“Nếu đổ một nắm muối vào cốc nước, chúng ta không thể uống được. Nhưng nếu bạn đổ muối xuống sông, mọi người có thể tiếp tục lấy nước để uống, nấu ăn và giặt giũ. Bởi dòng sông rất bao la, nó có khả năng tiếp nhận, ôm ấp và chuyển hóa. Khi trái tim của chúng ta nhỏ bé, sự hiểu biết và lòng trắc ẩn bị hạn chế sẽ khiến chúng ta đau khổ. Nếu không thể chấp nhận và tha thứ cho người khác vì những thiếu sót của họ, chúng ta thường có xu hướng yêu cầu họ thay đổi. Nhưng khi trái tim rộng mở, những điều tương tự không thể làm chúng ta phiền lòng nữa. Bằng cách chấp nhận con người họ, chúng ta đang gián tiếp trao cho họ cơ hội để thay đổi” (4).

Cảm giác tin tưởng có xu hướng được xây dựng từ trong những khoảnh khắc nhỏ như khi chúng ta có mặt, lắng nghe, thấu hiểu và ủng hộ nhau. Giáo sư Brené Brown của Đại học Houston nhận định: "Đó là khi bạn biết đối phương đang thất vọng, đau khổ nhưng vẫn lắng nghe và không phán xét họ. Ngược lại, bạn cũng tìm đến để nhờ họ hỗ trợ khi gặp khó khăn" (5).



Để "phát triển" trái tim của mình và nuôi dưỡng khả năng thấu hiểu, tin tưởng người khác, trước tiên chúng ta cần tự nuôi dưỡng lòng tin và tình yêu với bản thân. Khi đã học được cách hiểu, tin và có lòng trắc ẩn với chính mình, chúng ta sẽ dùng nó để đối xử với người kia.


Chẳng hạn, nếu biết nuôi dưỡng hạnh phúc qua việc rèn luyện lòng biết ơn hoặc tập thiền, chúng ta sẽ nâng cao được hạnh phúc tổng thể và từ đó nhìn đời, nhìn người bằng một góc nhìn tươi mới, tích cực hơn mà vẫn hiểu được bản chất vấn đề. Khi đó, bạn không còn tập trung vào quá nhiều sự tiêu cực cũng như các khuyết điểm, mà sẽ động viên người đó trở nên tốt hơn bằng cách chỉ ra những điều tốt đẹp mà họ có khả năng thực hiện.


Chính vì vậy mà việc "trở về ngôi nhà bên trong chính mình" và học cách tin tưởng bản thân sẽ có thể củng cố niềm tin của chúng ta vào những mối quan hệ khác trong cuộc sống. Khi đã tin bản thân có thể làm được những gì và nhận ra các giá trị của mình, chúng ta dễ tin tưởng hơn vào sự thiện lương của đối phương cũng như "tiềm năng" cả hai trở thành bạn đời của nhau. Điều này cũng giúp ta sáng suốt hơn khi quyết định đi hay ở trong một mối quan hệ thiếu sự tin tưởng, để không còn dằn vặt, bám chấp vào những ghen hờn rồi làm khổ lẫn nhau.


Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Khi yêu một ai đó, bạn phải có niềm tin và sự tự tin. Yêu mà không có lòng tin thì chưa phải là yêu. Để làm điều đó, ta cần có lòng tin và sự tôn trọng đối với chính mình. Hãy tin rằng bạn có bản chất tốt và từ bi. Tình yêu đích thực không thể thiếu sự tin tưởng cùng tôn trọng đối với người thương và chính mình” (4).

Commentaires


bottom of page